100 ngày ông Trump quậy tung nước Mỹ và thế giới

Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ hai, ông Trump nhanh chóng tung loạt quyết sách "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", làm đảo lộn nhiều khía cạnh của đất nước và thế giới.

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump đã cho thấy chính quyền của ông đang không ngừng theo đuổi những lời hứa tranh cử, nhằm tạo nên "4 năm vĩ đại nhất của nước Mỹ". Với việc đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện, ông Trump như "hổ thêm cánh" để đẩy nhanh thực hiện nghị trình đưa Mỹ vào kỷ nguyên hoàng kim.

Khi chính quyền mới bước sang ngày thứ 100 nắm quyền, dấu ấn của ông Trump xuất hiện khắp nơi, với những tác động sâu rộng tới nước Mỹ cũng như cả thế giới. Nhiều cam kết tranh cử đã được chính quyền Trump thực hiện, nhưng cũng còn nhiều điều dang dở.

Theo Công báo Liên bang, ngoài các tuyên bố, chỉ thị, bản ghi nhớ, ông Trump trong 100 ngày qua đã ký tổng cộng 139 sắc lệnh hành pháp, bằng số lượng mà cựu tổng thống Joe Biden làm trong 4 năm. Ông đã tiếp đón 14 lãnh đạo nước ngoài, có bài phát biểu dài nhất trước quốc hội và trả lời các câu hỏi của phóng viên gần như mỗi ngày.

Joan Hoff, giáo sư lịch sử tại Đại học Bang Montana kiêm cựu chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống, nói rằng không có tổng thống nào kể từ Franklin D. Roosevelt năm 1933 thực hiện công việc với tốc độ nhanh như ông Trump.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 12/2. Ảnh: Reuters
Xem toàn màn hình
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 12/2. Ảnh: Reuters

Về đối nội, nhập cư và an ninh biên giới nằm trong những cam kết hàng đầu của ông Trump và chính quyền mới đã đạt những kết quả nhất định. Trong nhiệm kỳ của ông Biden, số vụ vượt biên trái phép từ Mexico vào Mỹ từng cao kỷ lục, gần 250.000 vụ vào tháng 12/2023, trước khi giảm còn hơn 47.300 vụ vào tháng 12/2024. Dưới thời ông Trump, con số này tiếp tục xuống còn 8.346 trong tháng 2 và 7.181 trong tháng 3.

Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đang truy quét và trục xuất lượng lớn người nhập cư trái phép và phạm tội. Nỗ lực được đẩy nhanh dẫn đến một số trường hợp bị trục xuất nhầm và gia tăng căng thẳng giữa Nhà Trắng với nhánh tư pháp và các nhóm hoạt động dân quyền.

Những thành tựu về kiểm soát biên giới được xem là chiến thắng chính trị cho ông Trump ngay trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ hai, theo giới quan sát.

"Dù bạn là bên ủng hộ hay phản đối, tôi nghĩ hầu hết mọi người đều đồng tình rằng Nhà Trắng đã trải qua những ngày tương đối bận rộn. Ông ấy chắc chắn đã nỗ lực hết mình", Patrick Malone, giáo sư về hành chính công và chính sách tại Đại học Mỹ ở Washington, nhận xét.

Giáo sư Malone cho rằng ông Trump chắc chắn đã khiến cho việc nhập cư vào Mỹ trở nên khó khăn hơn. "Một số người sẽ coi đó là thành công, trong khi một số khác cho rằng điều đó không phù hợp với các giá trị Mỹ", Malone nói.

Ông Trump cũng tiến hành chiến dịch cải tổ chính quyền liên bang bằng cách thiết lập Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), dựa trên ý tưởng của tỷ phú Elon Musk, với nòng cốt là những người trẻ am hiểu về công nghệ.

Sau hơn ba tháng, DOGE đã hoạt động rất quyết liệt, can thiệp sâu vào mọi hoạt động của bộ máy chính phủ, cắt giảm hàng loạt nhân sự và ngân sách, nhưng cũng làm dấy lên tranh cãi về giới hạn quyền lực, khi cho giải thể nhiều cơ quan, tìm cách tiếp cận dữ liệu nhạy cảm của chính phủ, châm ngòi nhiều vụ kiện ở tòa án.

Truyền thông Mỹ ước tính hơn 100.000 nhân viên liên bang đã bị sa thải hoặc chấp nhận phương án nghỉ việc từ DOGE.

Ngân sách mà DOGE tiết kiệm được từ chiến dịch tinh giản không như kỳ vọng, mức hứa hẹn từ 2.000 tỷ USD đã giảm còn 1.000 tỷ USD. DOGE trên thực tế thông báo cắt giảm được 160 tỷ USD, trong khi thời hạn "nhân viên chính phủ đặc biệt" 130 ngày của ông Musk đang cận kề. Phe chỉ trích tỏ ra hoài nghi về con số do DOGE công bố.


Về kinh tế, ông Trump khi vận động tranh cử đã hứa hẹn dùng thuế quan để chấm dứt tình trạng bất công mà Mỹ đang phải chịu, khôi phục nền sản xuất của Mỹ và khiến lạm phát giảm. Ngay ngày đầu nhậm chức, ông đã ký sắc lệnh chỉ đạo lãnh đạo các cơ quan liên bang lập tức có biện pháp bình ổn giá khẩn cấp.

Lạm phát tại Mỹ sau đó hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 là 2,4%, giảm so với mức 2,8% tháng 2. CPI lõi, không gồm thực phẩm và năng lượng, tháng 3 là 2,8%, thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Nhưng lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại, sau khi ông chủ Nhà Trắng chứng minh những tuyên bố về thuế quan không phải "dọa suông". Ông áp thuế với hàng loạt đối tác thương mại, đáng chú ý là thuế đối ứng mà ông công bố đầu tháng 4, khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Mỹ đang tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày, khi các đối tác muốn đàm phán để giải quyết bất đồng, nhưng vẫn duy trì mức thuế cao tới 145% với Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 125% với hầu hết mặt hàng từ Mỹ, khiến dòng chảy thương mại giữa hai nước gần như tê liệt.

Giới quan sát cảnh báo mục tiêu hạ nhiệt lạm phát có thể bị chính biện pháp thuế quan của ông chủ Nhà Trắng cản trở.

"Mức độ tăng thuế cao hơn đáng kể so với dự đoán", Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell nhận định. "Điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, gồm làm tăng lạm phát và tăng trưởng chững lại".

Steve Schifferes, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu chính trị và kinh tế CITYPERC, Đại học London, nhận định ông Trump có thể gặp rắc rối nếu tiếp tục triển khai kế hoạch thuế quan.

Những thiệt hại kinh tế khi tiếp tục thúc đẩy đòn thuế quan của ông Trump sẽ gây ra những hậu quả chính trị. Đảng Dân chủ kỳ vọng nỗi bất mãn của người dân với hệ quả của đòn thuế sẽ biến thành làn sóng ủng hộ để giúp họ giành lại kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026.

Sự ủng hộ dành cho ông Trump cũng sẽ đối mặt rủi ro sụt giảm nếu quốc hội buộc phải cắt giảm chi tiêu chính phủ để tài trợ cho kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump. Một trong những mục tiêu bị cắt giảm là ngân sách cho Medicaid, chương trình hiện cung cấp bảo hiểm y tế cho 70 triệu người có thu nhập thấp hoặc khuyết tật ở Mỹ.

Ông Trump đang bị mắc kẹt giữa nhóm các doanh nghiệp lớn, những người muốn giảm đáng kể vai trò của chính phủ liên bang nhưng vẫn duy trì thương mại tự do toàn cầu, với những người ủng hộ thuộc tầng lớp lao động, nhóm hy vọng đòn thuế quan giúp khôi phục sản xuất và việc làm trong nước.

Nhóm cử tri lao động sẽ bất bình nếu chính phủ cắt giảm các chương trình như Medicaid và an sinh xã hội. Nhưng các chương trình này chiếm một phần lớn ngân sách của chính phủ và nếu không cắt giảm, họ sẽ khó xoay xở đủ ngân sách để tài trợ cho giảm thuế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida ngày 3/4. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida ngày 3/4. Ảnh: AFP
 

Có thể bạn quan tâm

Top