

Nguồn hình ảnh,BBC/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Nhà ngoại giao Ted Osius, người đảm nhận vai trò Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2014-2017
18 tháng 4 2025, 08:46 +07
Đã 50 năm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và 30 năm hai nước bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ – từ cựu thù – nay đã trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, sau một hành trình gian nan và nhiều nỗ lực.
Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng sau mỗi cuộc chiến, hòa giải là điều cần thiết bởi đó là cách quan trọng để cả hai bên – Mỹ và Việt Nam – có thể cùng nhau bước tiếp về phía trước.
"Tôi đã viết cuốn Nothing Is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam (Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam) về tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam. Cuốn sách không chỉ kể về thời gian tôi làm đại sứ, mà còn là câu chuyện về những người hùng đi đầu trong công cuộc hòa giải – cả phía Mỹ lần phía Việt Nam – những người đã nỗ lực không ngừng để hai cựu thù trở thành đối tác.
"Thực sự đã có những con người rất dũng cảm từ cả hai phía, họ chấp nhận rủi ro rất lớn để gắn kết hai nước lại với nhau. Và điều họ đã làm là xây dựng nên một mối quan hệ đối tác – một mối quan hệ mà tôi tin rằng dựa trên nền tảng của sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau."
Trong cuốn sách của Osius, nhiều cái tên được nhắc đến và chính họ đã truyền cho ông nguồn cảm hứng để tiếp tục góp phần vào tiến trình hòa giải.
Đó là các thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry, cả hai đều là cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam nhưng đã chọn gác lại quá khứ để cùng nhau thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong việc giải quyết vấn đề tù binh và người mất tích trong chiến tranh (POW/MIA).

Nguồn hình ảnh,Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ông Pete Peterson (trái), đại sứ Mỹ tại Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh, và Thượng nghị sĩ John McCain (phải) tham quan nhà tù tại trung tâm Hà Nội vào ngày 1 tháng 6 năm 1993. Nhà tù này từng có biệt danh là "Hanoi Hilton", nơi McCain và Peterson từng bị giam giữ thời Chiến tranh Việt Nam.
Đó là cựu chiến binh, đồng thời là cựu tù binh Pete Peterson, người đầu tiên giữ cương vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hơn hai thập kỷ sau khi vị đại sứ cuối cùng trước đó, Graham Martin, rời Sài Gòn bằng trực thăng vào cuối tháng 4/1975. Peterson từng bị giam 6 năm rưỡi tại nhà tù Hỏa Lò sau khi máy bay ông bị bắn rơi gần Hà Nội năm 1966.
Đó là đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng, người đã chứng kiến toàn bộ quá trình đàm phán bình thường hóa đầy thăng trầm trong quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ.
Đó là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, vị bộ trưởng ngoại giao mà ông Osius đánh giá là "vĩ đại", người đã chấp nhận rủi ro lớn để đưa hai nước xích lại gần nhau.
Cựu Đại sứ Ted Osius nói với BBC rằng phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng niềm tin giữa hai quốc gia vốn khác biệt về mặt chính trị nhưng Việt Nam và Mỹ đã làm được.
"Và tôi nghĩ điều đó đã cho thế giới thấy rằng: hoàn toàn có thể để hai quốc gia từng là kẻ thù trở thành bạn bè và đối tác thân thiết nếu họ học cách hành động cùng nhau."

Nguồn hình ảnh,Robert GIROUX/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Thượng nghị sĩ John Kerry (trái) tại phiên điều trần cuối cùng vào ngày 4 tháng 12 năm 1992 của Ủy ban Thượng viện về vấn đề Tù binh và Người Mỹ mất tích (POW/MIA). Phiên điều trần nhằm điều tra số phận của các quân nhân Hoa Kỳ được liệt kê là mất tích trong Chiến tranh Việt Nam. John McCain (phải), một cựu binh từng bị thương nặng và là tù binh chiến tranh tại miền Bắc Việt Nam, là thành viên có tầm ảnh hưởng thứ ba trong ủy ban này.
Bình thường hóa muộn gần 20 năm
Việt Nam bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ năm 1994, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại trong suốt 19 năm đối với Việt Nam.Nhưng thực chất, không lâu sau khi chiến tranh kết thúc, đã có những nỗ lực thầm lặng nhằm dỡ bỏ cấm vận kinh tế và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trong cuốn sách, ông Osius kể rằng, vào tháng 3 năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter đã cử một phái đoàn do Chủ tịch Liên đoàn Công nhân ngành Ô tô Leonard Woodcock dẫn đầu đến Hà Nội để điều tra vấn đề POW/MIA (tù binh chiến tranh và những người mất tích trong chiến tranh). Tiếp đó, vào tháng 5 năm 1978, Ngoại trưởng Cyrus Vance đã chỉ đạo Trợ lý Ngoại trưởng Richard Holbrooke đàm phán với Việt Nam về việc bình thường hóa quan hệ, với các cuộc đàm phán chính thức tại Paris và New York.
Holbrooke đã đề xuất sáu yêu cầu để bình thường hóa quan hệ, bao gồm: (1) tăng cường sự hợp tác của Việt Nam với Hoa Kỳ về khả năng có tù binh còn sống và những người được coi là mất tích trong cuộc xung đột; (2) Việt Nam chấm dứt đẩy người tị nạn ra biển bằng tàu thuyền; (3) một sự đảm bảo rằng Việt Nam sẽ không xâm lược Campuchia (Hoa Kỳ biết Hà Nội đang chuẩn bị làm điều đó); (4) chấm dứt việc Việt Nam làm thân với Liên Xô; (5) Việt Nam sẽ chấm dứt nêu lên vấn đề chất độc da cam; và (6) Việt Nam sẽ không còn đòi bồi thường chiến tranh.
Việt Nam đã đồng ý các yêu cầu này, trừ vấn đề bồi thường chiến tranh.

Nguồn hình ảnh,MICHEL CLEMENT/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Bức ảnh được chụp vào ngày 19 tháng 12 năm 1977, ghi lại khoảnh khắc ông Phan Hiền (giữa, hàng phía trong), Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ngồi đối diện với Richard Holbrooke (đeo mắt kính, phía trước), Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski đã thuyết phục Tổng thống Carter rằng quan hệ với Trung Quốc là quá quan trọng, vì thế không nên mạo hiểm bằng cách bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trung Quốc, nước đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Mỹ, cảm thấy bị phản bội khi Việt Nam đối ngược lập trường trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và chống lại Khmer Đỏ do Trung Quốc chống lưng trong cuộc nội chiến tại Campuchia.
Sau khi Phó Trợ lý Ngoại trưởng Bob Oakley tới New York vào tháng 11 năm 1978 để nói với người Việt Nam rằng vụ này đã hỏng, ông Nguyễn Cơ Thạch đã bay thẳng tới Moscow và ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô và, một tháng sau, Việt Nam tiến vào Campuchia để bảo vệ biên giới của họ khỏi các hoạt động xâm nhập của người Campuchia – từ đó chấm dứt sự tàn bạo của Khmer Đỏ, chế độ đã cai trị Campuchia từ năm 1975.
Một tháng sau cuộc tấn công, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ và nói với Tổng thống Carter rằng Trung Quốc sẽ dạy cho Việt Nam một bài học, sau đó đã kéo dài thành một cuộc chiến tranh biên giới mười hai năm.
Do đó, việc bình thường hóa quan hệ bị gián đoạn trong suốt những năm 1980, khi Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Liên Xô và tiếp tục cuộc chiến ở Campuchia.
Mãi đến năm 1990, một cuộc gặp giữa ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, và các quan chức Mỹ đã dẫn đến một lộ trình cụ thể để tiến tới bình thường hóa quan hệ. Điều kiện chính là Việt Nam phải hợp tác về việc tìm kiếm tù binh Mỹ và tham gia vào các cuộc đàm phán chính trị cho cuộc xung đột tại Campuchia.

Nguồn hình ảnh,JOYCE NALTCHAYAN/AFP/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Bill Clinton (thứ hai từ trái) nói chuyện với Thượng nghị sĩ John McCain (thứ hai từ phải) sau khi tuyên bố Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Việt Nam vào ngày 11/7/1995, trong khi Thượng nghị sĩ John Kerrey (trái), Ngoại trưởng Warren Christopher (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng William Perry (phải) chứng kiến tại buổi lễ ở Nhà Trắng, Washington, DC. Clinton cam kết Mỹ sẽ tiếp tục làm rõ số phận của hơn 2.200 quân nhân vẫn được liệt kê là mất tích tại Việt Nam và các nước láng giềng.
Đến năm 1994, với sự hỗ trợ của các thượng nghị sĩ như John Kerry và John McCain, Tổng thống Bill Clinton vào tháng 1 năm 1994 đã quyết định dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Đến ngày 11/7/1995, Tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Cùng ngày, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Mỹ, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước cựu thù.
Trong cuốn sách, tác giả Osius kể lại rằng khi quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Tổng thống Clinton đã dựa theo ngôn từ của vị tổng thống dẫn dắt nước Mỹ trong nội chiến - Abraham Lincoln - rằng: "Khoảnh khắc này cho chúng ta cơ hội để băng bó lại các vết thương của chính mình. Những vết thương ấy đã ở đấy quá lâu. Giờ đây chúng ta có thể đi tới một nhận thức chung."
Và vị tống thống đã khép bằng cách trích dẫn Kinh thánh:
"Hãy để khoảnh khắc này trở thành thời khắc để hàn gắn và thời khắc để xây dựng."