Cuộc chiến hiện nay giữa xe xăng và xe điện có gì đó gợi nhớ lại cuộc chiến giữa máy ảnh cơ và máy ảnh số. Hiện nay chắc ít ai còn dùng máy ảnh cơ nữa. Máy ảnh số chiến thắng gần như trên mọi mặt trận đến mức Leica còn phải nhảy vào. Lý do cũng đơn giản thôi: biến phí cho một bức ảnh số gần như bằng không, còn biến phí cho ảnh chụp phim bằng máy ảnh cơ khá cao, khoảng 3-5 ngàn đồng cho một bức ảnh 10x15cm. Thực tế thì hiện nay người ta dùng điện thoại là chính, chẳng mấy ai in ảnh ra làm gì.
Tuy nhiên nhiều người mất niềm vui chơi máy ảnh sau khi máy ảnh số ra đời, đơn giản vì nó mất giá quá nhanh. Cầm chiếc Leica nhiều năm cũng không mất giá là bao chứ cầm chiếc Fujifilm sau độ dăm năm cho chẳng ai lấy.
Tiến bộ công nghệ quá nhanh làm cho máy mất giá và đời cũ trở nên quá lạc hậu.
Ai từng chơi máy ảnh cơ thời xưa như Leica M6, Nikon FM2... chắc đều có cảm giác rất dễ chịu với máy. Từ cách tính toán cân bằng độ mở ống kính đến tốc độ màn trập, cách chọn phim,... xoay ống kính, thay phim,... đều cho một cảm giác rất thú vị. Bây giờ cầm cái máy ảnh số lên thấy gái, trẻ trâu cũng chẳng khác gì người chụp hàng chục năm. Nhiều khi trẻ trâu chụp còn đẹp hơn vì bọn nó khỏe và giỏi dùng app.
Nói chung phải chịu thôi. Một năm bây giờ bằng chục năm ngày xưa. Những công nghệ cũ buộc phải nhường bước. Nhưng đồ điện tử hiện đại vừa mau hỏng vừa mau lạc hậu.
Xe điện rồi cũng vậy thôi. Anh nghĩ sau này xe điện cũng giống máy tính hay điện thoại, chạy độ 5 năm là vứt, thực tế không thể bán lại được. Điều này rất tốt cho nền kinh tế, nhưng sẽ tạo ra những đống rác khổng lồ, và người dùng sẽ thiệt hại nặng.
TQ khôn ngoan khi bỏ qua thị trường xe xăng, nhảy thẳng vào xe điện và chiếm hết mọi vị trí quan trọng trong ngành này. Với tốc độ thay xe nhanh hơn xe xăng, họ còn kiếm bộn.