
Chính quyền Bali (Indonesia) cấm khách du lịch đang trong kỳ kinh nguyệt vào đền thờ vì lo ngại sẽ làm ô uế các địa điểm linh thiêng của họ.

Người dân làng Penglipuran đang trình diễn điệu múa truyền thống cho du khách xem. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện.
Quy định gây tranh cãi này nằm trong loạt chính sách mới do thống đốc đảo Bali, ông Wayan Koster, ban hành hôm 24/3 nhằm chấn chỉnh hành vi của những du khách "có hành vi thiếu chuẩn mực" đang đổ xô đến thiên đường du lịch này, theo Metro đưa tin.
"Tôi ban hành thông tư này như một biện pháp cấp bách để kiểm soát hành vi của du khách quốc tế khi đến Bali", ông Koster tuyên bố.
Theo quy định mới, phụ nữ sẽ bị cấm vào tham quan đền thờ ở Bali khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt vì lo ngại "khiến đền thờ trở nên ô uế", tờ Visit Bali đưa tin.
Theo những câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ, việc vào đền khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt có thể mang đến những tác động tiêu cực. "Nhiều phụ nữ từng bị đau đớn, thậm chí ngất xỉu khi vào đền. Một số còn gặp những hiện tượng tâm linh như bị quỷ ám", trang web cảnh báo.
Không chỉ phụ nữ bị ảnh hưởng, trang này còn cho biết: "Người dân sống quanh đền có thể gặp thiên tai hoặc bệnh tật nếu có người vào đền trong thời kỳ kinh nguyệt".
Tuy nhiên, thông báo cũng trấn an rằng: "Nếu bạn đang trong kỳ kinh khi đi du lịch ở Bali, đừng lo! Vẫn còn rất nhiều địa điểm giải trí gần đền, chẳng hạn như xem múa truyền thống".


Bali sở hữu vẻ thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, thu hút du khách. Tuy nhiên, đi kèm với số lượng du khách đông là hàng trăm vấn đề rắc rối. Ảnh: @west_bali_tour.
Điều đáng chú ý là quy định không nêu rõ họ sẽ kiểm tra liệu một phụ nữ có đang trong kỳ kinh hay không bằng cách nào.
Lệnh cấm này chỉ là một phần trong các quy định mới nhằm bảo vệ "bản sắc văn hóa và những địa điểm linh thiêng" trên hòn đảo chủ yếu theo đạo Hindu.
Theo trang TimeOut, các hướng dẫn mới yêu cầu du khách ăn mặc phù hợp khi đến đền chùa, các địa điểm du lịch hoặc nơi công cộng, chỉ những tín đồ mặc trang phục truyền thống Bali mới được phép vào khu vực linh thiêng trong đền.
Ngoài ra, những hành vi bị cấm còn bao gồm sử dụng đồ nhựa dùng một lần như túi ni lông và ống hút, có thái độ thô lỗ với người dân địa phương, chửi thề và xả rác bừa bãi.
Để thực thi các quy định này, Bali đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên giám sát và xử lý những du khách vi phạm, với hình phạt có thể từ phạt tiền cho đến ngồi tù.
"Trước đây chúng tôi cũng từng ban hành những quy định tương tự, nhưng giờ cần phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới", ông Koster cho biết. "Điều này nhằm đảm bảo ngành du lịch Bali phát triển bền vững, tôn trọng giá trị văn hóa địa phương và thân thiện với môi trường".
Bali là một hòn đảo tuyệt đẹp và linh thiêng, và chúng tôi mong muốn du khách cũng dành cho nơi này sự tôn trọng như cách chúng tôi đối đãi với họ", ông nói thêm.
Vào tháng 2/2024, Bali cũng đã áp dụng phí du lịch mới, thu 150.000 rupiah (khoảng 10 USD) từ mỗi du khách quốc tế khi nhập cảnh qua sân bay quốc tế Ngurah Rai tại Denpasar hoặc các cảng biển của đảo. Theo Daily Mail, nguồn thu này và các khoản phạt sẽ được dùng để bảo vệ môi trường Bali, nơi dự kiến sẽ đón từ 14 đến 16 triệu lượt khách trong năm nay.




Ngôi làng Penglipuran với những giá trị văn hóa, lịch sử thu hút khách. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện.
Loạt quy định mới được đưa ra trong bối cảnh Bali liên tục ghi nhận các sự việc gây bức xúc liên quan đến hành vi du khách. Năm 2023, một du khách nước ngoài từng bị bắt gặp ngồi thiền khỏa thân trong một ngôi đền Hindu. Gần đây, một du khách Na Uy đã bị hủy thị thực sau khi bị phát hiện leo lên một địa điểm văn hóa - tâm linh mà không có hướng dẫn viên.
Không chỉ Bali, nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác trên thế giới cũng đang nỗ lực kiểm soát làn sóng "tour-nami" - tức làn sóng quá tải du khách.
Hồi tháng 1, chính quyền thành phố Venice (Italy) đã công bố loạt quy định giới hạn các nhóm du khách đông người nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn tại những con phố và kênh rạch của thành phố cổ.
Trong khi đó, Tây Ban Nha ghi nhận con số kỷ lục 94 triệu lượt khách trong năm ngoái, làm dấy lên lo ngại về tình trạng "quá tải du lịch", ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường sống và đặc biệt là việc thiếu hụt nhà ở dành cho người dân địa phương.
Đáp lại, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã công bố kế hoạch 12 điểm nhằm giải quyết khủng hoảng nhà ở, trong đó có các biện pháp siết chặt dịch vụ cho thuê ngắn hạn vốn chủ yếu phục vụ khách du lịch.