

Nguồn hình ảnh,Getty Images
- Tác giả,Vinh Phú Phạm
- Vai trò,Gửi cho BBC từ New York, Hoa Kỳ
- 8 giờ trước
Tôi là một đứa trẻ trầm lặng, mê sách, hay dành hàng giờ trong thư viện và hiệu sách lớn, lật giở từng gáy sách với hy vọng sẽ tìm thấy một tựa sách nào đó cất tiếng gọi tên mình. Tại tiệm Barnes & Noble, trong một góc nhỏ dán nhãn "International" (Quốc tế), tôi bắt gặp đi bắt gặp lại duy nhất một cuốn sách về Việt Nam với nhan đề The Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese Family (Cây liễu thiêng: Bốn thế hệ trong một gia đình Việt Nam) của Dương Vân Mai Elliott. Khi lật qua những trang đầu tiên, tôi có cảm giác đây là cuốn sách tiếng Anh duy nhất thực sự xem Việt Nam một cách nghiêm túc—nhưng nó cũng nặng nề vô cùng. Quá nặng. Lúc nào cũng là chuyện ly tán, khổ đau, lạnh lùng của chiến tranh, và những hậu quả kéo dài sau đó.
Biết bao cuốn sách—hồi ký, lịch sử, thậm chí tiểu thuyết—tôi đọc lúc bấy giờ dường như không thể tồn tại ngoài nỗi đau – hay nói đúng hơn, luôn bị nỗi đau định hình.
Lúc ấy, tôi còn chưa biết đến khái niệm "di dân học" hay "chấn thương xuyên thế hệ," nhưng tôi hiểu rõ cảm giác mà những câu chuyện đó mang lại: sự mỏi mệt. Không phải thứ mệt mỏi thân xác, mà là thứ gì đó sâu thẳm hơn, âm ỉ trong tâm hồn. Như thể sức nặng của của lịch sử đã khắc sâu vào da thịt tôi, và từng câu chữ lại nhấn thêm vào vết bầm ấy. Không phải tôi không muốn biết mình đến từ đâu—tôi rất muốn. Nhưng "cách" mà câu chuyện được kể mới là điều quan trọng. Tôi khao khát những câu chuyện không bắt đầu hay kết thúc bằng tiếng trực thăng, tiếng súng nổ, hay âm vang của một thành phố đang sụp đổ.
Việt Nam của tôi—Việt Nam của thập niên 1990—nghèo đói, vâng, nhưng cũng dịu dàng và nhiệm màu, với những người chú chở ba đứa trẻ trên chiếc xe máy, với làn khói nhang cuộn quanh các bậc cửa, với tiếng cười vang vọng giữa những bức tường xi măng của những ngôi nhà thô. Đó cũng là một sự thật. Nhưng chẳng ai viết về Việt Nam ấy cả.
Vì thế nên tôi đã lặng lẽ quay lưng với những câu chuyện của chính mình, dù trong lòng vẫn tiếc nuối vì sự vắng bóng ấy. Tôi xem Paris By Night ở nhà, tập ngân nga theo những bản tình ca của Trịnh Công Sơn dù chưa hiểu hết lời. Tôi để cha mẹ kể những câu chuyện của đời họ, nhưng hiếm khi đặt câu hỏi. Tôi khao khát những câu chuyện về Việt Nam không gắn chặt với chấn thương—mà tìm mãi không thấy. Tôi đã chờ đợi một điều gì đó chưa từng được viết ra. Những bữa cơm gia đình không kết thúc trong nước mắt hay sự lặng lẽ oán giận. Những tuổi thơ không bị ngắt quãng bởi mất mát.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Một khu tưởng niệm tại California gợi nhắc lại cuộc chiến hơn 50 năm trước.
Phải đến khi vào đại học, tôi mới bắt đầu quay trở về. Tôi đọc lại các tác giả Việt Nam, đầy tò mò. Điều gì đã thay đổi? Có lẽ tôi đã trưởng thành hơn, đủ sức chịu đựng nỗi đau. Có lẽ tôi đã bắt đầu hiểu rằng không phải vết thương nào cũng nên né tránh—có những vết thương cần phải đối diện. Những vết sẹo tinh thần vẫn còn đó, nhưng tôi nhận ra văn chương có thể là một cách để tôi chạm vào những vết sẹo ấy một cách dịu dàng, để cảm mà không khiến những vết sẹo trong tôi rỉ máu trở lại.
Nhưng ngay cả lúc ấy tôi vẫn chưa thể đến gần chủ đề chiến tranh. "Chiến tranh chống Mỹ cứu nước," như cách được gọi ở Việt Nam, vẫn còn quá gần, quá ồn ào, quá rối ren trong sự mặc cảm của nước Mỹ và im lặng của người Việt hải ngoại. Tôi tìm nơi ẩn náu trong những cuộc chiến trước đó—thời Pháp thuộc, những nỗi niềm của thế hệ trước, những nỗi u hoài đẹp đẽ của những tiểu thuyết gia Việt viết bằng tiếng Pháp, những trái tim còn mắc kẹt trong chủ nghĩa lãng mạn phù phiếm. Tôi đọc Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, và cả những bài thơ Việt của Cung Giũ Nguyên. Tôi tự nhủ rằng nếu những biến cố ấy xa hơn về mặt thời gian, có lẽ chúng sẽ bớt đau hơn. Nhưng không. Nỗi đau không thuộc về niên đại thời gian, mà thuộc về dòng giống, về ký ức truyền đời.
Tôi dần hiểu ra, với tất cả sự lưỡng lự và miễn cưỡng, rằng văn học của chúng ta không phải là để thanh tẩy nỗi đau, mà để tồn tại. Các nhà văn của thập niên 1980 và 1990 không nhất thiết viết để khép lại vết thương. Họ viết để bám víu, để khẳng định sự hiện diện, để giành lấy một khoảng không gian trong một đất nước đòi họ phải hòa nhập và quên đi. Câu chữ của họ là chiếc phao cứu sinh. Những cuốn hồi ký của họ là bằng chứng rằng họ đã có mặt nơi đây, rằng chúng ta đã có mặt. Họ không viết để chữa lành. Họ viết để tiếp tục sống. Catfish and Mandala (Cá tra và Mạn-đà-la) của Andrew X. Pham là một ví dụ điển hình—câu chuyện bắt đầu là hành trình và kết thúc bằng sự đối diện, không chỉ với những hướng đi hay đất nước, mà với chính bản thân.
Hành trình của Andrew X. Pham được khắc họa như một cuộc trở về—cả theo nghĩa đen lẫn nội tâm—nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi. Bởi lẽ, rất nhiều câu chuyện tôi từng lớn lên cũng đều kết thúc bằng sự ra đi: những con thuyền bị rò rỉ, những sự hỗn loạn ở các tòa đại sứ, những cuộc trốn chạy giữa đêm khuya. Chúng xoay quanh những điều mà tôi đã trốn khỏi. Nhưng hành trình của Andrew X. Pham—ngổn ngang và chưa trọn vẹn–nói về những gì ta có thể dám trở về đối diện. Về ý nghĩa việc tìm kiếm một đất nước đã nhào nặn nên mình nhưng chưa từng thực sự biết đến mình. Cuộc trở về ấy không mang dáng dấp oai hùng. Nó vụng về, dang dở, chênh vênh. Và chính trong điều đó, tôi nhận ra chính mình.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Bóng dáng chiến tranh vẫn hiện diện khắp nơi sau nửa thế kỷ kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Trong ảnh là màn biểu diễn của chiến đấu cơ trên bầu trời TP HCM trong dịp 30/4/2025.
Tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên một mình khi vừa bước vào tuổi đôi mươi. Tôi tự nhủ rằng đó là để kết nối lại, để hiểu hơn. Nhưng thật ra, tôi đang đi tìm một điều gì đó giống như sự cho phép—sự cho phép để thuộc về, để cảm nhận, để khẳng định. Sài Gòn không giống như những gì tôi từng tưởng tượng hay ghi nhớ. Nó lớn hơn, nhanh hơn, ồn ào hơn. Họ hàng đón tôi bằng sự ấm áp, nhưng cũng đầy tò mò pha một chút xa cách. Quá Mỹ, nhưng cũng không hẳn là Mỹ. Tiếng Việt của tôi tạm ổn nhưng không trôi chảy. Cử chỉ của tôi có phần quá lịch thiệp. Câu hỏi tôi đặt ra thì quá trừu tượng, từ ngữ tôi dùng thì đã lỗi thời.
Tôi đã quay vài lần. Mỗi chuyến đi khiến tôi thêm vụn vỡ, nhưng cũng đầy đặn hơn. Việt Nam không hẳn là nhà. Nhưng cũng không phải sự xa lạ. Nó là một điều gì đó khác hẳn—một nơi mà ký ức và tưởng tượng đan xen vào nhau, nơi sự vắng mặt trở thành một hình thức của sự hiện hữu.
Chúng ta chưa có đủ những câu chuyện về sự trở về. Phần lớn văn chương Việt hải ngoại viết bằng tiếng Anh—một cách dễ hiểu—đã được định hình bởi chấn thương của sự ra đi. Những câu chuyện về thuyền nhân, các trại tỵ nạn, hệ thống hành chính của kiếp lưu vong. Những câu chuyện ấy khẩn thiết và cần thiết—chúng đã mở ra không gian trong một thế giới từng ưa chuộng sự im lặng. Nhưng sự trở về cũng là một chiến địa. Và là một nơi của ân sủng. Sự trở về đòi hỏi một loại can đảm khác: để nhìn thấy những gì đã đổi thay, và những gì vẫn y nguyên; để thừa nhận rằng, chữa lành không phải là một cuộc hồi hương, mà là một chuyến đi vòng vèo, dài và quanh co.
Có lẽ chỉ bây giờ chúng ta mới thực sự bắt đầu viết nên những câu chuyện như thế. Không chỉ là trốn chạy, mà là quay về lại. Những câu chuyện không khởi đầu bằng sụp đổ mà bằng sự tò mò. Không chỉ hỏi "Điều gì đã xảy ra với chúng ta?" mà còn là "Chúng ta sẽ có thể trở thành gì?"
Giờ đây, năm 2025, mọi thứ dường như đã khác. Hay đúng hơn, mọi thứ đã trở nên rõ ràng hơn. Các câu chuyện của người Mỹ gốc Việt không còn bị giấu trong những góc khuất của hiệu sách. Chúng đã được trưng bày trên những chiếc bàn trang trọng, được giảng dạy trong các giáo trình đại học, được phê bình, tranh luận, và quan trọng nhất—được đọc. Chúng ta đang chứng kiến một sự bùng nổ trong việc xuất bản văn học của người Mỹ gốc Việt: hồi ký, tiểu thuyết, thơ, truyện tranh. Những gì từng là những tiếng thì thầm giờ đã trở thành một hợp xướng.