
Những động thái mà Bắc Kinh muốn từ
Mỹ bao gồm cả việc Washington cần thể hiện sự tôn trọng hơn, thông qua cách kiềm chế những những phát ngôn mang tính công kích từ các thành viên trong nội các Mỹ. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện tiên quyết là Mỹ phải đưa ra lập trường nhất quán hơn, cũng như giải quyết những lo ngại của
Trung Quốc liên quan các lệnh trừng phạt và vấn đề
Đài Loan.
Bắc Kinh cũng muốn Mỹ chỉ định một nhân vật làm đầu mối phụ trách đàm phán, người này cần có được sự ủng hộ trực tiếp từ Tổng thống và có thể giúp chuẩn bị cho một thỏa thuận mà ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể ký kết khi hội đàm với nhau.
Tương lai của nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính phụ thuộc phần lớn vào việc Mỹ và Trung Quốc có thể tìm được cách tránh một cuộc chiến thương mại kéo dài hay không. Ông Trump đã áp thuế lên tới 145% với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ khi nhậm chức, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng các biện pháp tương tự và đe dọa làm tê liệt phần lớn hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó là chưa kể đến tối 15/4 theo giờ Mỹ, Nhà Trắng đã thông báo áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 245%, trong một động thái nhằm đáp trả các biện pháp trả đũa mới đây của Bắc Kinh.
Việc Mỹ liên tục tăng thuế đã khiến người dân Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp đáp trả. Điều này tạo ra nguồn động lực chính trị để lãnh đạo Bắc Kinh quyết định tạm thời bác bỏ các lời kêu gọi đàm phán từ ông Trump. Gần đây nhất vào ngày 15/4, Tổng thống Mỹ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc liên hệ với ông để khởi động đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại.
Đến nay, các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ yếu tố đột phá nào có thể giúp nối lại đàm phán Mỹ - Trung, dù cả hai bên đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại. Tổng thống Trump dường như muốn ông Tập gọi điện trực tiếp ngay lập tức, trong khi Trung Quốc muốn các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước phải mang lại kết quả rõ ràng.