Bóng Ma Khủng Hoảng Đang Rình Rập Đồng Bạc Xanh Của Mỹ

Don Jong Un

Đẹp trai mà lại có tài
Vatican-City
dong bac xa
Đồng MK đang đứng trước thử thách lớn nhất thế kỷ khi Hoa Kỳ đối mặt khủng hoảng nợ và bất ổn chính trị. Nếu Washington không hành động kịp thời, cú sốc tài chánh sẽ lan khắp toàn cầu. (Nguồn: pixabay.com)

Từng là trụ cột vững chãi của hệ thống tài chánh toàn cầu, đô la Mỹ (MK, USD) nay lại khiến thị trường lo sợ. Từ khi đạt mức cao hồi giữa tháng 1, giá trị “đồng bạc xanh” của Hoa Kỳ đã lao dốc hơn 9% so với các đồng tiền mạnh khác. Điều đáng lo ngại hơn cả, là gần phân nửa đà sụt giảm này chỉ diễn ra sau ngày 1 tháng 4, dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lại tăng nhẹ 0.2%.

Đây là một dấu hiệu nguy hiểm. Thường thì khi lợi suất đi lên, dòng tiền lẽ ra phải đổ vào Hoa Kỳ (tức là đồng MK sẽ mạnh lên). Nhưng lần này thì không, giới đầu tư vẫn tháo chạy. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư đang mất lòng tin. Họ không còn nghĩ rằng kinh tế Mỹ là nơi an toàn như trước. Trên thị trường thậm chí còn rộ lên tin đồn là các quỹ đầu tư quốc tế đang lặng lẽ bán tống bán tháo USD.

Trong suốt nhiều thập niên, giới đầu tư toàn cầu luôn đặt trọn niềm tin vào sự ổn định của các tài sản gắn liền với Hoa Kỳ (chẳng hạn như trái phiếu kho bạc, cổ phiếu các công ty lớn niêm yết tại Mỹ, hay đồng MK, v.v…), và xem đó là nền tảng vững chắc của hệ thống tài chánh thế giới. Với thị trường trái phiếu trị giá 27,000 tỷ MK, mà đồng MK thì thống lãnh mọi lĩnh vực giao dịch trên toàn thế giới, nước Mỹ từng là biểu tượng của một hệ thống tài chánh mạnh mẽ và ổn định.

Được hậu thuẫn bởi chính sách tiền tệ cẩn trọng từ Quỹ Dự Trữ Liên Bang (FED) và một thể chế chính trị, pháp lý vững chắc, hệ thống tài chánh này từng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, vì họ luôn cảm thấy được chào đón và an toàn. Thế nhưng, chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Tổng thống Donald Trump đã biến niềm tin sắt đá ấy thành những hoài nghi, bồn chồn, và bất an.

Cuộc khủng hoảng đang nhen nhóm bắt nguồn từ chính Tòa Bạch Ốc. Trump “quậy” ra một cuộc chiến thương mại khốc liệt, đẩy thuế quan tăng lên gấp 10 lần, và khiến cả nền kinh tế lâm vào cảnh bất ổn. Những gì từng khiến thế giới ngưỡng mộ – một nước Mỹ vững mạnh – nay lại bị chính các chính sách của Trump đẩy đến bên bờ suy thoái: lạm phát leo thang, chuỗi cung ứng hỗn loạn, và người tiêu dùng luôn là những người chịu thiệt thòi đầu tiên.

Tất cả những điều này lại diễn ra trong lúc Hoa Kỳ đang dần lún sâu vào vũng lầy tài chánh. Tình hình ngân sách, vốn đã đáng báo động từ trước, nay lại càng nghiêm trọng. Khoản nợ ròng của quốc gia đã xấp xỉ ngang với toàn bộ nền kinh tế, và mức thâm hụt 7% GDP trong năm qua khiến nhiều chuyên gia phải giật mình – nhất là khi kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng.

Thế nhưng, thay vì tìm cách kiềm chế thâm hụt, Quốc hội lại muốn vay thêm để tiếp tục gia hạn các đợt giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Vào ngày 10 tháng 4, họ đã “bật đèn xanh” cho một bản kế hoạch ngân sách mới – mà theo Viện nghiên cứu ngân sách “Committee for a Responsible Federal Budget” cảnh báo, kế hoạch này có thể khiến nước Mỹ thâm hụt thêm 5,800 tỷ MK trong 10 năm tới.

Con số trên sẽ khiến tỷ lệ thâm hụt ngân sách tăng thêm 2%, và vượt xa tổng giá trị của ba chương trình tài khóa lớn gần đây nhất: (1) chính sách cắt giảm thuế nhiệm kỳ đầu của Trump, (2) các khoản chi tiêu khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19, và (3) các gói kích thích và đầu tư hạ tầng của chính quyền Joe Biden. Nếu không cẩn trọng, tỷ số nợ công trên GDP sẽ tăng nhanh gấp đôi trong thời gian tới.

Cái nguy hiểm thực sự của suy thoái kinh tế lần này không chỉ nằm ở số liệu hay ngân sách, mà ở chỗ thị trường tài chánh đang lung lay lòng tin vào Tổng thống Trump. Họ đã bắt đầu nghi ngờ liệu ông có đủ năng lực và uy tín (nói một là một, hai là hai) để mà quản trị đất nước hay không. Việc ban hành thuế quan một cách lộn xộn, rối rắm, lúc công bố, lúc trì hoãn, chẳng khác nào đang biến hoạch định chính sách thành trò hề. Rồi chuyện miễn trừ và áp dụng thuế tùy hứng theo từng ngành chỉ càng tiếp tay cho giới vận động hành lang thao túng.

Trong hàng chục năm qua, Hoa Kỳ luôn cẩn trọng ghi nhớ cam kết giữ đồng đô-la vững, mạnh. Nhưng giờ đây, một số cố vấn tại Tòa Bạch Ốc lại xem đó là một gánh nặng, và thậm chí kêu gọi san sẻ trách nhiệm này bằng biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết.



Vậy nên, không có gì lạ khi cục dự trữ liên bang (FED) rơi vào thế bị ép. Tổng thống liên tục đòi cắt lãi suất. Dù không thể tùy tiện sa thải người của FED, thì đến năm 2026, Trump vẫn có thể chọn chủ tịch mới “biết nghe lời” hơn. Trong lúc đó, các chính sách như trục xuất di dân lậu mà không xét xử, hay đe dọa công ty luật làm trái ý, khiến người ta nghi ngờ rằng các chủ nợ nước ngoài có thể trở thành nạn nhân tiếp theo.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến các tài sản của Hoa Kỳ phải gánh thêm một mức bảo phí rủi ro – các nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn để bù đắp cho những nguy cơ gia tăng. Điều khiến người ta lo lắng hơn nữa là kịch bản về một cuộc khủng hoảng trái phiếu quy mô lớn giờ đây hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cần biết rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tới 8,500 tỷ MK trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, tương đương gần một phần ba tổng lượng trái phiếu đang lưu hành. Hơn một nửa số đó lại nằm trong tay các nhà đầu tư tư nhân. Họ không bị ràng buộc bởi các cam kết ngoại giao hay sức ép từ chính sách thuế quan – mà chỉ phản ứng trước những nguy cơ tài chánh thực tế.

Trong vòng 12 tháng tới, nước Mỹ sẽ phải xoay sở với 9,000 tỷ MK nợ đáo hạn, nghĩa là phát hành trái phiếu mới để thanh toán cho các khoản nợ cũ sắp đáo hạn. Và nếu nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm, hậu quả sẽ lập tức lan sang ngân sách liên bang, vốn đang rất nhạy cảm với lãi suất – vì gánh nặng nợ quá lớn mà thời hạn đáo hạn quá ngắn.

Vậy nếu khủng hoảng xảy ra, Quốc hội sẽ làm gì?

Trong những lần trước, trong khủng hoảng kinh tế hay đại dịch, Quốc hội không ngần ngại chi mạnh tay để cứu lấy nền kinh tế. Nhưng giờ thì khác – lần này không thể vung tiền mà phải siết chặt, phải cắt giảm các khoản phúc lợi và nhanh chóng tăng thuế.

Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào sự chia rẽ hiện nay giữa hai đảng trong Quốc hội và Tòa Bạch Ốc, người ta có thể thấy rõ rằng: rất có thể thị trường sẽ phải hứng chịu nhiều tổn thất trước khi chính phủ đạt được sự đồng thuận.

Nếu chính phủ cứ tiếp tục chần chừ, do dự, cú sốc từ trái phiếu có thể lan ra khắp hệ thống tài chánh, kéo theo những vụ vỡ nợ dây chuyền, các quỹ đầu tư đổ vỡ – những chuyện tưởng chừng chỉ có ở các nước đang phát triển, chứ không phải ở nền kinh tế đầu tàu như Hoa Kỳ.

FED đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ có thể ra tay hỗ trợ bằng cách mua vào các loại tài sản gắn liền với Hoa Kỳ (như trái phiếu của chính phủ chẳng hạn) để trấn an thị trường. Nhưng nếu làm vậy, họ có thể bị gán cho cái tội là đang giúp chính phủ thiếu uy tín dùng tiền để trốn tránh trách nhiệm nợ nần. Trong lúc giá cả vẫn leo thang, điều này chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để FED vừa giúp xoa dịu khủng hoảng, vừa tránh bị lôi kéo vào chính trị? Và nếu họ từ chối giúp chính phủ của Trump, thì liệu ông ta có sẵn lòng để FED tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thông thường của mình trong các cuộc khủng hoảng: đó là cung cấp thanh khoản bằng đồng đô-la cho các ngân hàng trung ương nước ngoài?

Giá trị của một đồng tiền chỉ vững khi chính phủ đứng sau nó có năng lực và đáng tin cậy. Chừng nào Hoa Kỳ còn chưa kiểm soát được thâm hụt ngân sách, còn để cho chính trị lấn át luật pháp, thì nguy cơ xảy ra khủng hoàng tài chánh vẫn lơ lửng trước mắt. Dù sau này tình hình có ổn định ra sao, việc đồng đô-la đánh mất “ngôi vương” không chỉ là thiệt hại kinh tế, mà còn là cái tát vào danh dự quốc gia. Đúng là khi đồng MK yếu hơn cũng sẽ có lợi cho các nhà xuất cảng, nhưng chính vị thế của đồng bạc xanh mới là yếu tố then chốt giúp hạ thấp chi phí vốn cho toàn bộ nền kinh tế, từ những người lần đầu vay mua nhà cho đến các tập đoàn hàng đầu.

Tự làm khó chính mình


Thế giới sẽ không yên nếu đồng bạc xanh của Hoa Kỳ chao đảo, bởi hiện tại không có đồng tiền nào đủ sức thay thế nó – chỉ toàn là những lựa chọn mờ nhạt. Dù đồng Euro được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế mạnh, khu vực này lại thiếu các công cụ tài chánh an toàn. Thụy Sĩ thì đáng tin, nhưng lại quá nhỏ. Nhật Bản thì cũng mạnh, nhưng nợ chồng chất. Còn vàng với tiền điện tử? Chẳng có ai đứng ra đảm bảo cho giá trị của chúng cả.

Khi niềm tin vào đồng đô-la lung lay, nhà đầu tư sẽ lao vào cuộc đua nhảy từ tài sản này sang tài sản khác để tìm chỗ an toàn, thị trường dễ rơi vào những cơn sốt ngắn hạn rồi lâm vào khủng hoảng. Dù có nhiều điểm chưa hoàn hảo, nhưng chính hệ thống tài chánh xoay quanh đồng bạc xanh của Hoa Kỳ đã và đang giúp thế giới vận hành trơn tru. Một khi nước Mỹ không còn đáng tin, thì nền tảng đó cũng sẽ lung lay và rạn nứt

 

Có thể bạn quan tâm

Top