"Tôi không thấy phụ nữ bán thân để mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc hay vì bất kỳ một lý do nào khác đáng khinh bỉ hay thương hại. Chúng ta đều tồn tại bằng cách bán chác những gì mình sở hữu hoặc không sở hữu và cả những thứ nẫng trộm hay cướp trắng của người khác. Bán óc sao lại sang trọng hơn bán trôn? Phe chống hợp pháp hóa mại dâm cho rằng gái điếm không bán thân thể mà bán phẩm giá, trong khi nhà văn như tôi chỉ bán một sản phẩm ngôn ngữ, và hai thứ đó không thể đánh đồng. Song tôi trút vào kỹ năng viết của mình không ít hay nhiều phẩm giá hơn cô gái điếm trộn nó vào kỹ năng tình dục; tuy nhiên vấn đề không phải ở đó, vì phẩm giá là thứ không mua hay bán được, mà nó bị đánh mất hay bị tước đoạt. Nhà văn có thể đi khách tinh thần, bán văn cách cho thị hiếu hay đạp lên chữ mà tiến thân và đánh mất phẩm giá của ngòi bút – tuy điều này hiếm khi giết chết một tác giả. Cô gái điếm có thể bị tước đoạt phẩm giá, song cô bị cưỡng bức hạ nhục chỉ trong một khoảng thời gian giới hạn và được thù lao theo thỏa thuận, vẫn hơn chán vạn những phụ nữ trọn đời làm nô lệ không công, làm đệm giảm xóc và thảm chùi chân, làm túi đấm và con ở, làm ống nhổ và khe phun cho các đấng ông chồng trong cái thiết chế xã hội được mệnh danh là hôn nhân và gia đình. Phẩm giá cũng có ba bảy đường." - Phạm Thị Hoài.