Các tổ chức quốc tế muốn Việt Nam trả lời về cái chết của một lạt ma Tây Tạng

Ông Hungkar Dorje năm 2022

Nguồn hình ảnh,International Campaign for Tibet
Chụp lại hình ảnh,Ông Hungkar Dorje năm 2022
11 tháng 4 2025, 09:11 +07
Nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng, Lạt Ma Hungkar Dorje, được cho là đã chết một cách "đột ngột và bí ẩn" tại Việt Nam.
Nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng Tây Tạng đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc và Việt Nam minh bạch về hoàn cảnh giam giữ và cái chết của ông.
Ông Hungkar Dorje, 56 tuổi, là Viện trưởng Tu viện Lung Ngon ở huyện Gadê, châu tự trị dân tộc Tạng Golog, tỉnh Thanh Hải ở cao nguyên Tây Tạng - một trong những nơi chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền trung ương Trung Quốc.
Cái chết của ông Hungkar Dorje đã được một số tổ chức Tây Tạng và tổ chức nhân quyền quốc tế xác nhận.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn chưa công khai và chính thức lên tiếng về sự việc này.
Theo một số tổ chức lưu vong Tây Tạng, thi hài ông được để tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.
BBC News Tiếng Việt chưa có điều kiện xác minh độc lập thông tin này.
Tu sĩ Thích Đồng Long của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - một tổ chức không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nói với BBC News Tiếng Việt hôm 10/4 rằng Lạt Ma Hungkar Dorje từng đi giảng pháp ở rất nhiều chùa thuộc giáo hội nhà nước tại TP Hồ Chí Minh.
"Người Việt Nam theo tu học theo vị lạt ma này rất đông."
"Vị này từ Tây Tạng mà được chính quyền Việt Nam phê duyệt cho vào giảng dạy từ lâu vốn đã khiến chúng tôi lấy làm lạ," tu sĩ Thích Đồng Long nói.
"Những năm gần đây ngày càng nhiều tăng ni, Phật tử ở Việt Nam đã chia sẻ phép tu, các lễ chú nguyện, phóng sanh của các vị lạt ma Tây Tạng. Theo tôi biết, các vị lãnh đạo trong các nhóm tu tập này phần lớn là quan chức, doanh nhân, thân thiết với chính quyền Việt Nam," ông nói thêm.

'Ẩn náu' hay 'tĩnh tâm' tại Việt Nam?​

Họp báo của Chính quyền Trung ương Tây Tạng hôm 8/4 về 'cái chết bí ẩn' của Lạt Ma Hungkar Dorjee

Nguồn hình ảnh,Central Tibetan Administration
Chụp lại hình ảnh,Họp báo của Chính quyền Trung ương Tây Tạng hôm 8/4 về "cái chết bí ẩn" của Lạt Ma Hungkar Dorjee
Hôm 8/4, Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), tổ chức lưu vong tại Ấn Độ của người Tây Tạng, đã tổ chức một cuộc họp báo về cái chết của Lạt Ma Hungkar Dorje.
Người phát ngôn của CTA là Tenzin Lekshay và Ju Tenkjong, Giám đốc Viện Amnye Machen, đã kêu gọi Trung Quốc trao trả thi hài của ông Hungkar Dorje cho Tu viện Lung Ngon ở Tây Tạng, theo thông cáo báo chí đăng trên website của tổ chức này.
CTA cũng gửi lời chia buồn đến gia đình, bạn bè và những người ủng hộ ông.
"Với nỗi buồn sâu sắc, Chính quyền Trung ương Tây Tạng xác nhận cái chết đột ngột và bí ẩn của Hungkar Dorje, một nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng nổi tiếng, trong sự giam giữ của các quan chức Trung Quốc tại Việt Nam," thông cáo viết.
Theo thông tin từ buổi họp báo, ông Hungkar Dorje đã "ẩn náu" tại Việt Nam từ cuối tháng 9/2024, "do bị chính quyền Trung Quốc quấy rối ở Tây Tạng".
CTA cho hay công an Việt Nam phối hợp với "mật vụ Trung Quốc" đã bắt ông ở Sài Gòn hôm 25/3/2025.
Ông Hungkar Dorje đã qua đời vào hôm 28/3, vẫn theo thông cáo.
Cũng theo thông cáo của CTA, hôm 5/4/2025, năm nhà sư của Tu viện Lung Ngon, cùng với một số viên chức chính phủ Trung Quốc đã đến Việt Nam để nhận thi hài ông Hungkar Dorje.
Cùng ngày, một cuộc họp đã được tổ chức tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về vấn đề này.
Thông cáo cho hay thi hài được cho là đang được đặt ở một bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và không rõ các nhà sư có được nhìn tận mắt và đưa thi hài về tu viện hay không.
CTA bày tỏ lo ngại về tình trạng "đàn áp xuyên quốc gia" và "vi phạm nhân quyền", đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam và Trung Quốc có trách nhiệm điều tra và giải trình về vụ việc.
BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với CTA để tìm hiểu thêm thông tin nhưng chưa lập tức nhận được hồi âm.
Họp báo của Chính quyền Trung ương Tây Tạng hôm 9/4 về 'cái chết bí ẩn' của Lạt Ma Hungkar Dorjee

Nguồn hình ảnh,Central Tibetan Administration
Chụp lại hình ảnh,Họp báo của Chính quyền Trung ương Tây Tạng hôm 8/4 về "cái chết bí ẩn" của Lạt Ma Hungkar Dorjee
Hôm 4/4, trang web Tu viện Hoa Sen đăng thông cáo bằng tiếng Việt về cái chết của Lạt Ma Hungkar Dorje, dẫn nguồn Văn phòng Tu viện Lung Ngon.
Theo đó, ông Hungkar Dorje mắc nhiều bệnh và đã rời tu viện để đi tĩnh tâm, như ông từng viết trong di thư để lại tu viện.
Thông cáo cũng viết rằng ông "bỗng nhiên lâm bệnh nặng" và qua đời vào ngày 29/3/2025 tại TP Hồ Chí Minh (thông tin thời điểm chết ở đây có khác biệt so với thông báo của CTA nói trên).
"Với sự hỗ trợ đặc biệt và dưới sự chỉ đạo của các quan chức có thẩm quyền từ chính quyền địa phương, các cán bộ phối hợp với thành viên thế tục và những vị từ ban quản lý Tu viện, cùng với thành viên gia đình của chính Lạt Ma, đang trên đường đến Việt Nam để sắp xếp cùng chính phủ nhằm cung nghênh nhục thân của Lạt Ma về nước," thông cáo viết.
Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trong thông cáo báo chí phát đi hôm 9/4, đã phản bác tuyên bố này.
HRW cho rằng tuyên bố của tu viện "không đầy đủ và có thể đã được viết dưới một hình thức ép buộc nào đó, vì chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc quản lý các tu viện Tây Tạng".
"Các lạt ma Tây Tạng thường đi tĩnh tâm trong thời gian dài, nhưng có vẻ như rất khó có khả năng các nhà sư cấp cao tại tu viện của họ không biết vị Lạt Ma [Hungkar Dorje] đang ở đâu, che giấu thông tin trong nhiều tháng hoặc không biết rằng ông đã đi nước ngoài. Ngoài ra, nếu Lạt Ma đi tĩnh tâm hoặc đang bị bệnh, chính quyền sẽ không cần phải cấm thảo luận về tình hình của ông," HRW đánh giá.
Thông cáo bằng tiếng Tây Tạng hôm 3/4/2025 được cho là của Tu viện Lung Ngon về cái chết của Lạt Ma Hungkar Dorje, được dịch và đăng trên website Tu viện Hoa Sen

Nguồn hình ảnh,OTHER
Chụp lại hình ảnh,Thông cáo bằng tiếng Tây Tạng hôm 3/4/2025 được cho là của Tu viện Lung Ngon về cái chết của Lạt Ma Hungkar Dorje, được dịch và đăng trên website Tu viện Hoa Sen

Phản ứng từ quốc tế​

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), trong thông cáo báo chí phát đi hôm 9/4, đã đề nghị chính phủ Việt Nam "điều tra cái chết trong hoàn cảnh đáng ngờ tại TP Hồ Chí Minh" của Lạt Ma Hungkar Dorje.
Theo HRW, cộng đồng Tây Tạng và những người ủng hộ ông ở Ấn Độ - nơi có nhiều người Tây Tạng sống lưu vong - cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam và Trung Quốc đã bắt giữ ông tại Việt Nam sau khi ông chạy khỏi Tây Tạng. Nhưng tu viện của ông, nơi đang bị chính quyền Trung Quốc giám sát, lại tuyên bố rằng ông chết do bệnh trong khi đang tĩnh tâm.
"Cái chết của Hungkar Dorje tại Việt Nam đặc biệt đáng lo ngại vì chính quyền Trung Quốc có hồ sơ đàn áp người Tây Tạng nghiêm trọng và bắt cóc công dân của họ tại Việt Nam," Maya Wang, phó giám đốc phụ tráchTrung Quốc của HRW, phát biểu.
Dẫn Nghị định thư Minnesota về điều tra những trường hợp tử vong có dấu hiệu phi pháp, HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam có "các động thái thích hợp", bao gồm cung cấp kết quả khám nghiệm tử thi cho gia đình ông Hungkar Dorje.
Tu viện Lung Ngon, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc

Nguồn hình ảnh,Website Tu viện Lung Ngon
Chụp lại hình ảnh,Tu viện Lung Ngon, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc
Hôm 9/4, bảy tổ chức Tây Tạng độc lập với chính phủ cũng phát đi thông cáo chung "bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cái chết đột ngột" của Lạt Ma Hungkar Dorje.
Bảy tổ chức này gồm: International Tibet Network, Free Tibet, Tibet Justice Center, Australia Tibet Council, Tibet Action Institute, Students for a Free Tibet, Students for a Free Tibet – India.
Theo thông cáo đăng trên trang web của tổ chức Free Tibet (Tự do cho Tây Tạng), bảy tổ chức này cho hay một nhóm các viên chức Trung Quốc từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, Phòng Tôn giáo của chính quyền huyện Gadê, Phòng An ninh của chính quyền châu tự trị dân tộc Tạng Golog và Phòng Tình báo Tỉnh Thanh Hải đã đến Việt Nam vào sáng ngày 5/4.
"Mối quan ngại của chúng tôi càng tăng lên do những lời kể mâu thuẫn về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ngài, bao gồm cả việc nguyên nhân ban đầu do chính quyền Việt Nam nêu ra là do đau tim và chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng trình giấy chứng tử cho Tu viện Lung Ngon ở Tây Tạng, nhưng không cho phép tu viện lưu giữ bất kỳ hồ sơ nào hoặc sao chép các tài liệu này."
Bảy tổ chức này cũng đưa ra sáu khuyến nghị đối với chính phủ Việt Nam, "phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế", trong đó có việc điều tra về cái chết của ông Hungkar Dorje và tạo điều kiện đưa thi hài của ông về với gia đình.
Một viên chức cấp quận đã đến thăm tu viện Lung Ngon vào ngày 15/10/2024 để kiểm tra việc quản lý chùa. Báo chí Trung Quốc đưa tin này nhưng không đề cập đến tên ông Hungkar Dorje

Nguồn hình ảnh,Gande United Front
Chụp lại hình ảnh,Một quan chức cấp huyện đến thăm tu viện Lung Ngon vào ngày 15/10/2024 để "kiểm tra việc quản lý chùa". Báo chí Trung Quốc đưa tin này nhưng không đề cập đến tên ông Hungkar Dorje.

Lạt Ma Hungkar Dorje là ai?​

Lạt Ma Hungkar Dorje

Nguồn hình ảnh,Free Tibet
Chụp lại hình ảnh,Lạt Ma Hungkar Dorje
Lạt Ma Hungkar Dorje, sinh năm 1969, tại vùng Amdo (ngày nay là một vùng bao gồm tỉnh Thanh Hải) của Tây Tạng, "là một nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng xuất sắc. Cuộc đời của ông tiêu biểu cho sự cống hiến không ngừng nghỉ để bảo tồn bản sắc Tây Tạng thông qua các sáng kiến về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và văn hóa", theo Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA).
Ông Hungkar Dorje có hàng ngàn tín đồ trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm ở Việt Nam.
CTA cho biết ông Hungkar Dorje đã thành lập Trường Trung học Kỹ thuật Nghề nghiệp Hungkar Dorje miễn học phí cho 1.000 học sinh và thành lập Phòng khám Y khoa Từ bi Hungkar cho người Tây Tạng khó khăn.
Ông cũng là tác giả hơn 20 cuốn sách về văn hóa và Phật giáo Tây Tạng.
Theo các tổ chức lưu vong Tây Tạng, năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã ép ông Hungkar Dorje phải tiếp đón Ban Thiền Lạt Ma (đứng thứ hai về cấp bậc sau Đạt Lai Lạt Ma) do Trung Quốc bổ nhiệm, tại tu viện của ông, nhưng ông đã không tuân thủ.
Quan chức tỉnh Thanh Hải đã thẩm vấn ông sau đó và cáo buộc ông đã không tuân thủ các chính quyền Trung Quốc trong công tác giáo dục của mình tại Golog. Những sự kiện này khiến ông phải trốn khỏi tu viện từ cuối tháng 9/2024, vẫn theo các tổ chức này.
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tham gia vào hoạt động đàn áp xuyên quốc gia, bao gồm đàn áp người Tây Tạng sống ở nước ngoài, theo HRW.
Chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ và hồi hương ít nhất hai nhà bất đồng chính kiến từ Việt Nam với sự hợp tác của chính quyền Việt Nam, đó là Đổng Quảng Bình vào năm 2022 và Vương Bỉnh Chương vào năm 2002, theo HRW.
Ông Hungkar Dorje mất tích và qua đời trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đàn áp các nhà giáo dục Tây Tạng nổi tiếng và các trường học mà họ điều hành, những người thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, ở các khu vực miền đông Tây Tạng bao gồm cả Golok, HRW cho hay trong thông cáo báo chí hôm 9/4.
 
Sư ra đi là do giác ngộ Mác Lê. Chúng tui ko có tác động vật lý. Đến sư tuệ chúng tui còn cho đi ấn đụ chơi cơ mà
 

Có thể bạn quan tâm

Top