

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Thông điệp tranh cử của Carney nhấn mạnh tính thực dụng, tái thiết quốc gia và chủ trương đa phương.
- Tác giả,Vũ Đức Khanh
- Vai trò,
- Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Ottawa, Canada
- 3 giờ trước
Sự trùng hợp hiếm hoi của hai sự kiện này - được công bố trong cùng một ngày - khiến dư luận đặt câu hỏi: đâu là chiến lược thực sự phía sau những động thái mang tính hình ảnh này?
Liệu đây có phải là cách Thủ tướng Carney khẳng định chủ quyền của Canada, hay chỉ đơn giản là một màn kịch chính trị không đúng lúc, tiềm ẩn nguy cơ làm xấu đi quan hệ với một chính quyền Mỹ vốn nổi tiếng khó đoán?
Từ chính sách tiền tệ đến đấu trường chính trị
Khác với các chính trị gia truyền thống, Mark Carney xuất thân là một nhà quản lý kinh tế toàn cầu – từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada và sau đó là Thống đốc Ngân hàng Anh.Ông bước vào chính trường với hình ảnh một chuyên gia kỹ trị, người có thể chèo lái Canada vượt qua sóng gió kinh tế và giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ.
Thông điệp tranh cử của Carney nhấn mạnh tính thực dụng, tái thiết quốc gia và chủ trương đa phương.
Tuy nhiên, điều hành chính phủ khác với điều hành ngân hàng trung ương.
Carney hiện đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số, phải đối mặt với Quốc hội phân hóa trầm trọng và cử tri đòi hỏi sự đồng cảm hơn là tính toán kỹ trị.
Ông cam kết không "chơi trò chơi chính trị", trong đó có việc nhanh chóng tổ chức bầu cử bổ sung cho lãnh đạo phe Bảo thủ Pierre Poilievre.
Nhưng cho đến nay, Carney vẫn chưa thể hiện thiện chí xây dựng liên minh thực sự nào.
Việc bác bỏ khả năng liên minh với đảng Tân Dân chủ (NDP) và thiếu ngôn ngữ hòa giải với các đảng phái khác có nguy cơ khiến chính phủ của ông bị cô lập vào thời điểm mà đoàn kết quốc gia là điều tối quan trọng.
Vấn đề thời điểm và biểu tượng
Lời mời Quốc vương Charles III đọc Thông điệp khai mạc Quốc hội Khóa 45 – một nghi lễ hoàn toàn hợp hiến – lại được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm: chỉ vài ngày trước cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.Việc hoàng gia Anh hiện diện trong đời sống chính trị Canada luôn là đề tài gây tranh cãi, nhưng quyết định "kích hoạt" biểu tượng vương quyền trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Canada tiềm ẩn bất ổn là một nước đi đầy rủi ro.
Tổng thống Donald Trump – người từng nêu ý tưởng về một khối kinh tế và an ninh Bắc Mỹ đặt dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và thậm chí còn đề xuất Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ – có thể coi đây là động thái nhằm phủ nhận vị thế bá quyền của Washington.
Trong kịch bản đó, việc Quốc vương Charles III xuất hiện có thể bị diễn giải là "nỗi hoài cổ của tầng lớp tinh hoa toàn cầu hóa", hoặc tệ hơn, là một sự khinh miệt chính trị.
Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng Trump sẽ bỏ qua sự kiện này – trừ khi nó bị cố tình khơi dậy bởi các cố vấn hoặc truyền thông thân cận.
Trong quá khứ, ông Trump chỉ phản ứng mạnh khi có lợi cho diễn ngôn dân túy của mình.
Một số cố vấn của ông – đặc biệt là những người theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ kinh tế – có thể xem đây là "một hành động không yêu nước" và kêu gọi đáp trả bằng lời lẽ hoặc chính sách cứng rắn.
Ngay cả khi Tổng thống Mỹ không phản ứng, việc trao cho ông lý do để nghi ngờ lòng trung thành của Ottawa cũng đủ để gây bất lợi cho Canada trong quan hệ song phương.
Canada giữa hai thế giới
Thủ tướng Carney hoàn toàn đúng khi cho rằng Canada cần hiện đại hóa nền kinh tế, giảm lệ thuộc vào Hoa Kỳ và tăng cường đầu tư vào hạ tầng quốc gia.Nhưng việc khẳng định chủ quyền quốc gia đòi hỏi nhiều hơn những cử chỉ mang tính biểu tượng.
Nó cần sự kiên nhẫn chiến lược, sự linh hoạt trong hợp tác đa đảng và nỗ lực hàn gắn các chia rẽ vùng miền.
Trong nước, Carney cần thể hiện sự lắng nghe đối với Québec, giải tỏa sự bất mãn ở các tỉnh phía Tây và mở rộng cánh cửa đối thoại với các chính đảng khác.
Trên trường quốc tế, vị trí "kẹp giữa" một trục Anh-Mỹ ngày càng rạn nứt và một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang trỗi dậy đòi hỏi Canada phải có chính sách ngoại giao khôn khéo, thay vì chỉ dừng lại ở những nghi lễ đẹp mắt mà thiếu chiều sâu chiến lược.
Việc nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc mà thiếu nỗ lực xây cầu nối giữa các bên có thể khiến Carney bị xem là một nhà kỹ trị xa rời thực tế.
Một trăm ngày đầu tiên của nhiệm kỳ nên là cơ hội để xây dựng lòng tin và thể hiện tính linh hoạt, chứ không phải áp đặt một lập trường đơn độc dưới biểu tượng vương quyền.
Đừng vẫy tấm áo đỏ
Thủ tướng Mark Carney dự kiến gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng vào sáng thứ Ba 6/5 lần đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang ngày 28/4.Cả hai nhà lãnh đạo đều chỉ ra rằng thương mại và an ninh sẽ là những vấn đề chính trong chương trình nghị sự, với việc Trump tuyên bố rằng ông cũng có ý định nêu ra khả năng sáp nhập Canada, một trong những chủ đề thảo luận yêu thích của ông.
Canada cần một chiến lược dựa trên sức mạnh thầm lặng.
Thời kỳ giả định về sự ổn định lâu dài trong quan hệ với Hoa Kỳ đã qua.
Nhưng cũng đã qua rồi thời kỳ mà những biểu tượng về chủ quyền có thể thay thế cho thực lực và hành động.
Bài toán thực sự của Thủ tướng Carney là xây dựng một chính sách kinh tế bao trùm, củng cố đoàn kết dân tộc và khẳng định vị thế quốc tế của Canada bằng hành động cụ thể – chứ không phải bằng nghi thức hoặc biểu tượng.
Nếu muốn thành công nơi người khác đã thất bại, ông cần từ bỏ ngôn ngữ của giới ngân hàng trung ương và học cách đối thoại của người làm chính trị.
Bởi lẽ, khi người hàng xóm phía Nam là một con voi đang lồng lộn, thì việc chìa tay ra vẫn khôn ngoan hơn là vẫy một tấm áo đỏ – dù đó là áo choàng vương giả.