
Người dân tại thị trấn nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào trạng thái "say thuốc tập thể" sau khi cảnh sát tiêu hủy hơn 20 tấn cần sa trong chiến dịch chống ma túy bằng cách đốt ngay ở khu vực trung tâm.
Ước tính 25.000 cư dân của thị trấn Lice thuộc tỉnh Diyarbakır của Thổ Nhĩ Kỳ vô tình bị say thuốc do hít phải mùi khói của hàng chục tấn cần sa bị đốt tại khu vực trung tâm. Số cần sa hơn 20 tấn bị các cảnh sát tịch thu tại Lice trong chiến dịch chống ma túy và tiêu hủy tang vật.Tuy nhiên việc đốt cháy số lượng cần sa khổng lồ ở khu trung tâm thị trấn khiến bầu không khí trở nên đặc quánh. Trong ít nhất 5 ngày, người dân địa phương không dám mở cửa sổ, tránh ra ngoài vì sợ bị say xỉn. Một số gặp những triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn và ảo giác.

Theo truyền thông địa phương, số cần sa bị tiêu hủy trị giá hơn 261,4 triệu USD, bị tịch thu trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2024.
"Mùi chất kích thích bao trùm khắp thị trấn suốt nhiều ngày. Bọn trẻ bị ốm khiến người lớn liên tục phải vào viện", một người dân phàn nàn.
Ông Yahya Öğer, Chủ tịch Hiệp hội Yeşil Yıldız cho biết, dù chính quyền đạt những thành công nhất định trong cuộc chiến chống ma túy, nhưng cách thức tiêu hủy cần sa không đúng.
Ông cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp các túi cần sa để tạo hình thành tên thị trấn theo bảng chữ cái rồi đốt cháy, càng làm tăng thêm sự tổn thương.

Hơn 20 tấn cần sa được xếp theo tên chữ cái của thị trấn và đốt cháy gây nhiều tranh cãi (Ảnh: Odd).
Người đứng đầu Hiệp hội này cho rằng, việc tiêu hủy, đốt cháy các loại thảo mộc có thể gây ngộ độc nghiêm trọng nếu những người xung quanh hít phải. Tương tự như thuốc lá gây hại cho người hút, khói thải từ các chất gây nghiện khi xử lý có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân sống ở vùng lân cận.
Hiệp hội Yeşil Yıldız cũng khuyến cáo nên xử lý cần sa tại những nhà máy có ống khói lọc, ngăn khói ảnh hưởng tới môi trường và con người.
Sự việc đang gây tranh luận trong dư luận Thổ Nhĩ Kỳ về cách thức xử lý chất ma túy bị tịch thu cũng như tác động của nó tới cộng đồng địa phương.