Chiến đấu cơ F-16: Đứa con ra đời từ Chiến tranh Việt Nam vì sao vẫn được săn đón?

Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Không quân Hoa Kỳ bay trên mây vào những năm 1970

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Không quân Hoa Kỳ bay trên mây vào những năm 1970
5 giờ trước
Vào thập niên 1970, mẫu tiêm kích F-16 của Mỹ ra đời từ những trải nghiệm không mấy dễ chịu của các phi công nước này trong Chiến tranh Việt Nam. Nửa thế kỷ trôi qua, hơn 4.600 chiếc F-16 đã được xuất xưởng và hoạt động sản xuất vẫn chưa dừng lại.
Được đưa vào biên chế Không quân Hoa Kỳ (USAF) vào năm 1978, tới thời điểm năm 2024, vẫn còn 875 chiếc F-16 đang phục vụ trong lực lượng này, cùng với 22 chiếc trong Hải quân, theo báo cáo thường niên của Flightglobal.
Ban đầu được thiết kế như một máy bay chiến đấu nhỏ, nhẹ và cực kỳ nhanh, F-16 ngày càng đảm nhiệm nhiều vai trò, từ tấn công mặt đất cho đến chống tàu chiến, trinh sát hình ảnh cho đến săn lùng bệ phóng tên lửa phòng không.
Kể từ năm 2015, F-16 đã trở thành loại máy bay quân sự cánh cố định phổ biến nhất thế giới.
Theo số liệu trên trang web của nhà sản xuất Lockheed Martin vào tháng 5/2025, hiện có khoảng 3.100 chiếc F-16 đang được sử dụng trong lực lượng không quân của 29 quốc gia trên khắp toàn cầu, từ Na Uy (Bắc Âu) đến Chile (Nam Mỹ), từ Ma Rốc (Bắc Phi) đến Singapore (Đông Nam Á).

Vào bất cứ thời điểm nào (cả ngày lẫn đêm), luôn có một chiếc F-16 trên bầu trời ở một nơi nào đó trên thế giới.
Năm 2024, Ukraine đã đưa vào sử dụng lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên do phương Tây viện trợ trong cuộc chiến chống lại Nga.
Khi kêu gọi các đồng minh phương Tây viện trợ loại máy bay do Mỹ sản xuất, Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn những chiếc F-16 này đuổi máy bay chiến đấu của Nga ra khỏi không phận và mang lại ưu thế trên không cho quân đội Ukraine.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 4/2025, Mỹ đã phê duyệt bán 20 tiêm kích F-16 cho một đồng minh của họ tại châu Á – Thái Bình Dương là Philippines.
Thương vụ này, cùng với các thiết bị điện tử, radar và vũ khí hiện đại, là một bước nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân của Philippines, quốc gia đang đối phó với "sự hung hăng của Trung Quốc" trên Biển Đông.
Việt Nam, nước cũng có tranh chấp trên Biển Đông và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí ngoài nhà cung cấp truyền thống là Nga, từ vài năm trước đã được truyền thông quốc tế loan tin là đang có các cuộc đàm phán mua chiến đấu cơ F-16 từ cựu thù Mỹ.
Hơn hai tuần sau khi có thông tin về thương vụ giữa Washington và Manila, trang web chuyên về quốc phòng 19FortyFive đã đưa tin rằng Việt Nam đang chốt mua 24 máy bay F16 của Mỹ. Cho đến nay vẫn chưa có nguồn thông tin nào khác về vụ này.
Vì sao một mẫu chiến đấu cơ đã ra mắt hơn 50 năm vẫn được săn đón như vậy?

Đứa con ra đời từ Chiến tranh Việt Nam​

Trong một bài viết xuất bản vào ngày 20/1/2024, nhân dịp 50 năm mẫu F-16 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, phóng viên Stephen Dowling của BBC News nhận định việc duy trì một mẫu chiến đấu cơ tuyến đầu trong biên chế - chưa nói đến tiếp tục sản xuất - trong suốt 5 thập niên là một kì tích đáng nể.
Theo ông, lý do F-16 vẫn được nhiều quốc gia trên toàn cầu săn đón nằm ở thiết kế cực kì sáng tạo cùng những bài học đắt giá rút ra từ không chiến trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong những năm 1960, Mỹ tin rằng tên lửa không đối không là vũ khí tốt nhất để bắn hạ máy bay địch.
Khi tham chiến tại Việt Nam vào năm 1965, một số máy bay chiến đấu chủ lực của Mỹ như F-4 Phantom II thậm chí không được trang bị súng – các nhà hoạch định quân sự tin rằng chỉ cần tên lửa của máy bay là đủ.
Tuy nhiên, những chiếc F-4 Phantom nặng nề với công nghệ tên lửa tầm xa chưa hoàn thiện và khả năng bay thiếu linh hoạt thời đó đã khá vất vả khi đối đầu với phi công Bắc Việt lái những chiếc MiG nhỏ gọn và linh hoạt do Liên Xô chế tạo.
Một số chiếc MiG của Bắc Việt gần như giống hệt với những mẫu máy bay Liên Xô từng tham chiến trên bán đảo Triều Tiên vào đầu những năm 1950, và lúc bấy giờ đã bị phương Tây coi là lạc hậu đến mức nực cười. Tuy nhiên, trong những trận không chiến giáp lá cà - mà máy bay Mỹ không thể triển khai hiệu quả tên lửa – MiG lại trở thành đấu thủ đáng gờm.
Từ năm 1965 đến năm 1968, các chiến đấu cơ của Mỹ vẫn bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của Bắc Việt hơn số lượng tiêm kích mà họ mất, nhưng khoảng cách này đã thu hẹp đáng kể.
Các máy bay chiến đấu lớn có hai động cơ của Mỹ dễ bị phát hiện từ xa; trong khi những chiếc MiG nhỏ một động cơ lại khó bị phát hiện hơn.
Chiến đấu cơ F-4 Phantom của Không quân Hoa Kỳ đang lao xuống tìm mục tiêu ở Bắc Việt Nam, ngày 31/8/1967

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Chiến đấu cơ F-4 Phantom của Không quân Hoa Kỳ đang lao xuống tìm mục tiêu ở Bắc Việt Nam ngày 31/8/1967
Một giải pháp khi đó là thành lập các trường huấn luyện như Top Gun (ngôi trường trong bộ phim cùng tên do tài tử Tom Cruise đóng chính, chuyên huấn luyện kỹ thuật không chiến của Hải quân Mỹ), nơi dạy cho các phi công kỹ năng không chiến tầm gần mà gần như đã bị lãng quên. Chương trình này được đưa vào hoạt động trước khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và đã cải thiện đáng kể tỷ lệ tiêu diệt/bị tiêu diệt của Hoa Kỳ.
Không chiến trên những chiếc máy bay phản lực có tốc độ vài trăm km/giờ đồng nghĩa với việc phi công phải chịu ảnh hưởng lớn của lực hấp dẫn (lực G) trong những cú lượn vòng, bổ nhào hay ngoặt gắt.
Một giải pháp khác tham vọng hơn là phát triển chương trình nhằm đối phó các máy bay Liên Xô ngày càng tiên tiến. Cuối những năm 1960, các lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã lo ngại về sự xuất hiện của MiG-25 – một chiến đấu cơ khổng lồ có thể bay gấp ba lần tốc độ âm thanh.
Nhu cầu của Lầu Năm Góc về một máy bay đánh chặn mạnh mẽ nhằm đối phó với MiG-25 đã dẫn đến sự ra đời của tiêm kích F-15 Eagle do tập đoàn McDonnell-Douglas (đã được Boeing mua lại năm 1997) chế tạo.
Đây là một máy bay đánh chặn lớn, nhanh, được thiết kế để tiêu diệt máy bay địch ở độ cao lớn với tên lửa điều khiển bằng radar.
Nhưng Liên Xô và các đồng minh trong khối Hiệp ước Warsaw như Ba Lan và Đông Đức lại sở hữu hàng ngàn máy bay chiến đấu khác hoạt động ở độ cao thấp.
Vì vậy, Mỹ cũng cần một loại máy bay nhỏ, linh hoạt, có khả năng tiêu diệt máy bay địch bằng tên lửa tầm nhiệt và pháo – một bài học đắt giá rút ra trực tiếp từ kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam.
Không quân Hoa Kỳ cần hàng trăm chiến đấu cơ như vậy và có khả năng lớn là các nước NATO và các đồng minh khác của Mỹ trên toàn cầu sẽ làm theo.
Các phi công của lực lượng Không quân Bắc Việt đứng cạnh chiếc MiG-21

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Các phi công của lực lượng Không quân Bắc Việt đứng cạnh chiếc MiG-21
Có năm thiết kế tham gia vào dự án đầy tiềm năng này, trong đó hai mẫu nhanh chóng trở nên nổi bật là máy bay chiến đấu phản lực YF-16 của General Dynamics (hiện thuộc Lockheed Martin) và tiêm kích hạng nhẹ YF-17 của tập đoàn quốc phòng Northrop.
YF-16 là nguyên mẫu của F-16, được thiết kế với ưu tiên hàng đầu là không chiến tầm gần, và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều yếu tố thiết kế của máy bay, bao gồm cả mái che buồng lái. Phi công ngồi trong một buồng lái nâng cao với mái vòm lớn, mang lại tầm nhìn gần như không bị cản trở – giống với các máy bay phản lực đời đầu trước khi bị thay thế bởi máy bay chỉ dùng tên lửa.
Sau đó, một ý tưởng được đưa ra, theo Tim Robinson – chuyên gia hàng không quân sự tại Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh – là họ muốn loại bỏ hoàn toàn radar, chỉ cần trang bị hai tên lửa tầm nhiệt và một khẩu pháo, và họ cần sản xuất hàng loạt.
Chiếc máy bay phản lực mới này không cần tầm bay xa như F-15, nên có thể nhỏ hơn, nhẹ hơn nhiều và chỉ cần một thay vì hai động cơ như F-15. Sự kết hợp giữa trọng lượng nhẹ và động cơ mạnh tạo ra tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao – không chỉ giúp đạt tốc độ lớn mà còn có khả năng quay vòng gắt – rất lý tưởng cho không chiến.

 

Dáng dấp tương lai​

Từ đó, F-16 được thiết kế để chịu đựng lực hấp dẫn lên tới 9G trong các trận không chiến (nghĩa là vật thể nặng 1kg trên mặt đất sẽ nặng tới 9kg trong điều kiện đó). Bay ở lực hấp dẫn cao gây ra áp lực rất lớn lên cả khung máy bay và cơ thể phi công. Để so sánh, F-4 Phantom II có thể đạt 7G nhưng chỉ trong thời gian ngắn do khung nặng khiến nó mất tốc độ và độ cao nhanh hơn nhiều.
Để giúp phi công không bị bất tỉnh khi quay vòng với lực hấp dẫn cao, ghế trong buồng lái F-16 được thiết kế nghiêng ra sau, giúp giảm bớt tác động lên cơ thể phi công.
Ngoài một chiếc ghế nghiêng và một tầm nhìn tốt, thiết kế của F-16 còn đi xa hơn thế. Các kỹ sư thiết kế đã loại bỏ một trong những đặc điểm truyền thống nhất của máy bay chiến đấu từ Thế chiến I – cần điều khiển đặt giữa hai chân phi công. Thay vào đó, F-16 có cần điều khiển dạng joystick nằm bên tay phải buồng lái, khá giống với tay cầm của các trò chơi mô phỏng bay trên máy tính.
Cần điều khiển này – ít nhất trong các mẫu F-16 đầu tiên – không thực sự di chuyển khi phi công ấn lên đó vì F-16 sử dụng cơ chế điều khiển của máy tính để thường xuyên thực hiện những điều chỉnh nhỏ đối với hoạt động bay, một hệ thống mà ngày nay được gọi là "fly-by-wire" (điều khiển điện tử).
Đây là máy bay đầu tiên trên thế giới áp dụng hệ thống này và hiện nay nó đã trở thành tiêu chuẩn trong hầu hết các máy bay thương mại hiện đại như Boeing 777 hay Airbus A320.
Nguyên mẫu đầu tiên, YF-16 đã bay thử nghiệm lần đầu vào năm 1974

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Nguyên mẫu đầu tiên YF-16 đã bay thử nghiệm lần đầu vào năm 1974
Ban đầu, F-16 được thiết kế để bổ sung cho mẫu F-15, đảm nhiệm việc bay ở các độ cao thấp hơn, nhưng sau đó người ta sớm nhận ra rằng, giống như những chiếc Spitfire trong Thế chiến II – khung máy bay F-16 đủ chắc để mang thêm vũ khí, nhiều nhiên liệu hơn và radar lớn hơn.
Tốc độ tối đa của F-16 Fighting Falcon là 2.120km/giờ và trần bay tối đa đạt 12km. Phi hành đoàn tiêu chuẩn của F-16 là một phi công và có một số phiên bản hai phi công (huấn luyện, trinh sát…). Bán kính chiến đấu của máy bay lên tới 1.800km. Tầm bay tối đa là 2.030km.
Chiến đấu cơ này được trang bị pháo hàng không M61A1 có 6 nòng 20mm với 511 viên đạn và tổng trọng tải vũ khí mang theo là 9 tấn lắp đặt ở các giá treo dưới cánh và thân.
chart

Trong thế kỷ 21, F-16 trở nên quan trọng không kém với vai trò là máy bay tấn công mặt đất – điều mà các nhà thiết kế của nó vào đầu thập niên 1970 không hề tính đến.
Chính khả năng thích nghi đó đã cho phép mẫu tiêm kích này đảm nhận ngày càng nhiều nhiệm vụ, được các lực lượng không quân săn đón.
Biệt danh ban đầu của F-16 là "Fighting Falcon" (chim cắt chiến đấu), nhưng cái tên này chưa bao giờ trở nên phổ biến, theo lời chuyên gia Tim Robinson khi trả lời BBC News năm 2024.
"Chẳng ai gọi nó như vậy cả. Người ta gọi nó là Viper – bởi vì nó ra đời vào cuối thập niên 70, cùng thời với loạt phim truyền hình Battlestar Galactica. Trông nó giống hệt chiếc Colonial Viper trong phim," ông nói.
"Và đến giờ, F-16 vẫn mang dáng dấp của một chiếc máy bay tương lai," ông Robinson nhấn mạnh.
Khi đậu dưới mặt đất, F-16 trông rất hiện đại, nhưng khi bay trên không, nó thực sự là một trải nghiệm khai sáng, ngay cả với những phi công có kinh nghiệm với máy bay phản lực tốc độ cao. "Đã có những trường hợp phi công bị 'G-lock' – tức là ngất xỉu vì lực G cao," ông Robinson cho biết. "Đây là loại máy bay có thể đẩy phi công vượt qua giới hạn sinh lý, không chỉ vì nó đạt tới 9G mà còn vì tốc độ tăng G diễn ra rất nhanh."
Bên cạnh đó, F-16 thường được các phi công mô tả là rất dễ điều khiển, một phần nhờ vào hệ thống fly-by-wire, một phần nhờ vào khung máy bay vững chắc cùng đôi cánh lớn tạo lực nâng mạnh.
Khi lái một chiếc F-16, phi công có thể phóng tên lửa dẫn đường bằng radar để tấn công máy bay địch từ ngoài tầm nhìn, thả bom dẫn đường xuống mục tiêu dưới mặt đất, và đồng thời phóng tên lửa tìm bức xạ để tiêu diệt các trạm radar địch – thực hiện cả ba việc cùng một lúc.
Ông Raymond Powell, Tùy viên Không quân Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2013-2016, nói với BBC News Tiếng Việt rằng F-16 là dòng tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư mạnh nhất thế giới hiện nay.
"Mặc dù chưa có khả năng tàng hình - vì tàng hình là một đặc điểm của tiêm kích thế hệ thứ năm - nhưng các phiên bản mới của F-16 được trang bị hệ thống điện tử hàng không (avionics) tiên tiến cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau và có thể gây khó khăn lớn cho bất kỳ đối thủ nào," ông giải thích.

Giá bán​

Hiện tại, trong không quân Mỹ và một số nước NATO, chiến đấu cơ F-16 đang dần được thay thế bằng mẫu F-35 hiện đại hơn, cũng do Lockheed Martin chế tạo.
Mỗi chiếc F-35 có giá hơn 100 triệu USD (khoảng 2.600 tỷ đồng) và được thiết kế để tiêu diệt máy bay địch bằng tên lửa tầm xa – từ trước khi F-35 bị radar địch phát hiện.
Còn một chiếc F-16 không trang bị thêm phụ kiện chỉ tốn khoảng một phần ba số tiền đó (867 tỷ).
Các quốc gia châu Âu gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã tặng cho Ukraine một số tiêm kích F-16 mà họ mua từ Mỹ.
Tổng cộng, phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine 65 chiếc F-16. Lô máy bay đầu tiên, được cho là gồm 10 chiếc, đã được chuyển giao cho Kyiv vào cuối tháng 7/2024. Dự kiến số còn lại sẽ được giao cho tới cuối năm 2025.
Đến năm 2056, là tròn 50 năm kể từ khi mẫu F-35 bay lần đầu tiên. Nhưng rất có thể vào thời điểm đó, ở đâu đó trên thế giới, những chiếc F-16 vẫn còn đang bay.
Trong khi các nước giàu đổ xô mua mẫu máy bay mới nhất của Lockheed Martin là F-35 nổi tiếng, lớn hơn và tàng hình hơn, F-16 vẫn là máy bay chiến đấu được mua nhiều nhất trên thế giới.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 4/2025, Mỹ đã phê duyệt bán 20 tiêm kích F-16 cho Philippines.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) hôm 1/4 thông báo rằng một thương vụ F-16 cùng thiết bị liên quan có tổng trị giá ước tính 5,58 tỷ USD giữa Washington và Manila đang được đề xuất.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro trong chuyến thăm tới Manila hôm 28/3/2025

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro trong chuyến thăm tới Manila hôm 28/3/2025
Thông báo được đưa ra chưa đầy một tuần sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tới Manila, chuyến công du đầu tiên của ông với tư cách là người đứng đầu Lầu Năm Góc đến châu Á.
Ông Hegseth tuyên bố Washington sẽ tăng cường liên minh quân sự với Manila nhằm "khôi phục khả năng răn đe" để đối phó với "sự hung hăng của Trung Quốc" trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong tuyên bố của mình, DSCA cho biết Manila đã hỏi mua: 16 chiếc F-16C – phiên bản một chỗ ngồi, một động cơ, và 4 chiếc F-16D – phiên bản hai chỗ ngồi, thường dùng để huấn luyện.
Các máy bay này là biến thể Block 70/72 mới nhất, cùng với các thiết bị điện tử, radar và vũ khí hiện đại, là một bước nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân Philippines.
Hiện tại, Philippines chỉ sở hữu 12 máy bay FA-50 do Hàn Quốc sản xuất – loại chiến đấu cơ nhẹ, chủ yếu dùng cho tấn công mặt đất.

Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại​

Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại như hiện nay, với việc sử dụng ngày càng nhiều loại vũ khí công nghệ cao, trong đó có việc sử dụng drone cho các mục tiêu đa nhiệm, các chuyên gia cho rằng những vũ khí như chiến đấu cơ vẫn "cần", nhưng không còn "đủ".
Cựu tùy viên Raymond Powell, người cũng là Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford, nói với BBC News Tiếng Việt rằng trong chiến tranh hiện đại, quân đội các nước vẫn cần tàu chiến, máy bay chiến đấu nhưng họ thực sự cần nhiều thứ khác trong kho vũ khí của mình, chẳng hạn tên lửa có khả năng tấn công chính xác hay đe dọa các mục tiêu khác, hay các drone hoạt động trên không, trên biển và dưới lòng biển.
"Người ta không muốn từ bỏ những gì vẫn còn giá trị, nhưng cần bắt đầu chuyển dịch sang những công nghệ đang thay đổi cách chiến tranh diễn ra hiện nay."
"Vì vậy, người ta sẽ không muốn rơi vào tình cảnh không có một chiếc tiêm kích nào ở tuyến đầu, nhưng cũng không muốn đầu tư quá mức vào những thứ đó đến mức không kịp thích ứng với thực tế rằng một cuộc chiến trong tương lai có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố khác nữa," ông Powell lý giải.
Theo chuyên gia này, nếu nhìn vào cách Nga tấn công Ukraine, quân đội của Putin đã sử dụng một đội quân rất truyền thống và nhanh chóng bị sa lầy khi Kyiv sử dụng nhiều loại vũ khí mới phi truyền thống.
"Nhưng đồng thời, theo một cách nào đó, cuộc chiến Ukraine lại rơi vào thế giằng co theo kiểu cổ điển chống lại hiện đại. Vì vậy, bạn cần có cả hai [loại vũ khí truyền thống - hiện đại]," ông nhận định.
Cũng lấy ví dụ về cuộc chiến giữa Nga – Ukraine, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc nói với BBC rằng đây là lúc các quân đội phải luôn đi đầu về công nghệ.
"[Cuộc chiến ở] Ukraine đã chứng minh – và điều này có thể phản ánh từ kinh nghiệm của Việt Nam trong chiến tranh với Mỹ – rằng bạn cần phải điều chỉnh thích ứng những công nghệ được các đối tác và đồng minh cung cấp với nhu cầu thực tế trên chiến trường," nhà quan sát Việt Nam lâu năm nhận định.
Đồ họa do đội ngũ East Asia Visual Journalism của BBC thực hiện.
 

Có thể bạn quan tâm

Top