Gần đây, một công ty sản xuất xuất khẩu 18 năm tuổi ở Đông Quản, Quảng Đông thông báo nêu rõ, do những thay đổi trong môi trường kinh tế bên ngoài như việc Hoa Kỳ áp đặt thuế quan, các đơn đặt hàng sản xuất đã bị đình chỉ, nhà máy sẽ tạm đóng cửa trong một tháng kể từ ngày 11/4.
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ chơi bằng nhựa chạy bằng năng lượng mặt trời ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang ngày 11/4/2025. (Ảnh: Adek Berry/AFP qua Getty Images)
Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động rất lớn đến các công ty sản xuất thương mại nước ngoài của Trung Quốc. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng trên thực tế thương mại Mỹ -Trung hiện đang trong tình trạng bế tắc.
Gần đây, theo kênh truyền thông thương mại điện tử xuyên biên giới “Seller’s Home” và nền tảng dịch vụ thông tin toàn diện “Special Plastic Vision” tập trung vào ngành nhựa, Công ty TNHH Thiết bị điện Đức Hồng Tp. Đông Quản, một công ty 18 năm tuổi, đã thông báo cho nhân viên của mình rằng do những thay đổi gần đây trong môi trường kinh tế bên ngoài như việc Hoa Kỳ áp đặt thuế quan, công ty đã phải đối mặt với một số trường hợp khẩn cấp.
Do đó, công ty đã nhận được thông báo từ khách hàng rằng các đơn đặt hàng hiện đã bị đình chỉ, công ty sẽ đàm phán lại giá với khách hàng sau khi khách hàng điều chỉnh giá. Hoạt động kinh doanh của Đức Hồng đang phải chịu áp lực rất lớn trong ngắn hạn.
Thông báo nêu rõ ban quản lý Công ty Thiết bị điện Đức Hồng quyết định nghỉ một tháng từ ngày 11/4, các biện pháp sắp xếp tiếp theo sẽ được thông báo riêng dựa trên các điều kiện thực tế. Người lao động sẽ được trả lương cơ bản theo Luật Lao động trong thời gian nghỉ lễ. Nếu nhân viên quyết định từ chức, công ty sẽ quyết toán lương ngay lập tức.
Công ty TNHH Thiết bị điện Đức Hồng Đông Quản được thành lập vào ngày 30/3/2007. Đây là một doanh nghiệp sản xuất tích hợp nghiên cứu và phát triển, chuyên sản xuất và bán các thiết bị gia dụng. Sản phẩm của công ty được bán 100% cho các nước Châu Âu và Châu Mỹ.
Báo cáo nêu rõ dưới sức ép nặng nề của mức thuế quan cao từ cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên thực tế thương mại Mỹ- Trung hiện đang trong giai đoạn đóng cửa. Nếu cuộc chiến thuế quan vẫn tiếp diễn và hai bên không thể nhanh chóng quay lại bàn đàm phán, tình huống như đình chỉ các tuyến hàng không, đường biển và đóng cửa nhà máy sẽ gia tăng.
Gần đây, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang khi Trung Quốc trả đũa Hoa Kỳ bằng cách tăng cường chính sách thuế quan đáp trả.
Khi kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động ở Trung Quốc đang đến gần, hàng triệu nhà máy thương mại nước ngoài bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ gần như bằng không.
Các công ty thương mại nước ngoài ở nhiều vùng ven biển Đông Nam như Chiết Giang, Giang Tô và Quảng Đông đang trải qua làn sóng “nghỉ lễ tập thể” chưa từng có.
Theo nhiều video lan truyền trên TikTok, bắt đầu từ kỳ nghỉ lễ 1/5, hơn 50% công ty thương mại nước ngoài tại tỉnh Chiết Giang sẽ ngừng hoạt động và kỳ nghỉ lễ sẽ kéo dài.
Hiện tượng này đã lan rộng từ Chiết Giang đến các trung tâm xuất khẩu lớn như Tô Châu, Giang Tô và Đông Quản, Quảng Đông, trở thành hình ảnh thu nhỏ của “mùa đông lạnh giá” hiện nay trong hoạt động ngoại thương của Trung Quốc.
Chiết Giang, một tỉnh xuất khẩu lớn của Trung Quốc, đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Lượng hàng tồn đọng lớn và đơn hàng từ nước ngoài giảm mạnh đã buộc nhiều công ty phải lựa chọn tạm dừng hoạt động hoặc rút ngắn giờ làm việc sau kỳ nghỉ lễ 1/5. Hiện tượng này cũng đã lan sang Tô Châu, Giang Tô, Đông Quản, Quảng Đông và nhiều nơi khác.
Nghĩa Ô, Chiết Giang là cơ sở xuất khẩu lớn nhất của tỉnh, cũng chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung. Ông Phạm, cựu chủ nhà máy ở Nghĩa Ô nói “Hiện giờ tất cả các đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã biến mất. Môi trường kinh tế đã tệ rồi vẫn còn tiếp tục trả đũa Hoa Kỳ. Mọi tầng lớp xã hội ở Nghĩa Ô đều bị ảnh hưởng. Nhiều người bi quan và lo sợ về nền kinh tế Trung Quốc.”
Tại một nhà kho có diện tích 20.000 m2 ở Gia Hưng, Chiết Giang, hàng hóa xuất khẩu tồn đọng chất thành núi. Trong video, một nhà quay phim than thở rằng những mặt hàng có thể bán được với giá hàng chục USD ở Hoa Kỳ giờ đây chỉ vài USD cũng không có người mua.
Ông nói: “Cuộc chiến thuế quan đã khiến rất nhiều hàng hóa thương mại nước ngoài khốn đốn. Bất kỳ cái áo nào ở đây cũng có thể bán được 100USD (ở Hoa Kỳ), nhưng bây giờ nó được bán theo tấn, và giá trung bình của một món đồ chỉ là vài xu, nhưng không ai mua.
Đây là một nhà kho ngoại thương rộng 20.000 m2 ở Gia Hưng. Bị ảnh hưởng bởi thuế quan, hàng hóa xuất khẩu đã trở thành hàng trong nước. Dép Crocs xuất khẩu được bán với giá vài xu (một đôi), dao Trương Tiểu Tuyền được bán theo tấn, giá trung bình của một món đồ chỉ là vài xu… Không thể tồn tại được.”
Gần đây ông Trần Tường, người từng làm quản lý tại các nhà máy ngoại thương ở Chiết Giang, Giang Tô và Quảng Đông, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng Chiết Giang là một tỉnh ngoại thương lớn ở Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu chiếm 70% GDP của tỉnh vào năm 2024.
Ông cho biết: “Tôi đã làm việc trong ngành sản xuất hơn 10 năm, vì vậy tôi hiểu rất rõ mối quan hệ tích cực giữa dân số Trung Quốc và ngành sản xuất. Có thể nói tình hình kinh tế này chưa từng có trong nhiều thập kỷ.“
Hôm thứ Năm (17/4), Tổng thống Donald Trump cho biết kể từ khi ông gần như tăng gấp 3 lần mức thuế quan áp lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã “nhiều lần” chủ động liên lạc với Washington.
Ông Trump tiết lộ với báo giới rằng có thể đạt được một thỏa thuận sớm nhất là trong vòng 3 – 4 tuần tới.
Ông Trump cho biết, mặc dù có một số người thúc giục ông xúc tiến nhanh tiến trình đàm phán, nhưng ông tin rằng vẫn còn “rất nhiều” thời gian để đạt được một thỏa thuận. Ông kỳ vọng rằng điều ấy sẽ trở thành hiện thực.
“Tôi nghĩ rằng trong vòng 3 đến 4 tuần lễ tới, mọi chuyện có thể kết thúc”, ông Trump phát biểu hôm thứ Năm (17/4).
Ông cũng nói thêm rằng nếu đôi bên không thể đạt được thỏa thuận, mọi việc sẽ vẫn “ổn cả thôi”.
“Đến một lúc nào đó, nếu chúng tôi không đạt được một thỏa thuận, chúng tôi sẽ ấn định một giới hạn. Chúng tôi sẽ đặt ra một mức thuế quan. Chúng tôi sẽ đặt ra một số quy định và chúng tôi sẽ nói, ‘Hãy đến và [giao thương đi]’. Họ luôn có quyền không làm điều đó, vì vậy họ có thể nói, ‘Ồ, chúng tôi không muốn, chúng tôi sẽ không vào đó [giao thương], chúng tôi sẽ không [giao thương] trong các cửa hàng ở [thị trường] Mỹ’. Chúng tôi có thứ mà không ai khác có được, đó chính là người tiêu dùng Hoa Kỳ“, ông Trump nói.