Cựu CIA Frank Snepp và 'cuộc tháo chạy hỗn loạn' trong thời khắc cuối của Sài Gòn

Cựu điệp viên CIA Frank Snepp, người đã cho điều chiếc trực thăng trong bức ảnh nổi tiếng cho sự sụp đổ của Sài Gòn, chia sẻ về thời khắc cuối cùng ở thủ đô này

Nguồn hình ảnh,Getty Images/Frank Snepp
Chụp lại hình ảnh,Cựu điệp viên CIA Frank Snepp, người đã cho điều chiếc trực thăng trong bức ảnh nổi tiếng về sự sụp đổ của Sài Gòn, chia sẻ về thời khắc cuối cùng trước khi chiến tranh kết thúc.
28 tháng 4 2025, 07:30 +07
Sau 50 năm, những bóng ma của Chiến tranh Việt Nam vẫn ám ảnh cựu CIA Frank Snepp. Ông không bao giờ quên được hình ảnh cuối cùng trước thời khắc Sài Gòn sụp đổ và việc Mỹ đã bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng hòa như thế nào.
Frank Snepp là nhà phân tích đứng đầu của CIA về chiến lược của Bắc Việt trong Chiến tranh Việt Nam, từng đảm nhận nhiệm vụ đưa cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra sân bay rời Việt Nam sang Đài Loan vào ngày 25/4/1975 trước khi Sài Gòn sụp đổ.
Sau khi trở về Mỹ, ông đã viết cuốn sách Decent Interval, với nhan đề ngụ ý về việc Mỹ muốn có một khoảng cách thời gian hợp lý giữa việc rút quân và sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa (khoảng thời gian 'coi được'), để Mỹ không bị coi là đã bỏ rơi đồng minh hoặc thua trận một cách trực tiếp.
Trong suốt cuộc nói chuyện kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ với BBC News Tiếng Việt, cựu điệp viên CIA có lúc nhắm mắt, im lặng hồi tưởng những khoảnh khắc cuối cùng trước khi rời Sài Gòn. Ông nói mình bị ám ảnh bởi những bóng ma chiến tranh, bởi những mặt người, tiếng hét, tiếng cầu cứu và ông ước rằng mình đã chọn lựa khác đi để có thể bắt đầu kế hoạch di tản sớm hơn và từ đó cứu được nhiều mạng người hơn.
"Tôi vẫn thường nghĩ: điều gì sẽ xảy ra nếu khi đó tôi hét vào mặt ông đại sứ, làm ầm ĩ lên và nói rằng: Chúng ta có thể đưa người dân ra bờ biển, hãy làm đi. Hãy sơ tán họ bằng đường đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nắm cổ áo ông đại sứ và nói: Làm ơn hãy tin vào những gián điệp giỏi nhất của chúng ta."
"Nhưng tôi đã không làm gì cả. Tôi là một cấp dưới vâng lời.... Tôi ước gì mình đã can đảm hơn. Nhưng tôi đã không được như vậy," ông Snepp nói.
Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng ngày cuối cùng của nhà phân tích chiến lược của CIA ở Sài Gòn.
FrankSnepp

Nguồn hình ảnh,Frank Snepp
Chụp lại hình ảnh,Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và Frank Snepp trong một sự kiện tại Paris vào năm 1978.

'Tất cả là một cơn hỗn loạn điên rồ'​

BBC: Thưa ông, chiến tranh đã kết thúc 50 năm, ông còn nhớ gì về những ngày cuối cùng ở Sài Gòn vào tháng 4/1975?
Frank Snepp: Một ngày trước khi cuộc chiến kết thúc, 29/4 là một cảnh tượng hỗn loạn, thời điểm mà bất cứ ai, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều phải tự lo lấy thân mình.
Đại sứ quán Mỹ không hề có nổi một danh sách tổng những người Việt Nam thuộc diện nguy hiểm nhất, những người đáng được di tản trước tiên - vì không ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ thật sự đối mặt với thời khắc đó nhanh đến vậy, trừ tôi và một vài người khác được tiếp cận các thông tin tình báo liên quan.
Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn không có sự chuẩn bị nào cho ngày cuối ấy.
Những thông tin mật mà Võ Văn Ba phím cho tôi đã khiến quân đội Mỹ bắt đầu lên kế hoạch cho một chiến dịch không vận khẩn cấp. Đến sáng ngày 29/4, các đường băng ở phi trường Tân Sơn Nhứt đã bị phá hủy hoàn toàn, có nghĩa: lối thoát duy nhất là bằng trực thăng.
Những trực thăng lớn từ hạm đội ngoài khơi đến tận buổi chiều mới bay vào thành phố vì họ quên mất sự chênh lệch múi giờ giữa Sài Gòn và Giờ chuẩn Greenwich (GMT).
Suốt buổi sáng hôm đó, chúng tôi chỉ có thể tùy cơ ứng biến, sơ tán mọi người bằng bất cứ cách nào có thể.
Tất cả phụ thuộc vào 17 chiếc trực thăng nhỏ của Air America - hãng hàng không độc quyền của CIA. Những chiếc trực thăng nhỏ này cứ bay lượn quanh thành phố, đón người và đưa người đến các địa điểm tập kết, chủ yếu là Đại sứ quán Mỹ và Văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại phi trường Tân Sơn Nhứt, để chờ trực thăng lớn đưa đi.
Đôi lúc những chiếc máy bay của Air America phải lao thẳng ra hạm đội ngoài khơi, nhưng không hề có cuộc sơ tán diện rộng nào. Không ai biết nên đi đâu. Hoàn toàn hỗn loạn. Đó là một cuộc giành giật trong tuyệt vọng để được đưa đi.
Đến giữa buổi sáng, đại sứ quán đã trở thành một pháo đài ngập giữa biển người - hàng ngàn người Việt Nam gào khóc, la hét, chen lấn, leo tường để vào được bên trong khuôn viên vì họ biết rằng những chiếc trực thăng lớn có thể rời đi từ tòa đại sứ.
Những người dân miền Nam Việt Nam tuyệt vọng cố gắng trèo qua bức tường của Đại sứ quán Hoa Kỳ để chạy trốn khỏi Sài Gòn vào ngày 29/4/1975. Một ngày sau đó, Quân Giải phóng tiếp quản thủ đô và Chiến tranh Việt Nam chính thức kết thúc.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Những người dân miền Nam Việt Nam tuyệt vọng cố gắng trèo qua bức tường của Đại sứ quán Hoa Kỳ để chạy trốn khỏi Sài Gòn vào ngày 29/4/1975. Một ngày sau đó, ******** tiếp quản thủ đô và Chiến tranh Việt Nam chính thức kết thúc.
Tôi đến đại sứ quán lúc khoảng 6 giờ sáng. Tôi đã không ngủ trong nhiều ngày. Cuối cùng tôi chợp mắt được một chút vào 4 giờ sáng thì bị đánh thức bởi tiếng pháo kích của quân ******** vào sân bay Tân Sơn Nhứt. Tiếng nổ như sấm dội và tôi bật dậy, cố hết sức chen qua dòng người để vào trong tòa đại sứ.
Tôi bắt đầu làm mọi việc có thể - giúp những người trèo qua tường, chỉ đạo trực thăng đến đón những người đang cầu cứu.
Phòng tác chiến của CIA khi đó thật hỗn loạn. Mọi người gào lên qua radio: "Xin hãy cứu tôi! Tôi đang ở địa điểm này! Tôi là người Mỹ! Tôi là người Việt Nam! Xin đừng bỏ rơi tôi!"
Chúng tôi điều trực thăng đi cứu càng nhanh càng tốt.
Vào khoảng giữa buổi sáng, trưởng trạm CIA đến tìm tôi nói rằng bạn gái của ông ta bị kẹt lại. Chúng tôi phải cử trực thăng đến đón cô ấy. Tôi nói: "Đưa cô ấy đến tòa nhà của tôi", nhưng rồi chợt nhớ ra chung cư của tôi đã bị quá tải, sân thượng để đón trực thăng đã chật kín người.
Tôi liền kêu họ đổi hướng đến số 22 đường Gia Long. Đó là tòa nhà nổi tiếng trong bức ảnh lịch sử – nơi có chiếc trực thăng đậu trên mái nhà và một người Mỹ đang kéo những người leo lên thang. Chính tôi đã cử chiếc trực thăng ấy tới mái nhà đó sáng hôm 29/4 để đón bạn gái trưởng trạm CIA.
Người chỉ huy chiến dịch trực thăng đó là O.B. Harnage, chính là người trong bức ảnh, đang nghiêng người trên mái nhà để kéo người lên. Chiến dịch đó kéo dài đến tận chiều tối và thực tế có tới ba chiếc trực thăng Air America lần lượt hạ cánh trên mái nhà đó.
Chiếc trực thăng trên nóc tòa nhà số 22 đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng) đưa người đi sơ tán vào ngày 29/4/1975

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Chiếc trực thăng trên nóc tòa nhà số 22 đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng) đưa người đi sơ tán vào ngày 29/4/1975.
Tuy nhiên, bạn gái của Trưởng trạm CIA lại không nằm trong số những người được cứu đi. Nhưng chúng tôi đã đưa được cựu giám đốc tình báo Sài Gòn (tức Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ thời Ngô Đình Diệm; chuyến bay này còn có Trung tướng Trần Văn Đôn - BBC chú thích) lên máy bay, cùng nhiều người khác. Ai đến trước thì được đi trước. Tất cả đều hỗn loạn.
Trong ngày hôm đó, tôi còn xuống sát bức tường tòa đại sứ để giúp nhiều người leo qua. Người ta gào thét cầu cứu, tôi nắm tay kéo người này lên, rồi phát hiện ra một bà mẹ đã bỏ lại đứa con nhỏ. Chúng tôi lại phải tìm cách đưa đứa trẻ qua bức tường. Người ta đánh nhau, giành giật để được cứu trước.
Chúng tôi thỉnh thoảng mở cổng bên hông tòa đại sứ cho dòng người ùa vào.
Cuối cùng, vào cuối buổi chiều, những chiếc trực thăng lớn từ hạm đội mới bắt đầu tới nơi nhưng họ không thể đáp được ngay trên nóc tòa đại sứ mà phải hạ cánh trong sân.
Khi đó, cánh quạt trực thăng đã thổi tung các gói tài liệu mật mà chúng tôi đem ra sân để tiêu hủy, khiến giấy tờ, dù đã xé đi một phần, bay tán loạn trên cây cối, mặt đường. Khi quân Bắc Việt tiến vào, họ chỉ việc dán lại là đọc được những thông tin mật.
Đó thực sự là một cơn ác mộng.
Các thường dân di tản lên trực thăng của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ bên trong khuôn viên Đại sứ quán Mỹ, để được trực thăng vận ra Hạm đội 7 của Hoa Kỳ trước khi quân cộng sản tiến vào Sài Gòn trong ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, 30 tháng 4 năm 1975 (Ảnh do Nik Wheeler/Corbis thực hiện qua Getty Images).

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Các thường dân di tản lên trực thăng của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ bên trong khuôn viên Đại sứ quán Mỹ để được trực thăng vận ra Hạm đội 7 của Hoa Kỳ trước khi quân ******** tiến vào Sài Gòn trong ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, 30 tháng 4 năm 1975.
Tôi liên tục vào phòng tác chiến để nhận tín hiệu cầu cứu và cố gắng điều trực thăng đến đón người. Trưởng trạm CIA, Tom Polgar – người mà tôi rất kính trọng – đã để lại những người mà ông ấy rất gắn bó bên ngoài bức tường của tòa đại sứ, bao gồm cả bạn gái của ông ấy.
Vì vậy, ông trở nên hoàn toàn mất tập trung còn ông đại sứ thì bắt đầu suy sụp.
Sáng hôm đó, tôi nhiều lần xuống văn phòng ông đại sứ. Có lần, tôi thấy ông quỳ gối tự tay xé nát tài liệu, rồi nhét những tài liệu quan trọng khác vào cặp, vì ông biết mình sẽ bị đổ lỗi và cần bằng chứng để tự vệ.
Trên hành lang, tôi cũng thấy nhiều nhân vật quan trọng tìm cách chen vào. Cả Trung tướng Đặng Văn Quang – Cố vấn An ninh Quốc gia – cũng tuyệt vọng tìm đường thoát thân.
Thậm chí có cả đoàn ngoại giao Hungary – những "bạn bè" ******** – cũng cử người lên phòng tác chiến CIA cầu cứu để được di tản. CIA đã phải điều người đến giải cứu họ – những kẻ trước đó đã đánh cắp tin tức của VNCH cho Bắc Việt. Chúng tôi đã phải cứu họ khỏi chính "đồng chí" của họ.
Các nhà ngoại giao Bắc Việt cũng đã có mặt ở Tân Sơn Nhứt từ sau hiệp định ngừng bắn và vào ngày đó, họ phải trốn trong mương để tránh bị pháo kích.
Tất cả là một cơn hỗn loạn điên rồ.
Và tôi đã kiệt sức. Tôi không ngủ suốt ba tuần liền. Nói đúng ra thì tôi chỉ còn cử động cơ thể bằng ý chí. Có lúc, mọi người bắt đầu xếp hàng dài trong hành lang của tòa đại sứ. Hệ thống điều hòa không khí đã hỏng nên ngột ngạt khủng khiếp.
Nhiệt độ lúc đó khoảng 40 độ C. Thang máy đã ngừng hoạt động nên người Việt Nam lẫn người Mỹ phải chen chúc nhau đi trên cầu thang bộ để đến được sân thượng.
Các lính Thủy quân lục chiến Mỹ thì cố gắng kiểm soát đám đông trong đại sứ quán.
Khung cảnh thật siêu thực, hỗn loạn hoàn toàn.
Lúc đó trong đầu tôi chợt nghĩ, lỡ có ai cầm theo một quả lựu đạn thì sao? Và đúng như vậy, một quả lựu đạn đã phát nổ bên kia đường đối diện đại sứ quán, giết chết nhiều người.
Ảnh trái: Nhân viên Mỹ và người phụ thuộc cùng người dân miền Nam Việt Nam tụ tập bên trong khuôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn khi trực thăng đưa những nhóm nhỏ lên tàu thủy ở ngoài khơi một ngày trước khi Sài Gòn rơi vào tay Bắc Việt.Ảnh phải: Thủy quân lục chiến Mỹ đuổi hai người đàn ông Việt Nam đang cố trèo qua hàng rào dây kẽm gai để vào Đại sứ quán Mỹ trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ảnh trái: Nhân viên Mỹ và người phụ thuộc cùng người dân miền Nam Việt Nam tụ tập bên trong khuôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn khi trực thăng đưa những nhóm nhỏ lên tàu thủy ở ngoài khơi một ngày trước khi Sài Gòn rơi vào tay Bắc Việt.Ảnh phải: Thủy quân lục chiến Mỹ đuổi hai người đàn ông Việt Nam đang cố trèo qua hàng rào dây kẽm gai để vào Đại sứ quán Mỹ trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

 

'Người Mỹ sẽ rời đi'​

BBC: Được biết ông là một trong những đặc vụ CIA cuối cùng rời Sài Gòn? Ông đã rời đi bằng cách nào?
Frank Snepp:
Sáng hôm đó, chúng tôi nhận được hai bức điện tối quan trọng từ Washington. Kissinger thông báo rằng 50 người trong chúng tôi sẽ phải ở lại để duy trì hoạt động của đại sứ quán sau khi ******** tiếp quản Sài Gòn. Ông ấy nói như thể ******** đã đồng ý rồi vậy trong khi trên thực tế họ không cho thương lượng, đàm phán gì cả.
Nhưng dù sao thì tôi được chỉ định là một trong số 50 người đó, nên tôi phải bắt tay vào tiêu hủy những tài liệu tôi còn giữ vì văn phòng của tôi là nơi duy nhất lúc đó ở Sài Gòn vẫn còn xử lý các thông tin tình báo.
Tôi đã tưởng mình sẽ nán lại lâu hơn. Nhưng đầu giờ chiều, tôi nhận được tin Kissinger đã lệnh cho tất cả người Mỹ phải rời đi.
Sáng hôm đó, tôi nhận được một tin nhắn thông báo đây là tin tức được chặn thu từ liên lạc của phía ******** với nội dung cơ bản là: nếu đến 6 giờ chiều mà người Mỹ chưa rút hết, ******** sẽ pháo kích thẳng vào trung tâm Sài Gòn, bao gồm cả đại sứ quán.
Khi đọc được bức điện đó, tôi hiểu ngay ý nghĩa của nó. Chúng tôi sẽ bị tiêu diệt, san bằng. Tôi vội vã chạy đến văn phòng trưởng trạm CIA và đại sứ để hỏi: "Giờ ta phải làm gì?"
Tôi cũng lập tức gửi thông báo cho Tổng thống Dương Văn Minh, yêu cầu ông báo với phía ******** rằng Mỹ sẽ rút đi, chắc chắn là sẽ rút hết.
Nếu thông điệp đó không được chuyển tới, ******** có lẽ đã khai hỏa vào trung tâm Sài Gòn.
Và khi đồng hồ gần đến 6 giờ, tôi đội mũ bảo hiểm vào vì không biết ******** đã nhận được tin nhắn chưa. Tôi đứng chờ và đúng 6 giờ, có một tiếng nổ lớn vang lên từ phía bên kia đường đối diện đại sứ quán.
Tôi nghĩ: "Thế là xong đời, chúng ta sẽ bị pháo kích."
Nhưng hóa ra chỉ là tiếng chiếc xe hơi bị nổ tung. Cho đến giờ, tôi vẫn không biết chuyện gì thực sự đã xảy ra. ******** đã không pháo kích Sài Gòn.
Có lẽ họ đã nhận được thông điệp, biết chắc người Mỹ cuối cùng cũng rút đi.
Kissinger còn cho gửi thêm điện nhấn mạnh lại rằng: Người Mỹ sẽ rời đi.
Đại sứ Martin đã thề ông sẽ ở lại cho đến khi người Việt cuối cùng rời đi.
Khoảng 9 giờ 30 tối, trưởng trạm CIA thông báo cho tôi rằng tôi phải rút đi cùng với nhóm 17 sĩ quan CIA cuối cùng.
Trạm trưởng CIA Polgar quyết định ở lại để rời đi cùng Đại sứ Graham Martin, tôi nói mình cũng muốn ở lại nhưng Polgar nói đại ý là: "Frank, cậu phải đi. Trong đầu cậu có quá nhiều bí mật. Cậu không thể để bị bắt."
Dĩ nhiên ông ấy cũng có những bí mật, nhưng ông ấy có quyền miễn trừ ngoại giao, còn tôi thì không. Thế nên tôi rời đi cùng nhóm cuối cùng của các điệp vụ CIA.

'Mũi súng chĩa về người Việt Nam'​

Khi chúng tôi leo lên chiếc trực thăng trên nóc tòa đại sứ, tôi nhìn xuống mép tòa nhà và thấy hàng ngàn người đang chờ trong sân và xa hơn nữa, bên ngoài bức tường, nhiều người la hét, vẫy tay, tuyệt vọng mong được vào bên trong.
Chiếc trực thăng từ từ rời khỏi nóc đại sứ quán, nghiêng ngả rồi bay chệch sang một bên. Khi đó, tôi nhìn ra rìa đô thành Sài Gòn, thấy rõ ánh đèn pha của quân đội Bắc Việt - 140.000 lính Bắc Việt đang tiến vào thành phố - đúng như dự đoán của Võ Văn Ba, điệp viên của chúng tôi.
Trực thăng tiếp tục lấy độ cao, hướng về căn cứ không quân Biên Hòa. Trên trời có những vụ nổ như những quả bom nguyên tử nhỏ rạch ngang dọc màn đêm. Quân Giải phóng đã pháo kích sân bay và làm nổ tung kho đạn.
Chiếc trực thăng bay xa dần, tiến về phía bờ biển. Chúng tôi bắt đầu hứng chịu hỏa lực từ dưới đất. Tôi thậm chí còn thấy đạn vạch đường lao qua cửa sổ đối diện chỗ tôi ngồi, dường như tạo thành một hình chữ thập hoàn hảo. Kẻ địch đã khóa mục tiêu vào chúng tôi và đang nổ súng.
Một chiếc máy bay C-130 của Không quân miền Nam Việt Nam bốc cháy trên đường băng sau khi trúng rocket của quân đội Bắc Việt trong quá trình di tản Sài Gòn, ngày 29/4/1975. Ảnh của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, hiện nằm trong bộ sưu tập của Cục Lưu trữ Quốc gia

Nguồn hình ảnh,Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ
Chụp lại hình ảnh,Một chiếc máy bay C-130 của Không quân miền Nam Việt Nam bốc cháy trên đường băng sau khi trúng rocket của quân đội Bắc Việt trong quá trình di tản Sài Gòn, ngày 29/4/1975. Ảnh của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, hiện nằm trong bộ sưu tập của Cục Lưu trữ Quốc gia.
Các phi công trực thăng lập tức điều khiển máy bay lách đi một cách tuyệt vọng để tăng độ cao. Cuối cùng, chúng tôi đã né được làn đạn, bay thẳng tới chiếc USS Denver, một tàu đổ bộ trực thăng thuộc Hạm đội Bảy được triển khai ở Biển Đông để phục vụ chiến dịch di tản.
Khi chúng tôi hạ cánh xuống boong tàu, ánh đèn của con tàu đóng lại quanh chúng tôi, giống như những cánh hoa khép lại.
Tôi kiệt sức đến mức đổ nhào khỏi trực thăng, gần như không đứng dậy nổi. Sau đó, tôi vào phòng liên lạc của con tàu để theo dõi phần còn lại của cuộc di tản.
Đại sứ và trưởng trạm CIA đã rời khỏi Sài Gòn lúc khoảng 6 giờ sáng hôm sau.
Những lính Thủy quân lục chiến còn lại đảm trách an ninh cũng bắt đầu rút dần vào trong tòa nhà.
Mãi sau này, tôi nghe một người phụ nữ Việt Nam khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Úc kể lại rằng vào buổi chiều tối ngày 29/4, cô lúc đó tầm 5 tuổi đứng trong sân tòa đại sứ và chứng kiến cảnh những lính Thủy quân lục chiến Mỹ cuối cùng rời đi với súng chĩa thẳng những người Việt Nam đang trong sân.
Đó là ký ức không bao giờ phai mờ trong tâm trí cô về ngày cuối cùng ấy:
Những người Mỹ cuối cùng rời đi với họng súng chĩa thẳng vào cô.
Do sai lầm từ Washington, những lính Thủy quân lục chiến này đã bị kẹt lại trên mái tòa đại sứ cho đến tận lúc trời sáng, rồi cuối cùng mới được giải cứu.
Và như vậy, cuộc di tản kết thúc, trong vô vàn đau đớn.
BBC: Xin cảm ơn ông.
Frank Snepp

Chụp lại hình ảnh,Frank Snepp trong cuộc phỏng vấn vào ngày 25/4 với BBC
Kết thúc buổi trò chuyện, Frank Snepp nói rằng ông không cần những đợt kỷ niệm 10, 20 hay 50 năm để nói về Chiến tranh Việt Nam vì những bóng ma của quá khứ không ngừng ám ảnh ông, kể từ khi ông rời đi trên chiếc trực thăng cất cánh khỏi nóc đại sứ quán vào ngày 29/4/1975.
Nhà phân tích chiến lược của CIA, nay đã 81 tuổi, nói với BBC rằng có rất nhiều khoảnh khắc trong quá khứ trở về khiến ông gục ngã và bật khóc.
"Nhưng tôi biết điều đó là ích kỷ bởi lẽ người Việt Nam - ở cả hai phía - đã phải chịu đựng những mất mát khủng khiếp, phải trả cái giá quá đắt cho cuộc chiến.
"Điều tôi có thể làm là luôn cố gắng nhớ lại mọi chuyện một cách trung thực nhất có thể và không bao giờ quên những gì tôi chịu đựng chẳng là gì so với những gì người Việt Nam từ cả hai phía, cũng như những gì lính Mỹ đã trải qua trong cuộc chiến.
"Chính họ mới là những người chúng ta nên nhớ đến. Còn ký ức của tôi chỉ là những dòng ghi chú bên lề," ông Snepp nói.
 
Bọn CIA vô dụng vl. Lúc chạy thiêu hủy tài liệu k kỹ bị VC ghép lại được. Khá nhiều tộc trên Tây Nguyên với Lào nhận viện trợ của CIA chống + phải chuyển quốc tịch America. :canny:
 

Có thể bạn quan tâm

Top