Trang tử cùng Huệ Tử đứng chơi trên cầu sông Hào.
Trang tử nói: "Đàn cá xanh bơi lội thung dung. Cá vui đó."
Huệ Tử nói: "Ông không phải là cá, sao biết cá vui?"
Trang Tử nói: "Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết?"
Huệ Tử nói: "Tôi không phải là ông, nên không thể biết được ông, còn ông không phải là cá, ông cũng hẳn không sao biết được cái vui của cá!"
Trang Tử nói: "Xin hãy xét lại câu hỏi đầu. Ông đã hỏi tôi là làm sao biết được cá vui? Đã biết là tôi biết, ông mới có hỏi "làm sao mà biết"... Thì đây, làm thế này: Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết được."
(Cá Vui - Trang Tử Nam Hoa Kinh - Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú)
Lời tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần:
"Bài Ngư lạc (Cá vui) trên đây lại cũng muốn nói với ta rằng: nếu ta nhìn đời với cặp mắt yêu thương thì đời đối với ta cũng yêu thương, trái lại, nếu ta nhìn nó với một tấm lòng hằn học thì nó đối với ta cũng hằn học. Đời như mảnh gương trong, ta cười thì nó cười với ta, mà ta khóc thì nó cũng khóc với ta. Người mà mang theo mình cặp mắt bi quan yếm thế, một tâm hồn ích kỷ, đầy tư dục thì dù sống giữa cảnh đẹp nhất trần gian, giữa cảnh giàu sang tuyệt thế, cũng vẫn đau khổ luôn luôn vì đã mang một cõi địa ngục trong lòng. Hoán cải xã hội chung quanh, tuy là cần, nhưng lo hoán cải tâm hồn mình, nghĩa là phải lo hoán cải nhãn quang mình về cuộc đời trước hết."