Đại học Harvard nhận thêm tài trợ sau khi bị ông Trump đóng băng 2,2 tỷ USD

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cắt khoản tài trợ nghiên cứu trị giá 2,2 tỷ USD dành cho Đại học Harvard. Một số cựu sinh viên đang cố gắng hết sức để bù đắp khoản thiếu hụt này.​

Đại học Harvard nhận thêm tài trợ sau khi bị ông Trump đóng băng 2,2 tỷ USD - 1

Bức tượng John Harvard tại Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachussetts, Mỹ (Ảnh: AFP).

Suốt hai thập kỷ sau khi tốt nghiệp, Samuel Graham-Felsen chưa từng ủng hộ tài chính cho trường của mình. Với ông, Đại học Harvard, ngôi trường 388 năm tuổi, đại diện cho chủ nghĩa tinh hoa. Ông từng nghĩ, việc tiếp tục rót thêm tiền cho ngôi trường giàu nhất thế giới không phù hợp với giá trị của ông.

"Tại sao tôi phải tài trợ cho một nơi đã có hàng tỷ USD?", ông từng tự hỏi mỗi khi nhận được thư kêu gọi gây quỹ.

Thế nhưng, quan điểm của ông đã thay đổi vào tuần này, sau khi Harvard từ chối loạt yêu cầu từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trước cáo buộc của Nhà Trắng về việc Đại học Harvard chưa hành động đủ mạnh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái, ông Graham-Felsen, một nhà văn người Do Thái đang sống tại New Jersey, không im lặng.

Ông đã đóng góp cho Đại học Harvard một khoản trị giá 108 USD. Đây là bội số của 18, một con số mang tính biểu tượng trong Do Thái giáo, như một cách phản đối việc chính phủ lấy danh nghĩa cộng đồng Do Thái để trừng phạt trường.

"Ông Trump càng gây sức ép lên Harvard, tôi càng muốn ủng hộ trường. Tôi đâu phải người giàu có", ông nói.

Ông Graham-Felsen cho hay, một số bạn bè của ông, những người chưa từng đóng góp tài chính trước đây, cũng đã bắt đầu gửi tiền về trường.

"Đây là một vấn đề lớn hơn cả Harvard", ông Gil Pimentel, cựu sinh viên khóa 1984, người đã đóng góp 100 USD, nhận định sau khi đọc bài phát biểu quyết liệt từ Chủ tịch Đại học Harvard Alan M. Garber hồi đầu tuần.

Ông cho rằng khoản đóng góp của mình "chỉ là một phần rất nhỏ trong ngân sách khổng lồ của trường", nhưng ông muốn Chủ tịch Garber biết rằng ông có sự hậu thuẫn từ cựu sinh viên.

Trong nhiều năm qua, ông Pimentel đã tạo danh sách email của khoảng 400 bạn cùng khóa, trong đó có những tên tuổi như cựu Ngoại trưởng Antony J. Blinken, luật sư George Conway, và nhà sử học Heather Cox Richardson.

Ông đã gửi email kêu gọi bạn bè ủng hộ Harvard, với tiêu đề: "Chiến đấu mạnh mẽ lên, Harvard!". Chỉ sau thời gian ngắn, ông Pimentel nhận được hơn 50 phản hồi với nội dung: "Đã quyên góp".

"Tôi nhận được email từ những người nói rằng họ chưa từng đóng góp tài chính, hoặc chỉ 1-2 lần trong đời. Và giờ đây, họ sẵn sàng làm điều đó", ông chia sẻ.

Một trong những người nhận được email là ông Mark Pelofsky. Ông Pelofsky đã đóng góp 250 USD, đây là khoản tài trợ đầu tiên ông gửi cho Harvard sau nhiều năm.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu người đã hỗ trợ tài chính cho Đại học Harvard trong tuần qua, và phía nhà trường cũng chưa phản hồi đề nghị cung cấp số liệu.

Chia sẻ với báo giới, những người quyết định đóng góp tài chính cho Đại học Harvard trong tuần này đều ý thức rằng khoản tiền nhỏ bé không thể tạo ra khác biệt đáng kể giữa cuộc tranh cãi tài chính trị giá hàng tỷ USD với chính phủ. Nhưng với họ, đó không đơn thuần là vì Harvard, bởi lúc này, Harvard đã trở thành một biểu tượng.

Trước đó, ngày 14/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ đóng băng khoản tài trợ nhiều năm trị giá 2,2 tỷ USD và 60 triệu USD hợp đồng nghiên cứu dành cho Đại học Harvard, sau khi trường này từ chối tuân thủ các yêu cầu chính sách do chính phủ đưa ra.

Những yêu cầu bao gồm xóa bỏ các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI), cấm đeo khẩu trang trong các cuộc biểu tình tại khuôn viên trường, áp dụng tuyển sinh và tuyển dụng dựa trên năng lực, đồng thời giảm quyền lực của những giảng viên và quản lý "thiên về hoạt động xã hội hơn là học thuật".

Chủ tịch Đại học Harvard Alan M. Garber cho rằng phần lớn các yêu cầu trên "đại diện cho sự can thiệp trực tiếp của chính phủ vào môi trường học thuật tại Harvard".

Căng thẳng giữa chính quyền và Đại học Harvard thu hút sự chú ý của công chúng và gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

Cựu Tổng thống Barack Obama, người từng học tại Trường Luật Harvard, chỉ trích các trường đại học giàu có không lên tiếng mạnh mẽ hơn trước các hành động của ông Trump. Trong tuần này, cựu Tổng thống Mỹ cùng hai Thượng nghị sĩ là ông Chuck Schumer (cựu sinh viên Harvard) và ông Bernie Sanders (từng giảng dạy tại Harvard), đã dành lời khen cho lập trường cứng rắn của trường.

Ngay cả những người từng chỉ trích Harvard cũng đã lên tiếng bênh vực trường trong tuần này, dù với sự dè chừng nhất định.

Ông Lane Glenn, Chủ tịch trường Cao đẳng Cộng đồng Northern Essex, cho rằng Harvard đang bị đối xử không công bằng trong cuộc đối đầu với chính quyền liên bang. "Với nguồn lực mà họ đang có, trách nhiệm của họ là phải đứng lên bảo vệ chính mình và rộng hơn là cả hệ thống giáo dục bậc cao", ông nói.

Ông Glenn từng cho rằng Harvard nên chia sẻ nhiều hơn để hỗ trợ các trường có điều kiện kinh tế khó khăn. Trường ông có quỹ tài chính 9 triệu USD, trong khi Harvard có 53 tỷ USD.

Ngược lại, đối với một số nhà phê bình có xu hướng thiên hữu, hành động của trường trong tuần này và suốt năm qua thường gây ra phản ứng ngược lại. Năm ngoái, ông Kenneth Griffin, nhà sáng lập quỹ đầu cơ đã quyên góp hơn nửa tỷ USD cho Harvard, tuyên bố ngừng tài trợ vì không hài lòng với cách trường xử lý vấn đề bài Do Thái.
TheoNYT, ABC
 

Có thể bạn quan tâm

Top