Đạo lý ẩn chứa trong phần mở và kết của tứ đại danh tác Trung Hoa

Tính Giao

Thích phó đà
Có lẽ hầu hết chúng ta đều từng xem những bộ phim Trung Quốc chuyển thể lại tứ đại danh tác Trung Hoa: Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng. Tuy nhiên những gì có trên màn ảnh chỉ là tình tiết và bối cảnh mà thôi, những tinh hoa chân chính đều nằm trong nguyên tác. Mà điều sâu sắc và hiển nhiên nhất chính là phần mở đầu và kết thúc của mỗi danh tác này.

HỒNG LÂU MỘNG
“Phong nguyệt tình trường, chung cứu mộng nhất trường”. Hồng Lâu là một giấc mộng, cuộc đời là một vở kịch. Mộng mê mộng tỉnh, kịch trong kịch ngoài, những lời thơ trong phần mở đầu và kết thúc của Hồng Lâu mang theo hai hàm nghĩa khác nhau như vậy. Chỉ đơn giản là chuyện cây tiên trả ơn linh thạch, nhưng khi xuống trần hạ thế nhập vai, diễn lên thì lại là một vở kịch khiến người ta mê đắm quên mất cả việc bản thân đang “diễn”…

0ff09f4bd3b3c8553.jpg

Một cảnh trong Hồng Lâu Mộng.

Trong giấc mộng là sự hoang đường
Ngay trong cuốn tiểu thuyết những lời mở đầu được lấy từ bài “Dẫn tử”, 1 trong 14 khúc hát trong vở Hồng Lâu Mộng, được tiên cô đưa cho Giả Bảo Ngọc:

Khai tịch hồng mông, thùy vi tình chủng?
Đô chỉ vị phong nguyệt tình nùng
Nại hà thiên, thương hoài nhật,
Tịch liêu thì, thí khiển ngu trung
Nhân thử thượng, diễn xuất giá bi kim điệu ngọc “Hồng lâu” mộng.

Bản dịch nhóm Vũ Bội Hoàng:

Mịt mùng khi mới mở toang,
Giống tình ai đã chịu mang vào mình
Chỉ vì tình lại gặp tình,
Gió trăng nồng đượm không đành xa nhau
Khi vắng vẻ, lúc buồn rầu
Thua trời nên dãi mối sầu thơ ngây
Mộng hồng lâu diễn khúc này
Thương vàng tiếc ngọc tỏ bày nỗi riêng!

Tào Tuyết Cần nói rằng, Hồng Lâu “đại chỉ đàm tình”, nghĩa là chủ yếu nói về cái tình. Hồng Lâu Mộng là một biển trời ân oán. Con người trên thế gian, mỗi người đều rất trọng tình, chỉ là có tấm chân tình và sự vong tình, có nhân tình và dục tình, lưu lạc cõi gió trăng nơi thế gian.

“Đàm tình” đó là nói về điều gì? Sự bất lực, nỗi đau thương, sự cô liêu và ước nguyện. Dẫu từng giàu sang nhung lụa nhưng cuối cùng lại chỉ còn lại nỗi hoài niệm và bi ai. Gió trăng tại nhân gian chỉ còn lại một cõi hư không. Đây chính là dư vị của cuộc đời. Ngẫm lại cuộc đời của bạn, đã có bao lần kết thúc và khép lại?

Vậy nên kết thúc của Hồng Lâu Mộng là sự tan tác chia ly. Khúc nhạc dứt người cũng tan, khiến con người phải thương cảm trước cảnh phồn hoa muôn vẻ, sinh tử mênh mang và nỗi cô đơn vô tận.

Khúc cuối trong 14 khúc hát được tiên cô đưa cho Giả Bảo Ngọc là “Phi điểu các đầu lâm”:

Phi điểu các đầu lâm

Vi quan đích, gia nghiệp điêu linh;
Phú quý đích, kim ngân tán tận;
Hữu ân đích, tử lý đào sinh;
Vô tình đích, phân minh báo ứng;
Khiếm mệnh đích, mệnh dĩ hoàn;
Khiếm lệ đích, lệ dĩ tận:
Oan oan tương báo tự phi khinh,
Phân ly tụ hiệp giai tiền định.
Dục tri mệnh đoản vấn tiền sinh,
Lão lai phú quý dã chân nghiêu hạnh.
Khán phá đích, độn nhập không môn;
Si mê đích, uổng tống liễu tính mệnh.
Hảo nhất tự thực tận điểu đầu lâm,
Lạc liễu phiến bạch mang mang đại địa chân càn tịnh!

Bản dịch nhóm Nhóm Vũ Bội Hoàng:

Quan thì cơ nghiệp suy tàn
Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi
Có ơn, chết để trốn đời
Rành rành báo ứng những ai phụ lòng
Mạng đền mạng đã trả xong
Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi
Oan oan đừng lấy làm chơi
Hợp tan đã trốn được trời hay chưa?
Gian nan là bởi kiếp xưa
Giá mà phú quý là nhờ vận may
Khôn thì vào cửa “Không” này
Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.
Như chim khi đã hết mồi
Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành.

Giữa chốn bách thái nhân sinh, dục vọng và con đường của con người cũng có ngàn vạn cảnh khác nhau. Nhưng kết cục dường như đều đi cùng hướng như một định mệnh: Cuối cùng đều sạch bong như bãi đất trống trải; như hoa trong gương trăng nơi đáy nước, tất cả đều về không, như bong bóng xà phòng trong ảo mộng thoáng qua như một giấc mộng.

Vây thì chúng ta còn phải tranh vì thứ gì? Vui vì thứ gì, khóc vì thứ gì, đau vì thứ gì, giành vì thứ gì, chẳng thể buông được thứ gì nữa đây?

Có lẽ cuối cùng đôi mắt vẫn phải nhìn thấu cảnh vận đổi sao trời, trong tâm cuối cùng cũng phải nếm tận mọi nỗi thê lương, thì một vài việc mới không mãi vương vấn trong tâm. Điều này có lẽ được gọi là hành đạo.

Kiếp người vốn như thế nào thì có lẽ chỉ có thể như thế nấy mà thôi. Nhưng chí ít thì trong tâm ta đã minh bạch.

Bên ngoài vở kịch là sự hoang tàn, thê lương
Hồng Lâu còn có một cách mở đầu và kết thúc khác. Mở đầu và kết thúc ấy chính là hoàn cảnh của tác giả, khiến câu chuyện trở nên càng chân thực và tàn nhẫn hơn. Bài đề từ của Hồng Lâu Mộng như sau:

Thập niên tân khổ

Phù sinh trác thậm khổ bôn mang
Thịnh tịch hoa diên chung tán trường
Bi hỉ thiên ban đồng ảo miễu
Cổ kim nhất mộng tận hoang đường
Mạn ngôn hồng tụ đề hằn trọng
Cánh hữu tình si bão hận bão
Tự tự khán lai giai thị huyết
Thập niên tân khổ bất tầm thường

Bản dịch của Hoàng Nguyên Chương

Mười năm cay đắng

Phù sinh cùng cực nỗi long đong
Bữa tiệc phồn hoa vẫn cáo chung
Nghìn lối buồn vui tuồng ảo hóa
Mỗi trang kim cổ mộng bằng không
Chuyện chơi vẫn đọng khô dòng lệ
Tình đắm còn ôm hận cõi lòng
Chữ chữ xem ra đều rướm máu
Mười năm cay đắng lấy gì đong?!

Bài thơ mở đầu lại nói rằng:

Duyên khởi thi

Mãn chỉ hoang đường ngôn,
Nhất bả tân toan lệ!
Đô vân tác giả si,
Thuỳ giải kỳ trung vị?

Bản dịch nhóm Vũ Bội Hoàng

Bài thơ bắt đầu duyên

Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn tít nước mắt bao nhượng chua cay.
Đừng cho chỉ giả là ngây,
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong?

Bài thơ trong hồi cuối thì nói rằng:

Thuyết đáo tân toan xứ,
Hoang đường dũ khả bi.
Do lai đồng nhất mộng,
Hưu tiếu thế gian si!

Tạm dịch:

Nhắc tới nỗi thống khổ,
Hoang đường lại bi ai.
Từ chung một giấc mộng,
Ngẫm cười thế nhân si.

Từ những lời tự thuật này có thể thấy rằng người viết chuyện vẫn chẳng thể buông bỏ một biển trời ân oán, nên cuộc đời khó tránh khỏi canh cánh bên lòng.

Phần mở đầu của câu chuyện đã nói với chúng ta rằng đây chỉ là một giấc mộng hoang đường, khi câu chuyện kết thúc cũng nói với chúng ta rằng đây cuối cùng vẫn chỉ là một giấc mộng hoang đường. Nhưng còn nhiều điều hơn nữa là sự ngẩn ngơ và mong ước của tác giả. Giống như trong tâm mỗi người chúng ta đều có một vườn đào ảo mộng cho chính mình.

Nhà văn Trương Ái Linh cũng từng nói rằng: “Thời đại nặng nề như vậy, không cho phép chúng ta dễ dàng đại ngộ triệt để.” Hay một câu khác: “Thấu hiểu quá nhiều đạo lý nhưng vẫn sống một đời chẳng ra sao”. Đây chính là sự thực bất lực nhất trong kiếp người.

Nhưng câu chuyện trong Hồng Lâu Mộng vẫn mơ màng, như chợt tỉnh sau một giấc mộng dài, như những cảm ngộ sau một nỗi đau. Vậy là chúng ta vẫn có thể ôm giữ một tia hy vọng: Mọi nỗi khổ không phải là vô ích, những giọt nước mắt đều chẳng hề vô dụng, những nỗi giày vò sẽ tan biến vào hư không, chỉ đợi nước chảy thành dòng.

Điều nuối tiếc là ở chỗ 40 hồi sau của Hồng Lâu Mộng lại không phải Tào Tuyết Cần viết nên, khiến người ta ngẩn ngơ, không biết kết thúc thật sự của câu chuyện là gì. Cao Ngạc viết 40 hồi sau, cho Giả Bảo Ngọc hóa đá, Lâm Đại Ngọc uất ức mà chết, thật là đã cho linh thạch và cây tiên mê đắm chốn hồng trần rồi. Nhưng nếu Tào Tuyết Cần viết nốt, liệu ông có cho linh thạch và cây tiên ngộ đạo?

Hồng Lâu là mộng ảo, đời người có là mộng ảo hay chăng? Mộng trong, mộng ngoài, rốt cuộc vẫn chỉ là giấc mộng. Đại ngộ triệt để có lẽ là thứ quá xa xỉ. Nhưng vẫn có thể coi tất cả nỗi thống khổ, bi ai trong kiếp người như một vài món ăn giúp thế nhân thấu tỏ đạo trời.
 
TAM QUỐC DIỄN NGHĨA
Truyện Tam Quốc từ khi bắt đầu tới khi kết thúc, kỳ thực đều là một vòng tuần hoàn nhân trước quả sau lặp lại mãi không thôi. Trong truyện có tâm cơ, nhưng ngoài truyện thì lại có thiên cơ…

062e52fc399507aca.jpg

Tích “Tam cố mao lư”, Lưu Bị ba lần đến lều cỏ cầu Khổng Minh, khiến cho có người “tri thiên mệnh” mà vẫn cảm động theo phò Lưu Bị.

Sự khởi đầu cũng là kết thúc
Tam Quốc đã mượn một bài thơ của Dương Thận, một nhà học vấn đại tài thời Minh, cho phần mở đầu của mình:

Lâm giang tiên
Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.

Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.

Bản dịch của Hoàng Tâm:

Trường giang cuồn cuộn chảy về đông,
Sóng trắng cuốn phăng mọi anh hùng.
Đúng sai, thành bại, đều mây khói.
Núi xanh lặng đón bóng dương hồng.

Ngư tiều tóc bạc trên bến sông,
Quen với trăng thu gió xuân nồng.
Rượu đục tương phùng vui say bước.
Cổ kim bao chuyện, tiếng cười trong.

Bài thơ được dùng trong bối cảnh của Tam Quốc quả là vô cùng phù hợp. Chúng ta dường như đang nhìn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, từng lẫy lừng một thời, đã nếm trải hết thảy mọi thành bại trên thế gian, đứng ở mũi thuyền đang rời bến, nâng ly rượu nồng, cất tiếng hát bài ca này.

Nếu cả đời ngược xuôi vì công danh, thì dẫu là những vị anh hùng khuấy đảo trời đất trong Tam Quốc, cuối cùng vẫn sẽ rơi vào cảnh tranh đấu, chẳng thể vượt thoát. Mỗi người chúng ta, trong vòng xoáy hiện thực này há chẳng phải cũng giống như vậy hay sao?

Nhưng chí ít chúng ta cũng hiểu được đạo lý rằng: Đốn ngộ là phải nhảy thoát, vượt lên những giàng buộc của muôn trùng danh lợi, dục vọng; giống như một người ngoài cuộc nhìn những thị phi thành bại trong Tam Quốc trở về không, nhìn những con sóng bạc đầu trong lịch sử lần lượt đưa tiễn các vị anh hùng. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể cười nói dưới trăng thu gió mát. Tiếc thay, thế nhân khi tranh giành cũng chỉ giống những người đang mê đắm trong cuộc mà thôi.

Vậy làm thế nào mới có thể nhảy thoát khỏi vòng danh lợi, tranh đấu nơi thế gian? Cần quan sát nhân tâm, quan sát con người, quan sát thế gian, quan sát tự tại. Tam quốc bắt đầu từ một nơi cao, rồi nhẹ nhàng và mạnh mẽ bày đặt ra trước mắt chúng ta chuyện hợp tan nơi nhân thế.

Chuyện tương lai chẳng phải là không thể biết, nhưng…
Về chuyện Tam quốc, đến nay rất nhiều người lấy làm tiếc vì nhà Thục không thống nhất được thiên hạ. Nhiều người tiếc nuối, giá như không có cơn mưa lớn ở hang Thương Phương cứu cha con Tư Mã Ý cùng đại quân Ngụy; nếu như khi Gia Cát Lượng đánh bại quân Tư Mã Ý chuẩn bị tiến đến kinh thành nước Ngụy, Thục Chủ là Lưu Thiện đừng nghe lời xàm tấu bắt gọi Gia Cát Lượng kéo quân về nửa chừng thì mọi nguyện đã khác.

Nhưng đó đều là thiên ý!

Khi Lưu Bị lên lều cỏ tìm Gia Cát Lượng giúp mình, Gia Cát Lượng nhận thấy vận mệnh nhà Hán đã hết, nhưng trước sự kiên nhẫn của Lưu Bị, ông quyết định giúp Lưu Bị.

Sáu lần xuất binh ra Kỳ Sơn phạt ngụy, trên đường hành quân trên xe ngựa ông đã viết “Mã tiền khóa” dự đoán tương lai hàng trăm năm sau. Mặc dù Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết, nhưng “Mã tiền khóa” lại là tác phẩm có thật trong lịch sử, được coi là thơ tiên tri, cũng giống như Thôi Bối Đồ, Mai Hoa Thi của Trung Hoa, Cách Am Di Lục của Triều Tiên hay Sấm Trạng Trình của Đại Việt. Ở đây chỉ nói về hai khóa mở đầu mà thôi.

Mở đầu “Mã tiền khóa”, Gia Cát Lượng đã viết trong khóa thứ nhất rằng:

Vô lực hồi thiên
Cúc cung tận tụy
Âm cư Dương phất
Bát thiên nữ quỷ

Tạm dịch là:

Không sức đổi Trời
Còng mình gắng sức
Âm tồn Dương phất
Tám ngàn nữ quỷ

“Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy” là nói bản thân Gia Cát Lượng, như ông viết trong “Xuất sư biểu”: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. “Âm cư Dương phất” chỉ hoạn quan Hoàng Hạo loạn quyền, Khương Duy chỉ có thể duy trì tàn cục chứ không thể làm gì được.

Câu cuối “Bát thiên nữ quỷ”: Chữ “Bát” (八) thêm chữ “thiên” (千) thêm chữ “nữ” (女) rồi thêm chữ “quỷ” (鬼), hợp thành một chữ “Ngụy” (魏) ý nói trong ba nhà Ngụy, Thục, Ngô thì cuối cùng rồi nhà Ngụy sẽ có được thiên hạ.

Gia Cát Lượng dù khi ấy đang trên đường hành quân đánh Ngụy, nhưng ông đã biết trước rằng nhà Ngụy rồi sẽ thắng, bản thân ông dù biết trước cũng “không sức đổi trời”, chỉ có thể “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, đó là để báo ơn “tri ngộ” của Lưu Bị.

10ef2d673bbad1177.jpg


Khóa thứ hai trong “Mã tiền khóa” cho thấy ông biết trước kết thúc tam quốc phân tranh, nhà Tấn sẽ lên ngôi:

Hỏa thượng hữu hỏa
Quang chúc Trung Thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông hữu hổ

Tạm dịch là:

Trên lửa có lửa
Rọi sáng Trung Thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông có hổ

“Hỏa thượng hữu hỏa”, trên “hỏa” (火) có “hỏa” (火) tức hai chữ hỏa trên dưới tạo thành chữ “Viêm” (炎). Chỉ Tư Mã Viêm lập nên triều Tấn. Sau đó nhà Tấn thống nhất Trung Nguyên, nên gọi là “Quang chúc Trung Thổ”.

“Xưng danh bất chính” chỉ triều Tấn của Tư Mã Viêm thực chất là soán ngôi Tào Ngụy mà kiến lập, mà Tào Ngụy lại là soán ngôi triều Hán mà kiến lập, danh không chính ngôn không thuận. Bởi vậy nên nhà Tấn sau đó xảy ra nội chiến. “Giang Đông hữu hổ” chỉ Đông Tấn thành lập, đóng đô tại Kiến Khang thuộc Giang Đông. Tuy vậy đây là chuyện tương lai sau thời Tam Quốc.

Quay lại tiểu thuyết, chính vì “Không sức đổi trời” nên khi Gia Cát Lượng lừa cha con Tư Mã Ý cùng đại quân nước Ngụy đến hang Thượng Phương, quân Thục dùng hỏa quân thiêu quân Ngụy. Không còn đường thoát, cha con Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời gào khóc chờ chết, đột nhiên một cơn mưa lớn đổ ập xuống cứu thoát nước Ngụy.

Kỳ sơn tháng 9 không bao giờ có mưa, nhưng trời lại mưa một lần duy nhất, và đó chính là cơn mưa cứu nước Ngụy. Điều đó thể hiện rằng ngọn lửa tài năng nhiệt huyết của con người không thể nào thắng được cơn mưa của trời.

Cảm thán trước sự việc này “Tam quốc diễn nghĩa” đã có thơ rằng:

Cửa hang gió cát với mây bay
Mưa xối mây đen kéo lại đây
Võ Hầu kế diệu ví thành đạt
Tấn triều sao chiếm núi sông này?

(Võ Hầu tức chỉ Gia Cát Lượng)

Nước Thục phía sau được bao bọc bởi núi Âm Bình hiểm trở không thể vượt qua, nhưng Gia Cát lượng cũng biết trước nhà Thục sẽ mất ở chính đường qua núi Âm Bình này, chính vì thế ông luôn báo trước cho các tướng việc này, đồng thời căn dặn khi nào cũng phải có quân túc trực phòng bị trên núi.

“Người tính không bằng trời tính”, sau khi Gia Cát Lượng mất, các tướng nhà Thục nhận thấy đường qua núi Âm Bình vô cùng hiểm trở, không thể đi đường này mà đánh nước Thục được nên bỏ qua, không cho quân canh giữ nữa.

Khi quân Ngụy tiến đánh nhà Thục, cánh quân Chung Hội tiến đánh phía trước, Khương Duy đưa toàn quân ra phía trước chặn Chung Hội, phía sau là núi Âm Bình hiểm trở không có ai canh giữ.

Đặng Ngải dẫn một cánh quân Ngụy theo đường núi này, liều chết qua núi, qua được ngọn núi này thì quân sĩ chết gần hết, chỉ còn 500 quân tiến vào kinh đô nhà Thục. Quân chủ lực nhà Thục không còn để chống lại, Thục Chủ đầu hàng, nhà Thục mất.

Lời tiên đoán của Gia Cát Lượng đã ứng nghiệm, ông đã biết trước tất cả nhưng chỉ có thể làm được vậy, không thể thay đổi ý trời.

Kết thúc cũng là sự khởi đầu
Khép lại Tam Quốc là một bài thơ rất dài kể tường tận về thời đại anh hùng trong gươm đao giáo mác. Sâu sắc nhất là câu cuối cùng:

Phân phân thế sự vô cùng tẫn,
Thiên sổ mang mang bất khả đào.
Đỉnh túc tam phân dĩ thành mộng,
Hậu nhân bằng điếu không lao tao.

Dịch thơ của Phan Kế Bính:

Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi,
Cuộc tang thương biến đổi khôn lường.
Tam phân một giấc mơ màng,
Viếng đời gọi có mấy hàng hôm nay…

Điều này khiến chúng ta nhớ đến câu cuối cùng trong cuốn chính sử (không phải tiểu thuyết) “Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng Truyện”: “Cái thiên mệnh hữu quy, bất khả dĩ trí lực tranh dã”, nghĩa là: “Thiên ý đã định, chẳng thể dùng trí mà tranh”. Đây gọi là số trời.

Vậy là chúng ta lại càng hiểu thêm về ý nghĩa của bài thơ phần mở đầu: Một người thông đạt như vậy, đã từng nếm trải, đã từng vượt thoát, và họ còn nhìn thấy và minh bạch “số trời”.

Cổ nhân có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, “Thiên mệnh chẳng thể trái”, và còn nói với chúng ta rằng: “Tận nhân sự, an thiên mệnh”, hãy gắng hết sức và thuận theo an bài của số mệnh. Những gì con người có thể làm được, chỉ là nỗ lực hết sức mình, không thể và cũng không nên quá trăn trở tới kết quả mà vướng bận trong tâm.

Câu này thường rất hữu dụng với mỗi người chúng ta: “Đây là ý trời”. Nhờ vậy sinh mệnh mới bắt đầu ngộ đạo.

Khởi đầu cũng là kết thúc, kết thúc cũng là sự khởi đầu. Truyện Tam Quốc như một vòng tròn khép kín, những tranh đoạt nơi thế gian vốn cũng là một vòng tuần hoàn bất tận như vậy. Trong truyện có tâm cơ, ngoài truyện là thiên cơ, với những người muốn tìm chân đạo lại là thời cơ vậy.
 
THỦY HỬ
Thủy Hử nghĩa đen là “bến nước”, dùng để chỉ vùng đầm lầy nơi 108 người chống triều đình đã tập hợp nhau lại sống ngoài vòng pháp luật.

Những tay hảo hán trong Thủy Hử tuy mang tiếng là anh hùng, nhưng cũng có không ít lần giết người như ngóe, ăn thịt người, hành động chính là kẻ cướp, thô bạo, làm cho người ta nghi ngờ ngọn cờ “thế thiên hành đạo” mà họ đặt ra.

Tuy nhiên, Thuỷ Hử vẫn kể một câu chuyện về chữ Nghĩa, với hàm ý rằng dẫu là đạo tặc – loại người được coi là dơ bẩn nhất trong xã hội xưa – cũng không thể vô đạo. Họ vẫn khí khái ngất trời, vẫn nghĩa hiệp, nhưng lại ngàn vạn lời thê lương khó nói.

Vậy nên bài từ của Thủy Hử mới lộ ra khí chất này:

Thí khán thư lâm ẩn sở, kỷ đa tuấn dật nho lưu.
Hư danh bạc lợi bất quan sầu, tải băng cập tiễn tuyết,
Đàm tiếu khán ngô câu.
Bình nghĩa tiền vương bính hậu đế, phân chân nguỵ chiếm cứ trung châu,
Thất hùng nhiễu nhiễu loạn xuân thu.
Hưng vong như thuý liễu, thân thế loại hư chu.
Kiến thành danh vô số, đồ danh vô số, cánh hữu na đào danh vô số.
Sáp thời tân nguyệt hạ trường xuyên, giang hồ biến tang điền cổ lộ.
Nhạ cầu ngư duyên mộc, nghĩ cùng viên trạch mộc,
Khủng thương cung viễn chi khúc mộc.
Bất như thả phúc trưởng trung bôi,
Tái thính thủ tân thanh khúc độ.

Tạm dịch bài từ như sau:

Bạn nhìn xem những ghi chép trong sách từ xưa đến nay, có bao nhiêu nho sinh học sĩ anh tuấn phóng khoáng? Họ không quan tâm đến những hư danh lợi lộc nhỏ nhoi, chỉ là ngâm thơ làm từ, đàm tiếu chuyện chiến sự xưa nay.

Bình luận về đế vương trong lịch sử, thật thật giả giả chinh chiến cát cứ tranh giành trung nguyên, giống như Thất hùng tranh bá thời Xuân Thu. Sự hưng vong của quốc gia cũng mềm yếu như cành liễu rủ, con người nào khác chi con thuyền trống đang lắc lư vô định. Những người thành danh có rất nhiều, mưu cầu tranh đấu vì danh cũng có rất nhiều, lại càng có nhiều ẩn sĩ ẩn danh.

Thoáng chốc mặt trăng đã chìm dưới dòng sông dài hay biển cả, trở thành bể dâu theo lối xưa. Chớ kinh ngạc vì thấy những người làm những chuyện viển vông, cũng đừng cười người gặp khó khăn phải tìm nơi nương náu, đừng giống như chim bị cung bắn bị thương nhìn thấy cây cong cũng phải tránh xa.

Hãy buông bỏ tất cả, ngay cả ly rượu trong tay, tiếp tục nghe khúc nhạc mới của tôi.

Thủy Hử dường như một khúc tiếu ngạo giang hồ. Hơn nữa thuỷ bạc lương sơn còn là một bi kịch, bi kịch hơn cả Hồng Lâu Mộng. Sự thực trong đó nặng nề hơn và chân thực hơn. Vậy nên sự phóng khoáng và ánh mắt lạnh lùng của các nhân vật trong Thuỷ Hử có lẽ đều là giả: Nào là xem nhẹ danh lợi, mai danh ẩn tích, những nhà Nho xuất chúng, v.v.. Kỳ thực lại thể hiện rõ sự bất lực và bất đắc dĩ khi con người đứng trước thời thế.

Tâm tư này cuối cùng cũng được biểu lộ rất rõ nét trong vài bài thơ cuối.

Trước tiên là nói tới 108 vị hảo hán tại Lương Sơn:

Thiên Cang tận dĩ quy thiên giới
Địa Sát hoàn ưng nhập địa trung
Thiên cổ vi thần giai miếu tự
Vạn niên thanh sử bá anh hùng.

Tạm dịch: Thiên Cang đã quay hết về thiên giới, Địa Sát thì lại quay về với đại địa. Lại làm thần được thờ tự ở chốn miếu vũ. Muôn năm sử xanh vẫn còn lưu truyền về tấm gương anh hùng.

Chương mở đầu của Thủy Hử viết về việc thái úy Hồng, người nắm binh lực, đã vô ý thả 108 con yêu ma ra. 108 tinh tú sau khi trốn thoát khỏi phong ấn đã xuống gây họa loạn nhân gian, trở thành 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. 108 thủ lĩnh Lương Sơn gồm có 36 vị sao Thiên Cương và 72 vị Địa sát, đứng đầu là Tống Giang và cuối cùng là Đoàn Cảnh Trụ. Đến thời Thanh thì chương thứ nhất này bị cắt bỏ.

Tuy nhiên chính chương mở đầu này lại cho người ta từ bên ngoài mà thấy trọn vẹn vở kịch, đứng ngoài mộng mà nhìn chuyện phong vân bên trong mộng: 108 vì tinh tú trốn khỏi phong ấn, gây họa loạn nhân gian, diễn hết một màn kịch ấy rồi, lại quay trở về vị trí cũ (quy vị).

Chúng tinh tú đều đã quy vị, nhưng nghĩ tới câu chuyện và kết cục của các vị anh hùng Lương Sơn, dường như phảng phất đâu đây một cảm giác tiếc nuối “trần quy trần, thổ quy thổ”, đất lại trở về với đất, cát bụi lại trở về với cát bụi.

Sau đó thơ lại nói rằng:

Mạc bả hành tàng oán lãi thiên
Hàn, Bành xích tộc di kham liên
Nhất tâm báo quốc thôi phong nhật
Bách chiến cầm Liêu phá Lạp niên
Sát diệu cang tinh kim di hỉ
Sàm thần tặc tử thượng y nhiên
Tảo tri cưu độc mai hoàng nhưỡng
Học thủ chi di Phạm Lãi thuyền.

Dịch thơ:

Chớ lấy thân danh oán trách trời,
Hàn, Bành mấy họ máu đào rơi.
Một lòng báo nước lừng chinh chiến,
Trăm thắm Liêu liu, Lạp hết đời.
Địa sát thiên cang đà hết sáng,
Gian thần tặc tử chẳng im hơi.
Nếu hay đầu độc vùi thân xác,
Học phép rong thuyền Phạm Lãi chơi.

Đạo tặc mà lại đòi thay trời hành đạo, lại còn đòi tận trung báo quốc, muốn học theo công nghiệp của những bậc thánh nhân đi trước, chẳng phải là một giấc mộng hoang đường hay sao? Nhưng xã hội con người từ xưa đến nay vẫn mâu thuẫn như vậy. Con người vì miếng ăn phải sát sinh, trong quá trình nỗ lực sống tốt hơn mà làm hại người khác, vương giả trị quốc, cường giả vi anh hùng, đều là trái ngược lại với những đạo lý tốt đẹp mà con người truy cầu và nguyện ước.

Xã hội là như vậy nên người xưa mới muốn lánh đời. Vậy mới nói, chi bằng học theo Phạm Lãi, quân sư của Việt Vương Câu Tiễn, sớm biết sau khi giúp Câu Tiễn thành nghiệp bá thì sẽ “điểu tận cung tàng”, nên lướt thuyền về quy ẩn nơi sông nước mà tránh được họa sát thân. Đây là nỗi bất lực hay là muốn khuyên con người tỉnh mộng?

Cuối cùng thơ rằng:

Sinh đang đỉnh thực tử phong hầu,
Nam tử bình sinh chí dĩ thù.
Thiết mã dạ tê sơn nguyệt hiểu,
Huyền viên thu khiếu mộ vân trù.
Bất tu xuất xứ cầu chân tích,
Khước hỷ trong lương tác thoại đầu.
Thiên cổ Lục Oa mai ngọc địa,
Lạc hoa đê điểu tổng quan sầu.

Dịch thơ:

Sinh thời đỉnh vạc chết phong hầu
Hồ thỉ nam nhi sợ sạch làu
Ngựa sắt hí vang trăng núi rạng
Vượn đen kêu hú bóng đêm thâu
Chẳng cần xuất xứ tìm văn bản
Chỉ khoái trung lương soạn thoại đầu
Muôn thuở Lục Nhi vùi phú quý
Chim kêu hoa rụng chạnh lòng sầu.

Có lẽ đây chính là con người đã “tận nhân sự, quan thiên mệnh”, nghĩa là làm hết khả năng của mình với việc thế gian và vâng theo thiên mệnh. Nếu như không cam tâm tình nguyện, nếu như trong lòng vẫn còn những tiếc nuối và bi ai chẳng thể buông, thì vẫn là chưa thể nhảy thoát ra khỏi mộng cảnh đó.

Dư vị của cuộc sống vốn là như vậy. Huyền cơ của kiếp nhân sinh vốn khó có thể nắm bắt, chỉ đành dốc sức mà làm, hỏi lòng không hổ thẹn là được rồi.
 
TÂY DU KÝ
Tây Du Ký là một bộ “ngộ thư”. So với ba bộ danh tác trên thì chủ đề của Tây Du Ký trực tiếp hơn, giai điệu cũng ấm áp hơn. Trong tứ đại danh tác chỉ có Tây Du là “hỷ kịch”. Mặc dù cùng phải trải qua trắc trở, gian nan nhưng vẫn có một kết cục tràn đầy niềm vui, không phụ lòng người đọc, không có sự bi tráng hay thương tâm như các danh tác còn lại.

Tây Du Ký là một câu chuyện về Phật gia, mà chủ đề của Phật gia chỉ có từ bi và giác ngộ, Tây Du Ký cũng vậy.

039a28ca9c9132f6e.jpg


Trong bài thơ mở đầu nói rằng:

Hỗn trọc vị phân thiên địa loạn,
Mang mang diểu diểu vô nhân kiến.
Tự tòng Bàn Cổ phá hồng mông,
Khai tích tòng tư thanh trọc biện.
Phúc tải quần sinh ngưỡng chí nhân,
Phát minh vạn vật giai thành thiện.
Dục tri tạo hóa hội nguyên công,
Tu khán tây du thích ách truyền.

Tạm dịch:

Hỗn độn chưa phân trời đất loạn,
Mênh mang u tối chẳng bóng người.
Từ khi Bàn Cổ phá cõi mông muội,
Đóng mở, đục trong mới phân đôi.
Chở đầy chúng sinh ngưỡng vọng chí nhân,
Vạn vật sinh ra vốn đều thiện.
Muốn biết tạo hoá lập đại công,
Phải xem Tây Du Thích Ách Truyện.

Câu chuyện bắt đầu từ thời hỗn mang, từ khi khai thiên lập địa, nhưng lại tập trung xoáy sâu vào chữ “Thiện”, đây chính là tinh thần từ bi của Tây Du Ký. Chữ Thiện này mặc dù ở các tôn giáo khác nhau có danh từ khác nhau, có ý nghĩa khác nhau, nhưng tựu chung lại thì cũng chính là những mặt khác nhau của cùng một thứ. Ví như Cơ đốc giáo giảng về “Yêu thương” (Love), Đạo giáo giảng về “Đức”, Nho giáo giảng về “Nhân”… Tự chung lại đều là để con người ta hướng thiện, làm người tốt, từ cơ sở đó mà dần dần quy chính bản thân, dần dần thăng hoa nội tâm thành sinh mệnh cao thượng hơn nữa.

Trong phần kết của Tây Du có hai bài thơ liền nhau, bài thứ nhất là:

Thánh tăng nỗ lực thủ kinh biên,
Tây vũ chu lưu thập tứ niên.
Khổ lịch trình đồ tao hoạn nạn,
Đa kinh sơn thủy thụ truân chiên.
Công hoàn bát cửu hoàn gia cửu,
Hành mãn tam thiên cập đại thiên.
Đại giác diệu văn hồi Thượng quốc,
Chí kim Đông Độ vĩnh lưu truyền.
Nhất thể chân như chuyển lạc trần,
Hợp hoà tứ tượng phục tu thân.
Ngũ hành luận sắc không hoàn tịch,
Bách quái hư danh tổng mạc luận.
Chính quả chiên đàn quy đại giác,
Hoàn thành phẩm chức thoát trầm luân.
Kinh truyền thiên hạ ân quang khoát,
Ngũ khánh cao cư bất nhị môn.

Tạm dịch:

Thánh tăng nỗ lực lấy kinh,
Chu du dặm trường 14 năm.
Chặng đường gian nan bao ma nạn,
Sơn trùng thuỷ bận hiểm nguy giăng.
Công thành Bát cửu lại thêm cửu,
Đi khắp tam thiên đại thiên thế giới.
Đại ngộ diệu văn về thượng quốc,
Ngày nay Đông thổ mãi lưu truyền.
Khắp thân như thể rớt bụi trần,
Hoà cùng tứ tượng để tu thân.
Ngũ hành luận sắc không cô tịch,
Bách quái hư danh miễn luận bàn.
Chính quả công thành quy đại giác,
Hoàn thành phẩm vị thoát trầm luân.
Truyền khắp thiên hạ ân khai sáng,
Ngũ thánh nơi cao bất nhị môn.

Cuối cùng Tây Du Ký đã khép lại bằng bài thơ thứ hai, là bài kệ hồi hướng của Phật gia:

Nguyên dĩ thử công đức,
Trang nghiêm Phật tịnh độ.
Thượng báo tứ trùng ân,
Hạ tế tam đồ khổ.
Nhược kiến văn giả,
Tất phát bồ đề tâm.
Tận báo thử nhất thân,
Đồng sinh cực lạc quốc.

Tạm dịch:

Nguyện cho công đức này,
Trang nghiêm Phật miền tịnh thổ.
Báo lên bốn ơn sâu dày,
Hạ phàm cứu thế ba đường khổ.
Nếu gặp bậc trí giả,
Hãy phát tâm bồ đề.
Tận thân này báo đáp,
Cùng sinh Cực Lạc quốc.

Tại thời điểm kết thúc câu chuyện, chủ đề từ bi và giác ngộ vẫn luôn tồn tại, hơn nữa còn nói rõ đạo lý rằng chỉ khi tu xuất tâm từ bi mới có thể giác ngộ. Đây chính là tinh thần của Phật giáo Đại Thừa.

15dad969468a31110.jpg


Nói ra thì chủ đề của Tây Du Ký đơn giản hơn rất nhiều so với các danh tác khác, rất dễ hiểu, dễ nhận biết, đó chính là người ta tu luyện để thành Phật Đà (giác giả – tiếng Ấn độ cổ). Điều này thật ra không có gì mới, trong các tôn giáo quá khứ đều có nói tới, mà ngay trong một số danh tác khác như Truyền thuyết Bát Tiên hay Phong Thần Diễn Nghĩa cũng nói thẳng ra: Người có thể tu luyện để thành Thần tiên.

Tuy chủ đề của Tây Du Ký đơn giản, nhưng đừng quên rằng, 81 nạn giữa phần mở đầu và kết thúc, đều có vô số những hiểu lầm và ấm ức, trắc trở và ma nạn. Giác ngộ xưa nay không phải là một chuyện dễ dàng.

So với 3 bộ danh tác, sự trân quý của Tây Du chính là ở chỗ: ý chí gánh chịu ma nạn, dũng khí chiến thắng gian nan, sự kiên trinh không lay chuyển. Những điều này đều đến từ tâm từ bi, từ sự truy cầu giác ngộ, chứ không phải vì dục vọng và chấp niệm của con người.

26a9ac8925472f3d3.jpg


3d61f67d7582daad3.jpg

Tôn Ngộ Không dù tài phép cao siêu nhưng cũng phải trải qua nhiều ma nạn để tu tâm thì mới giác ngộ.

Chủ đề của những câu chuyện và chủ đề trong tứ đại danh tác đều khác nhau, nhưng kết cục lại không hẹn mà gặp: đều bước tới cảnh giới giác ngộ. Đó âu cũng là số mệnh. Đời người cuối cùng là cần thức tỉnh và giác ngộ, giấc mộng dẫu đẹp nữa thì cuối cùng vẫn phải tỉnh giấc. Điều này cũng là lựa chọn cuối cùng và con đường duy nhất cho hành trình sinh mệnh của con người. Điểm khác biệt giữa người với người chỉ là sự chấp mê bất ngộ nông hay sâu mà thôi.
 

Có thể bạn quan tâm

Top