Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định trong trường hợp này, hồ sơ bệnh án và kết luận giám định nguyên nhân tử vong sẽ là căn cứ quan trọng giúp xác định tội danh đối với Trang.
Từ những tài liệu này, có thể xảy ra 2 tình huống: Bé bị bạo hành nhưng nguyên nhân tử vong không phải vì bị đánh đập hoặc Bé bị bạo hành, nguyên nhân tử vong do vết thương mà Trang gây ra.
Ở trường hợp thứ 1, nếu xác định bé A. có dấu hiệu bị đánh đập, hành hạ, song nguyên nhân tử vong không phải do việc bạo hành gây ra, luật sư Hùng cho rằng việc cơ quan điều tra khởi tố Trang về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 là đúng người, đúng tội.
"Hành vi hành hạ người khác có thể gồm chửi bới, dày vò cơ thể, bỏ đói hay thậm chí đánh đập song không gây ra thương tích nặng cho nạn nhân. Nếu bé A. có dấu hiệu bị đánh đập, song hành vi không gây ra tỷ lệ thương tật, không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết, việc khởi tố bị can theo Điều 140 là đúng quy định", luật sư nhận định.
Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 140 Bộ luật này, với tình tiết định khung hành hạ người dưới 16 tuổi, Trang sẽ đối diện mức án tối đa là 3 năm tù.
Đối với trường hợp thứ 2, luật sư cho rằng cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xác minh hành vi của Trang có phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của bé A. hay không. Nếu có căn cứ xác định bé A. bị hành hung dẫn tới tử vong, cơ quan chức năng có thể thay đổi tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự bị can Trang về các tội nặng hơn đó là Cố ý gây thương tích hoặc Giết người.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đánh giá nếu tình huống bé A. tử vong bởi hành vi đánh đập của Trang xảy ra, việc xử lý bị can về tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người là đúng quy định.
Đối với tội Cố ý gây thương tích, về ý thức chủ quan, cần xác định phương thức, cách thức thực hiện hành vi bạo hành của Trang. Việc đánh đập có nhằm vào các vị trí nguy hiểm, trọng yếu, có nguy cơ cao dẫn tới tử vong hay không? Khi thực hiện hành vi, bị can có ý thức được hậu quả có thể gây ra không?
Ngoài ra, cần làm rõ động cơ, mục đích phạm tội là muốn cháu bé tử vong hay chỉ đánh để gây tổn thương, nhằm mục đích răn đe, dạy bảo?
Nếu việc đánh đập không sử dụng hung khí nguy hiểm, không tác động vào các vùng nguy hiểm trên cơ thể cháu bé, người phạm tội sẽ bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết định khung làm chết người, khung hình phạt áp dụng là 7-14 năm tù.
Trường hợp đủ căn cứ chứng minh Trang thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi để tước đoạt mạng sống của bé A., bị can sẽ bị xử lý về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết giết người dưới 16 tuổi, mức án cao nhất có thể là tử hình.
Ngoài ra, với việc thực hiện hành vi phạm tội với người dưới 16 tuổi, Trang còn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điểm i, Khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.