
Chậm nhất vào ngày 15/8, khi không còn cấp huyện, đơn vị hành chính cấp xã đi vào hoạt động, cả nước sẽ có 13 đặc khu.
Theo đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, ĐVHC cấp huyện sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/7. Chậm nhất ngày 15/8, ĐVHC cấp xã mới (xã, phường và đặc khu) sẽ chính thức đi vào hoạt động
Trong đó, các huyện đảo, thành phố đảo sẽ chuyển thành ĐVHC cấp xã có tên gọi là đặc khu.
Hiện tại, cả nước có 11 huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo và 1 thành phố đảo Phú Quốc. Tới đây, các ĐVHC này sẽ trở thành đặc khu.
Riêng đối với thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc để thành lập 1 huyện riêng, vì thế nghiên cứu thành lập 2 đặc khu: Phú Quốc và Thổ Châu.
Như vậy, chậm nhất vào ngày 15/8, khi ĐVHC cấp xã đi vào hoạt động, cả nước sẽ có 13 đặc khu.
Dưới đây là một số thông tin về diện tích, dân số, đặc điểm kinh tế xã hội của 13 đặc khu tới đây:
1. Vân Đồn - Quảng Ninh
Diện tích: 582km²
Dân số: khoảng 60.000 người (2023)

Huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Với hơn 600 đảo lớn nhỏ, Vân Đồn là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển và dịch vụ du lịch cao cấp. Nằm trong khu kinh tế ven biển trọng điểm phía Bắc, Vân Đồn đang được quy hoạch thành một đô thị đảo thông minh, sinh thái, hiện đại, gắn liền với định hướng phát triển bền vững.
Kinh tế địa phương dựa trên các ngành chủ lực như du lịch nghỉ dưỡng biển, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, logistics và dịch vụ hàng hải. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, trong đó có sân bay quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc và cảng biển nước sâu.
2. Cô Tô - Quảng Ninh
Diện tích: 47km²
Dân số: khoảng 6.700 người (2023)

Huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh
Gồm hơn 50 đảo lớn nhỏ với 7 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển. Những năm gần đây, Cô Tô đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - du lịch - thủy sản.
Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bãi biển sạch và khí hậu trong lành, địa phương này trở thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là du lịch sinh thái biển đảo.
Ngành thủy sản vẫn đóng vai trò quan trọng, với các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng phát triển. Cơ sở hạ tầng của Cô Tô từng bước được đầu tư, cải thiện chất lượng điện, nước, giao thông và y tế phục vụ đời sống người dân và du khách.
3. Cát Hải - Hải Phòng
Diện tích: 345km²
Dân số: 31.996 người (2019)

Cảng nước sâu Lạch Huyện. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải
Huyện đảo Cát Hải gồm 366 đảo, nổi bật với đảo Cát Bà - trung tâm du lịch sinh thái biển và là cửa ngõ giao thương quan trọng với cảng nước sâu Lạch Huyện.
Cát Hải là huyện đảo có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế biển và logistics khu vực phía Bắc. Địa phương này nổi bật với khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, nơi có nhiều khu công nghiệp, cảng biển hiện đại.
Ngoài công nghiệp, du lịch cũng là một ngành mũi nhọn, với điểm đến nổi tiếng là quần đảo Cát Bà - di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Cát Hải có thế mạnh về thủy sản, nhất là nuôi trồng và chế biến hải sản giá trị cao.
4. Trường Sa - Khánh Hòa
Huyện đảo Trường Sa có đặc điểm gồm nhiều đảo san hô, cồn cát và rạn đá ngầm; có vị trí chiến lược về quốc phòng và chủ quyền biển đảo.

Lực lượng kiểm ngư tuần tra trên biển đảo Trường Sa
Trường Sa là huyện đảo xa nhất của Việt Nam. Mặc dù có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, Trường Sa vẫn từng bước được xây dựng để trở thành một điểm tựa vững chắc ngoài khơi xa.
Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên biển như hải sản, đồng thời có tiềm năng lớn về dầu khí, năng lượng tái tạo và dịch vụ hàng hải. Các đảo thuộc huyện Trường Sa được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà ở, bệnh xá, trường học, trạm phát sóng và các công trình quốc phòng - dân sinh.
Việc duy trì sự hiện diện và nâng cao đời sống của cư dân và bộ đội tại đây mang ý nghĩa kinh tế - xã hội và chính trị sâu sắc, thể hiện quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.
5. Hoàng Sa - Đà Nẵng
Huyện đảo Hoàng Sa có vị trí đặc biệt trong chiến lược biển và phát triển dài hạn của đất nước, có tiềm năng lớn về tài nguyên biển như dầu khí, san hô, thủy sản và năng lượng gió ngoài khơi.
Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống về Hoàng Sa được đẩy mạnh, gắn liền với phát triển văn hóa biển và ý thức bảo vệ chủ quyền. Huyện đảo này là một phần thiêng liêng không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
6. Phú Quý - Bình Thuận
Diện tích: khoảng 18km²
Dân số: khoảng 29.000 người (2023)

Phú Quý có tiềm năng lớn về khai thác hải sản
Gồm 12 đảo lớn nhỏ, huyện đảo này phát triển kinh tế dựa vào đánh bắt thủy sản, nuôi trồng hải sản và du lịch biển.
Cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km, Phú Quý có tiềm năng lớn về kinh tế biển, đặc biệt là khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản lồng bè và chế biến hải sản khô.
Trong những năm gần đây, Phú Quý đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ định hướng phát triển du lịch biển đảo kết hợp trải nghiệm văn hóa địa phương. Với bãi biển đẹp, hải sản tươi ngon và người dân thân thiện, đảo thu hút ngày càng nhiều du khách đến khám phá.
7. Kiên Hải - Kiên Giang
Diện tích: khoảng 28km²
Dân số: khoảng 20.550 người (2019)

Huyện đảo Kiên Hải
Gồm 23 hòn đảo, Kiên Hải có vị trí thuận lợi và cảnh quan hoang sơ. Huyện đảo có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch cộng đồng.
Ngành kinh tế chủ lực của huyện là khai thác, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá bóp, cá mú và nhum biển. Các mô hình kết hợp giữa làm du lịch và đánh bắt hải sản đang ngày càng phổ biến, tạo sinh kế ổn định cho người dân.
Cơ sở hạ tầng của huyện còn hạn chế nhưng đang từng bước được đầu tư, từ điện lưới quốc gia, cầu cảng, đến trường học và trạm y tế.
Chính quyền địa phương chú trọng bảo vệ tài nguyên biển, chống sạt lở và phát triển kinh tế gắn với bảo tồn hệ sinh thái. Kiên Hải đang hướng tới trở thành vùng đảo xanh - thân thiện và bền vững.
8. Bạch Long Vĩ - Hải Phòng
Diện tích: khoảng 2,33km²
Dân số: 1.152 người (2023)

Bạch Long Vĩ là một huyện đảo xa bờ và có diện tích nhỏ
Nằm giữa vịnh Bắc Bộ, Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất của miền Bắc, đóng vai trò đặc biệt trong định hướng phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền và nghiên cứu khoa học biển.
Đây là một trong những huyện đảo có nguồn hải sản phong phú và điều kiện thuận lợi cho đánh bắt xa bờ. Huyện đang từng bước phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời khuyến khích mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững như cá giò, cá chim, rong biển.
Ngoài ra, địa phương còn là điểm quan trắc khí tượng thủy văn, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển.
9. Cồn Cỏ - Quảng Trị
Diện tích: khoảng 2,3km²
Dân số: 400-500 người (2022)

Huyện đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt về quốc phòng - an ninh
Cồn Cỏ là huyện đảo nhỏ nằm gần bờ biển Quảng Trị, có vị trí đặc biệt về quốc phòng - an ninh và là “cột mốc sống” trên biển. Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá và khai thác nguồn lợi từ rạn san hô.
Những năm gần đây, Cồn Cỏ được định hướng phát triển du lịch sinh thái biển, gắn với giá trị lịch sử cách mạng và đa dạng sinh học biển.
Đảo sở hữu hệ sinh thái biển quý giá, với nhiều loài sinh vật đặc hữu, là nơi thích hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo tồn tự nhiên.
Dù diện tích nhỏ, Cồn Cỏ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững của miền Trung và là biểu tượng cho tinh thần bám biển của người Việt.
10. Lý Sơn - Quảng Ngãi
Diện tích: 10,39km²
Dân số: 22.174 người (2022)

Huyện đảo Lý Sơn đang ngày càng phát triển du lịch
Lý Sơn gồm 2 đảo chính, nổi tiếng với nghề trồng tỏi, hành. Bên cạnh nông nghiệp, địa phương này còn phát triển mạnh nghề đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản ven bờ.
Những năm gần đây, du lịch trở thành ngành kinh tế mới đầy triển vọng của huyện, thu hút du khách bởi địa chất độc đáo, bãi biển đẹp và văn hóa Sa Huỳnh - Chăm-pa đặc sắc. Lý Sơn cũng là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử.
11. Côn Đảo - Bà Rịa Vũng Tàu
Diện tích: 75,79km²
Dân số: 12.000 người (2022)

Côn Đảo đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch tâm linh
Côn Đảo là một quần đảo có giá trị đặc biệt về tự nhiên, lịch sử và phát triển kinh tế xanh. Nơi đây từng là “địa ngục trần gian” trong thời kỳ kháng chiến, hiện được gìn giữ như di sản lịch sử quốc gia.
Về kinh tế, Côn Đảo đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch tâm linh.
Khu bảo tồn biển Côn Đảo là nơi có hệ sinh thái đa dạng với rừng ngập mặn, rạn san hô và là nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm như bò biển, rùa biển. Đảo đang hướng tới mô hình phát triển “không khói”, gắn du lịch với giáo dục môi trường và nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
12. Phú Quốc (Kiên Giang)
(tính cả xã Thổ Châu)
Diện tích: 589,27km²
Dân số: 179.480 người (2020)

Phú Quốc thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm
Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam và là trung tâm du lịch - kinh tế biển lớn nhất cả nước. Nơi đây hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các ngành mũi nhọn như du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ và công nghiệp chế biến nông - thủy sản.
Với hạ tầng đồng bộ gồm sân bay quốc tế, cảng biển, đường trục Bắc - Nam, Phú Quốc thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm và nhiều nhà đầu tư chiến lược.
Kinh tế địa phương còn dựa vào nuôi trồng, đánh bắt hải sản và sản xuất nước mắm truyền thống.
13. Thổ Châu - Phú Quốc, Kiên Giang
Diện tích: 13,98km2
Dân số: 1.829 người (2023)
Thổ Châu là xã đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm thành phố Phú Quốc hơn 100km, gần với vùng biển giáp ranh Campuchia. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Thổ Châu không chỉ là “phên dậu” quốc gia trên vùng biển Tây Nam mà còn có tiềm năng phát triển kinh tế biển lâu dài.
Kinh tế ở đây chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản, nuôi lồng cá và khai thác hải sản truyền thống. Cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề biển, kết hợp trồng trọt quy mô nhỏ để tự cung.
Những năm gần đây, Thổ Châu được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước ngọt, trạm y tế, trường học và hệ thống thông tin liên lạc. Tuy chưa phát triển du lịch mạnh mẽ như Phú Quốc, nhưng với cảnh quan hoang sơ, nước biển trong xanh và bãi cát trắng, Thổ Châu có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến sinh thái - nghỉ dưỡng trong tương lai.
Ngày 24/2, tại kỳ họp thứ 32 của HĐND tỉnh Kiên Giang khóa 10, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua chủ trương thành lập huyện Thổ Châu trên cơ sở diện tích tự nhiên của xã Thổ Châu, TP Phú Quốc.