Tính Giao
Thích phó đà
Theo Kitco, chính sách của Mỹ và bất ổn toàn cầu đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng mua vào, khiến giá vàng tăng cao.
Chính sách của Mỹ thúc đẩy giá vàng tăng
Theo báo cáo thường niên "Xu hướng quản lý dự trữ" do HSBC phối hợp cùng Central Banking thực hiện, các chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ đang gây lo ngại cho sự ổn định của các ngân hàng trung ương toàn cầu.
“Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ là mối rủi ro hàng đầu mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt - ngay cả khi khảo sát được thực hiện trước các thông báo thuế quan hồi đầu tháng 4.2025 đã tác động mạnh tới thị trường tài chính” - báo cáo cho biết.
Các nhà quản lý dự trữ đang thích ứng với bất ổn gia tăng, có tới 50% đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong 12 tháng qua, và nhiều ngân hàng đã điều chỉnh danh mục đầu tư do rủi ro địa chính trị - báo cáo cho biết.
Báo cáo có sự tham gia của 91 ngân hàng trung ương, đại diện cho hơn 7.100 tỉ USD dự trữ toàn cầu. “Kết quả cho thấy các nhà quản lý dự trữ đang nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để đối phó với các chính sách thương mại và bất ổn địa chính trị ngày càng biến động” - HSBC nhận định.
Về đồng USD, quan điểm của các ngân hàng trung ương khá khác nhau: “Dù quá trình phi USD hóa đang được nhìn nhận là diễn ra từ từ, số ngân hàng tăng đầu tư vào USD vẫn nhiều hơn số cắt giảm” - theo báo cáo.

Các biện pháp thuế quan và bảo hộ thương mại của Mỹ hiện bị coi là rủi ro nghiêm trọng nhất, với 44% ngân hàng trung ương cho rằng đây là mối lo ngại hàng đầu.
“Trong trung hạn, các nhà quản lý dự trữ vẫn tập trung vào lạm phát và lãi suất - những yếu tố được đa số đánh giá là quan trọng nhất đối với việc quản lý dự trữ trong 5 năm tới” - báo cáo nêu - “Đồng thời, bất ổn địa chính trị ngày càng ảnh hưởng lớn hơn đến các quyết định quản lý rủi ro và phân bổ tài sản. 73% hiện đã đưa yếu tố này vào chiến lược, tăng từ mức 67% năm 2024”.
Báo cáo cũng cho biết, 50% ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong năm qua và nếu không tính Eurozone, con số này vượt 60%. Trong đó, một nửa các ngân hàng có dự trữ trên 100 tỉ USD đã hành động.
Đáng chú ý, 54% ngân hàng trung ương cho biết họ dự định tăng dự trữ ngoại hối và vàng.
“Lý do chính là để duy trì niềm tin của nhà đầu tư và dùng dự trữ như một công cụ ứng phó với biến động tỷ giá” - báo cáo giải thích.
Dù giá vàng đang liên tục lập đỉnh mới, chỉ 37% ngân hàng trung ương coi giá vàng cao là trở ngại và họ vẫn có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong năm tới. “Đa phần coi vàng là công cụ đa dạng hóa danh mục, là tài sản lưu trữ giá trị lâu dài, hoạt động tốt trong khủng hoảng và là công cụ phòng ngừa rủi ro địa chính trị”.
Quan điểm về đồng USD có sự chia rẽ
Báo cáo từ HSBC chỉ ra, quá trình phi USD hóa đang được các nước BRICS đẩy mạnh để giảm phụ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, đa số nhà quản lý dự trữ cho rằng việc giảm vai trò của USD sẽ diễn ra dần dần.
"Tại thời điểm khảo sát, tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh hơn và chính sách giữ lãi suất cao của FED khiến 16% ngân hàng tăng đầu tư vào USD, so với 9% giảm đầu tư. Tuy nhiên, tình hình có thể đã thay đổi sau các sự kiện gần đây” - theo báo cáo.
Phần lớn ngân hàng tăng đầu tư USD đều cắt giảm các đồng tiền dự trữ truyền thống khác và cũng nghi ngờ hiệu quả đầu tư vào các đồng tiền không truyền thống do chi phí cao.
“Về thị trường trái phiếu, niềm tin vào Anh và Đức đã phục hồi trong năm qua, trong khi Trung Quốc bị đánh giá thấp nhất, chỉ cao hơn Nhật Bản” - báo cáo nêu.
Không có dấu hiệu nào cho thấy các ngân hàng trung ương đang quan tâm tới stablecoin hay tiền mã hóa. “Không ngân hàng nào coi bitcoin là tài sản dự trữ phù hợp, cũng không có ai đầu tư vào tiền mã hóa” - HSBC cho biết.
Hiện nhiều ngân hàng trung ương cho rằng đa dạng hóa tài sản dự trữ là chìa khóa cho sức mạnh tương lai.
“Khi được hỏi về chiến lược 12 tháng tới, một nửa số ngân hàng dự định đa dạng hóa tài sản, khoảng 1/3 muốn tăng tính thanh khoản, và tỷ lệ tương tự sẽ kéo dài kỳ hạn đầu tư, nhưng vẫn chú ý tới diễn biến đường cong lợi suất.
Trong bối cảnh đầy biến động, các nhà quản lý dự trữ đang thể hiện sự linh hoạt và nhạy bén cần thiết để thích ứng với những thay đổi chính trị và kinh tế trong năm 2025” - báo cáo kết luận.