Công lao và trách nhiệm người lính.
..................
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước 1975-2025 nhà nước Việt Nam đã tổ chức cuộc diễu binh lớn, đặc biệt trong lần diễu binh còn có khối cựu chiến binh.
Tràn ngập những thông tin, truyền thông vinh danh chiến công của quân đội nhân dân Việt Nam đã thống nhất đất nước trên mọi mặt báo, mạng xã hội. Nôi dụng hướng tới lòng biết ơn với quân đội nhân dân Việt Nam đã dũng cảm, hy sinh, chiến đấu để thống nhất đất nước.
Câu chuyện biết ơn cũng nhiều, những chỉ trích sự vô ơn cũng nhiều.
Tập hợp các thông tin thì chủ chốt là phải biết ơn các chiến sĩ, cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam đã có công lao anh dũng, bảo vệ, thống nhất đất nước.
Nếu như đây là một nét văn hoá, biết ơn là điều tốt đẹp.
Nhưng nếu nó thành mệnh lệnh vô hình áp đặt nên toàn xã hội, chi phối cả cuộc sống hiện tại, điều ấy không nên.
Không phải ngẫu nhiên mà các lực lượng vũ trang như công an, quân đội có tên là Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân. Điều đó có nghĩa là quân đội của nhân dân, công an của nhân dân. Những lực lượng này từ Nhân Dân mà ra, có trách nhiệm bảo vệ Nhân Dân và Đất Nước.
Trách nhiệm này đã được chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rất rõ ràng.
- Các Vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước.
Lời căn dặn của chủ tịch HCM thâm sâu, nhất là khi câu dạy ấy nói tại đền Hùng, đúng vào thời điểm mà quân đội Việt Nam tiến về tiếp quản thủ đô năm 1954.
Có nghĩa công là của tổ tiên, còn giữ nước là trách nhiệm của quân đội.
Chữ '' phải '' mà Chủ Tịch HCM nói với quân đội nhân dân Việt năm đó. Một chữ thôi, mà sâu sắc vô cùng. Chữ PHẢI. Đấy là mệnh lệnh, không phải lời cầu xin giúp đỡ.
Nếu không phải trách nhiệm, mà ta giúp ai đó, họ vô ơn chúng ta có thể trách. Hoặc cao thượng thì chúng ta bỏ qua không trách , bởi tình thương, bởi nhân cách con người mà chúng ta giúp.
Còn nếu là trách nhiệm, chúng ta là bác sĩ phải chữa bệnh cho người. Là công an phải bắt tội phạm, là luật sư phải bảo vệ thân chủ, là giáo viên phải dạy học. Là chiến sĩ phải xông pha chiến trận để bảo vệ tổ quốc mình, đồng bào mình là điều bắt buộc phải làm.
Một cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc có trách nhiệm bao nhiêu người phải làm, người công nhân phải gia tăng sản xuất, người nông dân phải gồng sức nuôi trồng. Những người chiến sĩ đi ra trận cũng chính là những đứa con do công nhân, nông dân sinh ra và nuôi lớn khôn, để rồi vì trách nhiệm mỗi người một việc, họ phải ra trận. Mà ra trận thì hy sinh, thương tích là chuyện phải chấp nhận.
Thời bình tuyển quân với quy định rất rõ là thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nghĩa vụ tức là việc bắt buộc phải làm của một người dân, cũng như đóng thuế là bắt buộc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể vì đóng thuế mà kêu người dân phải biết ơn, người công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng không thể nói đó là công lao của mình với đất nước. Nhà tôi 5 anh em trai, 4 người thực hiện nghĩa vụ quân sự, 1 người đi thanh niên xung phong. Cá nhân tôi thực hiện đủ 3 năm nghĩa vụ quân sự.
Từ khi nào mà áp lực vô hình là phải biết ơn quân đội nhân dân Việt Nam như bây giờ vậy ?
Không phải từ khi thống nhất đất nước, cũng không phải từ khi chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc kết thúc. Những người lính khi ấy còn sống trở về, họ bình dị, họ hoà nhập cuộc sống làm thợ mộc, làm dân cày, làm công nhân. Họ chẳng nhắc nhở gì đến công lao của họ cả. Không ai vỗ ngực là ta đây từng hy sinh xương máu, từng xông pha đạn lửa để đất nước yên bình cả. Bởi họ hiểu đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân.
Sinh thời tướng Nguyễn Sơn cậy thế làm càn, bác Hồ thẳng thắn đuổi về Trung Quốc. Một thời gian dài truyền thông không nhắc đến tướng Nguyễn Sơn, chỉ sau này từ hồi quan hệ lại với Trung Quốc mới có nhiều bài báo ca ngợi tướng Nguyễn Sơn. Người ta quên đi câu chuyện bác Hồ đã đuổi Nguyễn Sơn, cho đó là giai thoại không có thật.
Cũng chính từ lúc quan hệ lại với Trung Quốc, sau hội nghị Thành Đô là lúc ở xã hội Việt Nam nảy ra đám cựu chiến binh hoành hành ngang ngược, thành lập thành những đội xe ba bánh đi đòi nợ thuê, họ sẵn sàng bao vây trụ sở chính quyền gây sức ép đòi hỏi giải quyết có lợi cho người thuê họ. Họ nằm vật ra cởi quần áo khoe vết thương và gào hét phải biết ơn họ, công lao họ và thực hiện yêu sách của họ. Rồi sau đó những người này già đi, xã hội cũng văn minh hơn những chuyện nằm lăn ra ăn vạ hay kéo đàn đống đánh xe ba bánh đi gây áp lực cũng bớt. Nhưng thay thế vào đó là cách văn minh hơn, đó là những tư tưởng truyền thông liên tục, thấm dần vào ý nghĩ người dân là phải biết ơn quân đội nhân dân Việt Nam. Hình thành dần dần nếp nghĩ QDND Việt Nam là một gì đó cao cả, thiêng liêng mà nhân dân phải ghi nhớ công ơn.
Người ta không nhận ra rằng, quân đội nhân dân là từ nhân dân mà ra, là quân đội phải thực hiện trách nhiệm họ phải làm. Không phải quân đội nhân dân ban ơn cho nhân dân qua các cuộc chiến tranh, mà chính là người dân cả nước, mọi ngành nghề và hơn nữa là những người dân là cha mẹ của những người lính đã cùng nhau hy sinh cho cuộc chiến.
Ngày xưa tổ tiên chúng ta, khi đất nước thái bình, hết chiến tranh sẽ giảm ngay quân lính, cho về cày ruộng. Nay đất nước thanh bình đã mấy chục năm. Gánh nặng về ngân sách chi trả lương hưu rất lớn. Những gì lực lượng nào, những cơ quan nào không cần thiết phải giảm bớt để đỡ phải trả lương trước mắt và lương hưu sau này. Biết ơn với thế hệ đã hy sinh trong chiến tranh là quá đủ, không để những người khác mượn danh nghĩa , núp bóng rồi đến cảnh cú kêu cho ma ăn, giữ chùa được ăn oản.
Từ năm 1990 đến nay đã 35 năm, sự hoà bình không phải do chúng ta duy trì quân đội đông đảo và trang bị hùng mạnh, đến nỗi nước khác sợ không dám tấn công, điều này ai cũng thấy rõ. Sự hoà bình là chủ trương của đường lối đảng, nhà nước.
Tính xem 35 năm ấy, bao nhiêu sĩ quan từ các cấp uý, tá, tướng phải trả lương cho họ và lương hưu của họ sau này nữa.
Nếu tự trọng, biết làm gì giảm gánh nặng cho đất nước, nhân dân đó chính là sự hy sinh. Còn cậy đông, có súng trong tay để phản bác quy chụp ý kiến trái chiều là phản động, là người của phe nọ, phe kia, là gây chia rẽ để làm suy yếu chế độ....chẳng qua là muốn tiếp tục buộc đất nước biết ơn, để ngồi không hưởng lợi mà thôi.