Don Jong Un
Lỗ đýt gợi cảm


Nguồn: Phùng Siêu, 冯超:想以越南为支点?美国注定是“竹篮打水一场空”, Guancha, 30/04/2025.
Vào ngày 30/4 năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chính phủ Việt Nam không chỉ gửi lời mời tham gia duyệt binh tới các “chiến hữu” cũ là Trung Quốc, Lào và Campuchia, mà còn mời cả Mỹ – quốc gia đã “biến lưỡi gươm thành lưỡi cày”, cũng như nhiều tổ chức quốc tế và nhà hoạt động của các phong trào hòa bình và phản chiến.
Thế nhưng, chính quyền Trump lại cấm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và những nhà ngoại giao khác tham gia các hoạt động liên quan với lý do “tránh để các hoạt động kỷ niệm làm ảnh hưởng đến trọng tâm của 100 ngày đầu nhiệm kỳ”. Quyết định vô lý này không chỉ xé toạc vết sẹo lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam mà còn phản ánh thế lưỡng nan sâu sắc của Mỹ trong việc lấy Việt Nam làm điểm tựa để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: sự lôi kéo quân sự chỉ mang tính khoa trương, quan hệ kinh tế đầy rẫy lỗ hổng, còn sự thâm nhập văn hóa thì không phù hợp với môi trường địa phương, dẫn đến kết cục “giỏ tre lấy nước uổng phí công”.
Kể từ khi chính quyền Trump đề xuất ý tưởng về “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vào ngày 5/11/2017, Mỹ đã nỗ lực tái định hình trật tự châu Á-Thái Bình Dương thông qua các biện pháp đa chiều về quân sự, kinh tế và văn hóa, trong đó coi Việt Nam là một trong những điểm tựa quan trọng. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy chiến lược này thông qua Việt Nam đã nhiều lần thất bại. Từ cuộc chiến thương mại với mức thuế quan cao đến các hợp tác quân sự mang tính phô trương, từ thất bại của việc gắn kết kinh tế đến sự bất lực trong việc thâm nhập văn hóa, logic bá quyền của Mỹ đã bộc lộ những khiếm khuyết về mặt cấu trúc trước “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
Bài viết này phân tích những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ tại Việt Nam thông qua bốn khía cạnh: chính sách thuế quan, hợp tác quân sự, hợp tác kinh tế và sự thâm nhập văn hóa, qua đó chỉ ra xung đột cốt lõi giữa logic bá quyền của Mỹ và thực tế khu vực.
Thuế quan ép buộc chỉ là đòn “boomerang” của áp lực kinh tế
Vào tháng 4/2025, Mỹ đã áp mức thuế trừng phạt lên tới 46% đối với hàng hóa của Việt Nam với lý do “cân bằng thâm hụt thương mại”, trong đó bao gồm các ngành xuất khẩu chủ lực như giày dép và đồ nội thất, qua đó gây ảnh hưởng trực tiếp lên khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu giày dép và 22% kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam sang Mỹ. Ở bề ngoài, chính sách này là một biện pháp kinh tế, nhưng thực chất đây là động thái chiến lược của Mỹ nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và làm suy yếu lợi ích từ sự chuyển dịch công nghiệp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam không rơi vào thế bị động như Mỹ kỳ vọng, mà thay vào đó đã giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua việc đa dạng hóa cơ cấu thị trường và thúc đẩy hòa giải ngoại giao. Điều này chủ yếu được thể hiện ở hai điểm sau:
Đầu tiên là chủ động nhún nhường và áp dụng chiến lược đàm phán linh hoạt. Chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức đề nghị Mỹ đình chỉ thuế quan và cam kết tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và công nghệ của Mỹ để đổi lấy không gian hòa hoãn thông qua “những nhượng bộ chiến thuật”.
Thứ hai là tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khu vực. Với sự phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi công nghiệp tích hợp với Trung Quốc (ví dụ, 80% nguyên liệu thô của ngành dệt may phụ thuộc vào Trung Quốc), Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu. Trong quý I năm 2025, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc tăng 17,46% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch thương mại của ASEAN với Trung Quốc cũng tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Do đó, mặc dù thuế quan cao gây ra những cú sốc ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ phải đối mặt với những phản ứng ngược và “vũ khí thuế quan” của Mỹ cũng đang dần đi tới sự tự hủy diệt.
Chính quyền Trump đã đề xuất một chính sách “thuế quan phân cấp”, áp dụng mức thuế thấp hơn (như 10%) hoặc miễn trừ đối với một số quốc gia, trong khi lại áp mức thuế cao (lên tới 145%) đối với Trung Quốc, với mục đích chia rẽ quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia khác thông qua đòn bẩy kinh tế.
Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng miễn thuế để “dụ” thế giới bao vây Trung Quốc đã phản ánh tầm nhìn chiến lược ngắn hạn của Mỹ. Điều này chủ yếu được thể hiện ở hai điểm sau:
Đầu tiên là nghịch lý của sự chuyển dịch chuỗi công nghiệp. Mặc dù các công ty đa quốc gia như Apple và Samsung đang cân nhắc việc chuyển năng lực sản xuất sang Ấn Độ và Mexico do áp lực về chi phí, nhưng các cơ sở sản xuất điện tử của Việt Nam – với vai trò là một nút thắt cốt lõi của chiến lược “Trung Quốc+1” – vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ kỹ thuật của Trung Quốc và chi phí chuyển dịch trong ngắn hạn là rất đắt đỏ.
Thứ hai, nó sẽ khiến xu thế “đồng minh” xa cách và đối tác “mất lòng tin” bùng phát trở lại trên phạm vi toàn cầu. Cây gậy thuế quan của Mỹ đã bị hơn 70 quốc gia phản đối. Các nước ASEAN đang nhanh chóng xích lại gần Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính còn khẳng định rõ ràng rằng “không được làm tổn hại lợi ích của các thị trường khác”, điều này làm nổi bật sự cô lập của bá quyền kinh tế Mỹ. Mỹ đã cố gắng tái định hình chuỗi cung ứng bằng thuế quan, nhưng chính phản ứng linh hoạt của Việt Nam và sự hợp tác ngày càng sâu sắc hơn trong khu vực đã khiến nỗ lực này bị phản tác dụng và khiến Mỹ bị đẩy vào thế lưỡng nan của “bức màn sắt kinh tế” do chính mình dựng lên.
Chính sách thuế quan của Trump đối với Việt Nam có trọng tâm là “cân bằng thâm hụt thương mại”, điều này trong ngắn hạn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và trong dài hạn sẽ buộc nước này phải điều chỉnh cơ cấu thương mại và chính sách công nghiệp. Dù Việt Nam đã cố gắng giảm áp lực thông qua hòa giải ngoại giao và nhượng bộ một phần, nhưng cuộc chơi thuế quan vốn có bản chất là một động thái chiến lược của Mỹ nhằm tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu và các quy tắc thương mại. Việc hai bên có thể đạt được thỏa hiệp trên các diễn đàn như APEC trong tương lai hay không sẽ quyết định độ dẻo dai của nền kinh tế Việt Nam và diễn biến của cục diện thương mại khu vực. Và Việt Nam không thể xem nhẹ điều này.
Hợp tác quân sự mang tính biểu tượng hơn là thực chất
Để củng cố vai trò của Việt Nam như một “điểm tựa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tương tác quân sự với nước này. Mỹ đã và đang nỗ lực nâng cao sự hiện diện của mình và cố gắng biến Việt Nam thành một “tiền đồn biên giới” ở Biển Đông thông qua các hoạt động ngoại giao tàu sân bay (như chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson tới Việt Nam năm 2018 và tàu USS Ronald Reagan năm 2023), bán vũ khí (như việc chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng giám sát ở Biển Đông) và các cuộc tập trận quân sự chung (như việc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương). Về tập trận chung và đào tạo cán bộ, Mỹ đã mời Việt Nam tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, đồng thời đào tạo cán bộ quân sự phía Việt Nam và thâm nhập vào vấn đề Biển Đông dưới danh nghĩa cái gọi là “hợp tác an ninh biển”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến thăm Việt Nam hai lần chỉ trong vòng một năm. Philip Davidson – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và người kế nhiệm Mattis là Mark Esper cũng lần lượt đến thăm Việt Nam. Những chuyến thăm này cho thấy Mỹ coi trọng Việt Nam, nhưng chủ yếu tập trung vào các tương tác cấp cao và tuyên bố chiến lược, trong khi thiếu những nội dung hợp tác quân sự sâu sắc. Sự lôi kéo quân sự này mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất.
Sau khi nắm quyền trở lại, Trump đã thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch “vũ trang cho Việt Nam”. Vào tháng 11/2024, Mỹ đã bàn giao lô máy bay huấn luyện T-6C đầu tiên cho Việt Nam, đây là lô vũ khí có quy mô lớn nhất từng được chuyển giao cho Việt Nam trong lịch sử.
Tính đến nay, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ vẫn chưa có chuyến thăm trực tiếp, nhưng trong cuộc điện đàm giữa hai bên vào ngày 7/2 năm nay, Mỹ đã cam kết sẽ huy động nguồn lực để làm sạch khu vực bị nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật, rà phá bom mìn, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam và hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Các dự án hợp tác này, mặc dù giúp cả hai bên gác lại quá khứ và hướng tới tương lai, nhưng mang tính biểu tượng nhiều hơn và nhằm mục đích cải thiện hình ảnh của Mỹ tại Việt Nam hơn là tăng cường năng lực quân sự của Việt Nam về thực chất.
Trước những “cám dỗ” quân sự từ Mỹ, Việt Nam kiên định với chính sách quốc phòng “Bốn không” (không ủng hộ nước này chống nước kia, không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Khi tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2024, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã nêu rõ bốn nguyên tắc “không liên minh, không bành trướng, không khiêu khích, không phụ thuộc” và khẳng định chiến lược tự chủ.
Tuy tiếp nhận trang thiết bị từ Mỹ nhưng Việt Nam từ chối ký bất kỳ thỏa thuận liên minh quân sự nào. Sau khi quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp thành “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2023, phía Việt Nam vẫn nhấn mạnh “quan hệ Trung-Việt là ưu tiên hàng đầu”, đồng thời tăng cường đối thoại quốc phòng với Trung Quốc, thể hiện sự khôn ngoan trong chính sách ngoại giao cân bằng.
Mặc dù tìm kiếm “sự lên tiếng ủng hộ” từ Mỹ trong hoạt động xây dựng đảo và phát triển tài nguyên ở Biển Đông, nhưng Việt Nam vẫn tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Sau khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập định vị mới cho quan hệ hai nước thông qua khái niệm cộng đồng chung vận mệnh mang ý nghĩa chiến lược vào cuối năm 2023, bất chấp những biến động về nhân sự cấp cao, Tổng Bí thư Tô Lâm ngay sau khi nhậm chức vào tháng 8/2024 đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc và quan hệ hai nước nồng ấm chưa từng có. Ông đã nhiều lần thể hiện bằng hành động thực tế rằng “những khác biệt trên biển không cản trở sự hợp tác”, điều này về bản chất đã làm suy yếu ý đồ kích động đối đầu trong khu vực của Mỹ, qua đó phản ánh lập trường thực dụng của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Dựa trên hai khía cạnh đã phân tích ở trên, chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ và việc bán vũ khí không làm thay đổi lập trường thận trọng của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, do sự cảnh giác của Việt Nam đối với lịch sử Chiến tranh Việt Nam (chẳng hạn như vấn đề di sản “chất độc màu da cam”), sự thiếu hụt niềm tin càng trở nên sâu sắc. Vì vậy, “mồi câu” hợp tác quân sự mà Mỹ tung ra đã trở thành “mong muốn một chiều”, trong khi Việt Nam đã biến các tương tác quân sự thành con bài mặc cả thông qua “ngoại giao cây tre”, cho phép nước này vừa có được nguồn tài nguyên mà không mất đi quyền tự chủ. Điều này đã khiến ý tưởng “NATO phiên bản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ trở thành viển vông.