

20 tháng 4 2025
Trung Quốc và Campuchia đã ký thỏa thuận gần 1,2 tỷ USD về dự án kênh đào Phù Nam Techo trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Bân khẳng định Trung Quốc hoàn toàn thấu hiểu nhu cầu của Campuchia đối với dự án kênh đào Phù Nam Techo và sẽ tiếp tục hỗ trợ.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol, thay mặt chính phủ Campuchia, và ông Ieng Sunly của Công ty TNHH Đường thủy Nội địa - Ven biển Funan Techo, đối tác từ khu vực tư nhân, đã ký thỏa thuận, theo báo Khmer Times.
"Là tuyến giao thông thủy nội địa và công trình hạ tầng giao thông quan trọng tại Campuchia, Dự án FTC sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giảm đáng kể chi phí logistics tổng thể tại Campuchia, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp của của Campuchia vươn lên phân khúc trung và cao trong chuỗi giá trị," Khmer Times dẫn lời ông Vương Thông Châu, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC).
Dự án được phát triển theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), trong đó các nhà đầu tư Campuchia nắm giữ 51% cổ phần và các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 49%, theo AP News.
Báo này cũng cho biết Tổng công ty Xây dựng Giao thông Trung là công ty mẹ của Tập đoàn Đường cầu Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation) - nhà thầu thi công dự án đoạn từ sông Bassac đến tỉnh ven biển Kep.
Tập đoàn nhà nước khổng lồ này đã chịu sự giám sát chặt chẽ vì những cáo buộc liên quan đến các vụ bê bối tài chính. Công ty này cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ vì vai trò của mình trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Kênh đào Phù Nam Techo dài 151,6 km, kéo dài từ sông Bassac gần Phnom Penh tới tỉnh ven biển Kep, sẽ tạo ra một hành lang thủy nội địa – hàng hải mới có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải toàn phần (DWT) lên đến 3.000 tấn. Dự án, với kinh phí ước tính 1,7 tỷ USD, bao gồm việc đào kênh, xây dựng âu tàu (khóa nước) và hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho hàng hải và logistics.
Ngoài thỏa thuận này, Trung Quốc và Campuchia đã ký kết hơn 30 văn kiện hợp tác song phương khác, theo Tân Hoa Xã.
Động thái mới này diễn ra trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới ba nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Malaysia và Campuchia – chuyến đi được cho là để gia tăng quan hệ với các nước trong khu vực trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.
Những bất lợi đối với Việt Nam
Thông báo của lễ ký kết ngày 17/4 đã khẳng định rằng "một bản đánh giá cặn kẽ tác động môi trường, do 48 chuyên gia cùng thực hiện, đã xác nhận rằng tác động môi trường [của kênh đào Phù Nam Techo] là tối thiểu."Tuy nhiên, từ trước tới nay, Việt Nam được cho là sẽ gặp bất lợi khi kênh đào Phù Nam Techo đi vào hoạt động.
Theo AP News, các nhà phê bình đã bày tỏ lo ngại rằng con kênh có thể gây xáo trộn nghiêm trọng đến quy luật lũ tự nhiên của sông Mekong. Những xáo trộn này có thể dẫn đến tình trạng hạn hán tồi tệ hơn và sự suy giảm lượng phù sa giàu dinh dưỡng, vốn rất quan trọng cho sản lượng lúa gạo của Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long – khu vực nuôi sống hàng triệu người, đóng góp lớn vào xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Vấn đề này đã được nhắc tới trong một bài nghiên cứu đăng vào tháng 1/2025 trên tạp chí khoa học Nature có nhan đề "Better plans are needed for mitigating the ecological impacts of Cambodia's Funan Techo Canal" (Tạm dịch: Cần có kế hoạch tốt hơn để giảm thiểu tác động sinh thái của Dự án Kênh đào Phù Nam Techo tại Campuchia).
Theo bài báo, con kênh này có thể gây tổn hại tới hệ sinh thái và có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp.
"Không chỉ có những lo ngại về tác động sinh thái của con kênh đối với các hệ sinh thái đa dạng và mong manh của khu vực, mà còn có những cơ hội chưa được khai thác để giảm thiểu tác động," các tác giả nghiên cứu nêu.
Họ nhận định rằng các mối nguy tiềm ẩn của dự án bao gồm việc gia tăng rủi ro thiên tai cực đoan, thiệt hại cho các hệ sinh thái đầm lầy, sự lây lan của các loài xâm lấn, cũng như gia tăng độ mặn – điều này sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp và an ninh lương thực của các cộng đồng địa phương.
Kêu gọi "các kế hoạch tốt hơn" để giảm thiểu tác động, các nhà nghiên cứu đề xuất Campuchia áp dụng một hệ thống quản lý nước linh hoạt, bao gồm việc xả nước từ con kênh trong thời gian hạn hán.

Chụp lại video,Động thổ kênh đào Phù Nam Techo: Tham vọng lớn của Campuchia
Ông Brian Eyler, một học giả cấp cao tại tổ chức tư vấn Stimson ở Mỹ, nhận định với báo South China Morning Post vào tháng 1/2025 rằng nghiên cứu nói trên đã nêu lên những lo ngại hợp lý mà cộng đồng các khu vực bị ảnh hưởng đã nhiều lần đề cập.
"Sông Mekong đang trải qua những đợt hạn hán ngày càng kéo dài và gia tăng cường độ cả trong mùa mưa và mùa khô."
"Và con kênh này, nếu không có các biện pháp giảm thiểu hoặc một giải pháp tương tự, sẽ làm tăng tác động của những đợt hạn hán," ông nói, đồng thời cảnh báo rằng Việt Nam, quốc gia nằm ở hạ lưu của sông, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu Campuchia sử dụng kênh để tưới tiêu trong mùa khô.
Bên ngoài khía cạnh môi trường, kinh tế Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng khi kênh đào Phù Nam Techo chính thức vận hành.
Giới quan sát cho rằng kênh đào Phù Nam khi xây dựng xong sẽ thiết lập tuyến kết nối giữa cảng Phnom Penh và Sihanoukville, giúp đưa nhiều hàng hóa qua các cảng ở Campuchia thay vì đi qua các cảng của Việt Nam như hiện nay.
Vào ngày 26/4/2024, Chủ tịch Thượng Viện Campuchia Hun Sen nêu rõ:
"Chúng ta không cần phải trả thêm phí như đã trả cho Việt Nam. Trong quá khứ, chúng ta bị buộc phải sử dụng các cảng của Việt Nam cho bất kỳ loại hàng hóa nào phải quá cảnh quốc tế và phải trả phí. Họ chỉ hỗ trợ khi phù hợp với họ và điều đó không thuận lợi cho chúng ta."
Tới ngày 7/5/2024, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói với Reuters rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ cắt giảm tới 70% lượng hàng hóa vận chuyển qua các cảng Việt Nam.
Ông Chanthol cũng từng đề cập tới khả năng ngăn lũ tràn sang Việt Nam như một ưu điểm của kênh Phù Nam Techo, trong khi lũ lại đóng vai trò quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Campuchia kỳ vọng sẽ thu được 88 triệu USD từ phí vận chuyển mỗi năm nhờ dự án kênh đào Phù Nam Techo, con số này sẽ tăng lên 570 triệu USD mỗi năm vào năm 2050.
Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc xây dựng kênh đào này, đề nghị Campuchia chia sẻ thông tin đánh giá tác động môi trường của dự án nhưng dường như Phnom Penh vẫn chưa cung cấp đầy đủ, nói rằng đây là vấn đề nội bộ của nước này.
Yếu tố Mỹ
Một bài bình luận của tác giả người Campuchia Leap Chanthavy đăng trên báo Khmer Times thân chính phủ ngày 14/10/2024 nhấn mạnh tới tác động của kênh đào Phù Nam Techo đối với Việt Nam."Việt Nam sẽ cảm thấy khó khăn trong việc kiềm chế Campuchia thông qua cửa sông Mekong. Thêm nữa, kênh đào Phù Nam Techo có thể lấy đi thị phần vận tải đường sông-đường biển, vì vậy tác động đến vòng tròn kinh tế của TP HCM, thành phố thịnh vượng nhất ở miền nam Việt Nam."
Khả năng sử dụng kênh đào Phù Nam Techo cho mục đích quân sự cũng là một mối quan ngại đối với Việt Nam.
Gần đây hơn, vào đầu tháng Tư, Trung Quốc và Campuchia đã mở một trung tâm huấn luyện chung ở quân cảng Ream - nơi mà giới phân tích và chính phủ Hoa Kỳ cho rằng có thể được Trung Quốc sử dụng như một tiền đồn chiến lược.
Căn cứ quân sự Ream nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km về hướng tây bắc.
Chỉ vài ngày trước khi kênh đào Phù Nam Techo khởi công vào ngày 5/8/2024, một bài viết trên South China Morning Post đã đưa ra lời cảnh báo về việc Việt Nam sẽ xích lại gần với Mỹ hơn khi mà Trung Quốc liên tục gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực, với kênh đào này là một ví dụ.
Theo ông Châu Siêu, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức tư vấn Anbound (An Bang) có trụ sở tại Bắc Kinh, Việt Nam cũng sẽ phiền lòng khi mất đi ảnh hưởng đối với nền kinh tế Campuchia, đặc biệt là bối cảnh tồn tại xung đột trên biển với Trung Quốc và việc Trung Quốc bị cho là có tham vọng "thống trị Bán đảo Đông dương".
"Xét cuộc tranh cãi [với Campuchia] về con kênh, vấn đề bảo vệ môi trường hay các lập luận khác không phải là lý do quan trọng," ông Châu Siêu nói trong bài viết ngày 3/8/2024 trên South China Morning Post. "Thực ra, lý do chủ yếu chính là sự e ngại và sự phản đối của Mỹ và Việt Nam đối với việc Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng."
Những đánh giá này được đưa ra trước khi có mức thuế kỷ lục 46% mà ông Trump dự tính áp lên Việt Nam, cũng như trước khi ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam và ký kết hàng chục thỏa thuận.
Thời gian gần đây, những cân nhắc về kinh tế dường như đã lấn át các lo ngại về an ninh của Việt Nam, phần nào thể hiện qua các thỏa thuận xây dựng những tuyến đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 45 văn kiện hợp tác trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam.