Ký hợp đồng điện tử nhưng yêu cầu nộp chứng từ giấy là chuyển đổi số nửa vời

Đại biểu Trương Trọng Ngĩa cho biết doanh nghiệp than phiền vì hiện nay có rất nhiều hợp đồng ký kết bằng điện tử, thông qua email nhưng khi làm thủ tục thì hải quan cứ bắt phải có chứng từ giấy. Ảnh: Phạm Đông
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thảo luận đang gợi mở nhiều cơ hội để cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, câu chuyện được đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ra khi Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp chiều ngày 10.5, như việc doanh nghiệp ký hợp đồng điện tử, giao dịch qua email vẫn bị hải quan yêu cầu nộp chứng từ giấy cho thấy một thực tế đáng suy ngẫm.

Việc một hợp đồng điện tử đã có chữ ký số hợp pháp, lưu trữ trên nền tảng số được công nhận, nhưng vẫn phải in ra giấy để “nộp cho đúng quy trình” không chỉ gây phiền hà, mà còn phản ánh sự lúng túng của hệ thống quản lý khi chưa dám buông bỏ cơ chế tiền kiểm lỗi thời.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), đây không đơn thuần là một bất cập hành chính, mà là biểu hiện của “tư duy giấy tờ”, vốn đã ăn sâu vào nhiều khâu quản lý doanh nghiệp, từ đăng ký kinh doanh, kê khai bảo hiểm đến kiểm tra hậu kiểm.

Điều này khiến doanh nghiệp phải "số hóa bên ngoài, giấy tờ bên trong", vừa đầu tư cho chuyển đổi số, vừa tốn thêm chi phí in ấn, lưu trữ thủ công... Và đây là một nghịch lý trong thời đại số.

Không chỉ gây tốn kém, tư duy giấy tờ còn khiến môi trường kinh doanh thiếu tính cạnh tranh và minh bạch. Khi các cơ quan quản lý vẫn quen với việc “nhìn hồ sơ giấy mới tin”, họ sẽ khó có khả năng giám sát hiệu quả trong không gian số, vốn cần những công cụ và phương thức hoàn toàn khác.

Chuyển đổi số không thể chỉ dừng lại ở việc cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ online hay ký hợp đồng qua email. Để tiến xa, cần một hành lang pháp lý công nhận giá trị của giao dịch số một cách đồng bộ và thực chất, từ cấp trung ương đến địa phương, từ khâu đăng ký, kiểm tra đến xử lý vi phạm.

Đó cũng là điều kiện tiên quyết để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, một mục tiêu được nhấn mạnh trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về cải thiện môi trường kinh doanh.

Thực tế tại nhiều quốc gia như Estonia, Singapore hay Hàn Quốc cho thấy: số hóa chỉ có thể phát huy hết hiệu quả khi luật pháp, cơ chế kiểm tra và cả năng lực của cán bộ đều được điều chỉnh theo hướng “tin vào số”, không bắt người dân và doanh nghiệp phải chứng minh lại những gì đã được chứng minh bằng dữ liệu.

Khi doanh nghiệp được tin tưởng, khi dữ liệu được quản lý an toàn và minh bạch, thì chi phí tuân thủ sẽ giảm mạnh và năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tăng lên đáng kể.

Do đó, sửa Luật Doanh nghiệp lần này phải là cơ hội để “sửa luôn tư duy”, từ quản lý trên giấy sang quản lý bằng dữ liệu; từ quản lý để phê duyệt sang quản lý để hỗ trợ và thúc đẩy.

Nếu cứ để doanh nghiệp in hợp đồng điện tử ra giấy, thì dù có chính sách chuyển đổi số hay chiến lược quốc gia gì đi nữa, cũng sẽ chỉ là một cuộc cách mạng chưa hoàn thiện, nửa vời.

Và không ai khác, sự chưa hoàn thiện, nửa vời này chính là “thủ phạm” cản trở sự phát triển bền vững của kinh tế số Việt Nam trong tương lai.
 

Có thể bạn quan tâm

Top