

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Hơn 130 hồng y sẽ tập trung vào tuần này để bỏ phiếu bầu giáo hoàng mới
- Tác giả,Sarah Rainsford
- Vai trò,Phóng viên chuyên về châu Âu
- 7 tháng 5 2025
Khi 133 vị hồng y Công giáo đóng cửa Nhà nguyện Sistine vào thứ Tư ngày 7/5 để chọn người kế vị Giáo hoàng Francis, mỗi người sẽ tuyên thệ trên Phúc Âm để giữ kín mọi chi tiết đến trọn đời.
Điều tương tự áp dụng cho tất cả những người bên trong Vatican trong suốt mật nghị: từ hai bác sĩ túc trực cho mọi tình huống khẩn cấp cho đến nhân viên nhà ăn phục vụ các hồng y. Tất cả đều thề tuân thủ "giữ bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn".
Để chắc chắn, nhà nguyện và hai khu nhà khách sẽ được rà soát kỹ lưỡng nhằm phát hiện microphone và thiết bị nghe lén.
"Có những thiết bị gây nhiễu điện tử để đảm bảo tín hiệu điện thoại và wifi không thể lọt vào hay đi ra ngoài," John Allen, biên tập viên trang tin Crux, nói.
"Vatican cực kỳ coi trọng sự biệt lập này."
Phong tỏa hoàn toàn
Việc phong tỏa không chỉ nhằm giữ bí mật tuyệt đối quá trình bầu chọn.Điều này còn có mục đích ngăn chặn những "thế lực đen tối" xâm nhập thông tin hoặc phá hoại tiến trình và đảm bảo những người bỏ phiếu không bị ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài đối với quyết định mà có lẽ là quan trọng nhất cuộc đời họ.
Những người Công giáo sẽ nói rằng cuộc bầu cử được Chúa dẫn dắt, không phải chính trị. Nhưng giới lãnh đạo Giáo hội không hề muốn mạo hiểm.
Khi bước vào mật nghị, tất cả mọi người đều buộc phải giao nộp mọi thiết bị điện tử bao gồm điện thoại, máy tính bảng và đồng hồ thông minh. Vatican có lực lượng cảnh sát riêng để thực thi các quy tắc này.
"Nguyên tắc ở đây là tin tưởng nhưng phải thẩm tra," John Allen nói.
"Không có tivi, báo chí hay radio nào ở khu nhà khách dành cho mật nghị – hoàn toàn không có gì," ông Paolo de Nicolo, người đứng đầu Phủ Giáo hoàng trong ba thập kỷ, cho hay.
"Bạn thậm chí không thể mở cửa sổ vì nhiều phòng có cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài."

Chụp lại hình ảnh,Ông Paolo de Nicolo cho hay không có tivi, báo hay radio tại nhà khách để tổ chức mật nghị
Tất cả những người làm việc cho mật nghị sau các bức tường cao của Vatican đều đã được thẩm tra kỹ lưỡng. Mặc dù vậy, họ vẫn bị cấm giao tiếp với các cử tri.
"Các hồng y hoàn toàn không được giao tiếp với ai," Ines San Martin từ Hội Truyền giáo Giáo hoàng tại Mỹ cho hay.
"Sẽ chỉ có bộ đàm trong một số trường hợp cụ thể như, 'chúng tôi cần một bác sĩ' hoặc 'Này, Giáo hoàng đã được bầu, ai đó có thể cho người rung chuông ở Vương cung thánh đường biết không'".
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó phá vỡ các quy tắc?
"Có một lời thề mà những người không tuân thủ có nguy cơ bị vạ tuyệt thông," ông De Nicolo nói - nghĩa là bị khai trừ khỏi giáo hội.
"Không ai dám làm điều này".
Cuộc săn lùng hồng y
Đây là một vấn đề khác trong quá trình chuẩn bị cho mật nghị.Các hồng y chính thức bị cấm bình luận ngay cả bây giờ. Nhưng kể từ thời điểm Giáo hoàng Francis được chôn cất, một số báo chí Ý và nhiều du khách đã trở thành những kẻ săn hồng y, cố tìm ra người kế nhiệm có khả năng nhất.
Họ đã lùng sục khắp các cơ sở xung quanh Vatican, sẵn sàng suy đoán về bất kỳ sự xuất hiện và liên minh nào có thể xảy ra.
"Rượu và Rigatoni: Bữa tối cuối cùng của các hồng y", là một tiêu đề trên tờ La Repubblica mô tả "các quân vương của nhà thờ" đang thưởng thức "bữa trưa ngon lành của người La Mã" trước khi bị phong tỏa.
Sau đó, các phóng viên đã chất vấn những người phục vụ về những gì họ có thể đã nghe được.
"Không có gì cả", một trong những người phục vụ tại Roberto's, cách nhà thờ St Peter's vài con phố, đã nói với tôi gần đây.
"Họ luôn im lặng mỗi khi chúng tôi đến gần."

Nguồn hình ảnh,Reuters
Chụp lại hình ảnh,Các nhà báo đang để mắt đến các hồng y trước cuộc họp kín
Một địa điểm lý tưởng khác để bắt gặp một hồng y là bên cạnh Vương cung thánh đường, bên cạnh đường cong của những cột trụ ôm quảng trường chính.
Mỗi buổi sáng, có một nhóm nhiếp ảnh gia và phóng viên tập trung để tìm kiếm những người đàn ông mặc áo choàng ren và đỏ thắm.
Hiện có gần 250 hồng y trong thành phố, được triệu tập đến đây từ khắp nơi trên thế giới, mặc dù những người từ 80 tuổi trở lên không đủ điều kiện để bỏ phiếu.
Khi họ đến Vatican để tham dự các cuộc họp thường lệ để thảo luận về cuộc bầu cử, mỗi người đều bị bao quanh và bị tấn công với những câu hỏi về tiến độ.
Họ đã đưa ra rất ít phản hồi ngoài "nhu cầu đoàn kết" hoặc đảm bảo rằng cuộc họp kín sẽ diễn ra trong thời gian ngắn.
Thế giới bên ngoài
"Toàn bộ ý tưởng là nhằm bảo đảm sự kiện này phải là một quyết định mang tính tôn giáo, không phải chính trị," Ines San Martin giải thích."Chúng tôi tin rằng Chúa Thánh thần soi đường cho cuộc thảo luận và lá phiếu."
Nhưng Giáo hoàng đứng đầu một tổ chức lớn, giàu có với thẩm quyền đạo đức đáng kể và ảnh hưởng toàn cầu về mọi thứ, từ giải quyết xung đột đến chính trị tình dục.
Vì vậy, người được chọn – cùng với tầm nhìn và những ưu tiên của người này – có ý nghĩa vượt xa phạm vi Vatican.
Trước năm 1907, một số quốc vương Công giáo có quyền phủ quyết cuộc bầu cử. Ngày nay, tiếng nói từ mọi phía tìm cách tác động đến cuộc tranh luận – rõ ràng nhất là thông qua giới truyền thông.
Có một thời điểm, tờ Il Messaggero của Rome đã chỉ trích một ứng cử viên hàng đầu được cho là Hồng y Parolin người Ý vì ông là "một kiểu tự ứng cử".
Sau đó, có một đoạn video về Hồng y Tagle người Philippines hát bài Imagine của John Lennon, dường như được tung ra để làm giảm sự ủng hộ cho ông. Nhưng thay vào đó, thước phim lại được phổ biến nhanh chóng.

Chụp lại hình ảnh,John Allen cho hay các hồng y ngăn chặn mọi sự can thiệp trước cuộc bỏ phiếu
Trong khi đó, một cuốn sách bóng bẩy nêu bật một số ứng viên tiềm năng đang được phát hành, ca ngợi những người bảo thủ như Hồng y Sarah của Guinea vì đã lên án "tệ nạn đương đại" của phá thai và "chương trình nghị sự đồng giới".
"Có những nhóm trên phố đang cố gắng gây chú ý về các vấn đề mà họ quan tâm," ông John Allen nói.
"Các hồng y biết về điều này, họ đọc báo. Nhưng họ sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn điều đó."
"Có hoạt động vận động hành lang không? Có, giống như trong mọi cuộc bầu cử", Ines San Martin đồng tình.
"Nhưng không ồn ào như tôi nghĩ".
Bà lập luận rằng một phần là do Giáo hoàng Francis bổ nhiệm rất nhiều hồng y mới, trong đó có cả những người từ những khu vực mới.
"50-60% trong số họ thậm chí không biết nhau. Vì vậy, ngay cả khi bạn là một nhóm bên ngoài, tìm cách thiết kế một chương trình nghị sự, thì ngay từ đầu, việc chọn hồng y của bạn cũng rất thử thách."
Dập tắt tiếng ồn
Đến sáng thứ Tư, tất cả các cử tri sẽ có mặt tại Vatican – không có điện thoại và bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới.Ông John Allen tin rằng sở thích cá nhân sẽ chi phối chính trị, phe phái 'tự do' hoặc 'bảo thủ' hoặc "tiếng ồn ào của cuộc tranh luận công khai".
"Tôi thực sự nghĩ rằng các cuộc thảo luận giữa các hồng y hiện tại là điểm then chốt," bà Ines San Martin nhận định.
"Nhiều người lần đầu tiên lên tiếng. Bạn không bao giờ biết một trong số họ có thể truyền cảm hứng đến mức nào."