
Từ chuyến công tác một tháng, Kim Hee Yoon không ngờ mình sẽ gắn bó với Việt Nam hơn 8 năm và gọi đây là quê hương thứ hai.
"Tôi đến Việt Nam khi được công ty ở Hàn Quốc giao nhiệm vụ mở rộng thị trường. Lúc đó tôi chưa nghĩ sẽ ở lại lâu dài. Nhưng ba năm sau thì tôi cưới vợ người Việt, rồi có hai con. Giờ tôi mang trong mình cả dòng máu Việt rồi", Kim Hee Yoon, 35 tuổi, sống tại TPHCMvui vẻ ví von.Tốt nghiệp đại học ở Hàn Quốc, sang Việt Nam với tinh thần "đi thử cho biết", Kim Hee Yoon giờ đây nói rằng vẫn chưa tìm được lý do để rời quê hương thứ hai này.
"Tôi không biết tương lai khoảng 10-20 năm nữa thì sẽ như thế nào, nhưng ở Việt Nam hiện tại không có gì để chê cả. Sống ở đây, tôi không cần phải vội vàng, không phải gồng mình lên để cạnh tranh như tại đất nước của tôi", Hee Yoon nói.

Nhiều người Hàn Quốc xem Việt Nam là quê hương thứ hai (Ảnh minh họa: DT).
Việt Nam ngày càng trở thành lựa chọn không chỉ để đầu tư mà còn để sống lâu dài đối với nhiều người Hàn Quốc như Hee Yoon. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đến năm 2023, có khoảng 178.000 người Hàn sinh sống tại Việt Nam - nhiều hơn gấp ba lần tổng số người Hàn ở các nước Đông Nam Á khác cộng lại. Việt Nam hiện là điểm đến sinh sống và làm việc lớn thứ năm của người Hàn Quốc, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản, Canada và Trung Quốc.
Khi đầu tư trở thành cầu nối gắn bó lâu dài
Làn sóng đầu tư Hàn Quốc đổ vào Việt Nam khởi đầu từ những năm 1990. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã đạt 88,3 tỷ USD, đưa quốc gia này lên vị trí số một trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), chính các tập đoàn lớn như Samsung, LG mở đường di cư bằng những nhà máy quy mô lớn, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp vệ tinh, công ty phụ trợ, chuỗi cung ứng… tạo thành hệ sinh thái kinh doanh hoàn chỉnh.
"Khi các tập đoàn đến Việt Nam, hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ đi theo, hình thành cộng đồng đủ lớn để người Hàn sống thoải mái mà không phải thay đổi lối sống", ông Hong nói.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) (Ảnh: NVCC).
Những cộng đồng này hiện diện rõ nét tại các đô thị lớn. Ở TPHCM, Phú Mỹ Hưng hay Thảo Điền được ví như những "phố Hàn" với đầy đủ dịch vụ từ nhà hàng, siêu thị, spa, sân golf đến trường học và trung tâm giáo dục Hàn - Việt. Tại Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, nhiều khu dân cư cũng đang hình thành với quy mô tương tự.
Không chỉ đi theo dòng vốn, nhiều gia đình Hàn Quốc đã chủ động khởi nghiệp và phát triển kinh doanh độc lập tại Việt Nam. Gia đình Yoon Kyu Hee là ví dụ điển hình. Từ chuyến đi chuyển giao công nghệ tại Hải Phòng 26 năm trước, bố mẹ anh đã quyết định định cư tại Việt Nam, mở một công ty kiểm toán chuyên phục vụ cộng đồng người Hàn. Kyu Hee - thế hệ thứ hai - hiện là Phó tổng giám đốc công ty.
"Tôi học từ cấp 1 đến đại học ở Việt Nam. Ngành kiểm toán phát triển vì cộng đồng Hàn ngày càng đông. Giờ thì tôi mở rộng hoạt động sang mỹ phẩm, giáo dục tiếng Hàn. Nhu cầu ở đây rất cao", Kyu Hee chia sẻ.

Việt Nam là nơi Yoon Kyu Hee tìm thấy nhiều cơ hội làm ăn mới (Ảnh: NVCC).
Theo Phòng Thương mại Hàn Quốc, hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp nước này hoạt động tại Việt Nam, tăng gấp đôi chỉ trong 8 năm qua. Các lĩnh vực hoạt động trải rộng từ công nghiệp nặng, công nghệ cao đến giáo dục, mỹ phẩm, làm đẹp và thực phẩm.
Cuộc sống mới
Từ góc nhìn của các chuyên gia nghiên cứu Đông Á, sự hiện diện ngày càng đông của người Hàn Quốc tại Việt Nam không chỉ phản ánh mối quan hệ kinh tế - đầu tư, mà còn là biểu hiện của một cuộc "dịch chuyển đời sống".
"Người Hàn chọn Việt Nam vì môi trường kinh tế năng động, chính sách mở, ổn định và dễ dự đoán. Họ muốn gắn bó lâu dài, điều quan trọng là không bị thay đổi chính sách bất ngờ. Đây là điểm mạnh của Việt Nam", chuyên gia này phân tích.
Bên cạnh môi trường kinh doanh thuận lợi, văn hóa gần gũi cũng là một yếu tố khiến người Hàn dễ hòa nhập.
Ông Hong Sun nhận định: "Cả hai nước đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo, cùng dùng đũa, ngôn ngữ sử dụng nhiều từ vựng gốc Hán. Món ăn Việt cũng dễ hợp khẩu vị. Những điều đó khiến họ không thấy lạc lõng khi sống ở đây".
Ở chiều ngược lại, hàng chục nghìn cô dâu Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc, nhiều người Hàn có vợ hoặc chồng người Việt, tạo nên những mối liên kết nhân thân sâu sắc.
Ông Lee Hyung Yeon, 65 tuổi, đã sống ở Hà Nội 25 năm và có một nửa gia đình là người Việt.
"Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Nhưng chính sách định cư lâu dài với người nước ngoài còn phức tạp. Tôi hy vọng có sự thay đổi để được tiếp tục sống ở đây", ông nói.
Đối với nhiều người Hàn Quốc, Việt Nam cũng mang đến điều mà họ không còn tìm thấy ở quê nhà là "sự dễ thở".
"Sống ở Việt Nam không quá cạnh tranh như Hàn Quốc. Tôi thấy thoải mái hơn, ít áp lực hơn. Cùng công việc, nhưng ở đây thu nhập lại cao hơn", Kim Hee Yoon chia sẻ.
Chi phí sinh hoạt thấp là một lợi thế. Một gia đình bốn người có thể sống ổn định tại TPHCM với khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng - chưa bằng một nửa chi phí ở Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn kéo dài hậu Covid-19, kinh tế chững lại, tỷ lệ sinh thấp, thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt.
"Bây giờ mà bỏ Việt Nam để quay lại Hàn thì coi như mất cơ hội vàng. Nhiều người sẽ cho là dại", Kyu Hee nói thẳng.
Việt Nam không còn là điểm đến ngắn hạn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, mà đang dần trở thành điểm dừng chân lâu dài - nơi sinh sống, làm việc, lập gia đình và gầy dựng sự nghiệp. Nhưng để giữ chân cộng đồng này, nhiều người Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam cần mở rộng hơn nữa những chính sách định cư thân thiện, đồng thời bảo đảm sự ổn định mà nhà đầu tư luôn coi là yếu tố sống còn.