

Nguồn hình ảnh,CCTV/NTF-WPS
2 giờ trước
Nhà Trắng đã nói rằng thông tin Trung Quốc chiếm rạn san hô là "vô cùng đáng lo ngại nếu đúng sự thật".
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông James Hewitt, rằng "những hành động như vậy đe dọa sự ổn định khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế", đồng thời cho biết Nhà Trắng đang "tham vấn chặt chẽ với các đối tác của mình", theo tờ Financial Times đăng ngày 26/4.
Trước đó vào ngày 25/4, Tân Hoa Xã và một loạt trang mạng tiếng Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh Hải cảnh Trung Quốc đổ bộ lên một bãi cạn tại cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực mà Việt Nam gọi là huyện đảo Trường Sa.
Trước đó một ngày, Hoàn cầu Thời báo cũng đăng bộ ảnh tương tự.
Khu vực Trung Quốc đổ bộ có tên tiếng Anh là Sandy Cay và tên tiếng Trung là Thiết Tuyến trong khi phía Việt Nam gọi là đá Hoài Ân.
Hải cảnh là lực lượng an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc, tương đương Cảnh sát biển của Việt Nam.
Theo các nguồn tin chính thức, Hải cảnh Trung Quốc thực hiện hành vi giương cờ tuyên bố chủ quyền tại đá Hoài Ân vào "giữa tháng Tư".
Đó cũng là khoảng thời gian Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (ngày 14 và 15/4).
Ngoài ra, Trung Quốc cũng công bố "Báo cáo về hệ sinh thái Thiết Tuyến Tiêu (đá Hoài Ân) và Ngưu Ách Tiêu (đá Ba Đầu)".
Báo cáo do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên nước này công bố hôm 25/4, dựa trên dữ liệu vệ tinh và khảo sát thực địa.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, bốn bãi cát tại đá Hoài Ân và đá Ba Đầu đều được Trung Quốc khẳng định là cao hơn mực nước biển khi thủy triều cao, ám chỉ các bãi cát này là đá - một động thái được cho là để phục vụ mục đích khẳng định chủ quyền.
Mặc dù đổ bộ và giăng cờ vào thời điểm giữa tháng 4 trùng với thời gian ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, nhưng thông tin chỉ được công bố vào thời điểm 118 binh lính Trung Quốc đến TP.HCM tham gia diễu binh kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Tính tới 4 giờ chiều ngày 28/4/2025, chính phủ Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố chính thức về thông tin trên.
Trên các tờ báo trong nước, thông tin về việc Trung Quốc giăng cờ ở Trường Sa cũng không được đề cập đến.
Điều này trái với phản ứng trước đó.
Cụ thể, vào tháng 3/2024, Philippines đã đưa một nhóm người lên một bãi cạn tại cụm Thị Tứ và ở trên bãi cạn này khoảng bốn giờ trước khi rời đi.
Lúc bấy giờ, Việt Nam đã lên tiếng.
Thời điểm đó, tờ VnExpress dẫn lời của một phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay việc các bên đưa người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép là hành vi xâm phạm chủ quyền.
"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng tuyên bố trong họp báo ngày 28/3/2024, khi được hỏi về hoạt động của Trung Quốc và Philippines tại đá Sandy Cay thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo ông Thắng, hành vi này còn làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay.
"Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện DOC, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông", ông Nguyễn Đức Thắng cho biết.

Nguồn hình ảnh,NTF-WPS
Chụp lại hình ảnh,Các sĩ quan Philippines giương cao quốc kỳ trong tư thế mô phỏng bức ảnh của Trung Quốc
Trong một diễn biến mới liên quan, vào ngày 27/4/2025, Philippines cho biết lực lượng của nước này cũng đã đổ bộ lên ba bãi cạn, đồng thời công bố một bức ảnh các sĩ quan giương cao quốc kỳ trong tư thế mô phỏng bức ảnh trước đó của Trung Quốc.
Hiện chưa rõ liệu trong số ba bãi cạn mà lực lượng an ninh Philippines đổ bộ lên có đá Hoài Ân hay không.
Trong một tuyên bố, Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) cho biết họ đã ghi nhận "sự hiện diện bất hợp pháp" của một tàu Hải cảnh Trung Quốc cách một trong các bãi cạn khoảng hơn 900 mét, cùng với bảy tàu dân quân biển Trung Quốc.
"Tuyên bố này thể hiện sự kiên định và cam kết không lay chuyển của Chính phủ Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của đất nước ở Biển Tây Philippines," tuyên bố nêu rõ.
Đá Hoài Ân là thực thể tại quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên hiện tại, các bên tranh chấp toàn bộ hoặc một phần Trường Sa còn có Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.