Đúng là ko phải bản hoàn chỉnh
Bản này chỉ chép theo trí nhớ của hai thằng hoa sơn
Mà khi tụi nó ghép lại với nhau tao nghi mỗi đứa có giấu một ít.
Bản hoàn chỉnh chỉ có của lão hồng diệp
KỲ III - QUỲ HOA BẢO ĐIỂN VÀ NHỮNG CHỈNH SỬA CỦA KIM DUNG
#giải_mật_tiếu_ngạo
Hôm trước viết vội theo trí nhớ nên có điểm chưa chính xác về Quỳ hoa bảo điển. May được các bác nhắc nhở, mà may mắn hơn là sự nhầm lẫn không ảnh hưởng tới toàn cục. Lại may nhất là Quỳ hoa bảo điển còn chưa giải mật tới tận cùng trong bài trước, do vậy mà có bài này.
Quỳ hoa bảo điển và Tịch tà kiếm pháp tuy hai mà một, nhưng có sự khác biệt nhất định. Nói một cách chi li thì Tiếu ngạo giang hồ có tới ba môn võ công chung một gốc. Một là Quỳ hoa bảo điển nguyên bản, hai là Quỳ hoa bảo điển mà phái Hoa Sơn thu nạp được và ba là Tịch tà kiếm pháp của nhà họ Lâm.
I. QUỲ HOA BẢO ĐIỂN TRONG NGUYÊN TÁC
Trong bài trước đã nói qua về việc Quỳ hoa bảo điển là ám chỉ chủ nghĩa Mao, nay xin nói cụ thể hơn. Trong lần xuất bản đầu tiên trên Minh báo (từ năm 1967 tới năm 1969), lai lịch của Quỳ hoa bảo điển được Kim lão tiền bối viết: “pho Quỳ hoa bảo điển của một cặp vợ chồng hợp tác, nhưng hai vị cao nhân tiền bối này họ tên gì thì không khảo cứu và đâu mà biết rõ được. Có thuyết nói họ tên người đàn ông có chữ Quỳ và người đàn bà có chữ Hoa. Vì thế mà kêu bằng Quỳ hoa bảo điển. Nhưng chỉ là lời phỏng đoán. Có điều ai nấy đều nói đôi vợ chồng này ban đầu mối ân ái rất mật thiết. Sau vì sáng tác bí lục này mà thành ra xích mích. Hai vợ chồng nhà này soạn bộ Quỳ hoa bảo điển vào hồi tráng niên cường lực. Võ công đang độ tối cao như vầng thái dương lên tới giữa trời. Sau khi xảy chuyện xích mích rồi cả hai ông bà đi ẩn lánh, không thấy đâu nữa. Pho bí lục võ công cũng chia làm hai bộ. Bộ của ông chồng gọi là Càn kinh. Bộ của bà vợ kêu bằng Khôn kinh” [1]
Đây là một ám chỉ tương đối thẳng thắn vào vợ chồng Mao Trạch Đông, với các từ ngữ như “vầng thái dương” chỉ chủ nghĩa Mao, Càn kinh - chỉ ngôi vua, Khôn kinh chỉ ngôi hậu. Nhưng người vợ không phải Giang Thanh đâu nhé, mà là bà Dương Khai Tuệ.
Năm 1927, Mao Trạch Đông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Vụ gặt mùa thu (Thu thu khởi nghĩa), Năm 1931, thành lập nước Cộng hòa Xô Viết Trung Hoa và Mao được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Nhưng đây cũng là giai đoạn vĩnh quyết của Dương Khai Tuệ. Từ năm 1927, bà không gặp lại Mao Trạch Đông, cho tới năm 1930, bà bị Quốc Dân đảng hành quyết. Đó là lí do mà Kim lão tiền bối miêu tả: “vì sáng tác bí lục này mà thành ra xích mích”, “sau khi xảy chuyện xích mích rồi cả hai ông bà đi ẩn lánh, không thấy đâu nữa”.
Phiên bản Quỳ hoa bảo điển thứ hai được ra đời trong hoàn cảnh hai vị tổ sư phái Hoa Sơn (Mẫn Túc và Chu Tử Phong) đọc lén bí kíp do phương trượng Huyền Diệp ở chùa Thiếu Lâm - Bồ Điền cất giữ. Hai người dùng trí nhớ chép lại và cất ở Hoa Sơn, sau đó bị Triều Dương giáo (Ma giáo) tấn công và đoạt mất “nửa bộ chứ không phải toàn pho” [2]. Đây là phiên bản Quỳ hoa bảo điển mà Đông Phương Bất Bại luyện tập, và vì chép lại theo trí nhớ nên không phải nguyên bản ban đầu. Đó là lý do mà trong bài trước đã viết rằng Quỳ hoa bảo điển (phiên bản Ma giáo) chỉ là một bộ phận của bản gốc.
Phiên bản thứ 3 là Tịch tà kiếm pháp của nhà họ Lâm, vốn do Mẫn Túc và Chu Tử Phong đem Quỳ hoa bảo điển ra thỉnh giáo Độ Nguyên thiền sư - đệ tử của Huyền Diệp đại sư. Độ Nguyên ghi nhớ trong lòng. Về sau, ông hoàn tục, sáng tạo ra Tịch tà kiếm pháp.
Đó là lai lịch của ba phiên bản Quỳ hoa bảo điển mà Kim lão tiền bối ngầm ám chỉ chủ nghĩa Mao. Chắc mọi người đều biết Kim Dung có mối thù diết cha với Mao đảng, nên không có gì bất ngờ trong việc ông dùng tất cả những thứ xấu xa, gian trá, bẩn thỉu nhất cho Ma giáo cũng như các nhân vật liên quan tới bộ võ công này.
II. NHỮNG CHỈNH SỬA VỀ SAU.
Bản dịch của Hàn Giang Nhạn chính là dựa theo từng kỳ của Minh báo để in báo và sau tập hợp thành quyển. Do vậy, độc giả “truyện chưởng cũ” ở Việt Nam sẽ rất ngạc nhiên với những cái tên như “Nhật Nguyệt thần giáo”, “Nhạc Túc” “Thái Tử Phong”, hay kết cục sống lại của Mạc Đại chưởng môn phái Hành Sơn. Đơn giản, bên HongKong cũng vậy, năm 1980, Kim Dung chỉnh sửa và in thành sách, gọi là bản Tu sửa. Sau này còn có thêm một bản đại tu, chỉnh lại các điểm vô lý và tự mâu thuẫn do thể loại truyện đăng báo dài kỳ, gọi là bản Tân tu, ra đời năm 2003.
Trong các lần chỉnh sửa, để tránh đụng chạm trực tiếp, Kim lão tiền bối đổi Triều Dương giáo thành Nhật Nguyệt thần giáo, đồng thời sửa lại nguồn gốc của Quỳ hoa bảo điển, không phải do hai vợ chồng vô danh sáng tạo mà vỏn vẹn mấy chữ “do một vị hoạn quan trong hoàng cung trước tác” [3]. Vô hình trung, các chỉnh sửa này đã làm mờ đi dấu vết ám chỉ Mao đảng trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ. Đó cũng là lý do mà Nghê Khuông chê Kim Dung thiếu kiên định khi thực hiện việc đại tu tác phẩm.
Mặc dù vậy, những gì đã có và còn lại trong tác phẩm cũng đủ để đọc giả quan tâm tới giải mật đoán ra được AI LÀ AI trong bộ tiểu thuyết chính trị Tiếu ngạo giang hồ.
--
[1] Hồi 165 - bản dịch Hàn Giang Nhạn.
[2] Lời Phương Chứng đại sư, cũng ở hồi 165 - bản dịch Hàn Giang Nhạn.
[3] Lời Phương Chứng, hồi 123 - bản dịch Vũ Đức Sao Biển.