
Quan chức Moscow cáo buộc Liên minh châu Âu EU muốn biến quốc gia Liên Xô cũ, Moldova, trở thành tiền đồn chống Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: Sputnik).
Brussels muốn biến Moldova thành tiền đồn chống Nga và lôi kéo nước này vào cuộc xung đột Ukraine, biến Moldova thành căn cứ hậu cần hỗ trợ Kiev, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc trong một cuộc họp báo, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
"Thực tế, chính Brussels đang làm mọi cách để biến Moldova thành một tiền đồn chống Nga của EU và NATO, một căn cứ hậu cần để cung cấp cho Kiev. Điều đó có nghĩa là gì? Là lôi kéo Moldova, đi ngược lại ý chí của người dân nước này, vào cuộc xung đột đang diễn ra tại các vùng lãnh thổ lân cận", bà Zakharova nhấn mạnh khi bình luận về những cáo buộc Nga can thiệp vào chính trị của Moldova.
Quan chức Nga cũng nhắc lại rằng từ tháng 12/2024, Cục Báo chí của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga cáo buộc, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Moldova, ông Janis Mazeiks, đã đề nghị chính quyền Chisinau truy tố các lãnh đạo của phe đối lập, bao gồm cả những người kêu gọi đối thoại cùng có lợi với Nga, cũng như đình chỉ công tác bà Evghenia Gutsul, lãnh đạo vùng tự trị Gagauzia.
"Hiện tại, bà Evghenia Gutsul bị quản thúc tại gia. Đây là nền dân chủ kiểu EU, lấy Moldova làm ví dụ. Tôi nghĩ rằng điều này đã trở thành một thực tế được công nhận rộng rãi và là tấm danh thiếp của Brussels theo mọi nghĩa. Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ không tiến xa hơn trong việc phá hủy Moldova nhưng đồng thời, chúng tôi cũng phải thực tế", nhà ngoại giao kết luận.
Cả Moldova, Ukraine và EU đều chưa lên tiếng về cáo buộc từ Nga.
Kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moldova lo ngại rằng Điện Kremlin có thể sử dụng vùng ly khai Transnistria để mở mặt trận mới ở phía Tây Nam, gần tỉnh Odessa ở miền Nam Ukraine.
Transnistria là vùng lãnh thổ nằm giữa sông Dniester và biên giới Ukraine, có phần lớn cư dân nói tiếng Nga, được quốc tế công nhận là một phần của Moldova.
Vùng này đã đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Moldova sau khi Liên Xô tan rã. Năm 1992, phe ly khai xung đột vũ trang với chính phủ thân phương Tây của Moldova, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Nga có khoảng 1.500 binh sĩ làm nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình" đồn trú tại khu vực ly khai này.
Mối quan hệ giữa Moldova và Nga bắt đầu xấu đi sau khi Tổng thống Maia Sandu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 và đảng của bà lên nắm quyền vào năm 2021 với quan điểm thân phương Tây. Ba năm trước, Moldova tham gia lệnh trừng phạt chống Nga và hàng chục nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi nước này.
Moldova đã được trao tư cách ứng cử EU vào năm 2022, với kế hoạch trở thành thành viên của liên minh vào năm 2030.
Năm ngoái, Tổng thống Moldova Maia Sandu cáo buộc Nga cố gắng "tiến hành một cuộc đảo chính" ở đất nước của bà. Moscow đã bác bỏ thông tin này là vô căn cứ.
Trước đó, Nga cảnh báo việc phương Tây lôi kéo Moldova vào quỹ đạo EU và NATO có thể dẫn tới tình trạng bất ổn như Ukraine sau sự kiện Maidan năm 2014.
TheoTass