

Nghi binh - Nghệ thuật quân sự làm nên thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên
“Bản sao kế hoạch Nghi binh” của Trung tướng Khuất Duy Tiến đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đã bàn về kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Sau đó, phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công có ý nghĩa chiến lược trong năm 1975 được thông qua và trận đánh vào Buôn Ma Thuột là trận then chốt. Khó khăn lớn nhất đặt ra lúc đó là tổ chức đột phá vào Buôn Ma Thuột như thế nào.
Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương giao phó, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã vạch ra phương án tác chiến cũng như kế hoạch cụ thể. Nghệ thuật quân sự nghi binh lừa địch đã được bàn đến và người chấp bút cho kế hoạch hoàn hảo này là Trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến (27/2/1931 - 23/11/2024) - Nguyên Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên.
Về mục đích của nghi binh, theo kế hoạch đầu tiên là làm cho địch không phát hiện được ý định hành động của quân đội ta, đối phó lạc hướng trong một thời gian theo kế hoạch ta đã định trước; thứ hai, là tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực cơ động đi làm nhệm vụ chiến dịch được an toàn, bí mật, bất ngờ.
Như vậy, nghi binh là để thu hút và giam chân 8 trung đoàn chủ lực của địch ở lại Bắc Tây Nguyên, không để đối phương về Buôn Ma Thuột trước khi ta nổ súng đánh vào thị xã này; đồng thời tổ chức lực lượng chặt đứt ba con đường chiến lược số 14, 19 và 21 chia cắt đồng bằng với Tây Nguyên cũng như chia cắt phía Bắc và Nam Tây Nguyên.