Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách

Trong số 52 tỉnh, thành được sắp xếp lại thành 23 tỉnh lần này, nhiều tỉnh lớn trước đây được tái lập. Những địa danh như Bắc Thái, Hà Bắc, Hà Nam Ninh, Quảng Nam - Đà Nẵng... trở lại với tên gọi mới.​


Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách

Theo Nghị quyết 60, Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, cả nước có 11 tỉnh thành giữ nguyên như hiện tại, 23 tỉnh mới hình thành từ việc sáp nhập, hợp nhất 52 tỉnh, thành còn lại.

Đợt sắp xếp lần này làm thay đổi đáng kể "bảng xếp hạng" quy mô các tỉnh, thành trên cả nước, đánh dấu sự trở lại của nhiều tỉnh lớn trước đây.

Hà Bắc tái lập với tên gọi Bắc Ninh​

Trong lịch sử, thời các vua Hùng, Bắc Giang thuộc bộ Vũ Ninh của nước Văn Lang. Dưới triều Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009), Bắc Giang thuộc huyện Long Biên. Thời Lý - Trần, Bắc Giang thuộc lộ Bắc Giang, và thời Hậu Lê thuộc thừa tuyên Kinh Bắc, sau đổi thành trấn Kinh Bắc, trấn Bắc Ninh.

Dưới đời vua Minh Mạng (năm 1821), Bắc Giang thuộc phủ Thiên Phúc. Năm 1831, tỉnh Bắc Ninh được thành lập.

Thời hiện đại, năm 1962, tỉnh Bắc Giang từng sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Hà Bắc khi đó có diện tích 4.614,6km2, gồm 2 thị xã là Bắc Giang (tỉnh lỵ) và Bắc Ninh cùng 14 huyện: Gia Lương, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Quế Võ, Sơn Động, Tân Yên, Thuận Thành, Tiên Sơn, Việt Yên, Yên Dũng, Yên Phong, và Yên Thế.

Sau 35 năm tồn tại, đến ngày 1/1/1997, Hà Bắc lại tách đôi.

Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách - 1

Một góc thành phố Bắc Giang hiện nay (Ảnh: Nguyễn Kế).

Sau chia tách, Bắc Ninh thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam (chỉ 822km2) nhưng dân số hiện tại khá lớn, 1,5 triệu người. Bắc Giang có diện tích 3.827km2, dân số trên 1,95 triệu người.

Khi 2 tỉnh tái hợp nhất theo đề án được Trung ương thông qua ít ngày trước, không gian tỉnh Hà Bắc trước đây tái hiện với tên tỉnh mới là Bắc Ninh, có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay. Tỉnh mới có diện tích và quy mô dân số lớn hơn nhiều tỉnh, thành trong số 34 địa phương được tổ chức lần này.

Như vậy, sau 28 năm chia tách, Hà Bắc xưa sắp được tái lập. Tỉnh Bắc Ninh mới không chỉ lớn về diện tích, đông về dân số, mà còn mở ra tiềm năng phát triển đa ngành, đa vùng, cân bằng giữa đô thị và nông thôn, truyền thống và hiện đại.

Trong một phát biểu mới đây tại Bắc Ninh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, việc sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính sẽ giúp Bắc Ninh mở rộng quy mô kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp lại địa giới góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; đặc biệt là tạo thêm không gian để phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh.

Tỉnh từng 2 lần tách, nhập trở lại với tên gọi cũ​

Trong lịch sử, vào thời Trần, địa danh Tuyên Quang lần đầu tiên xuất hiện trong Thư tịch cổ với tên gọi lộ Tuyên Quang. Năm 1397, lộ Tuyên Quang được đổi tên thành trấn Tuyên Quang.

Đến năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia đất nước thành 12 đạo thừa tuyên, trong đó có thừa tuyên Tuyên Quang. Tháng 11/1831, vua Minh Mệnh tiến hành cải cách bộ máy hành chính toàn quốc, chia định địa hạt từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang.

Như vậy, năm 1831, tỉnh Tuyên Quang lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống hành chính nhà nước. Năm 1891, tỉnh Hà Giang được thành lập trên cơ sở tách phủ Tương Yên và huyện Vĩnh Tuy từ tỉnh Tuyên Quang.

Cơ cấu 2 tỉnh được duy trì 85 năm, cho tới tháng 12/1975, Hà Giang và Tuyên Quang được hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên.

Khi ấy, tỉnh Hà Tuyên có 2 thị xã là Tuyên Quang, Hà Giang và 13 huyện, gồm Bắc Quang, Chiêm Hóa, Đồng Văn, Hàm Yên, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Na Hang, Quản Bạ, Sơn Dương, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh, Yên Sơn.

Tỉnh lỵ của Hà Tuyên ban đầu được đặt tại thị xã Hà Giang, đến năm 1979 được dời về thị xã Tuyên Quang.

Sau 16 năm tồn tại, tháng 8/1991, Hà Tuyên lại tách đôi thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách - 2

Di tích Cây đa Tân Trào thuộc địa phận huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Minh Châu).

Theo đề án của Trung ương mới được thông qua, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang dự kiến hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới, mang tên tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Tuyên Quang hiện nay.

Trước khi sáp nhập, tỉnh Tuyên Quang có diện tích khoảng 5.867 km2, dân số hơn 790.000 người; còn tỉnh Hà Giang rộng khoảng 7.929 km2, dân số hơn 850.000 người. Khi hai địa phương tái hợp nhất, tỉnh Tuyên Quang mới có diện tích khoảng 13.795 km2, vươn lên đứng thứ 7 cả nước về quy mô.

3 tỉnh là cố đô với 4 lần "tách ra, nhập vào"​

Ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định ngày nay được tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh trước kia. Địa phương trấn Sơn Nam (vùng đất phía Nam Thăng Long) này đã nhiều lần được chia tách, sáp nhập trong lịch sử Việt Nam.

Tỉnh Ninh Bình xuất hiện trên bản đồ Việt Nam vào năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), sau khi được đổi tên từ trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình. Trước đó, vào thế kỷ thứ X, Ninh Bình là kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt.

Tháng 10/1890 (đời vua Thành Thái năm thứ 2), phủ Lý Nhân được tách khỏi tỉnh Hà Nội để lập tỉnh Hà Nam.

Còn địa danh Nam Định xuất hiện năm 1822 khi đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định. Đến năm Minh Mạng 13 (1832), trấn Nam Định được đổi thành tỉnh Nam Định.

Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách - 3

Một góc thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay (Ảnh: Ninh Mạnh Thắng).

Sau kháng chiến chống Pháp, đến năm 1965, tỉnh Nam Hà được thành lập theo Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là "phép cộng" 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định.

Tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập vào ngày 27/12/1975 trên cơ sở sáp nhập thêm tỉnh Ninh Bình vào Nam Hà.

Thời điểm được thành lập, tỉnh Hà Nam Ninh có 20 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố là Nam Định, 3 thị xã là Hà Nam, Ninh Bình, Tam Điệp và 16 huyện, gồm Bình Lục, Duy Tiên, Gia Viễn, Hải Hậu, Hoa Lư, Hoàng Long, Kim Bảng, Kim Sơn, Lý Nhân, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Tam Điệp, Thanh Liêm, Vụ Bản, Xuân Thủy, Ý Yên.

Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách - 4

Cầu Bến Mới bắc qua sông Đáy nổi 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).

Sau 16 năm tồn tại, ngày 26/12/1991, tỉnh Hà Nam Ninh tách đôi thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình như cũ. 4 năm sau, 1996, tỉnh Nam Hà chia tách một lần nữa, tái lập 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định như trước năm 1965.

Trong lần sắp xếp tỉnh thành này, cả 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định đều không đủ tiêu chí về quy mô dân số, diện tích… và nằm trong diện sáp nhập.

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương, 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định sẽ được hợp nhất, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Tỉnh Ninh Bình mới có diện tích gần 4.000km2, dân số khoảng 3,79 triệu người.

Từng trải nghiệm việc lãnh đạo, điều hành tỉnh lớn Hà Nam Ninh, cũng chứng kiến việc chia tách tỉnh 30 năm trước, ông Bùi Xuân Sơn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này nhận định, việc sáp nhập 3 tỉnh tạo ra không gian phát triển rộng lớn hơn, vừa có biển, vừa có đồng bằng, vừa có núi, kết nối các lợi thế của từng tỉnh.

Nam Định có lợi thế về con người, về đất đai, có không gian phát triển nông nghiệp, kinh tế biển theo hướng hiệu quả cao. Hà Nam có lợi thế về công nghiệp. Ninh Bình có những doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt, có hướng thu hút du lịch hiệu quả.

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh cho rằng cộng 3 tỉnh thì sẽ có tiềm lực lớn hơn, nhưng để khai thác được tiềm lực lớn thì cũng cần đầu tư lớn và dài hạn.

 

Lào Cai, Yên Bái trở lại "nhà chung" sau hơn 3 thập kỷ​

Hoàng Liên Sơn ngày nay được nhiều người biết đến là tên một dãy núi, nhưng đó cũng là tên một tỉnh cũ thuộc vùng Tây Bắc Bộ.

Tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập vào ngày 27/12/1975, trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và một số huyện tỉnh Nghĩa Lộ.

Khi hợp nhất, tỉnh Hoàng Liên Sơn có 4 thị xã là Lào Cai, Yên Bái, Cam Đường, Nghĩa Lộ và 16 huyện, gồm Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Lục Yên, Mù Cang Chải, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, Than Uyên, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Bàn, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình.

Tỉnh lỵ của Hoàng Liên Sơn ban đầu được đặt tại thị xã Lào Cai, đến năm 1978 được dời về thị xã Yên Bái và duy trì đến khi chia tách 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái năm 1991.

Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách - 5

Thành phố Yên Bái hiện nay (Ảnh: Văn Yên).

Theo phương án sắp xếp lần này, hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái sẽ hợp nhất thành tỉnh mới mang tên Lào Cai. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Yên Bái hiện nay.

Sau sáp nhập, tỉnh Lào Cai mới có tổng diện tích hơn 13.256 km2, dân số gần 1,64 triệu người, là một trong những địa phương rộng lớn nhất cả nước.

Việc xác định thủ phủ tỉnh tại Yên Bái hiện nay cũng là trở lại hướng tổ chức đã duy trì gần suốt giai đoạn vận hành tỉnh ghép Hoàng Liên Sơn trước đó. Yên Bái hiện tại là tỉnh trung tâm của vùng Tây Bắc, nằm ở ngã ba giao thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuận lợi di chuyển đến các địa phương trong tỉnh mới cũng như đi các tỉnh thành khác.

Thành phố Yên Bái nằm trong nội địa, có khoảng cách chia đều về phía biên giới và vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, đảm bảo an ninh trật tự ổn định, làm hậu phương lớn để chi viện cho bố phòng tuyến đầu ở Lào Cai.

Việc tái sáp nhập hai tỉnh cũng là để bổ sung cho nhau, cân bằng phát triển trong tỉnh mới. Yên Bái kém lợi thế phát triển hơn Lào Cai, hợp nhất giúp thu hút nguồn đầu tư công, nhân lực chất lượng cao về khu vực trung tâm Tây Bắc. Mô hình một tỉnh với 2 trung tâm, Yên Bái là trung tâm hành chính, Lào Cai là trung tâm kinh tế được nhận định sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cả tỉnh mới.

Tỉnh được lựa chọn tên Lào Cai chính là để phát huy mạnh mẽ thương hiệu của một địa phương đã nổi danh với du lịch, kinh tế cửa khẩu suốt 2 thập kỷ qua. Vùng đất được xác định là năng động, cởi mở, hấp dẫn và dễ nhận diện với cả du khách trong nước và quốc tế.

Lào Cai - Yên Bái tái sáp nhập sẽ là phép cộng hưởng mạnh mẽ trên bản đồ tỉnh thành mới của Việt Nam.

Tỉnh Bắc Thái trở lại sau gần 30 năm​

Trong lịch sử, 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên vốn cùng thuộc một đơn vị hành chính thống nhất. Thời Hậu Lê gọi là thừa tuyên Thái Nguyên hay thừa tuyên Ninh Sóc, thời Lê - Trịnh gọi là trấn Thái Nguyên. Đến thời Nguyễn, tên gọi tỉnh Thái Nguyên chính thức có trên bản đồ địa giới hành chính.

Năm 1890, chính quyền Pháp chia tỉnh Thái Nguyên thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Thời hiện đại, năm 1965, tỉnh Bắc Kạn từng sáp nhập với Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái.

Đơn vị hành chính ban đầu gồm TP Thái Nguyên, thị xã Bắc Kạn và 12 huyện, gồm Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Rã, Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, Na Rì, Ngân Sơn, Phổ Yên, Phú Bình, Phú Lương, Võ Nhai.

Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách - 6

Trung tâm thành phố Thái Nguyên (Ảnh: Mạnh Thắng - Thainguyen.gov.vn).

31 năm sau, tỉnh Bắc Thái lại tách đôi để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Sau chia tách, tỉnh Thái Nguyên có diện tích 3.500 km2, dân số gần 1,3 triệu người. Còn Bắc Kạn trở thành tỉnh có dân số thấp nhất toàn quốc, chỉ với 313.905 người, dù tỉnh có diện tích tương đối rộng với 4.859,96 km2.

Sau khi Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Bắc Thái trước đây được tái hiện với tên tỉnh mới là Thái Nguyên, có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thái Nguyên. Tỉnh mới có diện tích và quy mô dân số lớn hơn nhiều tỉnh, thành trong số 34 địa phương được tổ chức lần này.

Quảng Nam - Đà Nẵng, gần 30 năm "chia nhưng không tách"​

Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được vận hành thực tế từ năm 1975 đến năm 1996. Khi đó, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thành phố Đà Nẵng là tỉnh lỵ, thị xã Hội An và 12 huyện: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Giằng, Hiên, Hòa Vang, Phước Sơn, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Trà My. Đến năm 1982, tỉnh có thêm huyện đảo Hoàng Sa, năm 1983 chia huyện Tam Kỳ thành thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành.

Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách - 7

Nghị quyết ngày 20/9/1975 về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh. Trong đó có tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng (Ảnh chụp lại: Hoài Sơn).

Tỉnh chung Quảng Nam - Đà Nẵng duy trì trong hơn 20 năm, tới tháng 11/1996 lại chia tách để tái lập tỉnh Quảng Nam và thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương.

Mặc dù trở thành đơn vị hành chính riêng biệt, song hai địa phương luôn giữ vững tinh thần "chia nhưng không tách", cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau, phấn đấu vì sự phát triển chung.

Với đề án sắp xếp đơn vị hành chính đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ trở lại "mái nhà chung" sau gần 30 năm. Thành phố Đà Nẵng nhỏ hẹp sẽ có không gian mở rộng với quy mô diện tích và dân số vượt trội, nằm trong nhóm các địa phương lớn trong top 10 cả nước.

Ngày 15/4, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành quyết định, xúc tiến việc sáp nhập theo định hướng của Trung ương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, việc sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bởi theo ông, thành phố Đà Nẵng hiện gần như không còn dư địa để phát triển, trong khi Quảng Nam có không gian phát triển rộng mở, bao gồm cả đất đai và tài nguyên. Theo lãnh đạo tỉnh này, "hai địa phương nhập lại để có không gian phát triển rộng lớn hơn, mạnh hơn là suy nghĩ chung của cả bộ máy".

Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang lần thứ 2 tái hợp​

Phương án tổ chức lại các tỉnh thành cả nước lần này còn một "phép cộng" vốn từng quen thuộc khác, đó là hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Tên thành phố Cần Thơ được sử dụng chung sau sáp nhập, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại đô thị là thủ phủ miền Tây.

Trên thực tế, trong giai đoạn là một thể thống nhất trước đây (từ năm 1976 tới năm 1991), 3 địa phương này có tên gọi là tỉnh Hậu Giang, tỉnh lỵ khi đó cũng đặt tại thành phố Cần Thơ bây giờ.

Những tỉnh lớn tái lập sau nhiều năm chia tách - 8

Hệ thống giao thông đường bộ kết nối Cần Thơ với các tỉnh đang phát triển nhanh chóng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Sau 15 năm vận hành, tháng 12/1991, tỉnh Hậu Giang tách ra thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 2004, một lần nữa tỉnh Cần Thơ tách ra thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.

Với lần tái hợp nhất này, hình hài cũ của tỉnh lớn Hậu Giang xưa có sự thay đổi lớn về vị thế, trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Cần Thơ mới có diện tích tự nhiên gần 6.400km2, với dân số khoảng 3,2 triệu người, dự kiến gồm 30 phường và 69 xã. Đây là địa phương đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng trong việc vận tải nội vùng và kết nối quốc tế.

Cần Thơ hiện là trung tâm thương mại, tài chính, với các hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, thúc đẩy nền kinh tế khu vực. Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, có vị trí quan trọng trong khu vực duyên hải phía đông của vùng. Còn Hậu Giang thuộc khu vực nội địa vùng, nằm trong 2 tuyến hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TPHCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu.

Chủ trương sáp nhập 3 địa phương nêu trên theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu như một cơ hội lớn để tháo gỡ những điểm nghẽn về không gian phát triển và quy mô địa giới hiện tại.
 
Vài năm nữa lại xuất hiện bài báo " các tỉnh lớn chia tách sau nhiều năm tái nhập " thì cười ỉa :sexy_girl:
 

Có thể bạn quan tâm

Top