UỐNG RƯỢU LÁI XE [TÍNH (PHI) KHOA HỌC VÀ NHÂN VĂN]
Trong nhóm bạn già của tôi có ba ông đại tá về hưu. Một trong số họ lấy vợ trẻ. Ông ấy chiều vợ thì thôi rồi. Từ tiệm gội đầu sang tiệm nails chừng 50m, ông ấy cũng “phục kích” để ngay khi cô vợ vừa đẩy cửa tiệm gội đầu là cửa xe Lexus đã sẵn sàng đâu vào đấy.
Thế mà, trước Tết ít lâu đưa vợ đi Cát Bà, vui miệng uống lon bia, bị CSGT thu giấy phép lái xe, nhờ can thiệp từ cả "Văn phòng Trung ương" đến các “anh chị” Hải Phòng đều không lấy bằng ra được. Đã mùng 5, không thấy anh ấy hỏi thăm một câu nào, cả 3 chúng tôi đều lo cho cuộc hôn nhân mỏng manh của anh ấy.
Cách đây ít lâu, khi nhóm học sinh Lý Tự Trọng chúng tôi mời các thầy cô dự một buổi họp mặt. Một thầy giáo từ chối uống rượu vì “thầy lái xe”. Học sinh của thầy có một người đang đứng đầu cơ quan CSGT địa phương, nhưng theo thầy, “Em ấy dặn, có gì thầy có thể gọi cho em nhưng nếu uống rượu lái xe thì đừng gọi vì em không can thiệp được”.
Chưa bao giờ như sau “Nghị định 100”, trong các tiệc tùng của người Việt Nam bạn nhậu đã không gay gắt ép nhau khi lý do đưa ra là “Tôi lái xe”.
Vấn đề “nồng độ cồn” trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông đã được đưa vào luật từ thập niên 1990s. Khi đó, “li bia hơi nhà kính” đã ảnh hưởng không ít đến quyết định của Quốc Hội [Có đại biểu băn khoăn, Quốc hội giải lao, anh em vui làm li bia (bán trong can-tin nhà kính) rồi không được lái xe sao?].
Tôi thuộc trường phái ủng hộ phải khi trong máu có một lượng cồn nhất định thì mới nên cấm lái xe[Tây nó cũng thế].
Thế nhưng, từ thập niên 1990s hay từ Luật giao thông đường bộ 2008, quy định, “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn từ 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở trở xuống sẽ không bị xử phạt”, vấn đề uống rượu thì không lái xe gần như chưa bao giờ được “đặt lên bàn nhậu”. Người Việt khi ấy vẫn “trăm phần trăn”. Và, trong 10 năm, 2009 - 2019, trung bình mỗi năm, vì TNGT, vẫn có 10 nghìn người Việt chết.
Quy định khoa học “của Tây” - chỉ cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có một nồng độ cồn nhất định - đã không có tác dụng trên thực tế. Và, việc Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 [được triển khai bằng Nghị định 100], cấm tiệt rượu bia từ 1-1-2020 đã gần như có tác dụng ngay.
Tháng 1-2020 so với tháng 1-2019 bình quân mỗi ngày, số tai nạn giao thông giảm 51,6%, số người tử vong giảm 18,7%. Số người chết vì TNGT của năm 2022 giảm 1.246 người so với năm 2019.
1.246 không phải là một con số mà là những phận người.
Tai nạn giao thông vẫn cao, và số người chết vì TNGT của năm 2022 vẫn lên tới 6.397 người nhưng so với con số 10 nghìn người chết mỗi năm vì TNGT của thập niên 2009 - 2019, cho thấy, trên xa lộ, rượu bia rõ ràng vẫn là kẻ giết người nguy hiểm nhất.
Trên thực tế thì rất nhiều lái xe vẫn lặng lẽ đi từ bàn nhậu ra cầm vô - lăng và không phải trường hợp nào bị phát hiện cũng bị tịch thu bằng như ông bạn tôi vừa kể.
Trong tuần lễ Tết năm nay [20-26/1/2023], tuy TNGT có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn 89 người chết, 111 người bị thương. Trong 7 ngày Tết, vẫn có 7.726 trường hợp lái xe “vi phạm về nồng độ cồn”.
Tôi tin là có ngày, Luật sẽ điều chỉnh theo hướng khoa học “như Tây” nhưng trước mắt, với đàn ông Việt Nam ta, có lẽ, Nghị định 100 mới đủ nặng cho những “thân lừa” bợm nhậu, dù có lúc nó không nhân văn lắm như trường hợp ông bạn đại tá của tôi.