

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình xem các bản sao thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký kết vào ngày 14/4 sau cuộc họp tại Văn phòng Trung ương Đảng
7 giờ trước
Vì sao ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 14 - 15/4 rồi sang Malaysia và Campuchia?
Bởi vì nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể thấy trước những rắc rối đang đến gần, theo nhận định của phóng viên Laura Bicker, chuyên về Trung Quốc của BBC.
Đây hiện là cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ muốn các nước láng giềng đứng về phía Bắc Kinh ngay cả khi những nước này đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với Washington.
Khoảng một phần tư lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc hiện đi qua một quốc gia trung gian, bao gồm Việt Nam và Campuchia. Trong thập niên qua, các công ty Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất sang những nước này để tránh thuế quan được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Hiện tại, các quốc gia Đông Nam Á đang phải xoay xở đàm phán với ông Trump để tìm cách giảm các mức thuế xuống. Ông Tập hẳn lo ngại rằng trong các cuộc đàm phán đó, Mỹ có thể thuyết phục họ, hoặc theo lời Bắc Kinh là "bắt nạt" họ bằng các điều khoản có thể bao gồm việc loại Trung Quốc khỏi cuộc chơi.
Cần nhớ, Mỹ là nước nhập khẩu hàng hóa hàng đầu trên thế giới - nhiều quốc gia ở Đông Nam Á không thể để mất quyền tiếp cận thị trường này.
Trong ba tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã nhập khẩu hàng hóa trị giá khoảng 30 tỷ USD từ Bắc Kinh trong khi xuất khẩu sang Washington đạt 31,4 tỷ USD.
Vì vậy, ông Tập đang thực hiện một "cuộc tấn công quyến rũ", theo lời một số chuyên gia", để thuyết phục và gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng Trung Quốc là một đối tác thương mại ổn định và có thể cung cấp nhiều thứ.
Chẳng hạn, Chủ tịch Tập sẽ muốn nhấn mạnh đến các khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc đã thực hiện trong khu vực, bao gồm các dự án đường sắt và cơ sở hạ tầng, trong khi Mỹ đã cắt giảm ngân sách của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
'Chơi' Mỹ?
Ở bên kia bán cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/4 (giờ Mỹ) đã phát biểu "Tôi không trách Trung Quốc, tôi cũng không trách Việt Nam," khi được báo giới hỏi về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình."Đó là một cuộc gặp đáng yêu. Một cuộc họp như kiểu như đang tìm cách 'làm thế nào để 'chơi' Mỹ?", ông Trump nói.
Trong chuyến thăm của mình, ông Tập đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, gồm Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hà Nội và Bắc Kinh được cho là đã ký 45 thỏa thuận, bao gồm các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở hạ tầng và trí tuệ nhân tạo.
Đưa tin về chuyến thăm, Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã nhấn mạnh rằng ông Tập đã kêu gọi Việt Nam phản đối "bắt nạt đơn phương" để duy trì hệ thống thương mại tự do toàn cầu, nhưng không nhắc đích danh Mỹ.
Điều thú vị là các bản tin từ phía Việt Nam trong các cuộc gặp của dàn lãnh đạo cấp cao với ông Tập lại không đề cập đến lời kêu gọi trên, mà chọn tập trung vào mối quan hệ song phương và hợp tác khu vực.

Liệu Việt Nam có xích lại gần Trung Quốc?
Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bình luận với BBC rằng hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đều đang "đi dây" giữa Mỹ và Trung Quốc."Một nguyên tắc chỉ đạo của chiến lược này là "nghiêng về bên nào tốt hơn hoặc mang lại nhiều ích hơn", chuyên gia này nói thêm.
Theo giáo sư Vuving, nếu Trung Quốc lợi dụng tình hình này, một điều rất có khả năng xảy ra, một số quốc gia Đông Nam Á sẽ tiến gần hơn đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, ông Vuving đánh giá thứ mà Hà Nội cần nhất vào lúc này là khả năng tiếp cận thị trường, nhưng đó lại không phải là điều mà Trung Quốc có thể cung cấp.
"ASEAN với tư cách là một tập thể có ít quyền thương lượng đối với Tổng thống Trump. Trump muốn cân bằng cán cân thương mại hoặc thậm chí là thặng dư thương mại có lợi cho Mỹ. ASEAN không có đủ sức mua để cung cấp những gì Trump muốn", ông Vuving cho biết.
"Trong bối cảnh này, Việt Nam cũng không có cơ hội đàm phán giảm thuế quan xuống mức 0 hoặc thậm chí gần mức tối thiểu là 10%".
"Hiện nay, Việt Nam dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước cả Trung Quốc và Mỹ", ông nói thêm.

Chụp lại hình ảnh,Việt Nam đã duy trì đường lối ngoại giao cây tre, cân bằng với các cường quốc từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong khi đó, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) đồng tình rằng "Việt Nam rõ ràng đang trong tình thế khó khăn vì xuất khẩu sang Mỹ chiếm 1/3 GDP của nước này",
"Việt Nam đã cố gắng làm đúng mọi thứ", ông Abuza nhấn mạnh.
Không lâu sau khi ông Trump tuyên bố mức thuế 46%, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với ông Trump, nói rằng Việt Nam sẵn sàng giảm thuế hàng Mỹ về 0%, và "đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam".
Sau đó, Phó Thủ tướng, đặc phái viên Hồ Đức Phớc đã lên đường đến Mỹ từ đêm 5/4 để đàm phán về thuế quan.
"Đây là phái đoàn thứ hai chỉ sau Nhật Bản đến Washington sau Ngày Giải phóng - như cách gọi của Tổng thống Trump," cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius nói với BBC.
Giáo sư Abuza nhận xét đây là một bước đi thông minh của Hà Nội.

Nguồn hình ảnh,VGP
Chụp lại hình ảnh,Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam đánh giá với chuyến sang Mỹ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã mở ra "cánh cửa thép" lâu nay đóng chặt và "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao" cho đoàn công tác đặc biệt
Nhận xét về chiến lược của Việt Nam, giáo sư Vuving cho rằng Hà Nội có hai hướng đi chính: cân bằng giữa hai siêu cường Mỹ-Trung, và mở rộng mạng lưới đối tác với các cường quốc khác như EU, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ.
Ở hướng thứ nhất, chiến lược cân bằng, hay còn được gọi là "ngoại giao cây tre" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, hoạt động theo nguyên tắc: "nghiêng về bên nào tử tế hoặc mang lại nhiều lợi ích hơn."
Do đó, theo ông Vuving, nếu Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra các đề nghị hấp dẫn, Hà Nội có thể sẽ xích lại gần Bắc Kinh, như trường hợp với các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Bắc Kinh còn bị đánh thuế mạnh hơn vì thặng dư thương mại với Washinton, và thị trường Trung Quốc cũng không thể tiêu thụ nhiều hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, ông cho rằng Hà Nội vẫn còn hy vọng có thể đàm phán với Tổng thống Trump, nên không muốn làm phật lòng Nhà Trắng.
"Tất cả những điều này cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục giữ thế "cân bằng" giữa hai cường quốc", ông đánh giá.
Trong khi đó, ông Stephen Olson một cựu chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 3/4 rằng Việt Nam sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc suy nghĩ lại về mối quan hệ với Mỹ.
"Quyết định điều chỉnh quan hệ với Mỹ có thể dẫn đến việc nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng cũng sẽ có những mâu thuẫn nghiêm trọng ở đó," ông Olson nhấn mạnh.
Ở hướng thứ hai, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để củng cố mạng lưới đối tác với các cường quốc khác.
Trong vài tuần tới, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ thăm Việt Nam.
Vì vậy, dù các mức thuế mới của Mỹ là một đòn giáng nặng và làm phức tạp thêm việc cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam, nhưng theo giáo sư Vuving, thuế quan vẫn chưa đủ để khiến Việt Nam mất thăng bằng hoặc nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.
"Tô Lâm vẫn nuôi hy vọng lớn lao vào quan hệ của Việt Nam với Mỹ và sẽ không tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm làm suy yếu Mỹ", chuyên gia từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bình kết luận.
Việt Nam có thể làm gì?
Gần như ngay từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, Trung Quốc và Mỹ đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại căng thẳng, rồi leo thang khi hai bên lần lượt trả đũa nhau.Hôm 9/4, trong khi tuyên bố tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với hầu hết các nước, ông Trump lại tập trung vào cuộc chiến thương mại với một quốc gia duy nhất - Trung Quốc, nâng mức thuế đối với hàng hóa của Bắc Kinh lên 145%.
Nhưng việc chọn cuộc chiến với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất rủi ro. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tuyên bố áp thuế 125% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 12/4.
Theo giáo sư Vuving, "những gì chúng ta đang chứng kiến chỉ là những nước đi đầu tiên trong một ván cờ dài", và thuế quan của ông Trump sẽ làm tan vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu tập trung vào Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, không có khu vực nào trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề hơn Đông Nam Á.
Đứng đầu danh sách là Việt Nam, Lào và Campuchia, ba trong số những quốc gia bị áp mức thuế suất cao nhất lần lượt là 46%, 48% và 49%.
Myanmar – quốc gia đang chìm trong nội chiến cũng bị mức 44%.
Xếp sau đó là Thái Lan 36%, Indonesia 32% và Malaysia 24%. Trong khi đó, Philippines chịu mức thuế 17% và với Singapore là 10%.
Ông Vuving cho rằng những mức thuế này sẽ làm thay đổi đáng kể "sân chơi" thương mại. Sân chơi mới này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho Singapore, Philippines và Malaysia so với không chỉ Việt Nam mà cả Thái Lan và Indonesia – những nước đang chịu thuế suất lần lượt là 36% và 32%.
"Việt Nam rõ ràng là một trong những nước thua thiệt lớn nhất, trong khi Singapore, Philippines và Malaysia có cơ hội lớn để trở thành những nước thắng cuộc trong khu vực", ông cho hay.
Theo chuyên gia từ trung tâm nghiên Daniel K. Inouye, chưa có quốc gia nào ở châu Á có thể trở thành "con hổ châu Á" – tức một nền kinh tế công nghiệp hóa thành công và vượt qua bẫy thu nhập trung bình – khi nằm trong cái bóng của chuỗi cung ứng xoay quanh Trung Quốc, ngoại trừ chính Trung Quốc.
"Giờ là lúc các quốc gia khác định hình lại cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong ván cờ này, kỹ năng đàm phán không quan trọng bằng tầm nhìn chiến lược".
"Nếu Việt Nam không thể đàm phán để giảm thuế, thì vẫn có thể biến cú sốc này thành cú hích để cắt giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh dài hạn", giáo sư Vuving nhận định.