Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng "giáp lá cà" năm 1972

newboi

Thanh niên Ngõ chợ
Hải Long 16/04/2025 - 04:08

Sau 53 năm diễn ra trận đánh lịch sử trên bầu trời Thủ đô, các cựu phi công lái MiG-21 và F4 ở hai chiến tuyến Việt Nam - Mỹ từng "giáp lá cà" nhau trên không đã có cuộc tái ngộ đầy cảm xúc ở Hà Nội.​

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 1

Ngày 15/4, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tái ngộ đặc biệt giữa các cựu phi công và sĩ quan tên lửa Việt Nam với các cựu phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam hơn 50 năm trước.

Đây là lần thứ 5 kể từ năm 2016, những cựu binh từng ở hai chiến tuyến từng đối đầu nhau trên bầu trời Hà Nội hơn 50 năm trước hội ngộ, với một tinh thần cởi mở và hướng tới tương lai hòa bình cho thế hệ sau.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 2

Đặc biệt, trong số các cựu phi công của hai bên Việt Nam và Mỹ, có hai nhân vật là cựu phi công lái máy bay F4, ông Wade Hubbard và Đại tá Lê Thanh Đạo - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - từng lái máy bay MiG-21.

Cả hai nhân vật này đã từng đụng độ nhau trên không, "quần nhau" suốt 27 phút trên bầu trời Hà Nội vào ngày 26/5/1972.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 3

Sau 53 năm kể từ thời điểm diễn ra loạt trận không kích năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, các cựu phi công, cựu sĩ quan tên lửa Việt Nam và cựu phi công Mỹ tiếp tục tái ngộ lần thứ 5, lần đầu tiên vào năm 2016 cũng tại Hà Nội.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 4

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát - nguyên Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - tham gia buổi gặp mặt giữa các cựu phi công hai nước.

"Đây là một trong số ít cuộc hội ngộ có lẽ hiếm hoi trên thế giới giữa những người cựu phi công hai chiến tuyến. Chúng tôi ở đây, một mặt mong muốn được giải đáp những thắc mắc, nghi vấn còn chưa sáng tỏ trong những cuộc đối đầu năm xưa. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn cùng truyền đi thông điệp về hòa bình, về một tương lai mà ở đó tất cả đều là bạn bè, trên tinh thần hòa hợp, hòa giải của cả hai dân tộc", Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhấn mạnh.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 5

Trung tướng Nguyễn Đức Soát cũng chia sẻ thêm trong cuộc hội ngộ: "Ý nghĩa cuộc gặp gỡ này vượt qua mục đích cá nhân, nó còn hướng tới sự kết nối, phát triển cộng đồng và thế hệ sau này của chúng ta".

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 6

Tại cuộc gặp mặt, cựu phi công Wade Hubbard lái máy bay F4 vẫn chưa thể lý giải một cách rõ ràng những điều kỳ lạ trong trận không chiến năm 1972 giữa ông và 2 máy bay MiG-21 của Việt Nam lúc đó.

Ông Wade Hubbard kể lại, ngày 26/5/1972, quân đội Mỹ tổ chức đội hình tấn công Hà Nội, Wade có nhiệm vụ điều khiển tiêm kích F4 để bảo vệ đội hình thả nhiễu. Bay tới độ cao vài nghìn mét, Wade Hubbard phát hiện 2 chiếc MiG-21 xuất hiện và tấn công.

Một tên lửa bắn tới F4 của ông nhưng trượt. Sau đó ông và đồng đội chuyển sang phản kích, tuy nhiên tên lửa tầm nhiệt từ F4 cũng không bắn trúng mục tiêu.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 7

"Từ khoang lái, tôi phát hiện một chiếc MiG-21 hướng 5h nên đuổi theo, nhưng chiếc MIG-21 bất ngờ hạ độ cao, không cơ động nữa. Súng của F4 bắn liên tục nhưng không trúng mục tiêu. Sau đó do gặp vấn đề nhiên liệu, nên chúng tôi phải quay lại. Vậy chuyện gì đã xảy ra với chiếc MiG-21 khi đó? Anh ta có trúng đạn không?", ông Wade Hubbard đã thắc mắc với câu hỏi này hơn 50 năm qua.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 8

Đại tá, phi công Lê Thanh Đạo chính là người trực tiếp đối đầu với Wade Hubbard vào trận không chiến mùa hè năm 1972.

Đại tá Đạo kể lại, khoảng 9h57 sáng 26/5/1972, ông và đồng đội nhận được tin báo có máy bay Mỹ xuất hiện. Chỉ 3 phút sau, 2 chiếc MiG-21 cất cánh theo hướng Việt Trì - Hòa Bình. Cất cánh không lâu thì thấy 2 chiếc F4 bay qua mặt. Đội bay liền bám theo, nhưng do góc tấn công quá lớn nên Đại tá Đạo quyết định bắn đón đầu. Tuy nhiên tên lửa cảm ứng nhiệt không trúng mục tiêu.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 9

"Hai giây sau, tôi nhận được tin báo F4 đang khai hỏa, tôi liền cho máy bay lên hơn 7.000m, hai bên lao vào thế quần nhau, bám sát. Thấy tình hình bất lợi nên tôi gọi máy bay số 2 thoát ly khỏi trận đánh, tìm cách hạ cánh về phía sân bay Nội Bài theo hướng 180 độ. Có lẽ ông đã bám theo số 2 nên thấy chiếc MiG-21 này đột ngột giảm độ cao" Đại tá Lê Thanh Đạo nói với cựu phi công Wade Hubbard.

Đồng thời ông cũng khẳng định, cả hai chiếc MiG-21 đều hạ cánh an toàn và không hề có một vết đạn nào trên thân máy bay.

"Như vậy, chắc chắn trận đó, các ông đã không bắn trúng chúng tôi", Đại tá Đạo nói.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 10

Cũng trong buổi gặp gỡ giữa các cựu phi công hai bên, cựu xạ thủ bảo vệ của máy bay B52 Kim Morey cũng thắc mắc về cách lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam vượt nhiễu để tấn công B52 và được các cựu sĩ quan tên lửa Việt Nam giải đáp cặn kẽ.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 11

Sau khi tìm được những đáp án chính xác cho các câu hỏi mà ông Wade Hubbard và Kim Morey suy nghĩ hơn 50 năm qua, các cựu phi công, cựu sĩ quan đã bắt tay trong sự phấn khởi, thân mật.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 12

Là một trong 3 vị khách đặc biệt tại buổi gặp các cựu phi công, sĩ quan Việt Nam - Mỹ, họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử John Mollison (ở giữa) chia sẻ về lý do ông dành nhiều thời gian để sưu tầm, vẽ lại các loại máy bay chiến đấu ở hai chiến tuyến.

"Thứ tôi vẽ lại không phải là máy bay, mà tôi vẽ lại lịch sử, lưu giữ lại lịch sử cho thế hệ sau. Qua những hình ảnh đó, thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về lịch sử. Tuy tôi là người Mỹ, nhưng vẫn luôn trân trọng những con người thực hiện sứ mệnh của đất nước để bảo vệ quê hương của họ" ông John Mollison chia sẻ.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 13

Họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử John Mollison chia sẻ ý nghĩa của việc lưu giữ lịch sử qua các bức vẽ máy bay, và tặng tranh cho các cựu phi công Việt Nam.

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 14

Cuối buổi gặp hội ngộ, các cựu phi công hai bên tặng quà lưu niệm cho nhau với những món quà bình dị, gần gũi như sách về Không quân Việt Nam, huy hiệu cài áo...

Phi công MiG-21 Việt Nam tái ngộ phi công F4 Mỹ từng giáp lá cà năm 1972 - 15

Kết thúc cuộc hội ngộ, các cựu phi công hai bên Việt Nam - Mỹ từng không chiến trên bầu trời Hà Nội năm 1972 cùng chụp hình lưu niệm.
 

Có thể bạn quan tâm

Top