Ði tìm lời đáp cho những câu hỏi trên là một điều vô cùng kì thú. Bởi vì nếu nói một cách hóm hỉnh nhưng trung thực thì toàn bộ đời sống của chúng ta cứ như một chuyến không hành của một chiếc phi cơ không người lái. Có biết bao người trải qua hàng mấy mươi năm trong cuộc đời vẫn cứ triền miên bị điều động bởi những mê lụy, âu lo đầu cơ và nói chung là một chuỗi dài bất tận của những biến động tâm sinh lý. Cái nếp sống quẩn quanh, lúng túng đó là một vòng lập.
Mọi sự sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta tự biết dành ra một ít thì giờ để nhận thức về đời sống của chính mình: sinh ra, lớn lên rồi là một cái chết, chúng ta vui, chúng ta buồn, ăn ngủ và sinh hoạt... cái gì cũng trôi qua đi thật nhanh như một con nước mạnh. Chính sự tỉnh thức về bản chất khổ đau của đời sống xuyên qua các quy trình sinh, lão, bệnh, tử đã đem lại cho mỗi người chúng ta những trở trăn thao thức về cội nguồn của chúng cũng như con đường nào dẫn đến một tự do thật sự. Mỗi người trong chúng ta đều luôn tự có riêng một cách trả lời cho những vấn đề đó: thấu suốt được bản thân và đời sống của mình chính là hướng đến trí tuệ và tự do.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng trí tuệ hay sự hiểu biết của con người luôn có nhiều hình thái: có người tìm đến trí tuệ bằng những hiểu biết vay mượn từ sách vở văn tự. Chúng ta đã đọc nhiều lắm, từ những thông tin kiến thức mang tính đại chúng cho đến cả những lĩnh vực tinh thần, siêu hình. Mặc dù thứ trí tuệ từ chương này luôn là hữu dụng nhưng trước sau gì nó cũng chỉ là những sao chép các kinh nghiệm của người khác. Chúng ta còn thấy một hình thái khác của trí tuệ, đó là trường hợp chúng được đầu tư qua những đối thoại trực tiếp, chẳng hạn như khi ta ngồi lại lắng nghe một ai đó hơn mình ... và thứ kiến thức đó hiển nhiên cũng không phải là vô bổ vì đôi lúc ở một vài trường hợp nhất định nó cũng mang lại cho ta những đóng góp hữu dụng.
Ngoài ra còn có một hình thái trì tuệ sâu sắc hơn được đặt cơ sở trên sự thẩm tra và phản ảnh của tự thân, nhưng với một sự tự tin xuẩn động, để thứ trí tuệ đó lúc này thành ra một hình thái trí tuệ gọi là tự cao trong hiểu biết. Thế nhưng chúng ta phải làm gì để có thể vượt qua giai đoạn này? Ðiều gì sẽ xảy ra đến khi chúng ta bắt đầu có những tự vấn nghiêm túc về bản thân? Thế nào là tình thương? Rồi thế nào là một tự do thật sự?
Những câu hỏi này tuyệt nhiên không thể được giải đáp bằng những hiểu biết thuần lý hay sang tay. Hãy nhớ rằng lời đáp đó luôn có được bằng một trí tuệ im lặng, những trưởng dưỡng tiềm lực tự thân cho một cái nhìn thấu suốt và trực diện.