

- Tác giả,Thương Lê
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
- 3 giờ trước
Đây vốn là dịp thường niên mà nhiều quốc gia kỷ niệm Đức Quốc xã đầu hàng trong Thế chiến II.
Ở Nga, họ gọi 9/5 là Ngày Chiến thắng và là ngày lễ quốc gia với các cuộc diễu hành quân sự và các bài phát biểu chính trị.
Năm 2022, chỉ mình Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt trên khán đài, do các lãnh đạo quốc tế cố giữ khoảng cách với Moscow khi Nga bị quốc tế cô lập vì cuộc xâm lược Ukraine trước đó chưa đầy ba tháng.
Năm 2023, toàn bộ các lãnh đạo Trung Á đã có mặt, trong đó có Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan, Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus và Thủ tướng Nikol Vovayi Pashinyan của Armenia.
Con số này tiếp tục tăng lên trong năm 2024 rồi sang tới năm nay 2025, Điện Kremlin thông báo có 29 nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự lễ duyệt binh mà Moscow cho biết sẽ là hoành tráng nhất từ trước đến nay.
Tổng Bí thư Đảng ******** Việt Nam Tô Lâm nằm trong danh sách này, cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, cùng lãnh đạo Indonesia, Burkina Faso, Bosnia, Ai Cập, Zimbabwe, Iraq, Congo, Myanmar, Cuba, Ethiopia, Guinea Xích Đạo, cũng như các đồng minh truyền thống của Nga ở Trung Á.
Quân đội Việt Nam cũng cử 68 quân nhân tham gia Duyệt binh Ngày Chiến thắng cùng với 12 quốc gia khác bao gồm Ai Cập, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Myanmar, Mông Cổ, Lào, Tajikistan, Turkmenistan, Trung Quốc, và Uzbekistan.
Bên kia chiến tuyến, chính quyền Ukraine đã kêu gọi tất cả các quốc gia nước ngoài không cử quân nhân tham gia lễ duyệt binh ngày 9/5 tại Moscow.
"Lời kêu gọi này đặc biệt nhắm tới các quốc gia tuyên bố giữ lập trường trung lập trước cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine hoặc khẳng định vị thế trung lập trong quan hệ quốc tế. Việc quân đội các quốc gia này cùng diễu hành sẽ là hành động đi ngược lại với lập trường trung lập đã tuyên bố và bị xem như sự ủng hộ dành cho quốc gia xâm lược", bài viết do Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam có đoạn.
Tuy nhiên, giáo sư danh dự Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc nói với BBC News Tiếng Việt rằng: "khó có thể lên án Việt Nam vì tham gia sự kiện này, bởi phương Tây cũng sẽ có mặt trong dịp này nếu cuộc chiến ở Ukraine không nổ ra".
"Liên Xô đã trả một cái giá rất đắt nhưng đã đóng góp lớn vào việc đánh bại chủ nghĩa phát xít. Cho nên tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ không bị Pháp hoặc Anh hay EU chỉ trích vì xuất hiện trong Ngày Chiến thắng, bởi vì đó là sự kiện mà toàn bộ châu Âu sẽ ăn mừng, chỉ là không ở Moscow vì họ có những bất đồng ở Ukraine", ông Thayer nêu quan điểm.
- Quân đội Việt Nam hiện đại hóa: Dần rời xa vòng tay Nga?1 tháng 1 năm 2025
- 1.000 ngày Nga xâm lược Ukraine: Dư luận Việt Nam phân hóa như thế nào về Putin và Nga?19 tháng 11 năm 2024
- Mọi ánh mắt đổ dồn về Moscow và những gì Putin sẽ làm tiếp theo7 tháng 5 năm 2022

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Người Việt Nam ở Nga tụ tập xem tổng duyệt sự kiện Ngày Chiến thắng
Chuyến đi của ông Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm đang có chuyến công tác kéo dài từ 5 – 12/5 đến Nga và các nước Liên Xô cũ theo trình tự là: thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga, dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng tại Moscow và thăm cấp Nhà nước Belarus.Phát biểu về chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết chuyến thăm là dịp để Việt Nam "khẳng định tình cảm thủy chung, mong muốn thúc đẩy hợp tác lâu dài, hiệu quả và cùng có lợi với Nga và các nước bạn bè truyền thống thuộc Liên Xô cũ, những quốc gia đã ủng hộ Việt Nam trong quá khứ và hiện tại".
Bình luận với BBC, Giáo sư Thayer cho rằng Lễ kỷ niệm ''80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại'' đã tạo cơ hội ngoại giao cho ông Tô Lâm thăm Nga, và người đứng đầu ĐCS VN đang đang thể hiện sự đoàn kết trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.
Đây là một chuyến thăm chính thức và rõ ràng đã có rất nhiều sự chuẩn bị.
Từ đầu tháng 4/2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong đó có nội dung chuẩn bị chuyến thăm của ông Tô Lâm.
Đến trước thềm chuyến thăm, Phó Thủ tướng Sơn đã nói với báo giới Nga rằng ông Tô Lâm sẽ có những cuộc tiếp xúc quan trọng với lãnh đạo cấp cao Nga trong chuyến thăm, qua đó tạo ra những xung lực mới trong hợp tác song phương.
Trong các lĩnh vực hợp tác giữa Nga và Việt Nam, quan chức hai bên đã tuyên bố rằng có bốn trụ cột trong đó đầu tư và thương mại, năng lượng, quốc phòng, an ninh.
Giáo sư Thayer dự đoán rằng nhân dịp này, sẽ có một số lượng lớn các thỏa thuận hợp tác được ký kết, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng mà Nga quan tâm như dầu khí, ký kết hoặc tiếp tục hợp đồng để giúp Việt Nam xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ông cũng cho rằng sẽ không có thông báo nào về việc Hà Nội mua vũ khí hoặc công nghệ của Nga trong chuyến thăm lần này.
"Họ sẽ giữ kín mọi cuộc thảo luận đó. Vì vậy, sẽ có các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật chung chung.
Nếu xét chuyến thăm của Putin tới Việt Nam vào tháng 6/2024, hai bên đã rất cẩn thận không đề cập đến hợp tác an ninh-quốc phòng truyền thống, vì các lệnh trừng phạt đối với Nga. Nhưng họ vẫn nói rằng quốc phòng và an ninh là một trong những trụ cột chính của mối quan hệ", ông lí giải.
Trên thực tế, những năm gần đây Nga phải tập trung cho cuộc chiến ở Ukraine và đối mặt với lệnh cấm vận từ phương Tây nên Moscow không thể bán vũ khí trên thế giới cũng như cung cấp kỹ thuật viên để bảo dưỡng và tân trang đi kèm.
"Vì vậy họ sẽ tô vẽ thêm cho vấn đề này rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận, và điều đáng chú ý là Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, sẽ tháp tùng Tổng Bí thư Tô Lâm", ông Thayer nhận định.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ông Tô Lâm tiếp ông Putin tại Hà Nội vào tháng 6/2024