

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Đi hay ở? Trung Quốc – nơi có hơn một tỷ người tiêu dùng – là thị trường lớn thứ hai của Apple.
- Tác giả,Annabelle Liang
- Vai trò,Phóng viên kinh doanh
- Singapore
- 20 tháng 4 2025
Dù chiếc điện thoại hình chữ nhật bóng bẩy – thứ chi phối cuộc sống của nhiều người trong chúng ta – thực sự được thiết kế tại Mỹ, nhưng rất có thể nó đã được sinh ra cách đó hàng ngàn dặm, tại Trung Quốc: quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện đã tăng lên đến 245% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Apple bán hơn 220 triệu chiếc iPhone mỗi năm và theo hầu hết các ước tính, cứ mỗi 10 chiếc thì có 9 chiếc được sản xuất tại Trung Quốc. Từ màn hình bóng loáng đến các bộ pin, chính tại Trung Quốc, nhiều linh kiện trong các sản phẩm của Apple được sản xuất, gia công và lắp ráp thành iPhone, iPad hoặc Macbook. Phần lớn trong số đó được vận chuyển sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Apple.
May mắn cho Apple, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ miễn trừ cho điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tử khác khỏi các mức thuế này vào tuần trước.
Nhưng sự an tâm đó không kéo dài được lâu.
Tổng thống Trump sau đó đã gợi ý rằng sẽ có thêm nhiều mức thuế nữa: "KHÔNG AI được 'thoát tội'", ông viết trên Truth Social, khi chính quyền của ông điều tra về "chất bán dẫn và TOÀN BỘ CHUỖI CUNG ỨNG ĐIỆN TỬ".
Chuỗi cung ứng toàn cầu – điều mà Apple từng coi là thế mạnh – giờ đây lại trở thành điểm yếu.
Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Và mức thuế choáng váng của Trump đã đảo lộn mối quan hệ đó chỉ sau một đêm, dẫn đến một câu hỏi không thể tránh khỏi: bên nào phụ thuộc nhiều hơn?
Phao cứu sinh trở thành mối đe dọa
Trung Quốc đã hưởng lợi rất lớn từ việc trở thành nơi đặt các dây chuyền lắp ráp cho một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới.Đó là một "tấm danh thiếp" gửi tới phương Tây về năng lực sản xuất chất lượng cao và điều này đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.
Apple bước vào thị trường Trung Quốc vào những năm 1990 để bán máy tính thông qua các nhà cung cấp bên thứ ba.
Vào khoảng năm 1997, khi đang trên bờ vực phá sản do khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ, Apple đã tìm thấy một chiếc "phao cứu sinh" tại Trung Quốc.
Lúc bấy giờ, nền kinh tế trẻ của Trung Quốc đang dần mở cửa cho các công ty nước ngoài nhằm thúc đẩy sản xuất và tạo thêm việc làm.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Cửa hàng đầu tiên của Apple tại Trung Quốc được khai trương vào ngày 19 tháng 7 năm 2008 tại Bắc Kinh, trong khu giải trí Tam Lý Đồn.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2001 Apple mới chính thức đặt chân vào Trung Quốc, thông qua một công ty thương mại có trụ sở tại Thượng Hải, và bắt đầu sản xuất sản phẩm tại đây.
Apple hợp tác với Foxconn — một nhà sản xuất điện tử Đài Loan hoạt động tại Trung Quốc — để làm iPod, sau đó là iMac và cuối cùng là iPhone.
Khi Bắc Kinh bắt đầu giao thương với thế giới — và chính Mỹ cũng khuyến khích điều này — Apple đã mở rộng dấu ấn của mình tại quốc gia đang dần trở thành "công xưởng của thế giới".
Lúc bấy giờ, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để sản xuất iPhone. Nhưng theo chuyên gia chuỗi cung ứng Lâm Tuyết Bình, Apple đã tự chọn các nhà cung cấp riêng và giúp các nhà cung cấp này lớn mạnh thành những "ngôi sao sản xuất".
Ông dẫn ví dụ về công ty Tinh Điêu Bắc Kinh (Beijing Jingdiao) — nay là một nhà sản xuất hàng đầu về máy móc gia công chính xác tốc độ cao dùng để chế tạo linh kiện tiên tiến một cách hiệu quả.
Công ty này vốn chỉ tập trung vào hoạt động cắt nhựa acrylic, không được xem là nhà sản xuất thiết bị cơ khí — nhưng sau đó đã phát triển máy móc để cắt kính và trở thành "ngôi sao trong công đoạn xử lý bề mặt điện thoại di động của Apple", ông Lâm nói.
Apple mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm 2008 — năm thành phố này đăng cai Thế vận hội và mối quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây đang ở thời kỳ đỉnh cao.
Từ đó, số lượng cửa hàng nhanh chóng tăng lên 50, với các hàng dài khách xếp hàng bên ngoài.
Khi biên lợi nhuận của Apple tăng, dây chuyền lắp ráp của hãng tại Trung Quốc cũng mở rộng theo. Foxconn hiện điều hành nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại Trịnh Châu, nơi được mệnh danh là "Thành phố iPhone".
Đối với một Trung Quốc đang phát triển thần tốc, Apple trở thành biểu tượng của công nghệ phương Tây tiên tiến — đơn giản nhưng nguyên bản và tinh tế.
Ngày nay, phần lớn những chiếc iPhone lừng danh của Apple vẫn được Foxconn sản xuất. Các con chip tiên tiến cung cấp sức mạnh cho iPhone được TSMC sản xuất tại Đài Loan — nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Quá trình sản xuất cũng còn đòi hỏi các nguyên tố đất hiếm, được sử dụng trong các ứng dụng âm thanh và máy ảnh.
Theo một phân tích của Nikkei Asia, khoảng 150 trong số 187 nhà cung cấp hàng đầu của Apple vào năm 2024 có nhà máy tại Trung Quốc.
"Không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng với chúng tôi hơn Trung Quốc," Tổng Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Những ngày cũ đẹp tươi: Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple tại một hội nghị ở Bắc Kinh. Ông Cook đã nhiều lần đến thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong những dịp đó.
Mối đe dọa thuế quan – ảo tưởng hay tham vọng?
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Apple đã giành được sự miễn trừ khỏi các mức thuế mà ông áp lên Trung Quốc.Nhưng lần này, chính quyền Trump đã lấy Apple làm ví dụ trước khi tạm thời đảo ngược thuế đối với một số thiết bị điện tử.
Chính quyền tin rằng việc đe dọa áp thuế cao sẽ buộc các doanh nghiệp phải đưa hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ.
"Đội quân hàng triệu người đang siết từng con ốc nhỏ để lắp iPhone — kiểu sản xuất như thế sẽ về với nước Mỹ," Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng Tư.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cũng nhấn mạnh điều này vào tuần trước:
"Tổng thống Trump đã nói rõ ràng rằng nước Mỹ không thể tiếp tục dựa vào Trung Quốc để sản xuất các công nghệ then chốt như chất bán dẫn, chip, điện thoại thông minh và máy tính xách tay."
Bà nói thêm: "Theo chỉ đạo của tổng thống, các công ty này đang gấp rút đưa dây chuyền sản xuất về Mỹ trong thời gian sớm nhất có thể."
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về điều đó.
Ông cho biết công ty này đã bàn đến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc từ năm 2013 — thời điểm ông gia nhập hội đồng — nhưng Mỹ chưa bao giờ là một lựa chọn khả thi.
Ông Friedman nói thêm rằng Apple không đạt được nhiều tiến triển trong suốt thập kỷ sau đó, nhưng bắt đầu thực sự nỗ lực sau đại dịch, khi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt thời Covid ở Trung Quốc ảnh hưởng xấu tới sản lượng.
"Những địa điểm lắp ráp quan trọng mới nhất là Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng tất nhiên, phần lớn hoạt động lắp ráp của Apple vẫn diễn ra [tại Trung Quốc]," ông nói.
Apple đã không phản hồi các câu hỏi từ BBC, nhưng trên trang web chính thức, công ty cho biết chuỗi cung ứng của họ trải dài với "hàng ngàn doanh nghiệp và hơn 50 quốc gia."

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Chuỗi cung ứng vô đối của Trung Quốc là yếu tố thu hút lớn đối với các nhà sản xuất nước ngoài như Foxconn.
Thách thức phía trước
Bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiện trạng chuỗi cung ứng hiện tại của Apple đều sẽ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc, quốc gia đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng sau đại dịch.Nhiều lý do khiến Trung Quốc muốn trở thành trung tâm sản xuất cho các công ty phương Tây từ đầu những năm 2000 vẫn còn đúng ở thời hiện tại — hoạt động này tạo ra hàng trăm ngàn việc làm và mang lại cho đất nước một lợi thế then chốt trong thương mại toàn cầu.
"Apple đang ở giao lộ của cuộc căng thẳng Mỹ - Trung và thuế quan đã làm nổi bật cái giá của sự phụ thuộc đó," theo ông Jigar Dixit, chuyên gia tư vấn chuỗi cung ứng và vận hành.
Điều đó có thể lý giải vì sao Trung Quốc không chịu khuất phục trước các đe dọa của Trump, mà thay vào đó đáp trả bằng mức thuế lên đến 125% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Trung Quốc cũng đã triển khai các hạn chế xuất khẩu đối với một loạt khoáng sản và nam châm đất hiếm quan trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến Mỹ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thuế quan mà Mỹ vẫn đang áp lên những lĩnh vực khác của Trung Quốc sẽ gây tổn hại.
Và không chỉ Bắc Kinh là bên đang đối mặt với thuế cao hơn — Trump đã nói rõ rằng ông sẽ nhắm vào cả những quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Ví dụ, Việt Nam, nơi Apple đã chuyển sản xuất AirPod tới, cũng từng phải đối mặt với thuế suất 46%, trước khi ông Trump tạm hoãn trong vòng 90 ngày. Điều đó cho thấy việc chuyển sản xuất sang các quốc gia khác ở châu Á không phải là một lối thoát dễ dàng.
"Tất cả những địa điểm có thể hình dung được để đặt các nhà máy lắp ráp khổng lồ như của Foxconn — với hàng chục, hàng trăm ngàn công nhân — đều nằm ở châu Á, và tất cả các quốc gia này đều đang đối mặt với mức thuế cao hơn," ông Friedman nhận định.
Vậy Apple sẽ làm gì tiếp theo?

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Ngày đầu tiên mở bán trực tiếp tại cửa hàng Apple ở Quảng Châu vào tháng 9 năm 2024.
Apple đang phải chống chọi với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty Trung Quốc, khi chính phủ nước này thúc đẩy sản xuất công nghệ tiên tiến trong cuộc đua với Mỹ.
Giờ đây, theo ông Lâm Tuyết Bình, "Apple đã giúp nuôi dưỡng năng lực sản xuất điện tử của Trung Quốc, nên Huawei, Xiaomi, Oppo và các hãng khác có thể tái sử dụng chuỗi cung ứng đã trưởng thành của Apple."
Năm ngoái, Apple đã đánh mất vị trí hãng điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Trung Quốc vào tay Huawei và Vivo.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu ít đi vì nền kinh tế trì trệ. Trong khi đó, việc ChatGPT bị cấm tại Trung Quốc khiến Apple gặp khó khăn trong duy trì lợi thế cạnh tranh ở phân khúc điện thoại tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Hãng thậm chí đã phải thực hiện bước đi giảm giá hiếm hoi đối với iPhone vào tháng Một để kích cầu.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Apple cũng đã buộc phải hạn chế các chức năng như Bluetooth và AirDrop trên thiết bị của mình, trong bối cảnh Đảng ******** Trung Quốc muốn kiểm duyệt những thông điệp chính trị được người dân chia sẻ.
Apple đã từng vượt qua một cuộc trấn áp nhằm vào ngành công nghệ, vốn ảnh hưởng cả đến Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba và là một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Apple đã công bố khoản đầu tư trị giá 500 tỷ USD tại Mỹ, nhưng điều đó có thể vẫn không đủ để làm hài lòng chính quyền Trump lâu được.
Với những lần "quay xe" và sự bất định xung quanh chính sách thuế quan của Trump, việc xuất hiện thêm những mức thuế bất ngờ là hoàn toàn có thể — điều này có thể khiến Apple không kịp xoay xở và không còn nhiều thời gian.
Ông Dixit nhận định rằng nếu thuế điện thoại thông minh quay trở lại, nó sẽ không đánh gục Apple, nhưng dù sao cũng sẽ gây áp lực — cả về vận hành lẫn chính trị — lên một chuỗi cung ứng vốn không thể tháo gỡ nhanh chóng.
"Rõ ràng là mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng trước mắt đã giảm đi," ông Friedman nói, nhắc đến việc điện thoại thông minh vừa được miễn thuế tuần trước.
"Nhưng tôi thực sự không nghĩ điều đó có nghĩa là Apple có thể yên tâm."
- Fan Wang tường thuật bổ sung