

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
6 tháng 4 2025
Một số lãnh đạo đã bày tỏ sự lo ngại trước chính sách thuế nhập khẩu 46% Mỹ vừa áp lên hàng hóa của Việt Nam tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Ba vào Chủ nhật 6/4, ba ngày trước khi mức thuế này dự kiến có hiệu lực.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết mức thuế quan đối ứng 46% của Mỹ do Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 2/4 sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI, dịch vụ và lao động.
''Nguyên nhân thì chúng ta thấy rất rõ, khi mà tăng thuế, giá cả hàng hóa của Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên thì mức độ cạnh tranh với hàng hóa nước khác sẽ kém đi. Thứ hai là sức mua của người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng suy giảm, cho nên hàng hóa Việt Nam sẽ giảm,'' Báo Chính Phủ dẫn lời ông Hoài.
Ông cũng đưa ra nhận định: "Trong thời gian tới, xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức.''
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày, bên cạnh sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu, theo ông Hoài.
Với các hợp đồng đã ký kết, ông Hoài cho biết phía doanh nghiệp Mỹ sẽ cân nhắc lại việc có tiếp tục thực hiện mua bán hàng hóa hay không.
Riêng các hợp đồng mới, ông bày tỏ lo ngại rằng việc ký kết sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Ông Hoài cho biết thêm rằng Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tiếp xúc với các cấp khác nhau phía Mỹ nhằm làm rõ lập trường của Việt Nam.
Theo ông, hai bên đều thể hiện mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong bối cảnh tình hình chung của hai nước.
Trong thời gian tới, ông Hoài cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Mỹ để xử lý và trao đổi các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ông cũng nhắc đến cuộc điện đàm ''thành công'' giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump, như một trong những nỗ lực của Việt Nam trong việc đàm phán với Mỹ.
Hai vị lãnh đạo này đã nhất trí vào hôm 4/4 về một thỏa thuận xóa bỏ thuế quan, sau cuộc điện đàm mà ông Trump nói là "rất hiệu quả".
Ông Tô Lâm, trong khi đó, nói trong cuộc điện đàm rằng ông sẵn sàng giảm thuế hàng Mỹ về 0%, và "đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam," theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Báo Đại biểu Nhân dân hôm 6/4 đã đăng bài khen ngợi ông Tô Lâm là ''trụ cột bản lĩnh, người 'cầm tay lái' chính trị trong những làn sóng biến động toàn cầu.''
''Cuộc điện đàm tối ngày 4/4 đã ghi dấu đầy tự hào trên bản đồ ngoại giao thế giới: Việt Nam không phải là bên bị động, mà là bên kiến tạo. Hơn bao giờ hết, thế giới đang nhìn Việt Nam bằng con mắt của sự tôn trọng, tin tưởng. Và người dân Việt Nam cũng đang nhìn về tương lai với tâm thế chủ động, tự cường và đầy hy vọng,'' báo này viết.
Trong khi đó, tại buổi họp báo hôm 6/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nói Việt Nam đã sớm triển khai nhiều biện pháp chủ động nhằm giảm thuế, gia tăng nhập khẩu hàng hóa và đáp ứng các yêu cầu hợp lý từ doanh nghiệp Mỹ.
Đồng thời, các bộ ngành liên quan cũng đã tích cực làm việc với phía Mỹ, tiến hành trao đổi qua tất cả các kênh chính trị và ngoại giao.

Nguồn hình ảnh,Bộ Kế hoạch và Đầu tư/BBC
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cũng nhận thức được tác động tâm lý của việc ông Trump áp thuế đến các nhà đầu tư và môi trường kinh doanh.
Nhưng ông nói Chính phủ đã vào cuộc rất nhanh và cho rằng các nhà đầu tư đã phản ứng "thái quá" khi kể đến sàn giao dịch chứng khoán HoSE đã mất hơn 100 điểm chỉ trong hai ngày.
Ông Trung tin rằng nỗ lực của Chính phủ ''chắc chắn sẽ lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp", theo báo Tuổi Trẻ.
Vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đứng đầu chính phủ, tuyên bố không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP 8% đã đặt ra năm 2025, mặc cho chính sách thuế quan của Mỹ.
Chính sách này của Mỹ cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ông Chính nói trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và quý 1/2025 trực tuyến với các địa phương diễn ra vào sáng 6/4.
Ông Chính cho rằng dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng không phải là thị trường duy nhất và còn nhiều thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, Trung Á, Đông Á, Nam Mỹ, Ấn Độ, các nước ASEAN.
Để vào những thị trường này, thủ tướng cho rằng Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa.
Thuế đối ứng mà ông Trump công bố hôm 2/4 có thể được hiểu là một loại thuế bổ sung bên cạnh các loại thuế, phí và khoản thu khác mà Mỹ hiện đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.
Không phải tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đều bị đánh thuế đối ứng, tuy nhiên mức 46% mà ông Trump áp lên hàng Việt sẽ gây một tác động rất lớn.
Chính vì thế, giới chức Việt Nam đang nỗ lực để trì hoãn thời gian áp dụng cũng như tìm cách thương thuyết giảm thuế.
Điều này cũng phù hợp với tuyên bố của ông Trump rằng ông vẫn để ngỏ việc đàm phán mức thuế quan mà ông vừa công bố.
Các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam cũng đã lên tiếng đề nghị chính quyền Trump hoãn mức thuế 46% dự kiến áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam.
Họ cho rằng mức thuế này sẽ gây tổn hại cho họ cũng như quan hệ thương mại song phương.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) đã bày tỏ quan ngại trong một bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick đề ngày 5/4, cho biết mức thuế dự kiến có hiệu lực vào thứ Tư 9/4 tới là "cao một cách đáng kinh ngạc", theo hãng tin Reuters hôm 6/4.
"Việc giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và các sản phẩm đến tay người tiêu dùng Mỹ mới là điều có lợi cho các công ty Mỹ, nền kinh tế và người tiêu dùng," AmCham và VCCI nêu trong bức thư.
"Việc tăng thuế sẽ không mang lại điều đó."