

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Đông Nam Á là lựa chọn hiển nhiên cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ và hiện đang tìm kiếm thị trường mới
- Tác giả,Koh Ewe, Nick Mars và Astudestra Ajengrastri
- Vai trò,BBC News và BBC Indonesia
- 19 tháng 4 2025
Công ty của ông Hào là một trong hàng trăm doanh nghiệp đã xuất hiện để cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Trung Quốc – những mặt hàng ngày càng bị phương Tây hạn chế.
SHDC Electronics của ông Hào đặt tại trung tâm công nghiệp đang phát triển ở Hải Dương, mỗi tháng công ty này xuất khẩu phụ kiện điện thoại và máy tính trị giá khoảng 2 triệu USD sang Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn thu đó có thể biến mất nếu Tổng thống Trump áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam – một kế hoạch hiện đang tạm hoãn đến đầu tháng Bảy.
Điều đó sẽ là "thảm họa cho doanh nghiệp của chúng tôi," ông Hào nói.
Việc chuyển sang bán cho người tiêu dùng trong nước cũng không mấy khả thi, ông giải thích rằng công ty ông không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc.
"Đây không chỉ là khó khăn của riêng công ty chúng tôi. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chật vật ngay trên sân nhà."
Thuế quan mà ông Trump áp vào năm 2016 đã khiến một lượng lớn hàng Trung Quốc giá rẻ, ban đầu định xuất khẩu sang Mỹ, bị đẩy sang thị trường Đông Nam Á, gây tổn thất cho nhiều nhà sản xuất nội địa.
Nhưng điều đó cũng mở ra cánh cửa mới cho các doanh nghiệp khác – đặc biệt là những công ty có thể chen vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sách Trump 2.0 lại đe dọa đóng lại những cánh cửa đó, với lập luận rằng đấy là một kẽ hở không thể chấp nhận. Và đó là một đòn giáng vào các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam và Indonesia – những nước đang đặt tham vọng trở thành những nhân tố chủ chốt trong các ngành công nghiệp như chất bán dẫn và xe điện.
Các quốc gia này cũng đang rơi vào thế kẹt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Trung Quốc, một láng giềng hùng mạnh đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất, và Mỹ – thị trường xuất khẩu chủ lực, có thể đang tính đến việc đạt được một thỏa thuận gây bất lợi cho Bắc Kinh.
Vì thế, chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia trong tuần này – vốn đã được lên kế hoạch từ lâu – lại mang một ý nghĩa cấp bách mới.
Cả ba quốc gia đều tiếp đón ông bằng nghi thức trọng thị, nhưng ông Trump lại coi đó là việc tăng thêm bằng chứng cho thấy họ đang "âm mưu chơi xỏ" nước Mỹ.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong chuyến thăm Đông Nam Á tuần này nhằm củng cố quan hệ kinh tế
Tin tức cho thấy Nhà Trắng sẽ tận dụng các cuộc đàm phán sắp tới với những quốc gia nhỏ hơn để gây sức ép buộc họ hạn chế quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đó có thể là một tham vọng xa rời thực tế nếu xét đến quy mô dòng tiền đang chảy giữa Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á.
Trong năm 2024, Trung Quốc đạt mức kỷ lục 3.500 tỷ USD từ xuất khẩu – trong đó 16% đổ vào Đông Nam Á, thị trường lớn nhất của nước này.
Đổi lại, Bắc Kinh đã chi tiền xây đường sắt ở Việt Nam, đập thủy điện ở Campuchia và cảng biển ở Malaysia trong khuôn khổ sáng kiến hạ tầng "Vành đai và Con đường" nhằm tăng cường quan hệ với các nước.
"Chúng tôi không thể chọn và sẽ không bao giờ chọn được [giữa Trung Quốc và Mỹ]," Bộ trưởng Thương mại Malaysia, ông Tengku Zafrul Aziz, nói với BBC hôm thứ Ba, ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Nếu vấn đề đó đi ngược lại lợi ích của chúng tôi thì chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình."

Chụp lại video,Tập Cận Bình ‘quyến rũ’ Việt Nam, Donald Trump lên tiếng cảnh báo
Hồi chuông cảnh tỉnh
Trong những ngày sau khi ông Trump công bố mức thuế mới chấn động, các quốc gia Đông Nam Á lập tức chuyển sang trạng thái "chạy nước rút" để tìm kiếm thỏa thuận.Trong một cuộc gọi mà ông Trump mô tả là "rất hiệu quả", ông nói rằng lãnh đạo Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm, đã đề nghị dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ.
Thị trường Mỹ đóng vai trụ cột đối với Việt Nam – một cường quốc sản xuất điện tử đang nổi lên, nơi các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và Foxconn (công ty Đài Loan chuyên sản xuất iPhone theo hợp đồng) đã mở nhà máy.
Trong khi đó, các quan chức Thái Lan đang trên đường đến Washington với một kế hoạch bao gồm việc tăng nhập khẩu hàng Mỹ và thu hút thêm đầu tư. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, vì vậy Bangkok đang cố gắng tránh bị áp trở lại mức thuế 36% mà ông Trump có thể giáng xuống lần nữa.
"Chúng tôi sẽ nói với chính phủ Mỹ rằng Thái Lan không chỉ là một nước xuất khẩu, mà còn là một đồng minh và đối tác kinh tế đáng tin cậy trong dài hạn," Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tuyên bố.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã loại bỏ việc trả đũa thuế đối ứng của ông Trump, thay vào đó, các nước này chọn cách nhấn mạnh tầm quan trọng về kinh tế và chính trị của khu vực đối với Mỹ.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Samsung là một trong nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình
"Chúng tôi hiểu được các quan ngại của Mỹ. Vì vậy, chúng tôi cần cho thấy rằng ASEAN – đặc biệt là Malaysia – hoàn toàn có thể trở thành cầu nối, "ông Mr Zafrul nói với BBC.
Đó là vai trò mà các nền kinh tế Đông Nam Á với định hướng xuất khẩu đã thực hiện rất tốt – họ hưởng lợi từ cả thương mại và đầu tư cả từ Trung Quốc lẫn Mỹ. Tuy nhiên, các mức thuế đang tạm hoãn của ông Trump có thể phá vỡ thế cân bằng đó.
Lấy Malaysia làm ví dụ. Những năm gần đây, các nhà sản xuất chip từ Mỹ và những nơi khác đã đổ tiền vào đây, trong bối cảnh Washington cấm bán công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu số chip trị giá 18 tỷ đô la từ Malaysia. Những con chip này được sử dụng trong các thiết bị điện tử sản xuất tại Trung Quốc – như iPhone – thường để xuất sang Mỹ.
Mức thuế đề xuất 24% mà ông Trump áp lên Malaysia có thể khiến nước này mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ trị giá hàng tỷ đô la. Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó.
"Nếu xu hướng này tiếp diễn, các công ty sẽ phải cân nhắc lại cam kết đầu tư," ông Zafrul nói. "Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế Malaysia, mà còn tác động đến cả nền kinh tế toàn cầu."
Còn Indonesia – có thể đối mặt với mức thuế 32% – hiện sở hữu trữ lượng niken khổng lồ và đang hướng tới việc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu.
Campuchia – một đồng minh thân cận của Trung Quốc – đối mặt mức thuế cao nhất: 49%. Là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực, Campuchia đã phát triển mạnh mẽ nhờ vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn né thuế của Mỹ.
Hiện tại, các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành tới 90% các nhà máy may mặc tại đây, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Trump có thể đã tạm dừng kế hoạch áp thuế, nhưng "thiệt hại đã xảy ra rồi," theo bà Doris Liew – nhà kinh tế tại Viện Dân chủ và Các vấn đề Kinh tế của Malaysia.
"Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả khu vực, không chỉ cần giảm phụ thuộc vào Mỹ, mà còn phải cân bằng lại sự lệ thuộc vào bất kỳ một đối tác thương mại hay xuất khẩu nào."
Thiệt hại của Trung Quốc, lợi thế của Đông Nam Á
Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, ông Tập Cận Bình đang cố gắng gửi đi một thông điệp vững chắc: Hãy chung tay và chống lại sự "bắt nạt" từ Mỹ.Đó không phải là điều dễ dàng bởi lẽ Đông Nam Á cũng đang đối mặt với những căng thẳng thương mại với Bắc Kinh.
Tại Indonesia, chủ doanh nghiệp Isma Savitri, lo ngại rằng mức thuế 145% của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ Trung Quốc khi họ không còn xuất khẩu được hàng sang Mỹ.
"Các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi cảm thấy bị ép nghẹt" bà chủ của thương hiệu đồ ngủ Helopopy chia sẻ. "Chúng tôi đang vật lộn để tồn tại trước một làn sóng các sản phẩm siêu rẻ từ Trung Quốc."

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Các doanh nghiệp địa phương như cơ sở này ở Jakarta đang chuẩn bị đối mặt với làn sóng hàng hóa đổ vào từ các nhà máy Trung Quốc
Một trong những bộ pyjama được ưa chuộng của Helopopy được bán với giá 7,10 đô la Mỹ (119.000 rupiah Indonesia). Isma cho biết cô đã thấy những mẫu thiết kế tương tự từ Trung Quốc với giá chỉ một nửa.
"Đông Nam Á, với vị trí gần gũi, chính sách thương mại mở và thị trường đang phát triển nhanh, một cách tự nhiên đã trở thành bãi rác cho hàng hóa," ông Nguyễn Khắc Giang, học giả tại Viện ISEAS Yusof-Ishak ở Singapore, nhận xét. "Về mặt chính trị, nhiều quốc gia ngần ngại đối đầu với Bắc Kinh, điều này khiến họ càng yếu thế."
Mặc dù người tiêu dùng chào đón các sản phẩm Trung Quốc với giá thành cạnh tranh – từ quần áo, giày dép đến điện thoại – nhưng hàng ngàn doanh nghiệp địa phương lại không thể đua tranh nổi với mức giá thấp như vậy.
Theo ước tính từ một tổ chức nghiên cứu ở Thái Lan, hơn 100 nhà máy ở Thái Lan đã phải đóng cửa mỗi tháng trong suốt hai năm qua.
Trong cùng khoảng thời gian, tại Indonesia, khoảng 250.000 công nhân dệt may đã bị cho thôi việc sau khi có khoảng 60 nhà sản xuất may mặc phải đóng cửa, các hiệp hội thương mại địa phương cho biết. Trong đó có Sritex, từng là nhà sản xuất dệt may lớn nhất khu vực.
"Khi chúng tôi đọc tin tức, có rất nhiều sản phẩm nhập khẩu tràn ngập thị trường trong nước, điều này khiến thị trường chúng tôi hỗn loạn," Mujiati, một công nhân bị sa thải khỏi hồi tháng 2 sau 30 năm làm việc ở Sritex, chia sẻ với BBC.
"Có thể chỉ là do chúng tôi xui rủi," người đàn bà 50 tuổi vẫn đang chật vật kiếm việc nói. "Chúng tôi biết khiếu nại với ai? Không ai cả."

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Các nhà máy Trung Quốc không thể để mất thêm một thị trường xuất khẩu chủ chốt như Đông Nam Á
Các chính phủ Đông Nam Á đã phản ứng bằng một làn sóng chủ nghĩa bảo hộ, khi các doanh nghiệp trong nước yêu cầu được bảo vệ khỏi tác động của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Năm ngoái, Indonesia đã xem xét áp mức thuế 200% đối với một loạt hàng hóa từ Trung Quốc và chặn trang web thương mại điện tử Temu, vốn phổ biến với các thương nhân Trung Quốc. Thái Lan siết chặt việc kiểm tra hàng nhập khẩu và áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng có giá trị dưới 1.500 baht (hơn 1 triệu VND).
Năm nay, Việt Nam đã hai lần áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép Trung Quốc. Và sau thông báo về đòn thuế mới của ông Trump, Việt Nam được cho là sẽ tăng cường kiểm tra hàng hóa Trung Quốc được đưa sang nước này để đến Mỹ.
Giảm bớt những lo ngại đó chắc chắn sẽ là một phần trong chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm tuần này.
Trung Quốc lo ngại việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ có thể "cuối cùng sẽ làm xa lánh và làm trầm trọng thêm mối quan hệ" với các đối tác thương mại, David Rennie, cựu trưởng văn phòng Bắc Kinh của tờ Economist, cho biết trong chương trình Newshour của BBC.
"Chắc chắn nếu một làn sóng lớn hàng hóa Trung Quốc tràn vào các thị trường này và tổn hại đến công ăn việc làm... giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ rất đau đầu về ngoại giao và địa chính trị".
Trung Quốc chưa bao giờ có mối quan hệ dễ dàng với khu vực này. Trừ Lào, Campuchia và đất nước đang chìm trong nội chiến Myanmar thì các quốc gia còn lại đều cảnh giác với tham vọng của Bắc Kinh.
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã làm xấu đi quan hệ với Philippines. Đây cũng là vấn đề với các quốc gia khác gồm Việt Nam và Malaysia. Nhưng thương mại đã giúp cân bằng tình hình.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Malaysia, quốc gia sản xuất găng tay y tế cao su lớn nhất thế giới
"Đông Nam Á buộc phải cân nhắc xem họ có thực sự muốn làm phật lòng Trung Quốc hay không. Giờ đây, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn," Chong Ja-Ian, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Tổn thất của Trung Quốc có thể trở thành cơ hội cho Đông Nam Á.
Ông Lê Song Hào từ Việt Nam cho biết lượng khách hàng Mỹ tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị điện tử ngoài Trung Quốc đã tăng vọt: "Trước đây, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể mất hàng tháng để đổi nhà cung ứng. Giờ đây, quyết định đó được đưa ra chỉ trong vài ngày."
Malaysia, quốc gia có những đồn điền cao su rộng lớn và là quê hương của nhà sản xuất găng tay y tế cao su lớn nhất thế giới, hiện chiếm gần một nửa thị phần toàn cầu. Giờ đây, nước này đang đứng trước cơ hội giành thêm thị phần từ đối thủ chính là Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả khu vực vẫn đang chịu mức thuế 10%, tương tự các quốc gia khác trên thế giới. Và điều này, theo ông Oon Kim Hung, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia, là một tin xấu.
Dù vậy, ông cho biết nếu các mức thuế tạm hoãn của ông Trump áp dụng, việc trả thêm 24% thuế cho găng tay Malaysia vẫn rẻ hơn nhiều so với mức 145% áp cho sản phẩm từ Trung Quốc.
"Chúng tôi không hẳn là quá vui mừng, nhưng điều này có thể sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ở Malaysia, cũng như ở Thái Lan, Việt Nam và Campuchia."
Abhiram V Subramaniam tường thuật bổ sung.