Thuốc chữa bệnh để bừa bãi trên nền nhà, phơi ngoài sân

Nhiều nguyên liệu sản xuất thuốc giả bị các đối tượng để la liệt dưới sàn nhà, thậm chí, thuốc sau khi điều chế còn được phơi trực tiếp ngoài trời.​

Ngày 18/4, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục mở rộng điều tra đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả quy mô lớn.

Theo hình ảnh do công an ghi nhận tại hiện trường khi bắt quả tang hành vi sản xuất thuốc giả, các cơ sở này tổ chức điều chế thuốc không đảm bảo các quy định an toàn.

Thuốc chữa bệnh để bừa bãi trên nền nhà, phơi ngoài sân - 1

Thuốc giả được điều chế, bỏ vào chậu nhựa trong xưởng sản xuất (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Cụ thể, nguyên vật liệu được các đối tượng bày bừa bãi trên sàn nhà, bụi bẩn bám đầy. Thậm chí, sau khi điều chế, thuốc được phơi ngay trên nền bê tông ngoài sân.

Kết quả xét nghiệm, phân tích ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, nhóm thuốc đông y giả (được quảng cáo là chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau - loại không được phép sử dụng trong y học cổ truyền.

Đối với nhóm thuốc tây y giả, tuy chưa phát hiện dược tính độc hại, nhưng cũng không có hoạt chất kháng sinh như công bố trên bao bì.

Thuốc chữa bệnh để bừa bãi trên nền nhà, phơi ngoài sân - 2

Số thuốc giả được phơi ngoài trời (Ảnh: Cắt từ clip Công an Thanh Hóa).

Đáng chú ý, các đối tượng sản xuất và buôn bán thuốc giả không có chuyên môn trong lĩnh vực dược. Họ chủ yếu mua nguyên liệu như tinh bột, chất kết dính, phụ gia dùng trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn và đóng gói thành thuốc chữa bệnh.

Trước đó, như báo Dân trí đã đưa tin, sau thời gian điều tra, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, khởi tố và bắt giữ 14 đối tượng.

Cơ quan công an thu giữ 21 loại thuốc tân dược và thuốc chữa bệnh xương khớp giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả cùng nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc giả lên tới gần 10 tấn.

Theo cơ quan điều tra, nhóm đối tượng do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu đã câu kết với nhóm của Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TPHCM) để sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh xương khớp.

Thuốc chữa bệnh để bừa bãi trên nền nhà, phơi ngoài sân - 3

Máy trộn thuốc (Ảnh: Cắt từ clip Công an Thanh Hóa).

Các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm. Sau đó, chúng thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh.

Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường.

Sau khi đã xây dựng được lượng khách hàng ổn định, các đối tượng chỉ bán thuốc giả do chính mình sản xuất, đối tượng khách hàng chủ yếu là dược sĩ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc.

Từ năm 2021 đến khi bị bắt, tổng số tiền các đối tượng giao dịch trong hoạt động buôn bán thuốc giả lên đến 200 tỷ đồng.
 

Có thể bạn quan tâm

Top