Tôi không muốn nhìn người Việt phải rời bỏ quê hương vì lý do kinh tế.

Sau đó, tôi vận động bà con kiều bào gửi thuốc, hàng hoá về cho gia đình. Những chuyến bay vào lúc nào cũng đầy hàng, nhưng khi bay ra lại trống rỗng. Càng bay thì càng lỗ. Tôi đã đem về 30 triệu USD, nhưng ba năm vận hành đường bay tôi lỗ 5 triệu USD. Số tiền này đủ để tôi mua 500 căn nhà ở quận 1, lúc ấy chỉ khoảng 10.000 USD mỗi căn.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đó nắm tay tôi gửi gắm: "Cháu cố gắng giữ đường bay". Ông lo tôi tổn thất nhiều sẽ buông xuôi. Hiểu rằng đây còn là mục tiêu chính trị, tôi chấp nhận lỗ 3 năm, sau đó chuyển giao lại cho Vietnam Airlines khi Hiệp định hàng không với Philippines được ký kết. Với 5 triệu USD đã thua lỗ, tôi coi đó là số tiền mình bỏ ra để xây dựng nền móng kinh doanh ở Việt Nam.
Tôi không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàng không, mà còn mở rộng ra sản xuất và du lịch nhằm tạo việc làm, luân chuyển dòng tiền trong xã hội. Tôi mở nhà máy song mây, nhà máy khoá kéo để xuất khẩu. Tôi xây khách sạn 14 tầng đầu tiên ở Nha Trang để hút khách du lịch. Tôi tập trung đóng góp cho quê hương Nha Trang, cũng là đóng góp cho đất nước.
Tôi cũng cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho tôi cơ hội mở đường bay, nhờ đó tới nay tôi đã có hơn 400 bằng khen. Đối với tôi là quá danh dự.
Bốn thập kỷ sau quyết định từ bỏ cuộc sống đủ đầy ở Mỹ để về nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn trải lòng về khoảnh khắc suýt mất con, những thương vụ lịch sử và nỗi tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp.
vnexpress.net