Tôi ăn trưa ở quán chỉ mất 30 nghìn, tự nấu tốn 60 nghìn đồng

Mang cơm trưa đi làm thì vệ sinh và hợp khẩu vị nhưng tiết kiệm thì chưa chắc, tôi tự nấu sẽ hết 60 nghìn đồng một bữa, còn nếu ăn quán chỉ mất 30-40 nghìn.​


Tôi bị thu hút khi nhìn thấy tiêu đề bài “Vợ chồng tôi tiết kiệm 3 triệu đồng mỗi tháng nhờ mang cơm trưa đi làm”. Tác giả cho biết cơ sở của việc tiết kiệm là việc ăn ngoài tốn kém hơn tự nấu; chi phí cho một suất ăn ở quán là từ 40.000 đến 60.000 đồng, trong khi cơm nhà mang đi thì chỉ cần “nấu dư một chút” từ bữa tối hôm trước.

Có thể điều đó đúng với gia đình họ, nhưng việc mang cơm tự nấu đi làm không hẳn là bài toán tiết kiệm cho số đông.

Tôi đồng ý là cơm tự nấu hợp khẩu vị hơn, phù hợp hơn với nhu cầu điều chỉnh chế độ ăn (như chuyện mặn nhạt, cắt giảm dầu mỡ hay tinh bột…), đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nếu nói đây là giải pháp tiết kiệm thì tôi không đồng ý, ít nhất là từ thực tế của tôi và nhiều người lao động khác.

Tôi làm việc tại một khu văn phòng ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Cách chỗ làm 200 mét có một quán cơm bình dân thực đơn đa dạng, một phần cơm ở đây có mức giá tối thiểu 30.000 đồng, có thịt gà, thịt lợn kho, đậu phụ, trứng chiên… và canh rau các loại. Nếu tôi ăn đủ 22 ngày mỗi tháng, chọn mức thấp nhất, tổng chi phí ăn trưa là 660.000 đồng.

Còn nếu tôi tự nấu, dù là nấu gộp luôn vào bữa tối hôm trước thì cái tiết kiệm được là thời gian, điện nước; còn nguyên liệu thì không phải “chỉ thêm một chút” nếu tôi muốn đảm bảo đủ chất. Nếu chỉ là cơm với rau và vài ba hạt lạc, một hai mẩu thịt còn thừa thì đúng là rất tiết kiệm, nhưng ăn như thế không cân bằng dinh dưỡng.

Bữa trưa lành mạnh của tôi phải cung cấp đủ protein, nghĩa là nhiều thức ăn và ít cơm thôi. Nguyên liệu không cần cao cấp nhưng phải an toàn, mà bạn cũng biết rau sạch, thịt sạch đắt hơn loại ở chợ đầu mối chuyên bán cho quán ăn. Tỷ lệ hao hụt nguyên liệu khi tự nấu cũng cao hơn.

Nếu tôi tự chuẩn bị bữa trưa, chi phí sẽ đắt hơn nhiều so với ăn quán, thậm chí gấp đôi. (Ảnh: CN Crown)

Nếu tôi tự chuẩn bị bữa trưa, chi phí sẽ đắt hơn nhiều so với ăn quán, thậm chí gấp đôi. (Ảnh: CN Crown)

Vì thế, dù chỉ đựng vừa đủ trong cái hộp nhỏ xinh, mỗi suất cơm trưa tôi nấu sẽ tốn khoảng 60 nghìn đồng tính cả trái cây tráng miệng, đắt gấp đôi đĩa cơm tú hụ 30 nghìn ngoài quán.

Tôi không phủ nhận rằng nấu ăn tại nhà là lựa chọn rất tốt về mặt chất lượng, nhất là với ai có thói quen ăn uống khắt khe, cần chế độ đặc biệt. Còn chuyện tiết kiệm thì chỉ đúng với gia đình đông người hoặc khá dễ tính, bình dân trong việc ăn uống. Những người sống độc thân hay chỉ có hai vợ chồng thì khó mà nấu rẻ, trừ khi bạn ăn nhiều cơm cho no, thức ăn nấu mặn chỉ đủ để trôi cơm.

Ngoài ra theo tôi, tiết kiệm không chỉ nằm ở việc cắt giảm chi phí mà còn ở việc tối ưu hóa chi phí: thời gian, tiền bạc, sức lực và cả sự an tâm. Việc ăn ngoài giúp tôi tiết kiệm 20 phút buổi sáng, đỡ một lượt rửa chén, không phải nghĩ xem trưa mai ăn gì, tôi thấy mình lời hơn rất nhiều. Buổi sáng của dân văn phòng thường rất bận rộn: Lo chuẩn bị cho bản thân và con cái, di chuyển, kẹt xe… nên 20 phút chuẩn bị bữa trưa cũng là cả vấn đề.

Đó là chưa kể, mang cơm đến văn phòng rồi thì trưa phải xếp hàng chờ đến lượt hâm bằng lò vi sóng chung, vệ sinh hộp sau khi ăn…, khá phiền.

Cũng không nên cho rằng đã ăn ngoài là mất vệ sinh. Hiện nay có rất nhiều quán cơm văn phòng hoạt động bài bản, sạch sẽ, niêm yết giá rõ ràng. Họ cần giữ khách nên không thể cẩu thả. Cá nhân tôi ăn ở một quán quen gần công ty suốt hai năm qua, chưa một lần bị đau bụng hay khó chịu.

Còn về chất lượng, họ nấu nhiều nên chi phí mỗi suất giảm xuống, món ăn cũng đa dạng, phong phú hơn những gì một người nội trợ văn phòng.
 

Có thể bạn quan tâm

Top