Johnny Lê Nữu Vượng
Già làng


Ở tuổi 78, bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn giữ phong thái của một nhà ngoại giao từng nhiều lần góp mặt vào nỗ lực đối thoại với thế giới vì một Việt Nam độc lập và có tiếng nói. Trong cuộc trò chuyện với VnExpress, bà chia sẻ về hành trình trở về, góc nhìn qua những cuộc đối thoại cùng cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và những bài học đúc kết từ kinh nghiệm làm việc với các cường quốc. Với thế hệ trẻ hôm nay, bà chọn gửi gắm ba chữ: Tâm - Trí - Khát vọng.

- Nhìn lại hành trình 50 năm đất nước hòa bình, bà nghĩ đâu là giá trị lớn nhất mà Việt Nam đã xây dựng và lan tỏa ra thế giới?
- Những ngày này, chỉ cần bước ra đường cũng cảm nhận được sự hân hoan của người dân và cả những đoàn khách quốc tế đến thăm, trong đó có cả người Mỹ. Tôi tự hỏi, có mấy dân tộc từng bị chiến tranh tàn phá lại có thể cùng những người từng là "kẻ thù" - chia sẻ một thời khắc vui mừng như thế? Không nhiều.
Chính nhờ chủ trương gác lại quá khứ, hướng về tương lai - cùng tố chất bao dung, hòa hiếu của người Việt - mà Việt Nam đã xây dựng được một nền văn hóa kiến tạo hòa bình. Nhờ đó, từ những kẻ từng ở hai chiến tuyến, ta đã đi từ chiến tranh đến đối thoại, từ đối đầu đến đối tác - như chính mối quan hệ Việt - Mỹ hiện nay.
Đây không chỉ là dịp kỷ niệm, mà là thời điểm để khẳng định bản lĩnh và tầm vóc của một dân tộc biết khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.
- Là người sinh ra trong một gia đình gốc hoàng tộc ở Huế và từng có gần hai thập kỷ sống tại Pháp, những trải nghiệm trong môi trường sống ảnh hưởng gì đến quyết định tham gia phong trào yêu nước của bà?
- Dù là một gia đình hoàng tộc, cha tôi là người duy nhất trong nhà xin được ông nội cho đi học nước ngoài. Ông hiểu thế giới, biết về phương Tây, nhưng vẫn gìn giữ truyền thống. Có lẽ vì vậy, tôi tiếp thu rất nhanh bầu không khí đa văn hoá.
Khi sang Pháp học đại học, tôi tiếp nhận môi trường mới một cách rất tự nhiên. Những năm 60, khi tôi đang là sinh viên ở Pháp, phong trào phản chiến, giải phóng dân tộc sôi sục khắp trời Tây, đặc biệt là châu Âu. Tôi vừa đi học, vừa được bạn bè rủ tham gia biểu tình vì Palestine, vì Nam Phi, vì những quốc gia bị áp bức.
Trong gia đình, chúng tôi không bao giờ nói đến chiến tranh. Nhưng một hôm, tôi tình cờ đọc một cuốn sách của Mỹ kể về cách họ đánh quân ta trong rừng. Tôi xúc động mạnh, nghĩ: "Mình không thể cứ ôm sách vở vô tư".
Rồi một bước ngoặt đến vào năm 1969, khi Bác Hồ qua đời. Hội Sinh viên Yêu nước ở Pháp lập bàn thờ Bác và tôi đến thắp hương. Khoảnh khắc đó rất khó diễn tả - vừa thiêng liêng, vừa thức tỉnh.
Đó là khởi điểm. Ngay sau lễ tưởng niệm, tôi gặp các anh chị trong Hội Sinh viên và Hội Trí thức Việt Nam tại Pháp và quyết định gia nhập. Là người Việt, tôi thấy mình không thể chỉ dừng lại ở xúc cảm hay biểu tình đơn lẻ. Cần hành động trong tập thể, có định hướng, có hiệu quả.
- Hành trình trở về của bà bắt đầu từ những rung cảm rất riêng. Sau đó, cơ duyên hỗ trợ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bà Nguyễn Thị Bình tại hội nghị Paris, có ý nghĩa thế nào với con đường tiếp theo của bà?
- Khi Hội của chúng tôi tham gia hỗ trợ phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris, tôi được phân công nhờ khả năng tiếng Anh. Với phái đoàn miền Bắc, tôi dịch tài liệu và làm việc ở vòng ngoài. Với phái đoàn miền Nam, tôi có cơ hội dịch trực tiếp cho bà Nguyễn Thị Bình trong những cuộc gặp bên lề với báo chí, với các đoàn phụ nữ Mỹ - trong đó có cả những bà mẹ từng mất con ở chiến trường Việt Nam.
Khi tham gia hỗ trợ tại hội nghị, lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận đất nước mình còn nghèo đến nhường nào. Cả hai phái đoàn đều trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Đi dự hội nghị quốc tế mà chỉ có một chiếc vali da - dành cho trưởng đoàn - còn lại là vali giấy bìa cứng mượn tạm. Nam giới phải mượn áo vest của Bộ Tài chính, cổ áo còn ghi số để hoàn trả lại kho. Nhưng điều làm tôi ấn tượng sâu sắc là phong thái của chúng ta. Ai cũng hiên ngang, đầy tự tin.
Thời đó, truyền thông phương Tây hay mô tả "Việt Cộng" như "những người trong bộ đồ đen, ngậm dao trong miệng", ngụ ý chúng ta kém văn minh và thiếu tính người. Nhưng hình ảnh các phóng viên quốc tế thấy lại hoàn toàn trái ngược. Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam luôn xuất hiện với dáng vẻ quý phái, hiếm ai có được. Đoàn miền Nam phần lớn là phụ nữ, nhưng họ nổi bật, tự tin bước vào "trận chiến".
Tôi cũng có dịp gặp ông Xuân Thủy, trưởng đoàn miền Bắc - một nhà nho, nhẹ nhàng, tinh tế nhưng vô cùng dí dỏm. Có lần, báo chí phương Tây cố tình hỏi xoáy: "Ông nghĩ gì về mốt váy mini đang thịnh hành ở châu Âu?". Câu hỏi có vẻ muốn làm khó một cán bộ ********. Ông chỉ dừng lại vài giây rồi trả lời: "Tôi nghĩ nó không thể ngắn hơn nữa". Báo chí ồ lên bất ngờ. Tôi rất sung sướng vì nghe được câu trả lời rất trí tuệ, dí dỏm như vậy.
Những điều đó khiến tôi rất nể phục. Tiếp xúc với những cán bộ như thế, tôi càng tự tin về lý tưởng theo đuổi chính nghĩa của mình.

- Sau những trải nghiệm tại Hội nghị Paris, điều gì khiến bà quyết định rời giảng đường đại học Pháp để trở về Việt Nam, bước vào giai đoạn hoạt động chính trị, và sau này là ngoại giao?
- Năm 1972, Phái đoàn miền Nam (Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam) đề nghị tôi trở về. Lúc ấy tôi đang là giảng viên đại học Paris III. Tôi nhận lời như một quyết định hiển nhiên. Đó là tiếng gọi của chính nghĩa và lương tâm.
Tôi được chọn vì lúc đó trong nước cần những người có xuất thân từ tầng lớp trung, thượng lưu miền Nam, để có thể tiếp cận, vận động các thành phần khác nhau trong xã hội. Tôi được giải thích rõ về vai trò của giai đoạn đấu tranh chính trị, không còn chỉ là đấu súng, mà là xây dựng thế lực chính trị trong lòng Sài Gòn.
Trước khi trở về nước, tôi được bà Nguyễn Thị Chơn - người phụ trách Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định và là một trong năm nữ đại biểu của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời - trực tiếp bồi dưỡng. Mọi việc diễn ra rất kỹ lưỡng, chu đáo, từ việc bà đi xe của Đảng ******** Pháp đến đón, mang theo một thanh niên Pháp để tránh bị theo dõi, đến các buổi gặp mặt kín đáo tại nhà một bác công nhân lớn tuổi. Tôi rất nể phục sự tinh tế, bản lĩnh và cách tổ chức của lực lượng cách mạng.
Không chỉ mình tôi trở về thời điểm đó. Một số người khác cũng về, kể cả một người bạn của tôi từng làm trong Bộ Chiêu Hồi của chính quyền Sài Gòn - cho thấy chúng ta thâm nhập rất sâu vào bộ máy đối phương.
Sau này, tôi vẫn thường nói với bạn bè Mỹ: "Các ông không thể thắng, vì chúng tôi có mặt ở khắp nơi". Họ có thể hơn ta về vũ khí, nhưng không thể bằng ta về lý tưởng và sự gắn bó với nhân dân. Tôi luôn cảm phục những con người phía ta thời đó - vừa làm đối ngoại, vừa vận động chính trị - tất cả đều xuất sắc, được bố trí và phát huy bài bản.
- Bỏ lại sự nghiệp khi đang là giảng viên tại Pháp để quay về, hành trình tiếp theo của bà ở Việt Nam bắt đầu như thế nào?
- Năm 1972, khi về Sài Gòn, với tôi đó là bước vào một chương hoàn toàn mới, không biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Giai đoạn đầu, tôi chủ yếu dành thời gian để thích nghi, quan sát và đóng góp trong khả năng. Tôi về giảng dạy tại Đại học Sư phạm TP HCM.
Đến năm 1978, trong một lần đi dự Liên hoan Thanh niên Dân chủ Thế giới ở Cuba, tôi gặp lại ông Xuân Thuỷ. Ông gợi ý tôi ra Hà Nội làm việc cho Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Lời đề nghị đó khiến tôi do dự mất mấy tuần. Nhiều người thân lo ngại tôi sẽ bị cô lập, không thể hòa nhập với điều kiện sinh hoạt và môi trường công việc vốn khác biệt so với Sài Gòn. Bố mẹ tôi khi ấy cũng đã lớn tuổi.
Nhưng cuối cùng, tôi đồng ý, chỉ bởi một câu nói của ông Xuân Thủy: "Người làm giáo dục tốt như cô chắc không thiếu. Nhưng Hà Nội chưa có ai hiểu sâu sắc về tư duy, lối sống của xã hội phương Tây như cô - người từng sống gần 20 năm ở nước ngoài."
- Từ hoàn cảnh xuất thân, và phần lớn thời gian lại sống ở nước ngoài, bà gặp khó khăn gì trong những ngày đầu làm quen với cuộc sống ở miền Bắc?
- Tôi ra Hà Nội vào tháng 11 năm 1979. Khoảng thời gian ấy thách thức khủng khiếp.
Cuộc sống lúc ấy đầy những câu chuyện vừa khổ, vừa vui. Tôi còn nhớ có lần thèm ăn bún, tôi phải đạp xe mang nửa kg gạo ra chợ đổi vì lúc đó không ai có sẵn đủ gạo để cán bún mà bán.
Hay mỗi lần muốn mua thực phẩm thì phải xếp hàng rất đông. Mọi người nghĩ ra đủ cách giữ chỗ: đặt rổ, chậu, thậm chí cả đôi dép. Có những lúc đang ngồi làm việc ở cơ quan, ai đó hô to: "Cá về rồi!" - mọi người lập tức bỏ hết công việc chạy ra cửa hàng. Đến lúc mua được thì cá đã dập nát một nửa vì không có bảo quản lạnh. Chúng tôi đùa với nhau rằng đó là "cá đồng tiền" vì vừa bé vừa quý.
- Còn về công việc, khi chuyển từ giáo dục sang lĩnh vực mới là ngoại giao, bà đã thích nghi thế nào?
- Ngoại giao chính thức là một thế giới hoàn toàn mới đối với tôi. Thời đó tôi phải "vừa chạy vừa xếp hàng", tức là vừa làm, vừa học, điều chỉnh, rồi làm tiếp. Tôi tự mày mò vì trước đó chưa hề học về ngoại giao. May mắn là kinh nghiệm tham gia phong trào quốc tế thời còn ở Paris đã cho tôi nền tảng quý: một tư duy mở, sẵn sàng tiếp cận các góc nhìn rất khác nhau từ bạn bè quốc tế. Ngoài ra, tôi biết hai ngoại ngữ nên dễ tiếp cận tài liệu tham khảo.
Tôi lần đầu cảm nhận sự tự tin trong công việc đối ngoại khi tháp tùng Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và phu nhân thăm Lăng Bác Hồ. Trong lúc trò chuyện, tôi kể chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một trí thức xuất thân từ gia đình quan triều Nguyễn - đã chủ động đi theo cách mạng, để họ hiểu rằng kháng chiến không chỉ là nông dân cầm súng, mà là cuộc đứng dậy của cả một dân tộc.
Tôi tin rằng tiếp khách quốc tế không chỉ là dẫn đi tham quan, mà phải kể những câu chuyện khiến họ hiểu và đồng cảm. Có lẽ đó là bản năng của một nhà giáo. Trước khi rời Việt Nam, vị khách nói với tôi: "You are a very good advocate for Vietnam". Đó như liều vitamin C đầu tiên tiếp sức cho tôi trên hành trình ngoại giao.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh trong chuyến tháp tùng Thủ tướng bán đảo Hoàng Sa Trường Sa - Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1980. Ảnh: Nhân vật cung cấp