Hôm 11 tháng Ba, 2025, một nhóm công an xông vào một công ty dịch vụ ở Hà Nội, bắt tất cả mọi người đặt điện thoại lên bàn và trình căn cước công dân, sau đó một viên cảnh sát mặc thường phục đã ngang nhiên đánh đập một người phụ nữ.
Tất cả sự việc đều được ghi lại bởi camera giám sát và sau đó được công bố, khiến dư luận xã hội dậy sóng.
Mặc dù hai ngày sau, công an Hà Nội ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với viên công an hung bạo trên, vụ việc này đặt ra vấn đề về cách hành xử của công an Việt Nam với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh công an cấp phường, xã hiện đã được tăng quyền lực lên rất lớn sau khi bỏ công an cấp huyện.
Sự kiện này xảy ra trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Trao đổi với RFA, một doanh nhân ở Hà Nội chia sẻ rằng sau hàng thập kỉ phải nghe những lời giáo điều của những nhà lãnh đạo như Nguyễn Phú Trọng, vốn bị dân gian đặt biệt danh là “Trọng Lú”, nay giới doanh nhân đón nhận tinh thần thực tiễn của ông Tô Lâm với sự hứng khởi dù vẫn còn nhiều dè dặt.
Một trong những lý do khiến giới doanh nhân vẫn còn dè dặt chính là lực lượng công an, lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh của ông Tổng bí thư.
Ở Mỹ, lực lượng công an không giám sát doanh nghiệp như cách họ giám sát các cá nhân. Trách nhiệm giám sát doanh nghiệp được tách khỏi lực lượng công an, giao cho các cơ quan khác như National Crime Prevention Council (Hội đồng phòng chống tội phạm quốc gia) với “Chương trình giám sát kinh doanh”. Các ban ngành (agencies) khác giám sát các lĩnh vực khác thuộc về doanh nghiệp.
Công an Việt Nam đóng vai trò kép trong việc duy trì “an ninh quốc gia”, trật tự an toàn xã hội, đồng thời có nhiệm vụ quản lý quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh cá thể/tiểu thương. Lực lượng công an, không chỉ ở trung ương mà đặc biệt ở các cấp địa phương, nơi tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, có lợi thế “nắm mọi quyền trong tay”. Điều này liệu có tạo ra sự xung đột lợi ích giữa nhiệm vụ quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, và mục tiêu thúc đẩy một môi trường kinh doanh thuận lợi hay không?
Theo Luật công an Nhân dân, công an Việt Nam có quyền “thanh tra hành chính” đối với mọi tổ chức, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Pháp luật yêu cầu họ phải công bố quyết định thanh tra, nhưng trong nhiều vụ việc, công an có thể tự ý thanh tra doanh nghiệp mà không xuất trình quyết định, như trong vụ việc ở Hà Nội kể trên.
Trao đổi với RFA, một chủ doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh công an cấp quận huyện (nay đã bỏ, bây giờ là phường xã) có rất nhiều “mánh khóe” để “làm tiền doanh nghiệp” trong phạm vi mình quản lý. Các mánh khóe này giống như chiến thuật chiến tranh du kích. Doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ “chơi bằng chiến tranh chính quy, nghĩa là phải đi minh bạch giữa đường, nhưng công an vừa chơi bằng chiến tranh chính quy vừa chơi du kích. Nghĩa là mình đang đi đường, tự nhiên sập hầm chông chết luôn”. Ông giải thích cụ thể hơn:
“Thí dụ nói chuyện công an giao thông. Trên con đường trước văn phòng công ty tôi, mình không thấy bảng cấm đậu xe hơi. Tự nhiên tuần sau có cái bảng cấm đậu mà cái bảng này cắm ở chỗ có cành cây che khuất một chút. Bạn đậu vô đó, dính liền bạc triệu tiền phạt. Nhưng tuần sau cái bảng cấm lại bị gỡ đi. Có nhiều xe lại đậu vào. Thế nào cũng có người dính trấu khi tuần sau nữa lại có bảng cấm.
Công an bên kinh tế cũng vậy. Luật lệ thay đổi cũng giống như công an giao thông thay cái bảng cấm đậu xe. Thậm chí luật không đổi thì công an cũng thay đổi cách hiểu về luật để doạ mình. Bạn tôi làm kinh doanh, rồi mở thêm cái quán lẩu bò ở Sài Gòn. Công an ở tận ngoài bộ gọi điện hỏi thăm tình hình kinh doanh. Thử hỏi ai không sợ đái ra quần? Làm kinh doanh cũng giống như lái xe trên đường, nơm nớp sợ công an giao thông ngoắc cây gậy gọi vô.”
Công an còn tham gia vào nhiều thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý cư trú, cấp căn cước công dân, quản lý con dấu, các quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy, giao thông.
Điều giới doanh nhân dè chừng nhất là lực lượng công an, lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh của ông Tổng bí thư.
www.rfa.org