Trước cơn sốt áo cờ đỏ sao vàng, nhân viên xưởng in làm việc xuyên đêm

Nắm bắt được nhu cầu mua áo cờ đỏ sao vàng của người dân rất lớn vào dịp lễ 30/4, xưởng in ấn trang phục của anh Trí tăng sản xuất gấp 15-20 lần.​

"Lời kể bằng hình" về niềm tự tôn dân tộc

Anh Lê Đắc Minh Trí (23 tuổi, ở Hà Nội) bắt đầu kinh doanh online từ năm 15 tuổi. Sau này, tình yêu thời trang và tinh thần dân tộc thôi thúc anh thành lập thương hiệu sản xuất in ấn thời trang do chính anh vận hành suốt 4 năm qua.

Điểm đặc biệt ở các sản phẩm của anh đều mang dấu ấn của văn hóa Việt, từ bản đồ hình chữ S, Quốc kỳ, trống đồng...

"Tôi luôn tin rằng, nếu mỗi bạn trẻ có thể mặc lên người một sản phẩm thể hiện tinh thần yêu nước, thì lòng tự hào dân tộc cũng sẽ được lan tỏa một cách tự nhiên, gần gũi nhất", ông chủ cơ sở in ấn chia sẻ.

Trước cơn sốt áo cờ đỏ sao vàng, nhân viên xưởng in làm việc xuyên đêm - 1

Chiếc áo tâm đắc mà anh Trí và đội ngũ mất hơn 8 tiếng để hoàn thiện (Ảnh: NVCC).

Anh cho biết mỗi dịp lễ lớn như 30/4-1/5 luôn là dịp cao điểm nhất trong năm, xưởng phải sản xuất gấp 15-20 lần so với ngày thường, với hàng chục nghìn áo.

Lượng đơn tăng vọt khiến toàn bộ xưởng phải hoạt động hết công suất. Đội ngũ nhân viên hầu hết đều phải tăng ca đến khuya, có khi đến 2-3 giờ sáng mới kịp giao hàng đúng hẹn.

Trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất khoảng 800-1.000 áo thành phẩm. Đặc biệt, mẫu áo đỏ "Việt Nam" in ngôi sao cách điệu luôn nằm trong nhóm bán chạy nhất.

Dù hoạt động kinh doanh sôi động, anh Trí vẫn giữ quan điểm "làm ra sản phẩm yêu nước không được cẩu thả". Anh tự tay kiểm tra từng bản in, đảm bảo thông điệp truyền tải đúng đắn và hình ảnh văn hóa không bị sai lệch.

Với mức giá dao động 180.000-200.000 đồng, sản phẩm của anh chủ yếu hướng đến học sinh, sinh viên và người trẻ.

Anh cho biết, điều khiến anh thấy "lãi" nhất không phải doanh thu mà là những phản hồi tích cực của khách hàng. Khi thấy ảnh cả ba thế hệ trong một gia đình mặc áo do đơn vị sản xuất vào dịp lễ, anh biết công sức của cả đội đã được đền đáp xứng đáng.

Gói trọn kỷ niệm và niềm tự hào Việt trong từng món quà nhỏ

Chị Đinh Huyền Trang (26 tuổi, ở Hà Nội) không chỉ là một nhiếp ảnh gia tự do với 5 năm kinh nghiệm, mà còn là người đứng sau những sản phẩm lưu niệm nhỏ xinh mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Niềm yêu thích với ảnh, đồ thủ công và đặc biệt là những chuyến đi xuyên Việt đã nuôi dưỡng trong cô một hướng đi mới mẻ; tạo ra những vật phẩm giúp người trẻ lưu giữ kỷ niệm gắn với tình yêu đất nước.

"Là một người làm nghề nhiếp ảnh, mình luôn lưu giữ ký ức qua ảnh. Nhưng ảnh chỉ mới là tệp kỹ thuật số. Mình muốn mọi người thật sự chạm được vào kỷ niệm, bằng một món quà nhỏ có thể đặt trên bàn, treo lên balo, hay tặng người thân", chị Trang chia sẻ.

Chị bắt đầu sáng tạo những món quà mang dấu ấn Việt Nam từ những chuyến đi khám phá 63 tỉnh thành. Mỗi nơi đặt chân tới lại khơi dậy cho cô cảm xúc về vẻ đẹp, chiều sâu và bản sắc của đất nước.

Trước cơn sốt áo cờ đỏ sao vàng, nhân viên xưởng in làm việc xuyên đêm - 2

Bộ sưu tập "Tự hào Việt Nam" của chị Trang (Ảnh: NVCC).

Từ đó, cô gái này cho ra đời loạt sản phẩm độc đáo là khung ảnh 63 tỉnh thành, khung ảnh "Tự hào Việt Nam" và móc khóa nón lá màu cờ Việt Nam.

"Khách hàng của tôi thường là những người yêu đất nước, yêu màu cờ Việt Nam và muốn sở hữu những món đồ mang tinh thần tự hào dân tộc. Tôi rất vui khi nhận được phản hồi tích cực, nhất là từ những bạn mua sản phẩm tặng cha, chú đang công tác trong quân đội - ai cũng hào hứng và yêu thích, chị Trang tâm sự.

Với chị Trang, áp lực lớn nhất khi sáng tạo sản phẩm mang tinh thần yêu nước là phải làm đúng. Chị luôn cẩn trọng kiểm tra thông tin, trao đổi kỹ với cộng sự để tránh sai sót.

Chị cũng cho rằng việc lan tỏa lòng tự hào dân tộc có thể tồn tại dưới nhiều hình thức, miễn là được thực hiện bằng sự tôn trọng và nghiêm túc.

Dù làm việc tự do và theo mô hình rất nhỏ, công việc hiện tại giúp cô gái trẻ có nguồn thu ổn định, đồng thời duy trì đam mê lan tỏa văn hóa Việt. Chị Trang đang lên kế hoạch mở rộng sản phẩm theo từng vùng miền, đưa cả những câu chuyện địa phương vào thiết kế để "mỗi khung ảnh là một lát cắt quê hương".
 
Quá thơm. Kinh doanh phải biết đú trend, bán long yêu nước. Với 180k - 200k thì quá rẻ cho lòng yêu nước.
Với 1000 cái/ngày thì đã tối ưu chi phí đầu vào.
Áo thun trơn 35k/cái. Khuôn, mực in + công + tiền tăng ca = 15k/cái. Tính luôn chi phí cố định, làm tròn cho nó 70k/cái.
Có kênh phân phối tận tay người dùng, vậy ôm trọn tiền lời 110tr - 130tr/ ngày. Thơm, quá thơm.
Quan trong là:
"điều khiến anh thấy "lãi" nhất không phải doanh thu mà là những phản hồi tích cực của khách hàng. Khi thấy ảnh cả ba thế hệ trong một gia đình mặc áo do đơn vị sản xuất vào dịp lễ, anh biết công sức của cả đội đã được đền đáp xứng đáng."
Ba thế hệ cúng cho anh 3 - 4 trăm ngàn thì anh vui hơn cha chết sống lại phải rồi.
 
Top