Trường Harvard chống lại Trump - Điều này có thể kéo dài được bao lâu?

Harvard

Nguồn hình ảnh,Reuters
8 giờ trước
Đại học Harvard cho biết họ sẽ không chấp thuận các yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump - bất kể họ có tiếp tục nhận được tài trợ của liên bang hay không.
"Không có chính phủ nào - bất kể đảng nào nắm quyền - có thể ra lệnh cho các trường đại học tư thục được phép giảng dạy những gì," chủ tịch Harvard, ông Alan Garber, tuyên bố trong một lá thư đăng trên trang web của trường.
Không lâu sau khi Harvard từ chối danh sách các yêu cầu của Nhà Trắng - trong đó có yêu cầu về cách thức quản trị, tuyển dụng và giảng dạy - chính quyền Trump đã đóng băng 2,2 tỷ đô la tiền quỹ liên bang cho tổ chức này.
"Ai cũng biết là Harvard đã 'đi lạc hướng'," ông Donald Trump viết trên mạng xã hội vào sáng thứ Tư. "Harvard là một TRÒ ĐÙA, dạy Hận Thù và Ngu Dốt, và không nên nhận ngân sách liên bang nữa."
Nhiều sinh viên và cựu sinh viên ca ngợi quyết định giữ vững lập trường của trường đại học này, cho dù hậu quả như thế nào.
Cựu Tổng thống Barack Obama, cũng là một cựu sinh viên của trường, gọi động thái của ông Trump là "vụng về" và ca ngợi Harvard là "một tấm gương cho các tổ chức giáo dục đại học khác".
Phản ứng trước quyết định của Harvard từ chối các yêu cầu của chính phủ, Bộ Giáo dục Mỹ đã cáo buộc trường đại học này mang "tư duy đặc quyền đáng lo ngại, vốn đã ăn sâu vào các trường đại học và cao đẳng danh tiếng nhất của đất nước chúng ta – rằng khoản đầu tư từ liên bang không đi kèm với trách nhiệm tuân thủ các luật về quyền dân sự".
Với hàng tỷ đô la liên quan, cuộc chiến giành thế thượng phong trong vụ Harvard có thể chỉ là khởi đầu cho một cuộc đối đầu kéo dài giữa chính phủ liên bang và các trường đại học.
Các cuộc tấn công của ông Trump vào Harvard không phải là đơn lẻ - lực lượng đặc nhiệm chống bài Do Thái của chính phủ đã xác định ít nhất 60 trường đại học cần phải xem xét.
Theo chính quyền Mỹ, vấn đề nằm ở các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine diễn ra tại các trường đại học vào năm ngoái, vốn đã gây chấn động các cơ sở giáo dục trên khắp nước Mỹ, mà theo chính quyền Trump, đã góp phần dẫn đến việc quấy rối sinh viên Do Thái.
Tháng trước, Đại học Columbia đã đồng ý với nhiều yêu cầu của chính quyền sau các cuộc biểu tình - sau khi chính phủ cắt giảm 400 triệu đô la tiền tài trợ.
Harvard cũng đã nhượng bộ. Trường đã đồng ý tham gia lực lượng đặc nhiệm của chính quyền để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Trường đã sa thải các nhà lãnh đạo của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và đình chỉ Sáng kiến Tôn giáo, Xung đột và Hòa bình vì cáo buộc thiên vị chống Israel.
Và vào tháng Một, Harvard đã dàn xếp hai vụ kiện do sinh viên Do Thái đệ đơn cáo buộc chủ nghĩa bài Do Thái. Trường không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào và cho biết thỏa thuận này cho thấy cam kết hỗ trợ sinh viên và nhân viên Do Thái của trường.
Nhưng Harvard đã vạch ra ranh giới đối với danh sách yêu cầu của Nhà Trắng.
Sinh viên Harvard Sa'maia Evans, một nhà hoạt động và là thành viên của Tổ chức Kháng cự châu Phi và người Mỹ gốc Phi của trường, cho biết quyết định của trường đã được cân nhắc từ lâu.
"Harvard sẽ chỉ hành động khi mà trường bị buộc phải chịu trách nhiệm," cô nói với BBC.
Cô cho biết các cuộc biểu tình gần đây trong khuôn viên trường – cùng với làn sóng chỉ trích thỏa thuận của Đại học Columbia với chính quyền Trump – đã góp phần tạo áp lực lên ban lãnh đạo nhà trường.
"Họ hiểu công chúng - họ sẽ phải hứng chịu phản ứng dữ dội của công chúng" nếu họ đầu hàng, cô Evans nói.
"Sẽ là bất thường nếu Harvard làm bất cứ điều gì mà không phục vụ cho lợi ích của chính mình".
Với quỹ tài trợ lên đến 53,2 tỷ đô la - một con số lớn hơn GDP của một số quốc gia nhỏ - Harvard có khả năng đặc biệt để vượt qua cơn sóng gió. Nhưng các chuyên gia cho biết trường vẫn đang trong tình trạng khó khăn.
"Hầu hết các nhà hoạch định chính sách coi tiền tài trợ như một tài khoản ghi nợ, một thẻ ghi nợ mà họ có thể rút tiền và sử dụng cho bất kỳ mục đích nào," Steven Bloom, người phát ngôn của Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ, cho biết. "Nhưng không phải vậy."
Dù quỹ tài trợ của Harvard có quy mô khổng lồ, trường cho biết 70% số tiền đó đã được phân bổ cho các dự án cụ thể – điều này là khá phổ biến đối với các quỹ tài trợ giáo dục, theo ông Bloom.
Harvard phải chi tiền theo chỉ đạo của các nhà tài trợ, nếu không sẽ có nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Và chi phí của Harvard rất lớn - ngân sách hoạt động năm 2024 của trường là 6,4 tỷ đô la. Khoảng một phần ba trong số đó là tiền tài trợ - với 16% đến từ chính phủ liên bang, thường là để hỗ trợ những việc được cho là mang lại lợi ích cho toàn bộ nước Mỹ, chẳng hạn như nghiên cứu y sinh.
Ông Bloom cho biết quy tắc vàng quản lý quỹ tài trợ là các trường đại học không được chi quá 5% tổng tiền tài trợ của mình mỗi năm. Để bù đắp khoản lỗ 2 tỷ đô la, trường sẽ cần phải tăng quỹ tài trợ thêm 40 tỷ đô la.
"Không dễ gì mà kiếm ra được 40 tỷ đô la," ông Bloom nói.
Và nỗi đau đó sẽ chỉ gia tăng nếu ông Trump thực hiện được lời đe dọa tước bỏ quy chế miễn thuế của Harvard. Quy chế này giúp trường tránh phải nộp thuế cho các khoản đầu tư và tài sản của mình.
Harvard có các cơ sở trên khắp khu vực Đại Boston, và theo ước tính của hãng tin Bloomberg, trường đã tiết kiệm được khoảng 158 triệu đô la tiền thuế tài sản trong năm 2023.
Tình hình hiện nay khiến một số sinh viên hoài nghi về việc tình trạng này có thể kéo dài bao lâu.
"Chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa nếu muốn tấn công Harvard, và tôi không lạc quan rằng họ sẽ dừng lại sau khi cắt giảm 2,2 tỷ đô la," Matthew Tobin, đại diện sinh viên phụ trách học thuật của Harvard, nói.
Theo Tobin, những ý kiến cho rằng chính quyền Trump đưa ra những yêu cầu này để giúp Harvard là "vớ vẩn".
"Đó là một cuộc tấn công hoàn toàn vô đạo đức," anh nói với BBC.
"Việc cắt giảm ngân sách liên quan đến việc ông Trump tấn công một tổ chức mà ông coi là theo xu hướng tự do, và muốn kiểm soát nhiều hơn về những gì người ta giảng dạy, cũng như cách sinh viên học tập và suy nghĩ."
 

Có thể bạn quan tâm

Top