Từ Việt Nam tới Hoa Kỳ, Đại học UC Irvine UCI tổ chức hội thảo 50 năm cộng đồng Việt Nam

Don Jong Un

Đẹp trai mà lại có tài
Vatican-City
Đại học UC Irvine (UCI) tổ chức hội thảo “Những Câu Chuyện Từ Việt Nam Tới Hoa Kỳ-50 Năm Lịch Sử và Cộng Đồng,” với nhiều diễn giả thuộc các thế hệ, xoay quanh những kinh nghiệm của cá nhân, gia đình, và cộng đồng người Việt tị nạn trong suốt năm thập niên qua.
Hội thảo được tổ chức tại Khoa Nhân Văn của UCI hôm 7 Tháng Năm, thu hút nhiều nhân sĩ trong cộng đồng cũng như sinh viên tham dự.


Giáo Sư Nguyễn Dịu Hương, thuộc Khoa Lịch Sử của UCI, chia sẻ rằng nhân dịp 50 năm xây dựng cộng đồng người Việt hải ngoại, Khoa Lịch Sử tổ chức chuỗi sự kiện từ ngày 7 đến 9 Tháng Năm gồm có hội thảo, hòa nhạc, và chiếu phim.

Giáo Sư Tyrus Miller, trưởng Khoa Nhân Văn của UCI, và Giáo Sư Dịu Hương chào mừng khán giả, cho biết hội thảo này nhằm tái hiện một phần bối cảnh lịch sử của giai đoạn quan trọng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại, từ đó thúc đẩy việc hiểu và diễn giải lịch sử một cách toàn diện từ nhiều góc độ.

Giáo Sư Nguyễn Dịu Hương tiếp: “Chúng tôi mong muốn nâng cao tiếng nói không chỉ của thế hệ trải qua chiến tranh, mà còn hướng đến những thế hệ trẻ hơn. Trong số các diễn giả của chúng ta hôm nay, có người đã ngoài 80 tuổi, cũng như những người đang ở độ tuổi 40, 50. Nhưng hãy nhìn vào khán giả hôm nay – chúng tôi rất vui khi thấy có nhiều gương mặt trẻ hiện diện.”

“Trong những năm giảng dạy tại UCI, tôi từng tiếp đón nhiều sinh viên, ngồi hàng giờ để nghe các em chia sẻ về khủng hoảng căn cước, về những thắc mắc xoay quanh cội nguồn gia đình, và sự tò mò về quê hương gốc gác – Việt Nam. Thế hệ sinh viên này tuy sinh ra sau chiến tranh, nhưng vẫn kế thừa những vết thương vô hình mà chiến tranh để lại trong gia đình họ,” nữ giáo sư chia sẻ.

“Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt”

Diễn giả đầu tiên là cựu Đại Sứ Kenneth Moorefield, kể lại câu chuyện của nửa thế kỷ trước với tựa đề “Midnight On the Roof of The American Embassy, Sài Gòn: April 30, 1975.”

Ông Moorefield từng làm cố vấn cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từ năm 1967 đến 1968 và hiện diện trong suốt cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Ông quay trở lại Việt Nam vào năm 1973 với vai trò phụ tá đặc biệt cho đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, và ở lại cho đến khi Sài Gòn “sụp đổ,” và là một trong những người Mỹ cuối cùng tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.

Ông Moorefield nán lại đến phút cuối cùng để di tản càng nhiều người Việt càng tốt trước khi rời đi. Sau chiến tranh, ông tiếp tục làm việc trong ngành ngoại giao, và sau này trở thành đại sứ Hoa Kỳ tại Gabon từ năm 2002 đến 2004.

“Tôi đau xót khi chứng kiến cảnh di tản của người dân Việt Nam vào Tháng Tư định mệnh đó. Có nhiều điều, có nhiều người chúng tôi muốn giúp nhưng bất lực vì thời cuộc. Tôi rất tự hào khi được phục vụ thời VNCH và rất vinh dự có mặt tại buổi hội thảo hôm nay,” vị cựu đại sứ cho biết.

Sau đó, nhạc sĩ Nam Lộc và bà Đỗ Thị Hồng Phượng tiếp nối diễn đàn, chia sẻ về câu chuyện cuộc đời sau 50 năm ly hương.

Nhạc sĩ Nam Lộc sinh ra ở Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam. Năm 1954, ông di cư vào miền Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu sự nghiệp với vai trò nhạc sĩ và ca sĩ tại Sài Gòn, trước khi nhập ngũ và phục vụ trong Quân Lực VNCH với tư cách phóng viên chiến trường trong ba năm.

Ông cũng nói về khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật với Quán Văn, mở quán cafe Quán Gió, rồi đến cafe Hầm Gió, tạo diễn đàn âm nhạc cho các ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng của phong trào Nhạc Trẻ lúc bấy giờ.

Ngày 27 Tháng Tư, 1975, ông rời Sài Gòn mang theo nỗi lòng “Người Di Tản Buồn.”

Sau một thời gian ngắn ở đảo Guam, ông tới trại tị nạn Camp Pendleton, sau đó định cư tại Los Angeles, California, và tiếp tục hoạt động âm nhạc. Ông cũng cống hiến nhiều thời gian cho các công việc nhân đạo, giúp đỡ người tị nạn và di dân.

Tiếp đến, diễn giả Đỗ Thị Hồng Phượng, tác giả của hai tập thơ “Dòng Kỷ Niệm” và “Hương Thời Gian,” kể về câu chuyện đời mình.

Bà Phượng sinh năm 1938 tại Hà Nội. Trong cuộc di cư lớn năm 1954, bà theo dòng người di tản vào miền Nam và đến Sài Gòn, nơi bà theo học tại trường trung học Pháp Lycee Marie-Curie. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc trong các vị trí hành chính cho nhiều cơ quan của Hoa Kỳ như MAAG và JUSPAO/USIS.

Do mối liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ, bà Phượng được di tản bằng máy bay rời khỏi Việt Nam vào ngày 24 Tháng Tư, 1975. Bà tạm trú tại đảo Guam trước khi chuyển đến trại tiếp nhận Fort Chaffee, Arkansas. Năm 1976, bà chuyển đến California và làm việc tại ngân hàng California Overseas Bank cho đến khi nghỉ hưu năm 1994.

Người Việt hải ngoại qua lăng kính của ba thế hệ

Buổi hội thảo tiếp diễn bằng câu chuyện của một gia đình gồm ba thế hệ với diễn giả là ông Đinh Sinh Long, bà Trần Ngọc Diệp, với ba người con là cô Linh Kochan, cô Tanya Đinh, và ông Peter Đinh, cùng với cô cháu ngoại Andrea Đoàn.

Phần hội thảo như buổi tự sự đầy xúc cảm của gia đình họ Đinh với những ký ức đau thương sau khi Sài Gòn thất thủ, cùng kinh nghiệm kinh hoàng của một sĩ quan trong tù cải tạo, cuộc sống bấp bênh và đầy biến động của những người con của cựu quân nhân VNCH, và hành trình vượt biển đầy sóng gió để đến được bến bờ tự do.

Ông Đinh Sinh Long gia nhập Không Quân VNCH, phục vụ với cấp bậc sĩ quan trong suốt 12 năm, bao gồm vai trò phát ngôn viên của Bộ Tư Lệnh Không Quân. Khi miền Nam “sụp đổ,” ông bị đưa vào trại cải tạo và phải chịu đựng nhiều năm lao động khổ sai. Năm 1989, ông đoàn tụ với vợ là bà Diệp và ba người con tại Hoa Kỳ.

Sau đó, ông Long làm việc tại Văn Phòng Biện Lý Cuộc Orange County trong vai trò chuyên viên cấp cao về Hỗ Trợ Trẻ Em cho đến khi nghỉ hưu năm 2006.

Ông Long cũng là một nhạc sĩ và ca sĩ nghiệp dư, sáng tác các nhạc phẩm dựa trên những kinh nghiệm của chính tác giả như một cách “vui thú điền viên.”

Video bài hát “Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn” do ông sáng tác và trình bày cũng được chiếu tại buổi hội thảo.

“Đây có thể là lần đầu tiên mà chúng tôi mở lòng với nhau về những tổn thương riêng của mỗi thành viên,” cô Linh Kochan sụt sùi nói, hòa chung với những giọt nước mắt của các thành viên gia đình.

Cô cháu gái Andrea, sinh trưởng ở Mỹ, chia sẻ: “Trước giờ mỗi lần mẹ nói về chuyện vượt biển thì chị em chúng tôi không mấy quan tâm, nhưng hôm nay khi biết được những ký ức đau thương của ông bà, của mẹ, và dì, cậu, khiến tôi càng thêm trân trọng về căn cước người Việt của mình. Tôi chắc chắn phải dạy con mình nói lưu loát tiếng Việt.”

Sự vươn lên của cộng đồng Little Saigon

Phiên thảo luận này tôn vinh một số nhân vật góp phần hình thành, phát triển, và chuyển mình của cộng đồng người Việt tại Little Saigon, Orange County, nơi được xem là thủ đô của người Việt tị nạn.

Các diễn giả theo thứ tự diễn thuyết gồm nhà báo Đỗ Bảo Anh (phó chủ biên phụ trách văn hóa và tài năng, nhật báo The Los Angeles Times), Luật Sư Trần Thái Văn (dân biểu tiểu bang California gốc Việt đầu tiên), bà Frances Nguyễn Thế Thủy (ủy viên Học Khu Westminster), cùng Bác Sĩ Nguyễn Thành Tâm (đồng sáng lập Advance Beauty College).

Thông qua câu chuyện của các nhà lãnh đạo cộng đồng này, phiên thảo luận nhấn sâu vào những thành tựu, thách thức và khát vọng không ngừng của cộng đồng, mang đến góc nhìn sâu sắc về tinh thần kiên cường và sự phát triển suốt nửa thế kỷ qua.

Nhà báo Đỗ Bảo Anh kể về thời niên thiếu rằng sau những buổi học ở trường, cô mau chóng chạy về nhà phụ cha mình là cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến, cùng các bác cựu phóng viên, lên khuôn những trang báo trong “garage” nghi ngút khói thuốc lá.

Nhà báo Đỗ Ngọc Yến là sáng lập viên của nhật báo Người Việt, tờ báo bắt đầu hoạt động từ năm 1978.

Nữ nhà báo cũng chia sẻ về triết lý của thân phụ mình là “cộng đồng trên công ty,” và cho biết chính thời gian làm báo với các bậc tiền bối năm nào đã dần định hướng phong cách viết báo vì cộng đồng, cho cộng đồng của mình.

Một điều thú vị của phiên hội thảo này là ba diễn giả Trần Thái Văn, Frances Nguyễn Thế Thủy, và Nguyễn Thành Tâm đều là cựu sinh viên UCI, và nay trở lại mái trường xưa để chia sẻ kinh nghiệm thành công và phát triển cộng đồng.

Luật Sư Trần Thái Văn là cháu gọi cố Trung Tướng Dư Quốc Đống của VNCH bằng cậu ruột. Ông Văn cũng là cháu gọi cố Linh Mục Trần Thái Hiệp, giám đốc Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, bằng chú.

Vào đầu năm 1987, khi vẫn còn là sinh viên UCI, ông Văn bắt đầu tham gia vào một tổ chức nhân đạo bất vụ lợi mang tên “Project Ngọc.” Đây được xem là tổ chức sinh viên đầu tiên được thành lập với sứ mệnh duy nhất là bảo vệ quyền lợi cho người tị nạn Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Văn đắc cử nghị viên Garden Grove năm 2000, trở thành dân cử gốc Việt đầu tiên của thành phố. Bốn năm sau, ông đắc cử dân biểu California, Địa Hạt 68, trở thành dân cử gốc Việt đầu tiên của Quốc Hội tiểu bang.

Đến phần thuyết trình của mình, bà Frances Nguyễn Thế Thủy mang theo chiếc áo đồng phục của trường dòng mà bà mặc trong chuyến di cư cùng gia đình vào cuối Tháng Tư, 1975. Chiếc áo 50 năm tuổi này là một phần “chứng nhân” của lịch sử.

Bà Thủy hiện là giảng viên đại học Santa Ana College, dạy các môn về kinh doanh và tiếng Việt.

Bà được bầu làm nữ chủ tịch đầu tiên của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California, năm 1985. Bà cũng là người gốc Việt đầu tiên giữ chức chủ tịch Phòng Thương Mại Westminster.

Năm 2016, bà được bầu vào Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster và vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2024.

Bà cho biết có đóng góp vai trò quan trọng trong việc phổ biến chương trình tiếng Việt tại học khu. Học Khu Westminster là học khu đầu tiên ở California cũng như ở Mỹ có chương trình song ngữ.

Diễn giả cuối cùng là Bác Sĩ Nguyễn Thành Tâm, người đảm nhiệm nhiều vai trò lãnh đạo trong cộng đồng và giới doanh nghiệp, bao gồm cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Cơ Quan Giao Thông Orange County (OCTA), tổng thư ký hội đồng bệnh viện MemorialCare (khu vực Orange County), chủ tịch danh dự Hội Đồng Quản Trị Từ Thiện của đại học Cal State Fullerton (CSUF), và là đồng sáng lập viên của tổ chức bất vụ lợi Nailing It For America.

Ông cũng góp phần quan trọng trong việc vận động CSUF, cũng là nơi ông lấy bằng cao học, công bố phúc trình nghiên cứu về sự phát triển và phồn vinh của Little Saigon, hồi Tháng Mười, 2024.

Với mục tiêu đưa lịch sử và văn hoá Việt Nam đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là với cộng đồng trẻ tại hải ngoại, chuỗi sự kiện còn có chương trình hòa nhạc với chủ đề “The Odyssey & Beyond” ở rạp Irvine Barclay Theater vào tối 8 Tháng Năm, và chiếu phim “New Wave” vào chiều 9 Tháng Năm.

Để biết thêm về các sự kiện 50 năm người Việt hải ngoại của UCI, xin vào trang web: sites.uci.edu/vietnam50years/.
 

Có thể bạn quan tâm

Top