
Quảng Bình và Quảng Trị đã có cuộc họp để bàn về việc sáp nhập tỉnh. Lãnh đạo hai tỉnh nhấn mạnh, tuyệt đối tránh tư tưởng cục bộ địa phương, phân biệt "tỉnh tôi - tỉnh anh" khi triển khai hợp nhất.
Chiều 17/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã tổ chức hội nghị triển khai một số nội dung liên quan đến việc sáp nhập tỉnh.Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh đã thảo luận triển khai tổ chức, thực hiện việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sẽ đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị trao đổi công việc liên quan đến công tác sáp nhập (Ảnh: Thanh Hiếu).
Trước mắt, hai tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính với 34 thành viên. Đồng Trưởng ban là ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình và ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.
Ban Chỉ đạo gồm hai tổ giúp việc: Tổ phụ trách tham mưu các nội dung về tài sản, tài chính, hậu cần và các điều kiện đảm bảo cho công tác hợp nhất; tổ tham mưu việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về việc tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị; cơ cấu lãnh đạo; biên chế cán bộ, công chức; thống kê tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc; đồng thời xây dựng phương án kiện toàn tổ chức và đề xuất bố trí trụ sở làm việc.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng của cán bộ, công chức khi hai tỉnh hợp nhất như: Đi làm xa gia đình, điều kiện ăn ở, đi lại khó khăn. Các đại biểu đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về đi lại, cũng như nhà ở công vụ cho cán bộ làm việc tại trung tâm hành chính mới.
Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh, Quảng Bình và Quảng Trị có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, con người, cùng chung khát vọng phát triển.
Trên cơ sở nội dung của hội nghị này, tỉnh Quảng Trị sẽ giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án theo đúng nguyên tắc, quy định của Trung ương.
Về phía Quảng Bình, ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng, những băn khoăn lo lắng của cán bộ, công chức là chính đáng. Hai tỉnh sẽ cùng bàn các giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề này, có chủ trương chung về nhà công vụ, cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ công chức làm việc xa gia đình.
Tỉnh ủy Quảng Bình giao Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo UBND tỉnh chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị rà soát bố trí nhà công vụ, tính toán cơ chế đi lại.

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị khoác tay nhau chụp ảnh thể hiện sự đoàn kết, thống nhất (Ảnh: Thanh Hiếu).
Hội nghị cũng thống nhất cao với các nội dung cơ bản của Dự thảo Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đảng ủy UBND hai tỉnh chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn theo đúng quy định, trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Lãnh đạo hai tỉnh nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị chung có ý nghĩa chiến lược, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Cần tuyệt đối tránh biểu hiện tiêu cực, tư tưởng cục bộ địa phương, phân biệt "tỉnh tôi - tỉnh anh" khi triển khai hợp nhất, nhằm bảo đảm tinh thần đoàn kết, thống nhất, điều mà Trung ương đã nhiều lần nhấn mạnh trong các văn bản chỉ đạo.