
Dù từng có kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong tốt, nhiều lao động sau khi đi Nhật, Hàn về nước vẫn khó hòa nhập thị trường việc làm trong nước, phần lớn do chênh lệch kỳ vọng.
Kỹ năng, ngoại ngữ tốt nhưng khó trụ lại doanh nghiệp ViệtSau 8 năm làm việc tại Nhật Bản, Vũ Mạnh Sơn, 35 tuổi, quyết định về nước với kỳ vọng tìm công việc ổn định, phát triển lâu dài. Với trình độ tiếng Nhật giao tiếp lưu loát và kinh nghiệm sản xuất, anh nhanh chóng được một công ty Nhật Bản tại TPHCM tuyển dụng vào vị trí quản lý sản xuất.
Mức lương khởi điểm anh Sơn nhận được là 12 triệu đồng - gấp đôi mức lương khởi điểm của công nhân. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Sơn nghỉ ngang.
"Mức lương này vẫn quá thấp so với thu nhập của tôi khi làm việc ở nước ngoài. Ở Nhật, cùng công việc đó, tôi có thể nhận 30-40 triệu đồng. Còn ở đây, cố lắm cũng chỉ 15 triệu đồng", anh Sơn nói.
Không chỉ thu nhập thấp, môi trường làm việc trong nước khiến anh hụt hẫng vì thiếu quy trình bài bản, không được trao quyền rõ ràng như khi làm việc tại Nhật. Anh quyết định rẽ hướng sang lĩnh vực bất động sản, từ bỏ hoàn toàn chuyên môn kỹ thuật.
"Dù cũng là doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng khi xây dựng ở Việt Nam vẫn có sự giao thoa văn hóa. Khi mình là người Việt làm ở Nhật thì họ tin tưởng và giao việc cho mình tuyệt đối. Nhưng khi mình làm ở Việt Nam, mình cảm thấy họ vẫn có sự dè chừng, không hoàn toàn tin tưởng để giao việc cho mình", anh Sơn nhớ lại.

Được tuyển dụng với mức lương gấp đôi công nhân, anh Sơn vẫn không mặn mà (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Tương tự, anh Lê Văn Khiêm, 30 tuổi, sau ba năm làm việc tại Nhật Bản, trở về Việt Nam và thử sức với nhiều nghề như lái taxi, kinh doanh,... Nhưng mức sống bấp bênh và cú sốc văn hóa ngược khiến anh mất phương hướng. Dù được một số công ty mời gọi với vị trí phiên dịch, hành chính hay quản lý chuyền, anh từ chối vì không phù hợp với tính cách và kỳ vọng.
"Không bằng đại học thì chỉ đứng máy, mà lương cũng chỉ 8-10 triệu. Bên Nhật, mình làm việc cật lực, nhưng thu nhập gấp ba lần", anh Khiêm chia sẻ.
Sau bốn năm tìm việc không như ý, anh quyết định làm hồ sơ trở lại Nhật để học nghề và lấy bằng kỹ sư.

Nhiều lao động sau khi quay về nước phải tìm đường ra nước ngoài vì không thể hòa nhập (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Nghịch lý: Doanh nghiệp cần, người lao động giỏi nhưng vẫn khó gặp nhau
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, người từng đi Nhật, Hàn về rất được doanh nghiệp săn đón vì có tay nghề, ngoại ngữ và tác phong chỉn chu. Tuy nhiên, giữ chân họ là chuyện khác.
Chị Ngọc Lan, phụ trách tuyển dụng tại một công ty Nhật tại Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết công ty sẵn sàng tuyển những lao động này mà không cần thử thách nhiều, nhưng vẫn khó tìm.
"Đầu năm nay tuyển được 5 người thì một tháng sau họ nghỉ hết. Họ làm ở vị trí quản lý sản xuất, lương tốt hơn công nhân, nhưng nếu so với khi đi Nhật thì không bao giờ bằng được. Có nâng mấy cũng không bằng", chị Lan nói.

Mức lương và môi trường làm việc là lý do doanh nghiệp trong nước không giữ chân được người đi lao động ở nước ngoài trở về (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Ngoài chênh lệch thu nhập, khác biệt trong văn hóa làm việc cũng là rào cản lớn. Ở Nhật, một người có thể được giao việc, thử thách vài tuần rồi trao quyền rõ ràng. Còn ở Việt Nam, quản lý phải giám sát nhân viên liên tục nhiều tháng. Điều này khiến người lao động cảm thấy không được tin tưởng và không có cơ hội thể hiện năng lực.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội Social Life, sự vênh giữa kỳ vọng và thực tế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều lao động hồi hương mất phương hướng.
"Không ít người rơi vào cú sốc văn hóa ngược, vì đã quen với nhịp sống và chuẩn mực bên nước ngoài. Khi trở về, không đáp ứng được kỳ vọng, họ dễ nản lòng", ông Lộc nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (Ảnh: DT).
Bẫy kỳ vọng và gợi mở giải pháp
Việt Nam đã đưa người lao động đi nước ngoài làm việc từ những năm 1980 để nâng cao tay nghề.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 4 là 10.854 người, trong đó có 4.064 lao động nữ. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 47.881 người, đạt 36,8% kế hoạch năm.
Tuy vậy, theo báo cáo của JICA (Nhật Bản), chỉ 26,7% thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm phù hợp - thấp nhất khu vực. Tỷ lệ này ở Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đều trên 50%.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) năm 2017 cũng cho thấy hơn 60% lao động sau khi hồi hương làm công việc không liên quan đến chuyên môn khi đi xuất khẩu.
Giải pháp nào cho bài toán này? Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, cả người lao động và doanh nghiệp cần nhìn nhận lại thực tế. Doanh nghiệp nên đổi mới cách đánh giá năng lực, minh bạch quy trình lương thưởng và tạo điều kiện thăng tiến. Người lao động nên hạ thấp kỳ vọng, chấp nhận bắt đầu lại từ vị trí thấp để tạo đà phát triển về sau.
"Có người chọn mức lương vừa phải ở năm đầu, thể hiện năng lực rồi thương lượng lại. Cách tiếp cận đó khôn ngoan hơn là đứng giữa kỳ vọng cao và thực tế thấp", ông Lộc nhận định.
Sau nhiều năm loay hoay tìm việc khi về nước, Lê Văn Khiêm nhận ra bản thân người lao động như cậu phải chủ động học hỏi dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi đó dù ở lại nước ngoài hay về nước vẫn có nhiều cơ hội tốt hơn.
"Nếu đã xác định ở lại thì phải học thêm, lấy bằng, nói được tiếng thì mới có cơ hội. Nhìn lại đã 4-5 năm trôi qua, bạn bè cùng lứa đã lên chức, mình vẫn loay hoay, thấy còn thua cái thời chưa đi nước ngoài làm việc. Khi đã có những nền tảng đó rồi thì về nước cũng dễ tìm được những công việc đúng kỳ vọng", anh Khiêm đúc kết.