

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam chưa bao giờ đưa ra định nghĩa cho bất kỳ thuật ngữ nào trong số này, cũng như thường không đưa ra lời giải thích cụ thể cho những quyết định ký Đối tác chiến lược toàn diện.
14 tháng 3 2025
Chỉ hai ngày sau khi nâng cấp quan hệ với Indonesia lên thành đối tác chiến lược toàn diện, Tổng Bí thư Tô Lâm làm điều tương tự với Singapore, đưa con số có quan hệ ngoại giao cao nhất với Việt Nam lên 12.
Trước đó khoảng hai tuần, New Zealand trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 10 của Việt Nam.
Có thể nhận thấy tốc độ nâng cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia đang được đẩy nhanh một cách chóng vánh.
Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam đầu tiên là Trung Quốc, được thiết lập vào tháng 5/2008 khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới thăm Trung Quốc.
Đến bốn năm sau, Việt Nam có thêm quốc gia thứ hai ở cấp độ này là Nga (7/2012).
Cũng phải mất đến bốn năm nữa để Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ ba của Việt Nam.
Thời gian còn kéo dài hơn khi mất đến sáu năm tiếp theo, vào cuối năm 2022, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ tư.
Tổng cộng, trong 14 năm (5/2008 - 3/2022), Việt Nam có bốn đối tác chiến lược toàn diện.
Nhưng tốc độ nâng cấp quan hệ ngoại giao đã được đẩy lên đáng kể khi tháng 9/2023 Việt Nam và Mỹ cùng ký với nhau nâng cấp lên mối quan hệ này, chưa đầy một năm sau khi ký với Hàn Quốc.
Cũng trong năm 2023, Nhật Bản cũng lọt vào danh sách.
Đến năm 2024, có thêm ba nước gia nhập, gồm Úc, Pháp và Malaysia.
Tốc độ được đẩy nhanh hơn trong những tháng đầu năm 2025 này với ba tên tuổi mới.
Trong năm đối tác chiến lược toàn diện mới nhất của Việt Nam là Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia và Singapore, thì chỉ có New Zealand là được thực hiện sau cuộc gặp giữa thủ tướng hai nước, còn lại đều mang dấu ấn của ông Tô Lâm.
Vậy thì đối tác chiến lược là gì mà khiến Việt Nam phải hối hả thực hiện như thế?

Đối tác chiến lược toàn diện là cấp quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam, rồi lần lượt tới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác song phương.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ đưa ra định nghĩa cho bất kỳ thuật ngữ nào trong số này, cũng như thường không đưa ra lời giải thích cụ thể cho những quyết định ký đối tác chiến lược toàn diện.
Thông thường, cấp quan hệ ngoại giao sẽ dần dần phát triển theo thứ tự thấp đến cao.
Duy chỉ có với Mỹ là Việt Nam nâng cấp quan hệ từ mức đối tác toàn diện lên thẳng mức đối tác chiến lược toàn diện, bỏ qua mức đối tác chiến lược.
Theo bài viết ngày 11/3 của ông Sebastian Strangio trên The Diplomat, việc Việt Nam liên tục tăng cường số lượng đối tác chiến lược toàn diện là cách quốc gia này phòng thủ trước sự hỗn loạn và bất ổn địa chính trị ngày càng tăng của thời điểm hiện tại.
Khi ký kết nâng cấp lên mức cao nhất này, Việt Nam và quốc gia còn lại thường sẽ cam kết tăng cường hợp tác trong hầu như toàn bộ lĩnh vực, theo nghĩa của từ "toàn diện".
Chẳng hạn, sau khi nâng cấp với Singapore, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như cáp ngầm, tài chính, năng lượng...

Chụp lại video,Donald Trump áp thuế quan: Việt Nam chịu ảnh hưởng gì?
Sẽ ký thêm với ai?
Về cơ bản, nếu có sự đồng thuận giữa hai nước, Việt Nam có thể nâng cấp mối quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất bất cứ lúc nào, một phần là do sự mơ hồ và linh hoạt của khái niệm tác chiến lược toàn diện này.Trong danh sách 12 quốc gia này, có ba ở Đông Á, ba ở Đông Nam Á, hai ở Châu Đại Dương, một ở Nam Á, một ở Châu Âu và một ở Bắc Mỹ.
Có thông tin Việt Nam và Thái Lan, hiện là đối tác chiến lược, sẽ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất.
Năm 2013, Thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố về mong muốn Việt Nam sẽ thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược với năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).
Cho đến này, trong số này, chỉ còn Anh là Việt Nam chưa có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Trong khi đó, những quốc gia "anh em" của Việt Nam là Lào, Campuchia và Cuba thuộc nhóm "Quan hệ đặc biệt".
Việt Nam và Philippines hiện đang là đối tác chiến lược và chưa bày tỏ ý định nâng cấp quan hệ.
Tuy nhiên, theo bài viết của TS Nguyễn Hồng Hải đăng ngày 12/3 trên The Diplomat, việc Philippines là một trong năm thành viên sáng lập ASEAN, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực, và quốc gia có yêu sách ở Biển Đông với sự tôn trọng chung đối với luật pháp hàng hải quốc tế, Hà Nội và Manila "chắc chắn sẽ xem xét việc nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện trong tương lai gần".
Hai nước đã kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và ký kết một hiệp định thương mại tự do, hiệp định đầu tiên mà Việt Nam thực hiện với một quốc gia Trung Đông, vào năm 2023.
Việt Nam cũng đã mua một lượng lớn vũ khí và công nghệ quốc phòng từ Israel trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và Nga không thể cung cấp cho Việt Nam những vũ khí, khí tài tiên tiến.
Mới đây, báo Haaretz của Israel đưa tin Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 680 triệu USD cho hai vệ tinh do thám từ Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI).
Tuy nhiên, Israel không phải là đối tác toàn diện hay đối tác chiến lược của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện nào ở châu Phi.
Tuy nhiên, quan hệ "Đối tác vì Hợp tác và Phát triển" mà Việt Nam ký kết với Nam Phi vào năm 2004 được đánh giá là tương đương với mức đối tác toàn diện do phạm vi hợp tác của nó, theo bài viết của TS Hải.
Hai nước cũng đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác – điều mà ông Hải cho rằng đáng để Việt Nam xem xét, cân nhắc tới vai trò của Nam Phi ở châu Phi và tư cách thành viên quan trọng của nước này trong BRICS.